TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
Kính thưa đại chúng, hôm nay là ngày mồng 2 tháng 4 năm 2005, chúng ta đang ngồi ở giảng đường trước Tổ đình Long Khánh, tỉnh Bình Định. Bài pháp thoại hôm nay sẽ nói về phương pháp điều phục cơn giận.
Hôm qua chúng ta đã được nghe một bài kệ mà chúng ta có thể thực tập mỗi buổi sáng:
Thức dậy miệng mỉm cười,
Hăm bốn giờ tinh khôi,
Xin nguyện sống trọn vẹn,
Mắt thương nhìn cuộc đời.
Trong bài kệ đó có danh từ "Mắt thương". Mắt thương là con mắt thương yêu, con mắt từ bi. Mình có được con mắt thương yêu thì cuộc đời của mình đỡ khổ rất nhiều. Tu học là phải thực tập như thế nào để có được con mắt đó mà đem ra sử dụng mỗi ngày.
Đức Thế Tôn là người có con mắt thương. Ngài biết sử dụng con mắt thương đó 24 giờ mỗi ngày, cho nên ngài không bao giờ giận hờn, buồn khổ, trách móc. Khi ngài nhìn người khác bằng con mắt thương thì ai cũng cảm thấy hạnh phúc, thoải mái.
Quý vị hãy tự hỏi mình có con mắt thương chưa? Nếu có thì mình có đem ra để sử dụng hàng ngày hay không. Chắc chắn là mình đã có con mắt thương, nhưng mình chưa thực tập cho nên mình chưa quen sử dụng. Mắt thương là con mắt từ bi. Kinh Pháp Hoa có danh từ Từ nhãn tức là con mắt từ bi, tiếng Anh là Compassionate Eye.
Khi nhìn người khác và mình thấy tội nghiệp người đó, thấy thương người đó, thấy chấp nhận được người đó, và thấy không giận hờn người đó thì lúc đó mình đang sử dụng con mắt thương. Khi nhìn người kia và mình thấy bực bội, thấy muốn đánh, thấy muốn la mắng, thấy muốn trừng phạt, thấy thù hận người kia, thì lúc đó mình đang nhìn bằng con mắt ghét. Quý vị có con mắt ghét, và quý vị cũng có con mắt thương. Chúng ta hãy học hỏi, thực tập để đừng dùng con mắt ghét, và chỉ nên dùng con mắt thương mà thôi. Dùng con mắt thương suốt ngày thì mình có hạnh phúc 24 giờ đồng hồ một ngày, và mình tạo hạnh phúc cho những người chung quanh suốt ngày.
Như đã nói, trong mỗi chúng ta có một con mắt ghét và một con mắt thương. Mình phải cẩn thận. Con mắt ghét thì tự nhiên nó có thể nhảy ra, còn con mắt thương thì mình phải biết cách mời ra, mình mới có mà xài. Tại vì lâu nay chúng ta không tu tập, con mắt ghét có cơ hội xuất hiện rất thường. Đụng một cái là nó nhảy phóc ra và chúng ta nhìn bằng con mắt ghét đó. Chuyện đó đã trở thành một thói quen, một tập khí. Mỗi khi người kia nói một câu gì mà ta không vừa ý, mỗi khi người kia làm một điều gì chướng tai gai mắt, thì tự nhiên con mắt ghét nhảy ra liền. Ta nhìn người đó bằng con mắt ghét, cho nên ta ghét người đó.
Ghét người đó thì ta khổ mà người đó cũng khổ! Người đó có khi là người thân của mình, người đó có khi là cha của mình, mẹ của mình, chồng của mình, vợ của mình, hay là con của mình. Vì vậy cho nên mình phải rất cẩn thận, mình phải học hỏi phương pháp để mỗi khi con mắt ghét phát hiện thì mình mỉm cười nói rằng: À con mắt ghét ơi, kỳ này ta nhất định không sử dụng ngươi, ta muốn sử dụng con mắt thương thôi. Lui ra để ta lấy con mắt thương ra ta dùng.
Mình có đủ thông minh, có đủ tuệ giác. Có những lúc mình biết rằng nói một câu như vậy hoặc làm một cử chỉ như vậy thì mình làm tan nát tất cả tình nghĩa! Mình biết rất rõ, nhưng đến khi nói, mình vẫn nói câu đó như thường, mình vẫn làm cử chỉ đó như thường!
Lúc đã tạo ra sự đổ vỡ, mình hối hận, mình bức tóc, đập ngực, nói rằng ta đã biết rồi mà, không nên nói câu đó rồi mà, không nên làm điều đó rồi mà, tại sao ta vẫn cứ nói, tại sao ta vẫn cứ làm! Rồi mình ăn năn hối cải, mình vào lạy Phật, mình xin lỗi, mình nói con nguyện lần sau nếu con gặp một hoàn cảnh tương tự thì con sẽ không nói như vậy nữa và con sẽ không làm như vậy nữa. Mình rất là thành thật. Ấy vậy mà tuần sau hay tháng sau, nếu hoàn cảnh xảy ra y hệt như kỳ trước, thì mình cũng vẫn nói như vậy, mình cũng vẫn làm như vậy! Đó là tại cái thói quen, cái tập khí của mình. Thói quen đó, tập khí đó (tiếng Anh gọi là Habit energy) là cái mà mình phải nhận diện. Mỗi khi nó bắt đầu xuất hiện là mình phải đề cao cảnh giác, mình phải nói rằng: À cái tập khí này nó bắt đầu xuất hiện. Chỉ cần thấy nó, là khả năng phá hoại của nó đã giảm đi rất nhiều.
Có một anh chàng thiền sinh người Mỹ, đến Làng Mai để tu tập. Trong ba tuần đầu anh tu rất hạnh phúc. Anh có tánh lật đật, muốn làm cho mau xong công việc. Nhưng khi qua Làng Mai, được ở trên Xóm Thượng với các thầy, các sư chú và các nam Phật tử khác, tại đó người nào cũng đi thiền hành, cũng nhẹ nhàng, thong thả, vững chãi thảnh thơi. Người nào cũng làm việc một cách thong thả, người nào cũng nói năng thong thả, anh được nâng đỡ bởi năng lượng đó, cho nên anh đã có thể sống thảnh thơi, thong thả trong vòng ba tuần lễ. Đó gọi là nương tựa tăng, nương tựa một đoàn thể tu học.
Mình có những yếu kém và khi mình được đặt vào trong một đoàn thể tu học, trong đó người nào cũng có vững chãi, người nào cũng có thảnh thơi, thong thả, không hấp tấp, thì mình cũng được hưởng năng lượng đó, mình được hộ trì. Nhờ vậy trong ba tuần, anh ta không vụt chạc, không hấp tấp muốn làm cho xong như trước đó. Anh ta cũng thảnh thơi, thong thả như tất cả các thầy, các sư chú và các nam Phật tử.
Hôm đó Làng Mai tổ chức một buổi lễ Tạ Ơn. Ở Hoa Kỳ có một ngày lễ gọi là Thanksgiving, tức là ngày lễ tạ ơn. Người Cơ Đốc thì họ tạ ơn Thiên Chúa đã cho họ cơm, gạo, bí rợ, rau, khí trời, nước sông v.v... Còn mình là Phật tử, mình không tạ ơn Thiên Chúa mà mình cũng cần tạ ơn cha mẹ, tạ ơn thầy, tạ ơn bạn bè, và tạ ơn chúng sanh. Cho nên mình cũng tổ chức ngày Lễ Tạ Ơn. Tất cả thiền sinh Âu Châu và Mỹ Châu đều tham dự vào ngày Lễ Tạ Ơn đó. Thiền sinh lập một bàn thờ tổ tiên, và mỗi nước được đại diện bởi công dân của nước đó, đang có mặt ở đạo tràng Mai Thôn. Những người Hòa Lan họp lại thành một nhóm, những người Pháp họp lại thành một nhóm, những người Đức họp lại thành một nhóm, những người Hoa Kỳ họp lại thành một nhóm để bàn xem mình nên cúng tổ tiên bằng món quốc hồn quốc túy nào.
Anh chàng thiền sinh Mỹ đó họp với tất cả những thiền sinh người Mỹ và anh được giao cho nhiệm vụ ra chợ để mua một số vật liệu về nấu món quốc hồn quốc túy của Hoa Kỳ. Quý vị có muốn biết món quốc hồn quốc túy của người Mỹ là món gì không? Là Pumpkin Pie, một loại bánh ngọt làm bằng bí rợ, và Apple Pie, một loại bánh ngọt làm bằng quả táo Tây. Đó là hai món quốc hồn quốc túy của người Mỹ. Còn những món như Hot dog hayHamburger đều có gốc từ Đức.
Hôm đó anh chàng đi chợ mua thực phẩm chay để về làm món ăn quốc hồn quốc túy của Mỹ. Anh ra chợ Ste. Foy-La-Grande một mình. Khi ra chợ một mình, sau một tiếng đồng hồ thì tự nhiên cái tập khí, cái thói quen hấp tấp, vụt chạc nó biểu hiện ra trở lại. Anh gấp gáp muốn mua cho mau xong để về, và anh lấy làm lạ là tại sao ba tuần lễ ở với tăng thân, ở với các thầy, các sư chú, các Phật tử bên nam mà mình không khi nào hấp tấp, vụt chạc, muốn làm cho xong. Bây giờ ra chợ mới có một tiếng đồng hồ mà tự nhiên cái tập khí, cái thói quen hấp tấp vụt chạc, muốn làm cho xong nó đột nhiên biểu hiện ra như vậy?
Thực tập vài hơi thở, anh ta nhận ra rằng tại vì trong suốt ba tuần anh được sống trong tăng thân, anh được nâng đỡ bởi năng lượng tập thể của tăng thân, năng lượng của sự vững chãi, thảnh thơi, thong dong của tăng thân. Anh đã được chuyên chở bởi năng lượng đó, vì vậy suốt ba tuần qua anh đã sống rất thong dong. Bây giờ ra chợ một mình, thấy người nào cũng hấp tấp làm cho mau xong, thành anh ta bị cuốn theo cái năng lượng tập thể đó!
Nhưng nhờ đã tu ba tuần cho nên anh biết anh đang bị kéo theo cái năng lượng hối hả, hấp tấp của người ngoài chợ, vì vậy anh trở về với hơi thở:
Thở vào tôi biết rằng tôi bắt đầu hấp tấp, vụt chạc, hối hả.
Thở ra tôi mỉm cười với cái thói quen hấp tấp, hối hả trong tôi.
Thở được một hơi thì tự nhiên anh hết hấp tấp vụt chạc liền lập tức. Nhìn người bán mua ở chợ, anh còn khám phá ra rằng cái tập khí, cái thói quen hấp tấp vụt chạc này là của mẹ anh trao truyền cho anh. Bà luôn luôn như vậy. Suốt đời bà luôn luôn tất tả, luôn luôn vội vàng, và bà chưa bao giờ được hưởng một giây phút thong thả, thảnh thơi, nhẹ nhàng như anh đã từng hưởng trong ba tuần lễ tu học tại Làng Mai. Thấy được điều đó anh bật cười, và anh nói rằng: Má ơi! Con biết rằng má đang có đó ở trong con! Tức là anh nhận diện má anh với tất cả những năng lượng hấp tấp, vội vã, hối hả đó đang có trong người của anh. Anh nhận thấy một cách rõ ràng rằng cái năng lượng đó, cái thói quen đó là đã được má anh trao truyền lại.
Nhưng bây giờ anh đã có phương pháp, anh đã biết cách thở vào và thở ra có ý thức. Vì vậy cho nên anh sử dụng được phương pháp đó và giữ cho mình được bình tĩnh, thong thả, thảnh thơi, nhẹ nhàng.
Nếu không có tăng thân ở chung quanh thì mình có thể bị cuốn theo. Vì vậy muốn khỏi bị cuốn theo thì mình phải trở về với hơi thở, phải để ý đến hơi thở. Hơi thở có thể thay thế tăng thân bảo hộ cho mình, để mình đừng bị cuốn theo dòng người hấp tấp, hối hả, vội vàng. Anh ta cứ tiếp tục mua những vật dụng cần thiết, và không lúc nào dám buông hơi thở chánh niệm, anh bám sát lấy hơi thở. Đó là phương pháp tu ở Làng Mai mà anh đã học được: Bám vào hơi thở có ý thức.
Do đó anh giữ được tính chất điềm đạm, thảnh thơi, nhẹ nhàng, không hồi hả, cho đến khi anh đi chợ xong và lái xe về. Mấy hôm sau anh báo cáo cho tôi biết: Bạch thầy, trong suốt ba tuần sống với tăng thân, con không bao giờ bị hối hả, hấp tấp, vụt chạc, ấy vậy mà khi con đi ra chợ một mình, thì con bị cái năng lượng đó nó kéo con đi. Nhưng nhờ con đã học được phép quán niệm hơi thở, cho nên con dừng lại được và con bám sát lấy hơi thở chánh niệm, do đó mà một giờ đồng hồ ở ngoài siêu thị con không cho thói quen của sự vội vã hấp tấp, vụt chạc kéo con đi. Con đã thành công, nên con xin trình cho thầy biết.
Trong chúng ta ai cũng có những thói quen. Có những thói quen rất tốt mình không nên bỏ, và có những thói quen xấu mình nên bỏ. Thói quen mỗi khi ăn cơm xong mình đi đánh răng, vì nếu không đánh răng thì chịu không nổi, là một thói quen rất tốt. Đánh răng trước khi đi ngủ cũng là một thói quen rất tốt. Ở Làng Mai tôi thấy một thói quen rất tốt nữa là mỗi khi nghe tiếng chuông là tất cả mọi người đều ngừng nói chuyện, ngừng làm việc, không suy nghĩ mà chỉ trở về với hơi thở: Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười, ba lần.
Có người đã tu ở Làng Mai 20 năm, 24 năm, đã thực tập tiếng chuông mỗi ngày hàng chục lần, hàng trăm lần, cho nên nghe chuông và trở về với hơi thở là một thói quen của những người đó. Khi rời Làng Mai để về trú xứ, họ vẫn có thói quen đó. Mỗi khi nghe chuông nhà thờ thì họ cũng dừng lại để thở và mỉm cười, rất là tốt.
Ở Làng Mai không những mỗi khi nghe tiếng chuông đại hồng hay tiếng chuông gia trì, mọi người mới có thói quen dừng lại để trở về với hơi thở, mà khi nghe tiếng đồng hồ điểm nhạc mỗi 15 phút, thì họ cũng thực tập như vậy. Mỗi khi nghe tiếng điện thoại reo, họ cũng thực tập như vậy, và tất cả đều trở thành một thói quen rất tốt. Làng Mai còn có thói quen ngồi ăn cơm không nói chuyện. Ngồi ăn thong thả, để hết tâm ý vào chuyện ăn cơm và ý thức rằng mình đang có hạnh phúc được ăn cơm chung với các thầy, với các thiền sinh. Ngồi ăn thong thả, chậm rãi như vậy trở thành một thói quen. Cho nên các thầy, các sư cô, các thiền sinh Làng Mai mỗi khi được người ta mời đi ăn cơm thì họ thường nói rằng: Chúng tôi quen cách ngồi ăn im lặng và thong thả, nếu cho phép chúng tôi được ăn như vậy thì chúng tôi mới dám nhận lời mời của quý vị. Thật ra khi ăn cơm mà không được ngồi ăn thong thả, nhẹ nhàng và im lặng thì mình không có hạnh phúc nhiều. Thấy người ta ăn quá mau, người ta nói chuyện ồn ào, thì mình cảm thấy không có hạnh phúc, tại vì ngồi ăn cũng là một sự thực tập. Ăn cơm như thế nào mà từ đầu bữa ăn cho đến cuối bữa ăn mình có hạnh phúc, mình có thảnh thơi, mình được nuôi dưỡng bởi cơm và được nuôi dưỡng bởi tình huynh đệ, bởi sự thanh tịnh.
Có những thói quen, những tập khí hay mà mình phải học. Khi chúng trở thành thói quen rồi thì chúng giúp mình có hạnh phúc. Có những thói quen không hay, không tốt mà mình cần phải nhận diện, cần phải chuyển hóa. Ví dụ thói quen nghe một câu nói nào đó thì phản ứng liền lập tức. Bực mình một cái là mở miệng ra phản ứng liền lập tức, phản ứng bằng lời nói hay phản ứng bằng thái độ, bằng thân thể của mình. Người có tập khí khi nghe một điều gì hay thấy một điều gì bất như ý, thì lập tức phản kháng và muốn trừng phạt người đã nói câu đó, đã làm điều đó, là tại mình thấy rằng lời nói kia và hành động kia đã gây cho mình đau khổ, đã gây cho mình sự giận hờn và mình trút hết tất cả những bực bội, những giận hờn lên trên người kia. Mình nói rằng chính vì người kia mà mình đau khổ!
Khi đau khổ thì mình muốn chấm dứt sự đau khổ, mình muốn không đau khổ nữa, và mình nghĩ một cách rất ngây thơ là mình nói một câu rất nặng để trừng phạt người đó, làm cho người đó đau. Hoặc mình đánh người đó một cái để cho người đó đau thì tự nhiên mình bớt khổ. Mình nghĩ một cách rất ngây thơ như vậy! Ai dè sự thật là khi mình nói một câu rất nặng để làm cho người đó đau, hay mình làm một cử chỉ rất vũ phu để làm cho người đó đau, thì người đó cũng tìm cách để cho bớt đau và người đó tìm một câu nói dữ dằn hơn, độc ác hơn, ác ôn hơn để nói trở lại, hay là làm một hành động vũ phu hơn nữa để đáp lại. Cứ như vậy, hai người tiếp tục leo thang trong việc làm khổ cho nhau. Trong xã hội của chúng ta có biết bao nhiêu người dại dột như vậy. Chính chúng ta cũng đã từng dại dột như vậy trong quá khứ. Chúng ta bị thói quen, bị tập khí trả đũa đó kéo đi.
Đức Thế Tôn dạy rằng mỗi khi cơn giận bắt đầu phát hiện, chúng ta không nên nói gì hết, và không nên làm gì hết. Tại vì nói hay làm một điều gì trong khi chúng ta giận thì có thể gây ra những đổ vỡ trong ta và trong người kia. Điều đó, chúng ta thấy đức Thế Tôn nói rất đúng. Khi thấy ngài nói đúng như vậy thì chúng ta phải làm theo. Tại vì mình là con, là đệ tử của đức Thế Tôn, mình phải tuân hành những lời dạy của ngài, và mình nên phát nguyện: Lạy đức Thế Tôn con xin hứa với ngài bắt đầu từ hôm nay trở đi, mỗi khi con bực bội, con giận hờn, mỗi khi con thấy năng lượng của sự bực bội, của sự giận hờn phát hiện trong con, thì con nguyện sẽ không nói gì hết, con sẽ không làm gì hết, tại vì con biết rằng nói một điều gì hay làm một điều gì trong khi mình còn giận thì nó sẽ gây đổ vỡ trong con và trong người kia.
Tôi mong rằng các vị Phật tử có mặt ở đây nhớ được lời dặn dò đó của đức Thế Tôn. Nếu có một cuốn nhật ký, thì về viết câu phát nguyện đó xuống để nhớ mà làm theo. Viết cho rõ vào một trang trong nhật ký. Mình nhớ trang đó hay ghi số của trang đó vào trang đầu tiên của tập nhật ký. Mỗi khi giận lên, thì mình mở nhật ký ra, đọc câu đó để nhớ mà làm theo. Hay nếu cuốn nhật ký dày quá, không mang theo bên mình được, tại vì đôi khi mình đang ở ngoài chợ, ở trường học, nếu giận lên một cái thì mình làm sao đi kiếm được nhật ký? Cho nên mình có thể viết trên một miếng giấy nhỏ, bỏ vào ví của mình. Mỗi khi giận lên thì lấy ra đọc để nhớ lời mình đã phát nguyện với đức Thế Tôn.
Đây là phương pháp mà thiền sinh Làng Mai thực tập mỗi khi có cơn giận. Những thiền sinh này phần lớn là người Tây phương, mỗi khi thấy năng lượng của sự bực bội, giận hờn bắt đầu phát hiện thì cố nhiên mình không nói gì hết, không làm gì hết mà chỉ trở về thực tập hơi thở. Thở vào tôi biết rằng năng lượng của sự bực bội, của sự giận hờn đang phát hiện trong tôi. Thở ra tôi đang thu xếp để cho năng lượng đó đừng thúc đẩy tôi nói và làm những điều gây ra đổ vỡ. Lúc đó mình tiếp tục thực tập hơi thở, mình có thể rời nơi đó, để đi ra thiên nhiên, ra bãi cỏ hay rừng cây, hoặc bờ sông để thực tập thiền hành, tức là đi từng bước vững chãi, thảnh thơi, như chúng ta đã đi sáng nay. Trong khi đi thiền hành như vậy, chúng ta kết hợp hơi thở và bước chân, và nếu chúng ta đi được chừng 5 phút hay 10 phút mà tâm mình hoàn toàn để ý đến hơi thở và bước chân, thì năng lượng của cơn giận sẽ đi xuống từ từ. Đó là tại tâm mình không nghĩ tới người kia nữa, không nghĩ tới điều người kia đã nói, đã làm nữa. Tâm mình bây giờ hoàn toàn đem về tập trung nơi hơi thở và bước chân. Nếu quý vị đi được 10 phút như vậy thì cơn giận của quý vị đã hạ bớt nhiều rồi.
Trong tâm của chúng ta có hạt giống của sự giận hờn. Mỗi khi hạt giống giận hờn đó ngủ yên thì mình rất khỏe. Trong kinh gọi hạt giống là chủng tử. Chúng ta ai cũng đều có chủng tử giận ở trong đáy lòng. Khi chủng tử đó ngủ yên thì ta rất khỏe, nhưng khi có người đến nói một câu hay làm một điều gì mà nó đánh động hạt giống đó, thì nó sẽ phát hiện như một nguồn năng lượng, và lúc đó cái giận sẽ phát ra. Duy thức gọi điều đó là Chủng tử sanh hiện hành. Chủng tử ở đây là hạt giống giận. Hiện hành ở đây là năng lượng giận. Khi năng lượng giận phát sinh thì nó thiêu đốt, nó làm cho ta bất an, làm cho ta đau khổ.
Người Phật tử, khi ngọn lửa của sự giận hờn bộc phát rồi, khi chủng tử giận trở thành hiện hành giận rồi, thì mình lập tức cầu cứu một hạt giống khác, và mình mời hạt giống đó phát hiện thành một loại năng lượng thứ hai để loại năng lượng thứ hai này chăm sóc, ôm ấp, vỗ về loại năng lượng thứ nhất. Năng lượng thứ nhất là năng lượng của cơn giận, năng lượng thứ hai mà mình mời lên để đối phó với cái giận, để chăm sóc cái giận, là năng lượng của chánh niệm. Năng lượng này ta có thể chế tác được bằng hơi thở có ý thức và bằng bước chân có ý thức. Cho nên người Phật tử nào cũng phải biết tập thở có ý thức, và biết đi có ý thức.
Chúng ta hãy tưởng tượng có một em bé mới 6, 7 tháng, đang khóc ở trong phòng. Bà mẹ đang làm việc ở nhà bếp, nghe tiếng em bé khóc thì buông hết tất cả công việc, để đi vào phòng của em. Bà bế em bé lên và ôm một cách rất trìu mến, rất nhẹ nhàng trong vòng tay của bà. Bà mẹ chưa biết lý do gì khiến cho em bé khóc, nhưng bà cứ bế em lên và ôm ấp rất dịu dàng.
Trong trường hợp này chúng ta thấy có hai loại năng lượng. Trước hết là năng lượng đau khổ của em bé. Kế đó là năng lượng dịu dàng của bà mẹ. Năng lượng dịu dàng của bà mẹ ôm lấy năng lượng đau khổ của em bé.
Người tu cũng vậy, khi năng lượng của sự giận hờn phát khởi thì mình là người xuất gia hay tại gia, đều phải biết mời năng lượng của chánh niệm lên để ôm lấy năng lượng của giận hờn, giống như bà mẹ ôm lấy đứa con. Chánh niệm là năng lượng giúp cho mình biết được việc gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Trong trường hợp này cái đang xảy ra trong giây phút hiện tại là cơn giận bắt đầu phát khởi. Thở vào tôi ý thức rằng cơn giận đã phát sinh trong tôi. Thở ra tôi mỉm cười với cơn giận đang phát sinh trong tôi. Như vậy trong người mình lúc bấy giờ không phải chỉ có năng lượng của cơn giận, mà mình còn có một năng lượng thứ hai rất tốt. Đó là năng lượng của chánh niệm. Năng lượng thứ hai này nhận diện, ôm ấp năng lượng thứ nhất giống như bà mẹ nhận diện và ôm ấp đứa con đang đau khổ của mình.
Sau một, hai phút ôm đứa bé, thì bà mẹ khám phá ra nguyên do làm cho em bé đau khổ. Bà mẹ có thể thấy rằng em đang bị sốt, hoặc em đang đói, hoặc cái tả quấn hơi chặt. Bà thấy được điều đó. Nếu em bé sốt thì bà lấy thuốc cho em uống, nếu em bé đói thì bà mẹ cho bình sữa, nếu cái tã quấn chặt quá thì bà mẹ quấn tã lại cho lỏng hơn. Nhờ đó mà em bé hết đau khổ và hết khóc.
Người tu tập cũng vậy. Ban đầu mình lấy chánh niệm để ôm lấy nỗi khổ niềm đau của mình. Tuy mình chưa biết nguyên do của nỗi khổ niềm đau đó là gì, nhưng nội chuyện mình ôm lấy nỗi khổ niềm đau đó bằng năng lượng chánh niệm thì nỗi khổ niềm đau đó, trong trường hợp này là cơn giận, sẽ được thuyên giảm.
Một khi chúng ta chế tác được năng lượng chánh niệm rồi, chúng ta nhận diện và ôm ấp cơn giận rồi, thì cơn giận đó sẽ không còn sức mạnh như trước nữa. Ta cảm thấy có sự thuyên giảm, có sự dễ chịu trong thân và trong tâm của chúng ta. Nếu tiếp tục theo dõi hơi thở, theo dõi bước chân, tiếp tục chế tác năng lượng chánh niệm để làm cho êm dịu năng lượng của sự bực bội, của sự giận hờn, thì chúng ta sẽ khám phá ra nguyên do của cơn giận này.
Thường thường khi giận thì mình khổ, và mình cứ tin rằng cái khổ của mình là do người kia tạo ra. Người vừa nói câu đó, người vừa làm cử chỉ đó. Nếu mình trừng phạt người đó, làm cho người đó đau, làm cho người đó khổ thì mình sẽ bớt khổ. Đó là một tri giác rất sai lầm. Trong khi đó nếu có năng lượng chánh niệm thì mình có thể thấy được rằng nguyên do chính làm cho mình khổ là hạt giống giận ở trong người của mình nó đã lớn quá rồi! Chủng tử giận nằm trong tâm thức mình chính là thủ phạm, và nó đã trở thành một hạt giống quá quan trọng!
Có những người ngày xưa họ đâu có giận nhiều như vậy? Nhưng bây giờ mỗi khi họ giận thì ghê gớm lắm! Cái giận của họ rất dữ dội. Tại vì trong những năm gần đây họ không tu tập, vì vậy cho nên hạt giống giận hờn của họ bị tưới tẩm mỗi ngày. Người này nói một câu, người kia nói một câu để chọc giận. Người này làm một cử chỉ, người kia làm một cử chỉ để chọc tức. Vì vậy cho nên hạt giống giận của họ mỗi ngày đều bị tưới tẩm và nuôi dưỡng. Sống trong xã hội, chúng ta trở thành nạn nhân của xã hội. Trong thế giới này có nhiều người đầy dẫy những bực bội và căm thù, bằng lời nói và bằng hành động của họ, mỗi ngày họ tưới tẩm hạt giống giận hờn trong ta, vì vậy mà hạt giống giận hờn trong ta càng ngày càng lớn. Nếu không biết tu tập thì chúng ta không biết phòng hộ và cứ để cho họ tưới tẩm hạt giống giận mỗi ngày.
Cho nên nếu thương nhau thì mình phải ký với nhau một hợp đồng: Nếu anh thương em thì anh đừng tưới tẩm hạt giống giận của em mỗi ngày nhiều lần. Nếu không, em sẽ nổi tam bành lục tặc, em sẽ khổ và em sẽ làm cho anh khổ! Nơi người con gái có một hạt giận. Nơi người con trai cũng có hạt giận. Hai bên đều phải biết rằng người nào cũng có hạt giận hết. Thành ra hai người phải ngồi xuống để ký một hòa ước. Em này, em biết anh có cục giận khá lớn, có hạt giống giận khá lớn. Mỗi khi em tưới hạt giống đó của anh thì anh nổi tam bành lục tặc, anh khổ và anh sẽ làm cho em khổ. Anh lãnh đủ mà em cũng lãnh đủ. Vì vậy cho nên em hứa với anh đi, hứa rằng em không tưới tẩm hạt giống giận hờn trong anh.
Người con gái cũng yêu cầu người con trai làm việc đó. Tại vì tưới nó thì nó phát hiện, nó lớn lên, và có thể vì mình không tu tập thì trong 10 năm mình tưới biết bao nhiêu lần! Cứ nói mỗi ngày mình tưới hai lần hạt giận đó thì một năm mình tưới hơn 700 lần, và 10 năm thì mình tưới hơn bảy ngàn lần! Một hạt giống mà mình tưới bảy ngàn lần thì nó lớn ghê lắm!
Khi mới cưới nhau, anh ta đâu có giận nhiều như vậy, nhưng 10 năm sau thì động tới một cái là anh nổ liền! Đó là vì trong 10 năm mình liên tiếp tưới tẩm hạt giống giận của anh ta. Mình cũng vậy. Mười năm trước hạt giống của mình nó nhỏ xíu, nhưng mình cứ để cho những người chung quanh tưới tẩm hạt giống giận đó, và 10 năm thì nó lớn lên rất nhiều. Do đó khi có tu tập, mình nhìn sâu và thấy rằng thủ phạm đầu tiên của nỗi khổ niềm đau của mình chính là hạt giống của sự giận hờn trong mình chứ không phải là người kia. Đó là tuệ giác đầu tiên, và mình phải phát nguyện từ nay trở về sau đừng làm gì để cho người ta tưới tẩm hạt giống giận hờn của mình nữa. Hạt giống bạo động cũng vậy. Giận hờn là bạo động. Giận hờn là cái ước muốn trừng phạt, gây khổ đau cho người khác, đó là bạo động.
Khi tiếp tục thực tập hơi thở và bước chân, mình còn khám phá ra được nhiều điều nữa. Điều thứ nhất là hạt giống giận của mình quá lớn và nó là chánh phạm trong cơn giận này, còn người kia, người nói câu không tình không nghĩa đó, người đã chọc tức mình bằng hành động đó, thì người đó cũng là tội nghiệp thôi. Tại trong người đó hạt giống giận cũng lớn, và người đó không có thầy, không có bạn, không có ai chỉ cho người đó tu tập hết. Vì vậy mà người đó trở nên nạn nhân của giận dữ, của bạo động của mình. Người đó khổ mà không biết cách làm thế nào cho bớt khổ, và khi khổ thì người đó làm vung vãi cái khổ của người đó ra cho những người chung quanh, trong đó có những người thương, như vợ của người đó, chồng con, cha mẹ của người đó, rất tội nghiệp cho họ. Cho nên tu có nghĩa là học cách để chăm sóc những khổ đau, những giận hờn của mình, để chuyển hóa chúng.
Trong khi thực tập như vậy (tức là thực tập hơi thở và bước chân để ôm lấy nỗi khổ niềm đau, ôm lấy cái giận), thì tự nhiên mình bớt khổ và mình có thể mỉm cười được, rồi mình nghĩ tới người kia hiện giờ cũng đang ở trong địa ngục. Mình biết pháp môn thở, mình biết pháp môn đi, biết pháp môn nhận diện ôm ấp nỗi khổ niềm đau, mình đã đỡ khổ nhiều rồi, trong khi người đó vẫn còn ở trong địa ngục. Khi nhớ đến điều đó, mình thấy tội nghiệp và mình muốn trở về để giúp người đó, để nói một câu gì đó để cho người đó bớt khổ.
Khi trong tim của mình phát ra một ý muốn trở về giúp người kia, thì lúc đó cái giận của mình đã được chuyển hóa, nó đã trở thành lòng từ bi. Người kia là nạn nhân của cái giận của chính người đó, người kia không biết phương pháp để có thể xử lý, chăm sóc và chuyển hóa cái giận đó, cho nên người kia tiếp tục làm nạn nhân của nỗi khổ niềm đau của chính người đó. Người đó cần sự giúp đỡ chứ không phải bị sự trừng phạt! Ban đầu mình muốn trừng phạt người đó nhưng bây giờ mình thấy rằng người đó cần sự giúp đỡ của mình hơn là chịu sự trừng phạt của mình, cho nên bây giờ mình muốn trở về để giúp người đó.
Khi mình muốn trở về để giúp cho người đó thì cơn giận đã chuyển thành tình thương. Kết quả đó là nhờ ta biết hạ thủ công phu để thực tập hơi thở có ý thức, thực tập bước chân có ý thức.
Các thiền sinh người Âu Mỹ thường được dạy ba câu và họ học thuộc lòng. Mỗi khi cơn giận bắt đầu phát khởi thì họ thực tập hơi thở, bước chân để chuyển hóa. Nhưng nếu trong vòng 24 giờ mà chưa chuyển hóa được thì mình phải báo tin cho người mình giận biết. Nếu giữ cái giận một mình, và ghim trong lòng mình lâu thì nó sẽ thối ra, nó sẽ làm thành mụt nhọt trong lòng mình, không tốt cho thân tâm mình chút nào cả. Vì vậy thời hạn tối đa là 24 giờ đồng hồ, nếu mình chưa chuyển hóa được thì mình phải báo tin cho người kia biết. Mình đến trực tiếp nói với người kia, hoặc nếu mình chưa nói được thì mình viết xuống trên một miếng giấy ba câu đó.
Câu đầu là: Em đang giận anh, em đang khổ và em muốn anh biết điều đó. Nếu mình là vợ thì mình viết câu đó. Nếu mình là chồng thì mình viết: Anh đang giận em, anh đang khổ và anh muốn em biết điều đó. Nếu mình là cha thì mình cũng viết rằng: Ba đang giận con, ba đang khổ và ba muốn con biết điều đó. Nếu mình là con, mình có thể viết: Ba ơi! Con đang giận ba, con đang khổ và con muốn ba biết điều đó cho con. Nói ra được điều đó hay viết xuống được điều đó thì tự nhiên mình bớt khổ rồi. Nếu viết thì nhớ phải đưa cho người đó trước thời hạn 24 giờ đồng hồ. Nguyên tắc là không được giữ cái giận riêng cho mình quá 24 giờ đồng hồ. Nó không tốt cho sức khỏe của ai cả.
Câu thứ hai là: Em đang cố gắng thực tập theo dõi hơi thở, theo dõi bước chân, em đang nhận diện ôm ấp cái giận, đang nhìn sâu vào cái giận để thấy rõ nguyên nhân của nó. Nếu mình là em thì mình nói như vậy. Nếu mình là anh, là cha, là mẹ, là bạn hay là con thì mình cũng nói hay viết một câu tương tự. Câu thứ hai này có thể có một tác động rất tốt trên người kia. Đọc câu thứ nhất thì người kia nói: Trời ơi! Mình đã nói gì, mình đã làm gì khiến cho người ta giận ghê vậy há? Khi đọc câu thứ hai, người đó sẽ nghĩ rằng: À giỏi thật! Khi giận mà biết đi thiền hành, biết theo dõi hơi thở mà không nói, không làm những điều gây đổ vỡ thì người đó là người đáng kính. Cho nên câu thứ hai tạo ra cảm giác kính phục nơi người kia. Mình là Phật tử, cho nên mỗi khi giận, mình biết không nói, không làm những điều có thể phá tan tình nghĩa, và mình biết trở về với hơi thở, trở về với bước chân để thực tập nhận diện ôm ấp. Mình nói cho người kia biết, và khi biết mình là Phật tử thứ thiệt, thì người kia sẽ nghĩ rằng chính họ cũng phải thực tập thì mới xứng đáng với địa vị của họ. Như vậy là mình tạo cho người kia một cơ hội để trở về quán chiếu lời nói hay hành động của họ.
Câu thứ ba thì khó hơn, nhưng nếu nói ra được, hay viết xuống được thì ta đỡ khổ rất nhiều: Em giúp anh đi! Anh cần em giúp anh!
Nhắc lại cho quý vị nhớ, nếu là vợ thì mình viết ba câu như sau:
1. Anh ơi em đang khổ! Em đang giận anh và em muốn anh biết cho điều đó.
2. Em đang thực tập với tất cả sức lực của em đây.
3. Em cần anh giúp em, tại vì em có thể không thành công trong khi thực tập một mình!
Tại vì em đã thực tập 24 giờ đồng hồ rồi mà em chưa hết giận! Em sẽ tiếp tục, nhưng nếu có anh giúp em thì em sẽ thành công dễ dàng hơn. Mình chứng tỏ rằng mình cần người kia. Thường thì các bà, khi các ông làm nổi giận thì không nói được như vậy. Đã giận rồi thì tự ái nó bung lên, và mình muốn chứng tỏ rằng mình không cần người kia, một mình, mình có thể sống sót được! Người Mỹ thường nói I'll survive! Câu đó sẽ được xem như một lời thách đố, thêm dầu vào lửa!
Thường thường khi người kia thấy mình có vẻ rầu rĩ buồn khổ thì hỏi: Em có chuyện gì đó? Em có gì buồn không mà khuôn mặt bí sị như vậy? Mình thường trả lời: Tại sao tôi phải buồn, tại sao tôi phải đau khổ? Mà thật ra thì mình đang rất đau khổ, ruột mình tan nát! Đó là vì mình tự ái. Lúc đó nếu ông có đến đặt bàn tay lên vai bà để an ủi, thì bà tránh đi và nói: Đừng đụng tới tôi! Tôi không cần ông! Đó là do tự ái mà mình hành động và nói năng như vậy.
Khi đau khổ và nghĩ rằng người tạo ra đau khổ đó là người mình thương nhất trên đời, thì mình chịu không nổi. Nếu một người khác nói câu đó hay làm điều đó thì mình cũng giận, nhưng giận ít hơn. Ở đây, chính người mình thương nhất trên đời mà lại nói câu đó, làm điều đó, thành ra mình đau khổ rất nhiều, mình bị vết thương rất nặng, mình tự ái rất lớn cho nên mình muốn trừng phạt người đó, mình muốn nói một điều gián tiếp: Tôi không cần anh đâu! Một mình tôi, tôi cũng có thể sống sót được rồi! Đó là một hình thái của sự trừng phạt.
Trừng phạt ở đây không phải là đánh đòn hay chưởi mắng, mà chứng tỏ rằng ta không cần, ta không cần nhà ngươi! Đó là cái tự ái của các bà. Các ông cũng vậy, mỗi khi các ông nghĩ rằng niềm đau nỗi khổ của các ông là do các bà gây ra thì các ông rất tự ái. Các ông thấy rằng các ông không cần các bà giúp. Ta đâu cần ai giúp!
Vì vậy mà trên đây tôi nói rằng câu thứ ba là khó viết lắm, nhưng viết xuống được rồi thì đỡ khổ rất nhiều. Anh ơi! Anh giúp em đi, một mình chắc em có thể không thành công! Viết được vậy là đỡ giận rất nhiều.
Ba câu đó tôi mong rằng quý vị học thuộc. Viết xuống trên một tờ giấy hay trên một danh thiếp, cất vào ví của mình. Mỗi khi giận lên thì rút ra để đọc, để biết mình cần phải làm gì và không nên làm gì.
Có lẽ ở mặt kia của tờ giấy, mình ghi lời phát nguyện với đức Thế Tôn: Bạch đức Thế Tôn, con xin phát nguyện từ hôm nay trở đi, mỗi khi con giận thì con sẽ không nói gì, sẽ không làm gì tại vì con biết nói hay làm trong khi giận sẽ gây sự đổ vỡ trong con và trong người khác.
Chúc quý vị thành công trong việc đối trị với cơn giận.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]