TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

MỤC LỤC

TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

Chương 01: Con mắt vô tướng

2. Chương trình 4 năm viện cao đẳng Phật học

GIÁO DỤC TRONG ĐẠO BỤT

QUÁ TRÌNH SINH ĐỘNG THIỀN TẬP LÀNG MAI

CHƯƠNG TRÌNH PHẬT HỌC 4 NĂM


Chương 01: Con mắt vô tướng

2. Chương trình 4 năm viện cao đẳng Phật học

GIÁO DỤC TRONG ĐẠO BỤT

Pháp thoại ngày 21-4-2002-Xóm Hạ-Làng Mai

Chắc quý vị biết rằng trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng họ có rất nhiều baby monks. Khi qua Đài Loan mình cũng gặp rất nhiều baby monks và baby nuns.

Nhiều người, nhất là người Tây phương, vì chưa quen nên khi thấy những em bé còn nhỏ tuổi, mới có tám hay mười tuổi, mà đã cạo đầu đi tu thì họ có thể lấy làm ngạc nhiên. Tại sao em chưa lớn đủ để có trí phán xét mà đã bắt em đi tu!

Sự thật thì đi tu từ hồi thơ ấu, mình có nhiều cơ hội hơn. Tại vì lúc đó đất tâm của mình chưa bị gieo nhiều hạt giống xấu, cho nên vào chùa là mình có một tình trạng an ninh hơn, đất tâm của mình ít có gai góc và ít cỏ củ hành hơn.

Ở Việt Nam cũng có chế độ baby monks, và baby nuns. Hồi xuất gia thì tôi cũng mới 16 tuổi thôi, cũng coi như là baby monk, và tôi nghĩ rằng tôi có thể đi tu sớm hơn nữa. Bây giờ trong chúng Làng Mai có những vị như Kính Nghiêm hay Pháp Hữu, tuổi nhỏ hơn tôi hồi đó, cho nên tôi thấy cái mộng ước của tôi cũng đã thành tựu rồi.

Nếu có ai hỏi Pháp Hữu tại sao còn nhỏ mà đi tu, tại sao không đi học? Thì Pháp Hữu sẽ trả lời tại vì đi tu thích hơn đi học! Không phải vì làm biếng đi học mà đi tu, nhưng tại đi tu thì mình học được nhiều cái rất có lợi cho mình. Ví dụ khi mình giận, mình buồn thì mình biết làm sao cho mình bớt giận, bớt buồn; mình biết sống trong tình huynh đệ mà trong học đường không dạy. Nhất là trong tu viện có không khí lành mạnh mà ngày nay học đường không có. Không khí của học đường ngày xưa rất dễ thương, nhưng bây giờ không khí của học đường rất là bạo động. Mỗi ngày đi học như vậy ở ngoài đời thì những hạt giống xấu của mình được tưới tẩm rất nhiều. Trả lời như vậy thì người trong xã hội họ sẽ hiểu.

Trong một bài pháp cách đây chừng 10 ngày. chúng ta đã nói về nền giáo dục theo đường lối huân tập, education by promation. Cái hoàn cảnh, cái không khí trong đó mình sống, nó phải có tính giáo dục. Sống trong hoàn cảnh đó, những hạt giống của mình được tưới tẩm, được nuôi dưỡng, rồi tự nhiên mình thành người. Ví dụ một em bé người Pháp, học tiếng Pháp. Từ một tuổi đến ba tuổi, em có đi học đâu? Em chỉ ở nhà, nghe cha mẹ, anh chị nói chuyện thì tự nhiên tiếng Pháp nó thấm vào em bé. Em không học gì cả mà ba bốn tuổi em đã nói tiếng Pháp thành thạo. Cái đó gọi là giáo dục bằng huân tập, tức là nghe và nó thấm vào thôi chứ thật sự em không học, cha mẹ không dạy cho em đến độ đó.

Đứng về phương diện tâm linh cũng vậy, mình có những hạt giống tốt và những hạt giống xấu ở trong tâm thức. Nếu sống trong một môi trường tốt thì những hạt giống tốt được tưới tẩm mỗi ngày, và những hạt giống xấu không bị tưới tẩm. Cho nên vấn đề môi trường rất là quan trọng. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, có nhiều vị cao tăng vào chùa tu rất sớm. Khi vào chùa sớm như vậy thì tâm điền của mình, vùng đất tâm của mình chưa bị tưới tẩm nhiều, gieo trồng nhiều bởi những hạt giống tiêu cực.

Ngày mà sư em Mẫn Nghiêm được chấp nhận vào chúng thì sư cô Gina hỏi có nên cho Mẫn Nghiêm đi học ở trường ngoài không? Tôi đã không nghĩ ngợi gì hết và trả lời: Không. Tất cả những gì mà Mẫn Nghiêm học, sẽ được học ở trong chùa. Môi trường ở bên ngoài không được an ninh cho lắm.

Ở đây mình phải mở một dấu ngoặc là môi trường của học đường ngày nay nó không an ninh. Vì vậy cho nên Bộ giáo dục, quốc hội, cũng như những người có tâm thao thức với đất nước, với xã hội, với tương lai, phải làm thế nào để cải tiến môi trường của học đường bây giờ, tại vì nó rất xấu. Hiện nay không những cha mẹ đau khổ, học sinh đau khổ mà các thầy các cô giáo cũng rất đau khổ! Người đi học trường sư phạm để ra nghề dạy học, bây giờ rất ít, tại vì họ sợ con nít ngày nay! Các em rất dữ, rất bạo động. Đó là một tiếng chuông chánh niệm rất lớn. Vì vậy cho nên ở trong chùa mình nên tổ chức để các chú, các cô được học ở trong chùa mà khỏi phải đi học ở bên ngoài. Đây là một lời nhắn nhủ cho các vị có trách nhiệm ở Việt Nam. Tại vì đi ra học ngoài thì thế nào cũng bị tưới tẩm bởi những hạt giống và hoàn cảnh xấu, và bị năng huân, sở huân.

Ngày xưa khi còn là giáo thọ ở Việt Nam, tôi là người đã mở ra một trường trung học đầu tiên cho Giáo hội ở Đà Lạt, đó là trường Tuệ Quang. Trong trường Tiểu học và Trung học đó, mình tổ chức sự học hỏi như thế nào để cho con em được bao vây bởi một hoàn cảnh tốt. Sau khi trường Tuệ Quang thành công thì Tổng hội Phật giáo Việt Nam cũng đã tổ chức các trường Tiểu học và Trung học Bồ đề ở các tỉnh miền Trung, và sau đó thì miền Nam cũng có những trường gọi là Tiểu học và Trung học Bồ Đề.

Ngày xưa cũng có một số các chú, các cô đi học tại các trường đó, và đến năm 1964 thì tôi đã vận động để thành lập viện đại học đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, tức là Viện Đại Học Vạn Hạnh.

Viện Đại Học Vạn Hạnh được thành lập sau khi Viện Cao Đẳng Phật Học thành lập. Tôi rất nhớ quá trình vận động để thành lập Viện Cao Đẳng Phật Học, cũng vào năm 1964. Nếu quý vị đọc cuốn Nẻo Về Của Ý thì sẽ thấy vài trang nói về Viện Cao Đẳng Phật Học ở Saigon.

Nói tóm lại, vấn đề giáo dục là một vấn đề rất lớn. Những năm 50s, tôi đã xướng xuất phong trào gọi là Đạo Bụt Đi Vào Cuộc Đời. Tôi đã xuất bản cuốn Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời, và Đạo Phật Hiện Đại Hóa vào năm 1964. Trước đó thì tôi đã viết rất nhiều bài về đề tài Đạo Bụt đi vào cuộc đời. Tức là làm thế nào để giáo lý và sự thực tập của đạo Bụt được thực tập trong đời sống hàng ngày cho cá nhân, cho gia đình, cho học đường, cho xã hội. Đem đạo Bụt vào những sinh hoạt của xã hội.

Trong chương trình phát triển nền đạo Bụt nhập thế đó thì sự đào tạo những người xuất gia phải hướng đến cái khả năng hướng dẫn và độ đời của họ. Người xuất gia phải hiểu những điều khổ đau, những cái khó khăn của xã hội, để có thể đưa tới những giáo lý và những thực tập làm vơi nhẹ và chuyển hóa những khổ đau đó của đời sống cá nhân, đời sống gia đình, và đời sống xã hội. Vì vậy cho nên trong chương trình của người xuất gia ở tu viện, nên có những môn học mà ngày xưa không có. Ví dụ như Tâm lý học, Xã hội học, và Lịch sử các nền văn minh. Trong khi tu học người xuất gia cũng cần được tiếp xúc với những người cư sĩ, tới với đạo tràng để tu học. Nhờ vậy mà người xuất gia thấy được những vấn đề, những khó khăn, những khổ đau của họ. Khi nhận ra được bản chất và nguyên do của những khổ đau đó, thì mình có thể cống hiến những giáo lý và những thực tập để cho người đó vượt thoát những khổ đau của họ.

Tại Làng Mai trong mỗi khóa tu, thiền sinh đặt câu hỏi rất nhiều, nhất là vào ngày áp chót của khóa tu. Những câu được trả lời chỉ khoảng 10% số câu hỏi mà thiền sinh đặt ra. Khi một thiền sinh hỏi về những khổ đau của họ để tìm nẽo thoát, thì tất cả những thiền sinh khác đều được nghe câu giải đáp. Đôi khi họ cũng có những khổ đau tương tự và họ học được từ những câu hỏi đó rất nhiều. Tuy vậy 90% câu hỏi, vì thời gian hạn hẹp, đã không được trả lời!

Những câu hỏi đó của thiền sinh thường được giữ lại để cho các thầy, các sư cô, sư chú tìm cách nghiên cứu lời giải đáp. Tôi đề nghị mình cho tất cả những câu hỏi này vào máy vi tính, sắp thành từng loại, rồi trong những giờ pháp đàm, mình đem những câu đó ra để cùng nhau thảo luận, tìm những câu trả lời thiết thực nhất, và có ích lợi nhất cho thiền sinh trong đời sống hàng ngày, để làm hành trang cho đại chúng. Những tài liệu đó cũng nên đưa vào chương trình đào tạo Tăng Ni, gọi là đạo Bụt hiện đại hóa, hay đạo Bụt đi vào cuộc đời.

QUÁ TRÌNH SINH ĐỘNG THIỀN TẬP LÀNG MAI

Ở ngoài đời, một Y sĩ trước khi chữa bệnh thì phải chẩn bệnh. Trong đạo, người tu thì phải tìm cho được, phải thấy cho rõ niềm đau nỗi khổ của thời đại, rồi từ đó mới tìm một pháp môn thích hợp của Bụt dạy mà cống hiến cho đời.

Đó cũng là căn bản mà Làng Mai đã dựa lên để soạn một chương trình tu học. Tiến trình hình thành chương trình tu tập có thể thu gọn trong bản tổng kết sau đây:

NIỀM ĐAU NỖI KHỔ CỦA THỜI ĐẠI (KHỔ)

- Cô hồn

- Cá nhân chủ nghĩa

- Sụp đổ cơ cấu gia đình

- Tiêu thụ các độc tố (Rượu, thuốc phiện, phim ảnh, truyền hình, sách báo...)

- Lạm dụng tự do, ái dục

- Thủ thuật thị trường quảng cáo

- Ý thứ hệ cuồng tín, bạo động

- Ô nhiễm trái đất

- Hòa bình, chiến tranh

- .....

NGUỒN GỐC (TẬP)

- Đấu tranh Ý thức hệ tại Việt Nam và Quốc tế

- Sự sụp đổ của cơ cấu gia đình

- Sự thoái hóa của vai trò lãnh đạo của tôn giáo

- Chủ nghĩa tiêu thụ

- .....

PHƯƠNG PHÁP TU TẬP ĐỂ DIỆT KHỔ (DIỆT)

- Chuông

- Thở

- Đi, đứng

- Ngồi

- Nói

- Nghe

- Ăn, uống

- Lạy

- Tụng giới

- Niệm Bụt

- Tụng kinh

- Quán

- Chỉ

- Làm mới

- Làm việc

- Chú, Kệ

- Thương

- Giận

- Nhập thế

-......

CON ĐƯỜNG THOÁT KHỔ (ĐẠO)

- Niệm (Chánh niệm) THIỀN TẬP

- Định (Vô thường, Niết bàn...)

- Tuệ (Tương tức, Không, Vô ngã...)

Bảng 1-Làng Mai và con đường diệt khổ

CHƯƠNG TRÌNH PHẬT HỌC 4 NĂM

(Có thể gia giảm để thích ứng với địa phương)

Cách đây mười mấy năm, chúng ta đã đề nghị một chương trình bốn năm cho Làng Mai như sau:

NĂM THỨ NHẤT

NĂM THỨ HAI

NĂM THỨ BA

NĂM THỨ TƯ

Kinh

-Phước Đức

-Chuyển Pháp Luân

-Người Áo Trắng

-Thương Yêu

-Quán Niệm Hơi Thở

-Tam Di Đề.

-Niệm Xứ

-Người Bắt Rắn

-Người Biết Sống Một Mình

-Vô Ngã Tướng

-Tâm Kinh

-Trung Đạo Nhân Duyên

-Giáo Hóa Người Bệnh

-Anirudha

-Pháp Ấn

-Tám Điều Giác Ngộ.

-Đại Tạng Nam Truyền (So sánh với A Hàm)

-Bát Thiên Tụng Bát Nhã

-Phật Mẫu Bảo Đức Tạng

-Kim Cương Gươm Báu Chặt Đứt Phiền Não.

-Đại Tạng Bắc Truyền

-Bảo Tích

-Úc Già

-Duy Ma

-Pháp Hoa

-Hoa Nghiêm

-Lăng Nghiêm Tam Muội

-Lăng Già.

Luật

-Quay về Nương Tựa

-Hai lời Hứa

-Năm Giới Quý Báu

-Mười Giới

-Từng Bước Nở Hoa Sen

-Ba Mươi Thiên Uy Nghi.

-Giới Tiếp Hiện

-Giới Bồ Tát

-Lục Hòa

-Diệt Tránh Pháp

-Khất Sĩ

-Tứ Phần

-Yết Ma Chỉ Nam.

-Ôn lại và đi sâu thêm, nắm thật vững Hiệp Ước Sống Chung Hòa Bình

-Giải Tỏa Nội Kết

-Năm Giới và Giới Tiếp Hiện.

Luận

-Phật Học Căn Bản I

-Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức

-An Trú Trong Hiện Tại

-Đạo Phật Áp Dụng Vào Trong Đời Sống Hàng ngày

-Hiệp Ước Sống Chung Hòa Bình.

-Phật Học Căn Bản II

-Trái Tim Mặt Trời

-Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu

-Pháp Số

-Đạo Phật Hiện Đại Hóa

-Tương Lai Thiền Học Việt Nam

-Phật Học Căn Bản III

-Thắng Pháp Tập Yếu

-Tam Thập Tụng

-Bát Thức Qui Củ.

-Câu Xá

-Thanh Tịnh Đạo

-Trung Quán (Lược)

-Đại Trí Độ (Lược)

-Phật Học Căn Bản (Ôn lại và phát triển).

Thực Tập

-Thiền Hành

-Thiền Trà

-Tiếng Chuông

-Chấp Tác

-Thiền Tọa

-Thiền Hướng Dẫn

-Thiền Nằm

-Dâng Hương

-Niệm Bụt

-Xướng Tán

-Tụng Giới

-Năm Cái Lạy

-Hát.

-Giải Tỏa Nội Kết

-Hướng Dẫn Thiền Hành

-Thiền Tọa

-Thiền Hướng Dẫn

-Thiền Trà

-Ngày Quán Niệm

-Hát

-Năm Cái Lạy.

-Hướng Dẫn Nghi Lễ

-Pháp Thoại

-Tổ Chức Khóa Tu.

-Tổ Chức và Hướng Dẫn Khóa Tu Cho các Tăng Thân Bạn

-Nói Pháp Thoại

-Cho Tham Vấn

-Điều Phục và Tháo Gỡ Triền sử

Sử

Đường Xưa Mây Trắng.

-Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I

-Phật Giáo Ấn Độ.

-Việt Nam Phật Giáo Sử Luận II

-Phật Giáo Trung Hoa

-Tây Tạng

-Nhật Bản

-Các Tông Phái ở Viễn Đông.

-Việt Nam Phật Giáo Sử Luận III và IV

-Phật Giáo Hiện Đại ở Các Nước

-Viễn Tượng Đạo Bụt ở Tây Phương.

Bảng 2-Đề nghị sườn chương trình Phật học 4 năm

Chương trình bốn năm này, trước hết là nhắm đến việc đào tạo những người xuất gia có khả năng hành đạo, có khả năng diễn xướng đạo Bụt gọi là Đạo Bụt Đi Vào Cuộc Đời. Tôi nhớ là tôi có gởi về cho một số các vị cao đức ở Hà Nội, ở Huế, và ở Saigon, bản đề nghị chương trình này. Tôi cũng nhớ là đã gởi về cho Hòa Thượng Thiện Siêu. Thầy Thiện Siêu có trả lời và nói sẽ nghiên cứu và đem áp dụng vào chương trình của Viện Phật Học ở Huế. Hòa Thượng Thiện Siêu có sử dụng được phần nào trong chương trình đó không thì tôi chưa được biết.

Các thầy, các sư cô, sư chú ở đây mỗi người đều đã được phát một chương trình bốn năm. Tôi nghĩ rằng các vị giáo thọ cần phải làm việc rất nhiều để có thể áp dụng được chương trình bốn năm này vào sự đào luyện không những các vị xuất gia, mà còn các vị giáo thọ tại gia nữa.

Chương trình không phải chỉ là chương trình học, mà còn là chương trình thực tập. Chương trình Phật học ở đây mình phải dịch là The Four Year Training Program. Chữ học ở đây phải dịch là Training. Không phải là số lượng những kinh, những luật mà mình học. Mình phải học những kinh, luật và luận đó trong ánh sáng của thực tập. Những kinh, những luật và những luận đó phải được áp dụng như thế nào ở trong đời sống hàng ngày. Vì vậy các vị giáo thọ phải gặp nhau nhiều lần để lấy kinh nghiệm của 20 năm qua ở Làng Mai, mà làm ra một chương trình 4 năm cho thiết thực.

Chúng ta có rất nhiều tư liệu để yểm trợ cho chương trình học hỏi và thực tập của Học Viện Cao Đẳng Phật Học của chúng ta. Chúng ta có rất nhiều bộ băng, và phải sử dụng các bộ băng đó như thế nào để làm tư liệu cho chương trình 4 năm đó. Chúng ta cũng đã có rất nhiều kinh sách do Lá Bối và Parallax Press xuất bản.

Buổi giảng hôm nay là để giúp một phần cho các vị giáo thọ ở chùa Tổ bên Việt Nam, cũng như chùa Tổ Nam Hoa ở Quãng Đông, và đạo tràng Mai thôn ở đây, ở Lộc Uyển, ở Phong Lâm. Các vị giáo thọ ở những nơi đó nên ngồi lại và tinh luyện ra một chương trình đào tạo và thực tập cho thực tế, đáp ứng được với những nhu cầu đích thực của con người ngày nay tại địa phương mình.

Trong chương trình cũ, tôi đề nghị mình đưa phần thực tập lên đầu. Vì tất cả kinh, luật và sử đều có mục đích yểm trợ cho việc thực tập. Khi vào năm thứ nhất, mình phải có một trình độ văn hóa nào đó để có thể tiếp thu được. Nếu mình là baby monks hay baby nuns thì có thể trình độ tiếp thu của mình ít hơn. Tuy mình vẫn có thể tham dự chương trình 4 năm, nhưng sau 4 năm đó thì sự thâu thập của mình đứng về phương diện trí thức có thể ít hơn. Chương trình 4 năm này là chương trình dành cho người thành niên, những người đã có trình độ văn hóa ở ngoài đời, thì mới là bốn năm được. Còn baby monks thì phải lâu hơn.

Đứng về phương diện thực tập thì ngay giây phút đi vào chương trình là phải học ngồi, phải học đi v.v... Và đây là một quá trình học, liên tục từ năm thứ nhất trở về sau.

Tuy nói rằng chương trình này là để cho người có cơ bản văn hóa, ví dụ như đã có tú tài hay cử nhân trở lên, nhưng đứng về phương diện thực tập thì chưa chắc người lớn đã làm hay bằng người nhỏ! Tâm của baby monks và baby nuns ít lo lắng, ít bận rộn hơn, thành ra mình có thể làm hay hơn. Người trẻ có lợi điểm đó cho nên đứng về phương diện thực tập, họ có thể thành công mau hơn người lớn.


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][]