TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
2. Làng Mai và cách tháo gỡ Kết sử
TÊN TỬ TÙ VÀ NGƯỜI LÍNH ÁP GIẢI
ĐI TỪNG BƯỚC, THỞ TỪNG HƠI ĐỂ CỞI TRÓI CHO TÂM
CỞI TRÓI CHO TÂM LÀ CHỮA TRỊ CHO THÂN
THAY CHỐT ĐỂ ĐỐI TRỊ VỚI NỘI KẾT NHẤT THỜI
HỘ NIỆM MỚI CHUYỂN HÓA ĐƯỢC TRIỀN SỬ SÂU DÀY
Trong chúng ta, có những người đến Làng Mai là để bồi đắp thêm cái hạnh phúc mà họ đang có. Ai cũng biết rằng nhờ thiền tập, ta đã có thể buông bỏ những khổ đau, đã có được những niềm vui, và nhờ những niềm vui đó mà ta có thể tiếp tục sống. Nhưng chúng ta cũng biết rằng niềm vui đó vẫn còn mong manh, cho nên chúng ta đến làng để củng cố, để bồi đắp niềm vui đó, để niềm vui đó vững chãi hơn. Những người như vậy tới Làng Mai, không phải tại vì họ có nhiều đau khổ, nhưng tại vì họ muốn làm cho vững mạnh thêm, cho kiên cố thêm niềm vui ở trong họ, để họ có thể trở thành nơi nương tựa cho người thân của họ.
Tới Làng Mai cũng có những người không có niềm vui, mà chỉ có đau khổ. Các vị đó tới làng với một ước mơ là làm thế nào để tháo bỏ những khổ đau của mình, để chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau của mình, và có khả năng nếm được niềm vui.
Trong số những vị đó, ta thấy có những vị mới trông vào thì thấy cũng bình thường, thấy cũng có nụ cười, cũng có nét mặt tươi, giống như là không có chuyện gì xảy ra cho họ hết. Nhưng nếu nhìn kỹ, và quán sát cho sâu sắc, ta thấy trong họ có những nỗi khổ niềm đau rất lớn, và có khi họ không có khả năng để nói ra nỗi khổ niềm đau của họ. Họ không có can đảm.
Họ biết rằng tăng thân này là nơi mà họ có thể nương tựa, có thể thố lộ tâm tình của họ, nhưng họ vẫn không có khả năng nói ra nỗi khổ niềm đau đó cho tăng thân nghe, để cầu xin tăng thân giúp đỡ. Họ biết rằng tăng thân này có đủ từ bi, có đủ hiểu biết để có thể lắng nghe, để có thể yểm trợ, soi sáng cho họ. Tuy nhiên họ vẫn còn ngần ngại, vẫn chưa đủ can đảm, và họ âm thầm kêu cứu! Nếu chúng ta không đủ chánh niệm, nếu chúng ta không nhìn sâu thì chúng ta không thể thấy được người đó đang kêu cứu tăng thân, đang kêu cứu mình, tại vì ta thấy bề ngoài người đó hành sử như là không có vấn đề gì cả.
Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo.
Lan Huệ sầu đời, trong héo ngoài tươi!
Có những bông huệ, bên ngoài thấy rất tươi, nhưng bên trong nó đã héo. Vì vậy cho nên chúng ta đừng coi thường, chúng ta đừng quá tin vào hình thức bên ngoài. Các vị đó tới đây là để cầu cứu một pháp môn tu tập để chuyển hóa khổ đau. Ta là người thực tập thương yêu và hiểu biết, ta phải rất có chánh niệm để thấy rằng người ngồi trước mặt mình, người đi bên cạnh mình, có thể là người đang kêu cứu mình, mà không có khả năng nói ra được những nỗi khổ niềm đau trong họ. Ta phải sử dụng những phương tiện quyền xảo thì mới có thể giúp người đó cởi mở được tấm lòng của người đó cho ta, cho tăng thân ta. Được vậy thì ta mới có cơ hội để thi thuyết những phương tiện mà giúp người đó ra khỏi trạng thái khổ đau. Ý nguyện của ta là tu học để giúp đời, và đời không ở đâu xa, đời đang ngồi ngay bên cạnh ta. Đời đang kêu cứu ta trong gang tấc, ta phải thấy điều đó.
Khi ta có thể hiểu được, giúp được một người như vậy thì ta sẽ lớn lên trên bước đường tu tập. Ta đi tới những bước rất vững chãi trên con đường lý tưởng của một vị Bồ tát. Không phải sau này ta tốt nghiệp, ta được truyền đăng, thì ta mới bắt đầu giúp người. Ta có thể giúp người ngay trong giây phút hiện tại. Ta không phải đi ra ngoài mới giúp được người, những người đó tới với ta, ngồi rất gần ta, đang âm thầm cần sự giúp đỡ của ta.
Phương pháp của Làng Mai đã chứng tỏ có hiệu lực. Có rất nhiều người nhờ tu học theo phương pháp của Làng Mai mà đã được chuyển hóa, đã tìm lại được niềm vui, đã đem pháp môn đó về với gia đình, với xã hội của mình. Có những người học hỏi, tiếp thu pháp môn rất mau chóng, rất dễ dàng, và đem áp dụng vào trong đời sống hàng ngày một cách rất dễ dàng. Cũng có những người vì có quá nhiều kiến thức, hoặc có nhiều thành kiến, cho nên họ tiếp nhận chậm hơn, và đem áp dụng những phương pháp đó vào trong đời sống chậm hơn. Tuy vậy, trước sau gì thì người đó cũng tiếp thu được, và cũng có thể áp dụng được. Điều kiện cần thiết của người đó là thời gian.
Thời gian ở Làng Mai có thể là một tuần, có thể là ba tuần, có thể là ba tháng, có thể là một năm. Tùy theo phước duyên của chúng ta mà chúng ta tiếp thu được mau hay chậm. Nhưng mau hay chậm cũng chắc chắn sẽ có sự chuyển hóa. Sự chuyển hóa đó được dựa trên sự thực tập của những người thường trú ở Làng Mai. Nếu những người thường trú ở Làng Mai có thực tập đàng hoàng thì trước sau gì những người tới với làng cũng sẽ được thừa hưởng. Các vị thường trú của Làng Mai là căn bản, là nền tảng cho sự thực tập của Làng Mai. Làng Mai không phải là nơi để cống hiến những bài pháp thoại, những lý thuyết, Làng Mai là nơi người ta đang thực tập những điều người ta đang nói, là nơi người ta đang chia sẻ những điều người ta đang làm.
Nỗi khổ niềm đau, sự thất vọng của mình trở thành một khối nằm trong cơ thể, trong tâm hồn của mình, và nó điều khiển, nó trói buộc mình. Theo tinh thần truyện thần thoại, ta nói nó đã "thành tinh"! Nó có mặt đó trong mỗi tế bào của cơ thể ta và khi ta thức cũng như lúc ta ngủ, nó siết chặt ta, và ta trở thành nô lệ của nó, ta không tháo gỡ ra được. Trong cuộc sống hàng ngày, vì thất niệm nên ta riu ríu đi theo sự sai sử của nỗi khổ niềm đau đó. Nó áp giải ta như một người lính áp giải tên tử tù. Bảo đi đâu thì ta phải đi đó, hoàn toàn không có tự do.
Người lính áp giải đó là cái nội kết, và hình hài ta, cũng như tâm hồn ta là người tử tù, là tên nô lệ. Chúng ta hoàn toàn trở thành nạn nhân của nỗi khổ niềm đau của ta, ngày cũng như đêm, trong khi thức cũng như trong lúc ngủ. Ngay trong giấc mơ mà ta cũng bị nó sai sử, nó trói buộc!
Nó là nội kết, tiếng Phạn là Sa(yojana. Có khi ta dịch là Nội kết, có khi ta dịch là Triền, có khi ta dịch là Sử. Sau này các thầy, các tổ gọi nó là Kết sử. Kết tức là đóng lại thành từng khối.
Trong kinh A Hàm, kinh được dịch vào khoảng thế kỷ thứ ba, thứ tư thì chữ Sa(yojana được dịch là Nội kết. Chữ kết, theo cách viết chữ Hán thì một bên có bộ "thằng" tức là sợi dây, tiếng Việt gọi là "thừng". Kết ở đây có nghĩa là tụ lại, đóng lại thành từng khối khổ đau, giống như khối tình Trương Chi, không chịu tan mà đóng lại thành khối ở bên trong, cho nên gọi là nội kết. Tiếng Anh mình dịch là Internal formation.
Sử có nghĩa là sai sử. Mình không muốn làm cái đó, nhưng mình cứ vẫn phải làm cái đó. Tên tử tù không muốn đi về hướng đó, nhưng người lính áp giải bắt buộc phải đi về hướng đó. Mình bị sai sử phải làm, và khi làm thì mình khổ đau thêm. Đôi khi nhờ thông minh, mình biết nếu làm cái đó thì mình sẽ khổ, nhưng vì nội kết có khả năng sai sử mạnh quá, nó có nhiều quyền hành quá, cho nên mình phải riu ríu làm theo.
Có khi ta gọi khối đó là Triền sử. Triền tức là trói lại, quấn lại không cho có tự do. Vì vậy tiếng Anh ta dịch là Internal knots, tức là những nút thắt ở trong tâm. Có khi ta dịch là Fetters. Fetters là những sợi dây ràng buộc. Sợi dây đó có thể là niềm tuyệt vọng, có thể là khối đam mê, nỗi hận thù, hay niềm đau nhức. Đó là những khối nội kết, làm cho mình không có tự do. Đêm ngày mình nằm trong gọng kìm của con cua, có khi mình đau lắm nhưng không có cách gì để tháo ra, và mình cứ riu ríu đi theo nó. Vì vậy mà càng ngày mình càng đi sâu vào con đường của khổ đau, của tuyệt vọng.
Tu học là để tháo gỡ những cái nút đó.
Khi thắp một cây hương, từ giây phút mình bắt đầu bước lên chánh điện để lấy một cây nhang, mình đã có thể bước từng bước thảnh thơi, có chánh niệm rồi. Cho nên trong giây phút đó cái tập khí kia, cái nội kết kia nó buông mình ra. Khi lấy cây nhang lên thì mình cũng lấy trong chánh niệm. Khi quẹt cây diêm, mình quẹt trong chánh niệm, khi đốt nhang, mình đốt trong chánh niệm. Tắt que diêm, bỏ diêm xuống, đưa nhang lên trán để mật niệm, tất cả những cử chỉ đó ta đều làm trong chánh niệm.
Lúc niệm hương, chúng ta có thể không cần đọc bài xướng nào hết, chúng ta chỉ cần theo dõi hơi thở, thở vào, thở ra. Lúc đó ta có định. Hơi thở làm ra năng lượng của định, Giờ phút đó ta chỉ là hơi thở, ta chỉ là khói hương mà thôi. Ta không cần phải đọc "Xin cho khói trầm thơm..." Đọc thì cũng hay, nhưng không đọc thì cũng không sao, nhưng với điều kiện lúc đó ta phải hoàn toàn có mặt cho cây hương, và cho hơi thở.
Giờ phút đó là giờ phút mà cái tập khí vụt chạc, hấp tấp nó nhả ta ra. Ta là một sư chú, ta là một sư cô, hay ta là người cư sĩ, và ta là những người có tự do. Cho nên tuy chưa cắm nhang vào bát, nhưng ta đã thực sự cúng dường rồi. Ta cúng dường niệm và định của ta, chứ không phải chỉ cúng bằng cây hương trầm. Tâm hương quý hơn cả trầm chiên đàn, tức là một loại trầm rất hiếm, rất quý.
Trong khi nâng cây hương lên như vậy là ta đang chế tác năng lượng của định, và của tuệ. Người ngoài nhìn vào, họ có thể thấy, họ có thể hiểu lầm ta là một người đang sùng kính một vị thần linh tên là Bụt. Kỳ thực, bên trong, ta đang thực tập chế tác năng lượng niệm và định. Các năng lượng đó có thể tháo gỡ cho ta, làm cho những nanh vuốt của tập khí buông ta ra, và trong thời gian nâng cây hương lên và thở, ta hoàn toàn có tự do. Lúc đó mình rất đẹp. Cái đẹp của mình là vì lúc đó mình có chất liệu của tự do, mình xứng đáng là học trò của Bụt.
Chúng ta đã làm nô lệ cho tập khí, cho thói quen từ kiếp này sang kiếp khác, nay có cơ duyên được làm học trò của đức Thế Tôn, chúng ta phải học hỏi, phải thực tập để làm một con người tự do. Chúng ta học ngồi như một con người tự do, học đi như một con người tự do, học ăn cơm như một con người tự do, học chải răng như một con người tự do, và có biết bao nhiêu cơ hội để ta làm chuyện đó. Hay hơn nữa là chúng ta có một khung cảnh để làm những chuyện đó mà người ngoài không nói ra, nói vào, không phê bình, chỉ trích. Quí hơn nữa là có một tăng thân để yểm trợ ta. Có nhiều người bị bắt vào trại học tập, vào tù khám, họ rất cần thực tập thiền đi, rất cần thực tập thiền ngồi. Nhưng những người cai tù họ không cho phép, cho nên họ phải đợi đến giờ trong nhà tù tắt đèn, thì họ mới nhổm dậy để ngồi mà tìm tự do. Hành động đó tuy không được người cai tù, và những người bạn tù chấp nhận và yểm trợ, nhưng họ vẫn thực tập như vậy để có tự do ngay ở trong nhà tù! Không ai tước đoạt được quyền tự do đó của họ.
Cái đam mê mà chúng ta có trong ta là một nội kết; cái hận thù mà ta có trong ta là một nội kết; cái u mê, ngu si mà ta có trong ta cũng là những nội kết. Chúng lôi kéo ta, điều khiển ta. Ngoài mấy mươi khối nội kết nhỏ, ba khối nội kết lớn nhất trong ta là đam mê, hờn giận, và ngu si, tức là tham, sân, và si, mà kinh thường gọi là Tam độc.
Trong bài kệ Sám Hối có câu:
Con đã gây ra bao lầm lỡ
Khi nói, khi làm, khi tư duy
Đam mê, hờn giận và ngu si
Con nay cúi đầu xin sám hối.
Nghĩa là ta bắt đầu muốn làm cho những khối nội kết đó tan từ từ, xối nước vào, lấy bàn chải đánh cho nó tiêu mòn đi dần dần. Những khối nội kết đó đã ràng buộc ta từ đời này sang đời khác. Chúng cũng đã ràøng buộc ông bà tổ tiên ta, cha mẹ ta, và giờ đây chúng ràng buộc chính chúng ta!
Khi biết nắm lấy giáo pháp để tháo gỡ, thì chúng ta sẽ được giải thoát. Giải tức là tháo ra. Khối ngu si của mình rất cứng, chỉ có cái búa gọi là Trí tuệ Kim Cương mới có thể đập vỡ được nó. Tên đầy đủ của kinh Kim Cương là Năng Đoạn Kim Cương. Năng đoạn có nghĩa là có khả năng cắt đứt, đập bể những khối nội kết.
Là người tu mình phải biết thực tập thở, thực tập bước chân để phát khởi chánh niệm. Khi có chánh niệm thì mình nhận diện được: À ngươi là khối kết sử! Chỉ cần như vậy thôi là khối kết sử sẽ phải nhả mình ra, và không làm gì được mình. Khi mình quên, thừa cơ ta sơ ý, nó lại nắm lấy mình trở lại. Nghe tiếng chuông, mình trở về với chánh niệm thì nó lại buông mình ra! Cứ chơi trò cút bắt như vậy trong suốt thời gian ta mới xuất gia. Từ từ thì cái tự do của mình càng ngày càng lớn, và cái năng lượng tiêu cực kia ngày càng suy giảm. Tu tập là chỉ như vậy, không cần đánh lộn mà chỉ cần chiếu ánh sáng của chánh niệm vào khối nội kết, là ta có tự do.
Như vậy, sự thực tập đầu tiên là biết được mình đang bị trói buộc, đang bị sai sử. Có nhiều người bị trói buộc, bị sai sử suốt đời mà không biết. Biết được mình đang bị trói buộc, đang bị sai sử, đã là một sự giác ngộ, vì có biết được vậy thì mình mới tìm cách để tháo gỡ.
Khi nghe một tiếng chuông là mình nghe tiếng gọi của đức Thế Tôn: Này con, con đang bị nó sai sử, con đừng riu ríu đi theo nó. Con hãy trở về với con đi! Nhờ vậy mà mình nhớ và trở về với hơi thở. Mình thở vào, thở ra và biết rằng mình đang nghe tiếng gọi của Thế Tôn, trong giây phút mình thở đó, là hai cái càng cua nó mở ra, những móng vuốt của nội kết nó thả ra cho mình.
Như vậy, thiết lập lại tự do là điều mình có thể làm được. Trong số những tâm hành của ta, có nhiều yếu tố gọi là thiện, và cũng có nhiều yếu tố gọi là bất thiện. Chúng ta nên nhớ rằng trong mỗi tế bào của cơ thể, chúng ta có đủ gia tài của tổ tiên để lại, trong đó có những khổ đau, những hạnh phúc. Có yếu tố của sự giác ngộ, yếu tố của sự thảnh thơi, nhưng cũng có yếu tố của sự đam mê, yếu tố của tuyệt vọng. Trong các tế bào của cơ thể ta có đủ tất cả các hạt giống, và cái tàng thức mà chúng ta gọi là Nhất thiết chủng thức, nó nằm ngay trong từng tế bào của cơ thể!
Chỉ tại ta ở trong một môi trường xấu, những hạt giống tiêu cực, khổ đau được tưới tẩm nhiều, cho nên những hạt giống tốt không có cơ hội phát triển. Những hạt giống này đã trở thành những nội kết, những triền sử rất lớn, chúng chiếm cứ tất cả các lĩnh vực của tế bào ở trong cơ thể. Nhưng như vậy không có nghĩa là những hạt giống tốt, hạt giống của tự do, của thảnh thơi, của giải thoát không có. Nó có đó nhưng tại vì ta chưa tạo được cơ hội cho chúng phát triển.
Khi tới một trung tâm tu học như Làng Mai, chúng ta đi tìm những cơ hội, những điều kiện, làm thế nào để cho những hạt giống bị lép vế kia có cơ hội được tưới tẩm và phát triển. Vậy thì khi nghe tiếng chuông, thay vì để cho những triền sử nó áp giải ta đi, ta hãy trở về với hạt giống của chánh niệm. Hạt giống chánh niệm tuy nhỏ nhưng ta có. Đem hết tất cả tâm ý đi về hạt giống chánh niệm, nhờ vậy mà con đường bị mất tự do kia, con đường bị áp giải kia, trong chốc lát ta có thể thoát được.
Nếu ta có một người anh, người chị, người bạn cùng tu tập chánh và đã có năng lượng chánh niệm khá rồi, họ ngồi đó mà cùng nghe chuông với ta, thì ta được yểm trợ. Mỗi lần nghe chuông như vậy là ta làm lớn hạt giống của sự tự do thêm được một chút. Ta là ta, ta không chấp nhận sự áp giải nữa! Đó là một thái độ muốn giải thoát, một hành động muốn được tự mình là mình chứ không phải là một tên nô lệ, nó thể hiện ra trong cách nghe chuông của ta.
Vậy thì nghe chuông là một hành động tranh đấu cho tự do. Mỗi ngày ta có biết bao nhiêu cơ hội để nghe chuông. Nhưng ta có đem hết cả thân tâm ta ra để đầu tư vào chuyện nghe chuông không, hay là ta chỉ nghe lấy lệ thôi, đó là vấn đề. Khi chúng ta dồn hết năng lượng của thân tâm vào để nghe tiếng chuông, thì cái nanh vuốt của nội kết buông ta ra, và ta có được chút tự do. Nếu ta tiếp tục như vậy thì cái tự do đó càng ngày càng lớn. Đó gọi là tu.
Nhưng đâu phải chỉ có nghe chuông? Sự thực tập ở Làng Mai là miên mật suốt ngày. Ví dụ khi ta đi một mình, từ phòng ta ra thiền đường, thì ta có cơ hội đi những bước chân vững chãi và thảnh thơi. Ta bước một bước và lấy tất cả năng lượng chánh niệm của ta để đầu tư vào bước đó. Ta hoàn toàn làm chủ lấy ta, ta trở về với giây phút hiện tại. Thở vào một hơi, ta bước đi một bước, bước đó là một sự quyết tâm tranh đấu, lấy lại chủ quyền, lấy lại tự do của ta. Bước đó có nghĩa là: Này nội kết kia ơi, ngươi không làm gì được ta. Bước chân này là bước chân của ta, chứ không phải là bước chân mà ngươi bắt ta phải đi.
Khi không thực tập, khi không đi trong chánh niệm, thì mình đi như bị ma đuổi. Ma đó là triền sử. Mình ăn, mình nói, mình cười, mình đi, mình đứng toàn là bị nội kết, bị triền sử điều khiển. Nhưng khi mình đi thiền hành thì không phải do nội kết sai sử, ra lệnh. Đi thiền hành là chính mình tự đi, và đi như vậy là với nụ cười của một người chiến thắng. Trong khi đi một bước như vậy thì triền sử đó phải nhả mình ra. Chính nhờ đi những bước chân như vậy, chính nhờ nghe những tiếng chuông như vậy, chính nhờ nhai một miếng cơm như vậy mà ta phục hồi được tự do của ta đối với triền sử. Nếu quý vị là những nhà tâm lý trị liệu, thì quý vị phải biết thực tập, và phải biết dạy cho những bệnh nhân của quý vị thực tập như vậy. Tại vì những bệnh nhân của quý vị đều là những tên nô lệ của triền sử, của nội kết. Mình phải chỉ cho họ biết cách tranh đấu để họ lấy lại tự do. Hành động tranh đấu này không cam go, không khó khăn, không khổ sở, mà nó đưa lại pháp lạc liền lập tức trong khi thực tập.
Cho nên nghe chuông hay bước những bước vững chãi trong chánh niệm là những hành động có tính cách cách mạng, phản kháng, không chịu phục tùng, không riu ríu nghe lời, vâng theo những cái triền và những cái sử. Nếu quý vị làm được như vậy ở Làng Mai một tuần lễ hay hai tuần lễ, thì tin chắc rằng những triệu chứng về bệnh tinh thần, bệnh thể chất sẽ giảm bớt rất nhiều. Tại vì những đau đớn về tinh thần có ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể. Nếu tinh thần ta bị kềm hãm, bị trấn ngự, bị trói buộc thì thân thể ta cũng bị như vậy. Vì thế mà ta phải giải phóng, phải cởi trói cho tâm và phải cởi trói cho thân.
Phương pháp để cởi trói là trở về với giây phút hiện tại, đưa chánh niệm ra để có thể tháo gỡ cho mình trong nháy mắt. Khi mất chánh niệm thì những móng vuốt của nội kết nó kềm kẹp mình lại. Đây là vấn đề sống chết của chúng ta. Mình phải thành công thì mình mới độ đời được.
Sự thực tập của Làng Mai, tuy lúc đầu mình thấy đơn giản, nhưng nếu thành công được thì mình có thể đi rất xa. Ở Làng Mai, mình có thể thực tập chánh niệm với mọi đối tượng và trong mọi lúc. Ví dụ hiện giờ đang vào Xuân và mình thấy bông hoa bắt đầu nở rộ, tươi thắm. Đây là thời gian trong năm rất dễ cho mình thực tập, tại vì những mầu nhiệm của thiên nhiên bắt đầu biểu lộ. Khi nhìn một bông hoa như vậy, thì bông hoa có thể trở thành đối tượng của chánh niệm. Bông hoa tươi đẹp như vậy, vũ trụ nhiệm mầu như vậy tại sao mình để cho thân tâm mình bị chìm đắm, bị trói buộc trong những niềm đau, nỗi khổ thuộc về quá khứ đó? Tại sao ta không tháo gỡ, tại sao ta không giải phóng thân tâm ta để ta có cơ duyên tiếp xúc với mầu nhiệm của vũ trụ? Bông hoa này có lo lắng gì về quá khứ đâu? Có sầu khổ gì về quá khứ đâu? Bông hoa này có lo lắng, sợ hãi gì về tương lai đâu, nó có cần thiết kế gì đâu? Ta cũng là một bông hoa trong khu vườn của nhân loại. Ta đã ra đời như một bông hoa, ta cũng có thể xinh đẹp như một bông hoa. Nhưng ta làm ăn như thế nào để bây giờ ta trở nên như vậy! Những cái lo âu, những điều buồn nản, sợ hãi, hận thù, ta đã để chúng xâm chiếm, trói buộc, sai sử ta!
Khi nhìn bông hoa, theo dõi hơi thở ta biết rằng bông hoa có đó, và ta cũng biết rằng trong chiều sâu của tâm thức ta, trong chiều sâu của từng tế bào, ta có khả năng tiếp xúc với bông hoa. Đó gọi là sự sống đích thực.
Hoa nở vì ai? Trời xanh vì ai? Tất cả những nhiệm mầu đó của sự sống có mặt ngay trong giây phút hiện tại, ấy vậy mà ta không tiếp xúc được, tại vì ta đang bị giam hãm trong nỗi khổ, trong niềm đau, trong sự tuyệt vọng, trong sự thèm khát của ta. Khi thấy được vậy là ta có một sự giác ngộ. Biết rằng mình là người đang bị giam hãm, là người đang không có tự do, đó là sự giác ngộ đầu tiên.
Từ bước giác ngộ đó mình phát sinh ra một thái độ phản kháng, mình không muốn như vậy nữa, mình muốn có tự do. Tự do để có thể tiếp xúc với bông hoa. Tự do để tự mình là một bông hoa. Nếu không thì đời này uổng phí quá! Bông hoa có bảy, tám ngày để đẹp, để có mặt với cuộc đời. Ta có bao nhiêu ngày? Tại sao ta chôn vùi, ta đập phá những ngày tháng của ta?
Ta cũng là một bông hoa. Với sự giác ngộ đó, đứng trước bông hoa, thở vào, ta mỉm cười với bông hoa. Thở ra, ta mỉm cười với bông hoa. Điều này rất quan trọng, tại vì đó là sự sống đích thực. Tại sao ta phải được người kia công nhận, tại sao ta phải được người kia khen ngợi thì ta mới có hạnh phúc? Bông hoa này đâu cần ai công nhận nó, đâu cần ai khen ngợi nó đâu? Hạnh phúc của nó không căn cứ trên sự công nhận của một người khác, của một bông hoa khác!
Cái bằng cấp mà ta muốn, là niềm khao khát của một sự công nhận. Người kia mà ta muốn phải tùy thuộc vào mình, phải thương mình, đó cũng là vì mình đòi hỏi một sự công nhận. Mình đòi rằng người ta phải công nhận mình là đẹp, đòi rằng người ta phải công nhận mình là giỏi, là có giá trị thì mình mới có hạnh phúc. Tại sao ta phải cần sự công nhận đó của những người khác? Ta cũng là một bông hoa như bông hoa kia, và trong giây phút hiện tại, bông hoa là mầu nhiệm, bông hoa có tự do, bông hoa không bị sai sử. Cho nên mỗi bước chân là để ta có thể tự là ta, mà không phải dựa trên những điều kiện khác.
Người kia đã làm khổ ta, điều đó có thật. Trong thời thơ ấu, người kia đã làm tình làm tội ta, điều đó có thật. Nhưng tại vì người đó cũng đã từng đau khổ, đã không có hạnh phúc, cho nên người đó đã vung vãi cái khổ đau của người đó lên ta. Ta là một nạn nhân của người đó, và người đó cũng chính là nạn nhân của người đó, tại sao ta phải để cho móng vuốt của cái đau khổ quá khứ nó siết chặt ta lại? Tại sao ta không tháo gỡ khi ngay phút này ta đang có cơ hội để sống, để làm một bông hoa như nụ hoa đang có trước mặt ta đây?
Vì vậy cho nên màu trời xanh kia, bông hoa kia, tiếng chim hót kia đều là những cơ hội cho ta hết. Một ngày ta có không biết bao nhiêu là cơ hội, nhưng vì ta đã không biết sử dụng những cơ hội đó để tháo gỡ cho ta, để ta có thể thực sự sống những giây phút của một con người tự do.
Nếu thực tập như vậy một giờ thôi thì ta đã thấy có sự đổi khác trong thân của chúng ta rồi. Thực tập như vậy một ngày thôi, thì đã có sự đổi khác trong thân và trong tâm ta. Thực tập như vậy một tuần thôi, thì đã có sự đổi khác trong thân và trong tâm ta.
Trong khi đó thì chung quanh ta đang có những người khác cùng thực tập, cho nên ta đang được yểm trợ, ta đang có niềm tin nơi sự thực tập đó. Đây không phải là niềm tin mù quáng. Đây là niềm tin phát sinh do kinh nghiệm thực tập mà ra. Kinh nghiệm đó có thể có được trong giây phút. Nghe tiếng chuông mà buông hết tất cả, thì tự nhiên ta có tự do, và nanh vuốt của triền sử sẽ nhả ta ra liền lập tức.
Nghe tiếng chuông lòng nhẹ buông.
Tâm tĩnh lặng, hết sầu thương.
Học buông thả, thôi vấn vương.
Lắng nghe thấu tận nguồn cơn.
Học nhìn lại, hiểu và thương.
Chỉ cần nghe tiếng chuông thôi là đã có thể thực tập được tất cả những điều mầu nhiệm, và hạnh phúc là cái gì ta có thể đạt được trong giây lát. Ban đầu thì nó nhỏ, nhưng từ từ nó sẽ lớn hơn.
Khi bị một triền sử áp giải, quấn chặt, bóp ta lại, kềm kẹp ta, và nếu ta có cơ duyên học hỏi về chánh niệm, thì những lúc đó ta tỉnh thức, ta nói: À mình đang bị triền sử trói buộc. Triền sử này có thể là sự đau buồn, sự giận hờn, sự ganh tị, sự tuyệt vọng, sự đam mê, đang nắm lấy ta. Lúc đó ta theo dõi hơi thở. Thở vào ta biết triền sử đang có mặt trong ta, thở ra ta thấy rõ diện mạo của triền sử. Chỉ cần thở như vậy thì lúc đó cái móng vuốt của triền sử sẽ rời ta, và chỉ trong giây lát là ta có được tự do. Đó là sự nhận diện đơn thuần, nhận diện rằng mình đang bị triền sử nắm bắt.
Bị nắm bắt, bị sai sử mà mình không biết thì mới nguy. Nhưng từ giây phút mình biết là mình đang bị nắm bắt, đang bị sai sử, thì lúc đó tự do bắt đầu có được. Nhờ vào sự có mặt, sự thực tập, sự yểm trợ của những người chung quanh mà mình có thể thành công được dễ dàng trong việc làm cho triền sử buông thả mình ra.
Khi nó nhả ta ra rồi thì ta phải biết lợi dụng cơ hội để tiến tới. Đừng bỏ cơ hội đó, nắm lấy cơ hội đó, nghe từng tiếng chuông, bước từng bước có chánh niệm, nhận diện từng điều kiện hạnh phúc, nhìn rõ từng đối tượng quanh ta, từng mầu nhiệm của cuộc sống chung quanh, thì mình có rất nhiều cơ hội để phục hồi tự do. Mình sẽ thấy cuộc đời mầu nhiệm quá mà cứ đóng vai trò người tử tù thì rất uổng! Tại sao tháo gỡ gông cùm được bằng hơi thở và bằng bước chân mà mình không chịu làm!
Phải an trú trong bước chân đó, phải an trú trong hơi thở đó, phải an trú trong tiếng chuông đó để duy trì tự do của mình. Khi có tự do rồi thì ta tiếp xúc được với mầu nhiệm của sự sống rất dễ dàng, và lúc đó sự sống bắt đầu có mặt. Triền sử kia tuy vẫn còn đó, nhưng những yếu tố của tự do đã bắt đầu lớn lên, và mình có cơ hội. Mình phải tiếp tục, đừng làm ba bốn hôm rồi bỏ. Phải kiên trì, mỗi ngày ở tại Làng Mai là một cơ hội. Mình nên cho mình nhiều cơ hội. Đến một lúc nào đó thì mình tạo ra được sự thăng bằng, tức là năng lượng của chánh niệm, của tự do có đủ để cho mình giữ cán cân thăng bằng. Lúc đó triền sử tuy vẫn còn nhưng mình sống được. Cái đam mê vẫn còn, cái tuyệt vọng vẫn còn, nhưng cái hạnh phúc, cái tự do đã bắt đầu lớn lên. Vì vậy mà triền sử không hoàn toàn áp đảo được mình, tại mình đã thiết lập lại được sự thăng bằng.
Có những người trong chúng ta bị trói buộc bởi những buồn đau của quá khứ. Những buồn đau này đã trở thành nội kết, đã trở thành kết sử. Có thể rằng giai đoạn đó là giai đoạn chúng ta còn là thiếu niên, và chúng ta có những khổ đau do người lớn gây ra. Có thể giai đoạn đó là giai đoạn ta sống trong hồi hộp lo âu, sống trong chiến tranh, và sự chết chóc xảy ra hàng ngày. Trong trường hợp những người đã sống ở Kossovo, ở Kâmp(chéa, hay sống ở Việt Nam, đã chứng kiến những thảm trạng xảy ra trong đời sống hàng ngày, nên họ khó mà quên được. Những hình ảnh đó, những cảm giác đó, những nỗi lo sợ đó đã trở nên những khối nội kết đi theo họ. Có những em bé gốc Palestine, gốc Do Thái cũng đã tiếp nhận những thảm trạng xảy ra trong đời sống hàng ngày, và cũng khó mà quên được!
Những hình ảnh đó, những cảm giác đó đã trở thành ám ảnh, trở thành những con ma, đi theo ta suốt ngày đêm. Những cái đó gọi là những Tùy miên. Tùy là đi theo sát bên mình. Miên là ngủ. Có khi mình tưởng nó không có mặt, nhưng thật ra nó có đó. Chúng đi theo ta và ngủ đậu ở trong ta! Cái đó cũng là những năng lượng làm ta mất tự do. Nó chưa phát hiện, nhưng không có nghĩa là nó không có ở đó. Nó ngủ dưới đó! Vì vậy chánh niệm là rất quan trọng, nhờ chánh niệm mà khi tùy miên lộ dạng thì chúng ta sẵn sàng để săn sóc cho nó.
Trong ta ai cũng có tùy miên, người có nhiều, người có ít. Tu tập là dùng chánh niệm để nhận diện nó, để ôm ấp nó, ngồi với nó, ôm lấy nó và nói rằng không sao đâu, có tôi đây, thì tự nhiên nó có sự an lành liền! Tuy tùy miên còn đó, tuy nội kết còn đó nhưng mình sống được, mình có thể có được những giây phút an lạc, hạnh phúc, và nhờ vậy mà mình đi tới được. Khi chánh niệm càng lớn, tuệ giác càng lớn thì những cái tùy miên, những cái nội kết nó nhỏ đi từ từ, cũng như mình sử dụng rác để có thêm hoa. Hoa nhiều thì rác bớt đi vì mình đã sử dụng ít nhiều phân bón.
Không cần hoàn toàn 100% hết tùy miên, hết nội kết thì mình mới có hạnh phúc. Còn 50% là ta có thể có hạnh phúc rồi. Tại vì khi mình thiết lập được một thế thăng bằng, 50% cái này và 50% cái kia, thì lúc đó mình đã có cơ hội rồi. Nếu bên chánh niệm và hạnh phúc mà được 51% thì nó bắt đầu chiếm thượng phong, mình sống vui lắm rồi. Vì vậy mà trong giáo lý Tịnh độ có ý niệm gọi là Đới nghiệp vãng sanh, có nghĩa là đi qua Tây phươngnhưng có mang theo một ít các anh chàng đó thì cũng được Bụt cho vào cõi nước của ngài. Tại vì trong đó có rất nhiều vị Bồ tát lớn, các vị sẽ giúp thêm cho mình.
Chúng ta người nào cũng có ít nhiều đau khổ, nhưng chúng ta đừng lo lắng quá. Chúng ta đừng nghĩ rằng phải hết đau khổ mới có an lạc. Có một ít đau khổ, ta vẫn có thể có an lạc được như thường.
Tuy vậy, triền và sử cũng có phần đóng góp của nó, nó không phải hoàn toàn có tính cách phá hoại và gây khổ đau. Đôi khi cái đau khổ đó giúp cho sự an lạc của mình sâu đậm hơn, làm cho hạnh phúc của mình đậm đà hơn. Quý vị có nấu ăn thì biết. Có những thứ rất cay, rất chua, vậy mà mình vẫn sử dụng, đưa vào trong món mình nấu. Cái cay, cái chua, cái mặn đó làm cho thức ăn đậm đà hơn. Cũng như khi chúng ta nấu chè, theo nguyên tắc thì chỉ cho đường vào thôi, tại sao lại thêm chút muối? Thêm chút muối vào thì vị chè sẽ đậm đà hơn! Trong các món kho, món canh, món xào, đôi khi ta bỏ thêm vị chua vào thì nó ngon hơn, thêm chất cay vào thì nó ý vị hơn.
Vì vậy những cái mà ta gọi là cay, chua, mặn, chát, nó cũng có vai trò của nó trong sự tạo dựng hạnh phúc. Những khổ đau của ta cũng có vai trò trong việc tạo dựng hạnh phúc. Vấn đề là mình có phải là người nấu ăn có tài hay không.
Người làm vườn giỏi thì biết sử dụng phân rác để tạo ra hoa tươi thắm; người nấu ăn giỏi thì có thể dùng những chất cay, chua, mặn, đắng để nấu những món ăn tuyệt hảo; người tu hành giỏi thì biết sử dụng những khổ đau của mình để gầy dựng hạnh phúc. Đó là công hạnh của các vị Bồ tát.
Như vậy những khổ đau kia, những thăng trầm kia, những nội kết kia, chúng đều có phần đóng góp của chúng cho giải thoát, cho giác ngộ, cho hạnh phúc. Cũng vì vậy cho nên trong đạo Bụt Đại thứa mới nói rằng "Phiền não tức Bồ đề", nghĩa là với chất liệu của phiền não, mình chế tác ra chất liệu của Bồ đề.
Khi nhìn vào nội kết của ta bằng con mắt đó thì ta sẽ không tuyệt vọng, ta có thể vui vẻ nói: Nội kết của ta ơi, ta sẽ chăm sóc ngươi và ta sẽ biến ngươi thành ra thảnh thơi, hạnh phúc, tự do của ta. Đó là thái độ bất nhị ở trong đạo Bụt.
Chính vì chúng ta là những đệ tử phước duyên thiếu kém, sống trong thất niệm lâu dài, cho nên những khối nội kết, những nỗi khổ niềm đau nó mới trở thành quá quan trọng. Tuy chúng ta có thể có những niềm đau nỗi khổ nhất thời, nó ngập lụt ta, nhưng nỗi khổ niềm đau đó nó chưa có gốc rễ quá sâu trong mỗi tế bào của cơ thể, cho nên ta đã thấy rằng ta chỉ khổ ba bốn ngày rồi ta hết khổ.
Trong chúng ta ai cũng có những kinh nghiệm đó. Có những cơn giận, cơn buồn mà ta biết rằng chỉ ba bốn ngày, hay nhiều lắm là một tuần thì nó sẽ qua đi. Cái giận, cái tủi, cái buồn, sự thèm khát tự nhiên nó bùng ra và nó xâm chiếm ta, nó theo sát ta trong khi ta đi, ta đứng, ta nằm, ta ngồi. Ta nói: "Làm sao sống cho nổi với nỗi buồn khổ đó?" Nhưng nghĩ lại thì ta thấy rằng trong quá khứ ta cũng đã đi qua những giai đoạn như vậy, và chỉ ba bốn ngày sau thì ta thoát. Thành ra ta nói ta không sợ mày! Và ta an tâm thực tập thay chốt.
Ví dụ khi người bạn tu của ta tới nói:
-Sư em muốn đi thực tập chanting hay không? Thực tập chanting vui lắm.
Ta nghĩ thầm: Ngồi đây để cho sự giận hờn nó gặm nhấm thì đâu có tốt, đi theo sư anh để tập hát, để tập tụng kinh thì hay hơn! Cho nên ta nói:
-Được, sư anh đợi em đi với.
Khi đến đó, ngồi chung với tăng thân, hát bài này, tụng bài kia, thì tự nhiên nỗi khổ niềm đau đó nó lui bước, nó nhường chỗ cho bài kinh, cho bài hát. Đó là một cách thay chốt.
Cũng như khi xem TV, nếu đài số 1 mình không thích thì mình chuyển sang đài số 2. Cái đó gọi là thay chốt. Có tăng thân thì thay chốt rất dễ. Cho nên khi sư anh biết mình đang bị một nỗi khổ niềm giận nó siết chặt, sư anh đến gõ cửa để giúp mình, thì mình nên mở cửa ra để đón một cơ hội cho mình, đừng tự giam mình trong nỗi khổ niềm đau đó. Nếu có kinh nghiệm thì những lúc như vậy, tuy không thích lắm, mình cũng nên mở cửa, ra đi với sư anh để thay chốt.
Đến với tăng thân những lúc như vậy, mình sẽ có cơ hội để cho những niềm đau nỗi khổ đó buông mình ra, thì sự chuyển hóa sẽ mau hơn. Còn cứ nằm ở trong phòng và để cho nỗi khổ niềm đau, hay cơn giận đó dày xéo, thì mình không phải là người thực tập thông minh.
Mình là người sư anh, người sư chị hay người sư em, nếu biết người bạn tu của mình đang bị móng vuốt của triền sử siết chặt, thì mình có bổn phận phải tạo cơ hội thay chốt cho người bạn tu của mình.
Nhưng đó là trường hợp của những triền sử nhất thời, chưa có gốc rễ quá sâu ở trong tiềm thức và trong những tế bào cơ thể của chúng ta. Tuy chúng cũng ồ ạt, cũng vũ bão như vậy, nhưng ta dễ khuây khỏa. Thầy đi ngang qua, sờ đầu mình một cái, và bảo ra đi thiền hành với thầy, là nó hết ngay.
Còn những triền sử, những nội kết thâm căn cố đế, nó trở nên bệnh tâm thần, thì mình không thể trị liệu một cách mau chóng như vậy được. Mình phải có rất nhiều kiên nhẫn. Nếu mình là thầy, nếu mình là người sư anh, nếu mình là người tâm lý trị liệu, mình phải thấy được chứng trầm cảm, niềm tuyệt vọng, nỗi khổ niềm đau của người này có gốc rễ rất sâu, nó đã trở thành bệnh. Triệu chứng bệnh tình đó phát hiện trong ngày, phát hiện trong đêm.
Chúng ta có đưa ra hình ảnh của đất tâm gồm có hai phần. Phần dưới là tàng, có hạt, có rễ. Phần trên là ý, nơi biểu hiện của các tâm hành. Khi một hạt giống của đam mê, của giận hờn phát hiện ở vùng ý thức, thì chúng ta lập tức phải đưa một năng lượng của chánh niệm, lên đứng bên cạnh vùng năng lượng tiêu cực đó. Người tu hành không phải là người không có tham, sân, si. Người tu hành là người có tham, sân, si như những người khác, nhưng người tu hành là người biết quản lý cái tham, sân, si của mình. Khi năng lượng của đam mê, của hờn giận, của ngu si phát hiện, thì ta đừng để cho nó độc chiếm môi trường ý thức của chúng ta. Chúng ta phải lập tức mời năng lượng của chánh niệm, của từ bi lên ngồi với cái giận, cái sợ, cái đam mê của mình. Ngồi trong hòa bình. Đừng đánh đuổi nó mà chỉ cần nói hai ta ngồi xuống, rồi chánh niệm phải quàng vai, phải an ủi: Lâu nay tôi bỏ bê anh quá! Bây giờ tôi sẽ chăm sóc anh. Thì tự nhiên nó có một nền hòa bình, một niềm an lạc. Đó là một sự chấp nhận.
Sở dĩ mình khổ là tại mình không biết chấp nhận. Mình cứ một mực "Anh không có đó!" Cũng như người không công nhận sự thật: Tôi đâu có giận! Tôi đâu có say! Nhưng rõ ràng là mặt anh đỏ gay! Mình chỉ cần công nhận sự có mặt của nó, là ta có ngay sự an tĩnh. Khi ôm ấp như vậy thì năng lượng của chánh niệm từ từ đi vào trong năng lượng của giận hờn, của đam mê. Lúc đó tình trạng trở nên có an ninh, hiền hòa hơn. Tuy là đam mê còn, giận hờn còn, nhưng chúng đã bắt đầu dịu xuống.
Vậy thì người tu không phải là người không có nỗi khổ niềm đau, mà người tu là người biết ôm lấy niềm đau để chuyển hóa. Cũng như buổi sáng sớm, lúc thức dậy trời lạnh quá, sư chú bỏ củi vào lò và đốt lên. Chỉ vài phút sau thì lò bắt đầu gởi không khí nóng đi ra. Khi đi ra, không khí nóng không đánh đuổi không khí lạnh, mà chỉ bắt đầu ôm lấy không khí lạnh ở trong phòng. Ôm một hồi thì khí lạnh trở thành khí ấm. Cứ tiếp tục như vậy thì chỉ trong vòng nửa giờ là thiền đường ấm áp, sẵn sàng đưa sự an lạc, hạnh phúc cho đại chúng ngồi thiền. Không cần đánh đuổi gì hết, chỉ cần ôm lấy mà thôi, nhưng phải tiếp tục ôm, lò phải tiếp tục cháy, nghĩa là hơi nóng phải tiếp tục được sản xuất.
Chúng ta cũng vậy, những nỗi khổ niềm đau của mình, mình phải công nhận rằng chúng nó đang có và mình phải có thì giờ ngồi chăm sóc nó. Đừng đi trốn nó. Đi trốn trong âm nhạc, trốn trong báo chí, trốn trong những câu chuyện với bạn bè. Mình phải buông cuốn sách đó xuống, mình phải buông cái điện thoại đó xuống, mình ngồi xuống với nỗi khổ niềm đau của mình, và nếu cần tiếp viện, vì chánh niệm của mình còn yếu, thì mình nhờ sư anh hay sư chị ngồi một bên mình, để giúp cho mình có đủ sức mà ôm lấy niềm đau của mình. Điều này rất là quan trọng. Tuy có thiện chí nhưng có thể mình chưa làm được một mình, vì vậy mình phải cần tăng thân.
Đến đây mình có thể thâu tóm vài giải pháp để đối trị với triền sử lâu đời.
§ Thứ nhất là khi năng lượng của đau buồn, của nội kết phát hiện, mình phải làm phát hiện năng lượng của chánh niệm để nhận diện nó, công nhận sự có mặt của nó, ngồi với nó để chăm sóc nó. Thường thì chỉ cần chừng đó là mình "giải quyết" được vấn đề.
§ Thứ hai là nếu năng lượng chánh niệm của mình chưa đủ, còn yếu, mình phải cầu viện với tăng thân, cầu viện với sư anh, với sư chị, với sư em, với thầy. Vì vậy cho nên được thực tập trong tăng thân là một cơ hội rất lớn, rất tốt.
Như tôi đã nói, sống trong tăng thân mình có một khung cảnh để có thể làm những chuyện đó một cách rất thoải mái. Mình có thể đi chậm, mình có thể làm thanh thản mà không ai phiền hà. Nếu ở dưới Métro hoặc trên đường số 42nd ở Ma-hattan, New York mà mình đi như vậy thì thiên hạ sẽ đẩy mình chạy! Vì vậy khung cảnh của một đạo tràng tu học là rất thuận tiện cho mình thực tập. Ngoài ra, vì trong tăng thân ai cũng thực tập như vậy, cho nên mình được khuyến khích. Do đó, rời bỏ tăng thân là một tai họa, một dại dột rất lớn.
Chúng ta là những người rất may mắn, có điều kiện để thực tập. Chúng ta phải tận dụng những điều kiện, và những sự may mắn đó, không thì rất uổng! Có biết bao nhiêu người mơ ước có được một môi trường như vậy, có một tăng thân như vậy để thực tập, mà sắp đặt mấy năm nay, vẫn chưa được cơ hội để về làng một vài tuần lễ. Chúng ta ngày nào cũng có cơ hội thực tập, nếu không làm thì rất uổng cho chúng ta, và chúng ta phụ rẫy sự hy sinh của gia đình chúng ta, của cha mẹ chúng ta, của thầy chúng ta, của tăng thân chúng ta.
Chúng ta phải thực tập hết lòng để có hạnh phúc, để có tự do, và đó là những tặng phẩm quý giá nhất mà chúng ta có thể cống hiến cho những người ta thương và cho xã hội của chúng ta.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]