TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
Trích pháp thoại ngày 17-3-05 tại Trung Tâm Khoa học về Tín ngưỡng & Tôn giáo Hà Nội-Việt Nam
Kính thưa liệt vị, có một con mắt gọi là con mắt vô tướng và quý vị có con mắt đó. Nếu sử dụng được con mắt vô tướng thì quý vị có thể thấy những cái mà người khác không thấy. Vô tướng tiếng Phạn là Animitta.
Khi nhìn một đám mây, nhờ tướng trạng của đám mây mà chúng ta nhận diện được sự có mặt của đám mây. Như vậy nhận thức của chúng ta, tri giác của chúng ta là căn cứ vào cái tướng của đám mây. Nhưng khi đám mây trở thành mưa, thì không có cái tướng của đám mây nữa. Bây giờ phải có con mắt vô tướng, chúng ta mới nhận ra được sự có mặt của đám mây ở trong cơn mưa. Đám mây không thể nào chết được, đám mây chỉ có thể trở thành mưa, thành tuyết, hay thành nước đá, chứ đám mây không thể chết được.
Chết, trong đầu của chúng ta có nghĩa là từ có mà trở thành không. Một đám mây không bao giờ có thể từ có mà trở thành không. Vì vậy trong đạo Bụt người ta nói tới tính cách vô sinh, bất diệt của đám mây. Đám mây là vô sinh, tại vì nó không thể từ không mà trở thành có. Trước khi là đám mây, nó đã là cái gì khác rồi. Nó đã là nước sông, nước hồ, nước ao, nước biển, là sức nóng mặt trời, là cơn gió thoảng. Vì vậy cho nên có con mắt vô tướng, chúng ta thấy được tiền thân của đám mây. Nếu nhìn vào đám mây bằng con mắt vô tướng, chúng ta cũng có thể thấy được hậu thân của đám mây, nghĩa là sự tiếp nối của đám mây qua những hình thái khác như là cơn mưa hay là dòng sông, con suối.
Khi uống trà và tôi thật sự có mặt trong giây phút hiện tại, tôi tiếp xúc được với trà một cách sâu sắc, thì tôi thấy được sự có mặt của đám mây ở trong chén trà. Và như vậy, khi uống trà có nghĩa là tôi đang uống mây. Quý vị không cần phải là thi sĩ mới có thể thấy được như vậy, tại vì nước trà là sự tiếp nối của mây.
Trong đầu của chúng ta có ý niệm về sinh và về diệt. Sinh đối với chúng ta là từ không có mà trở nên có. Nhưng nếu quán sát cho kỹ thì ta thấy rằng không có vật nào có thể từ không mà trở nên có được. Đám mây cũng vậy, mà cây bắp cũng vậy. Cây bắp không phải từ không mà trở thành có. Cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp, và hạt bắp là sự tiếp nối của trái bắp. Nhờ cái thấy đó mà chúng ta đạt được, chúng ta thấy được, chúng ta tiếp xúc được với tính vô sinh của vạn vật.
Trong trường hợp của cha con, nhờ tiếp xúc được với nhau mà qua đứa con, người cha có thể đi về được tới tương lai vô cùng của ông, và nhờ qua người cha mà người con có thể tiếp xúc được với tất cả các thế hệ tổ tiên trong quá khứ vô tận của con.
Đạo Bụt nói đến tính vô sinh bất diệt của vạn pháp, của muôn loài.
Nhà khoa học Lavoisier của Pháp, vào thế kỷ thứ 18 có nói một câu giống hệt như trong Tâm Kinh Bát Nhã: Rien ne se créer, rien ne se perdre-Không có gì sinh ra, không có gì diệt đi. Lavoisier đã không đứng trên phương diện của một nhà Tâm linh học hay một nhà Tôn giáo để nói điều đó. Ông ta chỉ quán sát sự vật mà đi tới kết luận đó, và chúng ta thường cho đó là một phát kiến lớn lao của khoa học. Kỳ thực Tâm Kinh Bát Nhã của đạo Bụt đã nói điều đó hơn 2500 năm trước đây: "Thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt". Và như tôi vừa nói. mình không thấy được điều này, đó là vì mình chưa tu, mình chưa có con mắt vô tướng.
Nhưng đây không phải là điều duy nhất mà chúng ta không thấy, không hiểu. Trong kinh Kim Cương có một câu mà chúng ta không thể hiểu được nếu không đặt câu đó dưới ánh sáng của Biện chứng pháp của Phật giáo: Cái mà tôi gọi là vị Bồ tát, đó không phải là vị Bồ tát, vì vậy cho nên đó thực sự là một vị Bồ tát. Khi nhìn vào sông mà mình thấy núi ở trong đó thì mình mới thấy được sông một cách đích thực. Khi nhìn vào đứa con mà thấy người cha ở trong đó thì mình mới thấy được rõ ràng cái tự tính của đứa con. Trong cái A ta có thể thấy được cái phi A, nhờ vậy mà ta thấy được chiều sâu của A, chúng ta không bị kẹt vào cái tướng của A.
Đạo Bụt không phải chỉ là một tôn giáo. Phần tôn giáo như hy vọng, niềm tin, sự cầu nguyện đều có ở trong đạo Bụt. Nhưng cái tinh hoa của đạo Bụt là nguồn tuệ giác, trong đó có những phương pháp thực tập rất cụ thể để giúp người tu tháo gỡ được những khó khăn, những bức xúc; chuyển hóa được những khổ đau, thiết lập lại được truyền thông với người khác, đem lại hạnh phúc cho muôn loài.
Đạo Bụt nói đến tính chất hữu cơ của tuệ giác, của tình thương và của phiền não. Đạo Bụt nói đến tính duyên sinh của vạn pháp, nói đến lý do hiện hữu của vũ trụ là cái này có vì cái kia có đó. Đạo Bụt còn có cái nhìn bất nhị, non-dualistic, rất thực tiễn, rất khoa học. Kho tàng kinh điển của đạo Bụt đã in thành sách ngày nay, dày bằng 11 lần quyển Thánh kinh của Kitô giáo.
Nhà bác học Albert Einstein đã nói rằng: "Nếu có một tôn giáo có thể cung ứng được cho nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo" (If there is any religion that could cope with modern scientific needs it would be Buddhism).
Khi học khoa học cho đến nơi đến chốn, chúng ta có thể hiểu Phật học được sâu sắc hơn. Ví dụ khi đọc kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy cái quan niệm: Một là tất cả, tất cả là một (Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất).Nhìn vào khoa Sinh vật học, chúng ta thấy khoa học ngày nay có khả năng lấy một tế bào trong cơ thể và làm ra một cơ thể khác giống y hệt như tế bào cha. Kỹ thuật đó gọi là Cloning.
Trong cơ thể của ta có hai loại tế bào. Một loại gọi là tế bào mầm, Cellule germinal, một loại gọi là tế bào sinh dưỡng, Cellule somatic. Nếu chúng ta lấy một cái trứng ở trong buồng trứng của người phụ nữ, hút cái nhân (Nucleus) ra, và thay vào đó bằng nhân của một tế bào muốn nhân giống (Cloning cell), rồi đặt trứng đó vào trong tử cung của một người để nuôi. Sau thời gian thụ thai, đứa con sinh ra sẽ là một bản sao y hệt của tế bào cha, tức là y hệt người mà từ đó chúng ta đã lấy tế bào muốn nhân giống. Nếu lấy 1000 tế bào thì chúng ta có thể làm ra 1000 đứa bé mà gia tài di truyền là đồng nhất với gia tài di truyền của người gốc. Tại sao vậy? Tại vì mỗi tế bào của cơ thể có chứa đựng tất cả những tế bào khác. Chúng ta chỉ cần một tế bào thôi, bất cứ một tế bào nào ở trong cơ thể, chúng ta cũng có thể làm ra một con người. Sáng tạo đó của khoa học trong thế kỷ thứ 20, là chứng minh của một tuệ giác đã có từ 25 thế kỷ trước trong kinh Hoa Nghiêm: Cái một nó chứa đựng cái tất cả. Cloning chỉ là một minh chứng ở trong lãnh vực sinh vật học. Trong khi đó tuệ giác kinh Hoa Nghiêm đúng trong mọi lãnh vực của loài người!
Chúng ta còn nghe nói rằng mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta chứa đựng tất cả dữ kiện, tất cả những gia sản di truyền của tất cả các thế hệ cha ông của chúng ta. Nếu có một máy đọc tinh vi thì chỉ cần nhìn vào một tế bào, chúng ta có thể đọc được tất cả những dữ kiện về các thế hệ tổ tiên trong không gian vô cùng, và thời gian vô tận của người mang tế bào đó. Các kỹ sư ngoài đời có khả năng sáng chế được cái máy đó hay không, đó là chuyện ngoài đời. Ở trong đạo, với con mắt vô tướng, người tu giỏi sẽ có khả năng thấy được giáo lý Cái một chứa đựng cái tất cả của kinh Hoa Nghiêm. Không có gì là ngạc nhiên, không có gì là trái chống với khoa học và kỹ thuật cả.
Những điều đó không phải là những phỏng đoán, cũng không phải là những nhận thức có tính cách lý thuyết mơ hồ. Những điều đó là nguồn tuệ giác của đạo Bụt, đã có từ hơn 2500 năm nay.
Cũng như vấn đề Duy tâm và Duy vật mà con người đã tốn biết bao thì giờ để bàn cãi, mà vẫn chưa đi đến đâu, thì ngày nay trong những phát kiến mới nhất, các nhà khoa học đã công nhận tuệ giác "danh sắc là một" của đạo Bụt.
Điều tôi muốn nói là ngày nay Khoa học Não bộ đã đặt vấn đề rất kỹ. Một trong những câu hỏi chính của Khoa học Não bộ là: Làm sao mà những hoạt động vi tính (computation) có tính cách khách quan của não bộ (một hoạt động vật chất) mà lại trở thành ý thức chủ quan được? Có nghĩa câu hỏi căn bản là làm sao từ vật nó trở thành tâm được?
Đạo Bụt thấy rõ điều kẹt của các nhà khoa học trong vấn đề này. Họ kẹt là vì quan điểm lưỡng nguyên của họ về tâm và về vật. Có rất nhiều người trong chúng ta bị kẹt vào cái quan niệm lưỡng nguyên giữa tâm và vật.
Ngày nay trong lĩnh vực Y khoa người ta đã thấy rằng những gì xảy ra cho tâm, nó ảnh hưởng tới vật tức là thân. Chữa trị cho tâm tức là chữa trị cho thân. Vì vậy mà Y khoa có danh từ Psychosomatique, chấp nhận có một thực tại mà chúng ta có thể gọi là Thân-Tâm.
Đạo Bụt đã có danh từ Danh-Sắc từ lâu. Danh từ đạo Bụt là N(ma-R(pa. N(ma là tâm còn R(pa là thân, chúng đi đôi với nhau.
Có khi mình thấy thực tại đó hiện ra như một thực tại vật chất, có khi cũng thực tại đó mà nó hiện ra với những đặc tính của tinh thần.
Trong giới khoa học nguyên tử ngày nay, cái gọi là Particule élementaire, chất điểm đầu tiên của vật chất, khi cácnhà khoa học nguyên tử nghiên cứu, họ thấy chất điểm đó có khi hiện ra dưới hình thái của một đợt sóng, onde, wave, nhưng có khi nó hiện ra dưới hình thái của một cái hạt, particule, particle. Vậy thì mình phải kết luận như thế nào? Nó là hạt hay nó là sóng? Các nhà khoa học ngày nay đã phải đồng ý đặt ra một tên mới để gọi nó: Sóng-hạt, tiếng Pháp là Ondicule, và tiếng Anh là Waveicle. Họ phải chọn con đường đó tại vì trước đó họ bị kẹt vào quan niệm lưỡng nguyên, cho rằng sóng và hạt là hai cái khác nhau. Nhờ vượt thoát quan điểm nhị nguyên đó, mà các khoa học gia của chúng ta đã khỏi lâm vào ngõ cụt của trí năng.
Ngoài đời, nếu người kỹ sư dùng máy vi tính làm dụng cụ để phát minh, để sáng chế, thì trong đạo, người tu mà ta có thể gọi là "kỹ sư Phật học"-vì họ cũng tạo tác, cũng xây dựng-dùng hơi thở chánh niệm làm dụng cụ để chế tác năng lượng Niệm, Định, và Tuệ mà đạt được cái đích của người tu.
Trong tiến trình phát triển Khoa học Kỹ thuật, người ta dùng computer để aid trong mọi lãnh vực nghiên cứu, từ Computer-Aided Design (CAD), Computer-Aided Manufacture (CAM), Computer-Aided Engineering (CAE)... Nói theo tinh thần hài hước thì chỉ khi nào CAE mà là Computer-Aided Everything, trong đó có tình thương, thì lúc đó Khoa học, Kỹ thuật mới hy vọng có giác ngộ.
Trong đạo Bụt, người tu chỉ cần nắm lấy hơi thở là có thể đạt được giải thoát.
Vì vậy thực tập hơi thở chánh niệm là căn bản của những phương pháp tu tập ở Làng Mai.
Trong chương trình tu học tại làng, việc tu tập được trình bày như những pháp môn thực tập, bắt nguồn từ những giáo pháp lấy trong kinh điển Nguyên thủy cũng như Đại thừa. Thêm vào đó, còn có những sáng tạo hoằng hóa của Làng Mai để thích ứng với thời đại mới, với con người mới, căn cứ vào kinh nghiệm tu học của chính Làng Mai.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]