TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

MỤC LỤC

TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai

17. Niệm và công năng của thiền tập

NHẮC LẠI BỐN ĐIỀU KIỆN NUÔI DƯỠNG CHÁNH NIỆM

HÌNH THÀNH CỦA MỘT NIỆM

VAI TRÒ CỦA NHẬN DIỆN ĐƠN THUẦN

BƯỚC ĐẦU-THIỀN CHỈ ĐỂ AN TỊNH THÂN, TÂM

BƯỚC KẾ-THIỀN QUÁN ĐỂ TRỊ LIỆU VÀ CHUYỂN HÓA

PHƯƠNG PHÁP TỊNH KHẨU


Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai

17. Niệm và công năng của thiền tập

NHẮC LẠI BỐN ĐIỀU KIỆN NUÔI DƯỠNG CHÁNH NIỆM

Trước đây chúng ta đã nói đến bốn điều kiện để làm cho tâm hành gọi là chánh niệm được phát sinh và được nuôi dưỡng. Vì nó quá quan trọng cho nên trước khi đi tiếp, chúng ta hãy ôn lại những điều kiện nuôi dưỡng chánh niệm.

1. Trước hết chúng ta có điều kiện gọi là nhân duyên. Tiếng Anh có thể dịch là seed condition, hay là root condition, nhưng seed condition có lẽ hay hơn. Điều kiện này là cái khả năng, là thói quen, là một tiềm lực mà ta chưa thấy. Khi nó phát hiện thì ta mới thấy. Ví dụ có một người sống rất chánh niệm. Đi thì biết mình đi, ngồi biết mình ngồi, ăn biết mình ăn. Người đó có khả năng biết điều gì xảy ra trong mình và chung quanh mình. Khả năng đó là nhân duyên. Mình chưa thấy, cho đến khi nó phát hiện ra trong sự sống của người đó, thì mình mới thấy.

Một ví dụ khác là bàn tay này. Nhìn vào bàn tay này ta có thể thấy nhiều điều nhưng có một điều mình không thấy, đó là khả năng viết chữ Nho. Mình đâu thấy? Tuy không thấy nhưng khi hội đủ điều kiện thì bàn tay này viết được chữ Nho. Lúc đó mình mới thấy. Thành ra cái tiềm lực đó, cái khả năng đó, cái thói quen đó, cái tài nghệ đó có trong bàn tay, nhưng nó không phát hiện.

Một người sống có chánh niệm, đi là đi trong chánh niệm, uống trà là uống trong chánh niệm, là tại người đó có thói quen chánh niệm, có khả năng chánh niệm, có tập khí chánh niệm, có một tiềm lực có chánh niệm. Trong đời sống hàng ngày nếu mình tu học, nếu mình un đúc cái khả năng đó, thì mình rất dễ có chánh niệm. Nghe một tiếng chuông, nghe tiếng đồng hồ reo, hay thấy một cái gì đó thì có chánh niệm liền lập tức. Cái đókhông phải tự nhiên mà có, mà do sự bồi đắp, tu dưỡng, nó tiềm tàng ở trong con người của mình.

Chúng ta đã biết rằng chánh niệm bao giờ cũng là chánh niệm về cái gì. Đây là nhận thức căn bản của một triết thuyết học, gọi là Hiện Tượng Luận, Phenomenology. Giận là giận cái gì, thương là thương cái gì, chánh niệm luôn luôn là chánh niệm về cái gì, chứ không thể có chánh niệm suông được.

2. Khi điều kiện thứ nhất là nhân duyên, gặp điều kiện thứ hai là Sở duyên duyên, tiếng Anh dịch là Object condition, thì đó là đối tượng của nhân duyên. Ví dụ khi mình giận, và mình có chánh niệm về giận, thì cái giận là đối tượng của chánh niệm của mình. Tôi đang giận, và tôi biết rằng tôi đang giận. Tôi đang vui, tôi biết tôi đang vui, tôi đang thở, tôi biết tôi đang thở. Cái đối tượng đó gọi là sở duyên.

3. Điều kiện thứ ba là Tăng Thượng Duyên. Tăng thượng duyên là điều kiện để giúp cho việc đó tăng tiến, làm nó lớn thêm lên. Ta có thể tạm dịch là Support condition. Ví dụ một hoàn cảnh có những điều kiện giúp cho việc đó thành công: Khi hạt lúa được gieo vào trong đất, thì nó là nhân duyên. Khi có mưa, có nắng, có đất, có phân thì đó là tăng thượng duyên, những điều kiện giúp làm cho thành công.

4. Cuối cùng mình có một điều kiện thứ tư, gọi là Thứ đệ duyên hay Đẳng vô gián duyên. Tức là điều kiện của sự liên tục, không bị cắt đứt nữa chừng. Mình có thể dịch là No-discontinuation condition. Vô gián là không ngừng lại, non stop, một điều kiện rất quan trọng, rất cần.

Bây giờ ta hãy xét một niệm, ví dụ như niệm hơi thở vào. Niệm là nhân duyên, còn hơi thở là sở duyên duyên, tức là một pháp sinh ra từ sở duyên. Khả năng chánh niệm trong người mình là nền tảng để phát sinh ra chủ thể, còn hơi thở mình đang thở là điều kiện để phát sinh ra đối tượng của nó.

Thành phần của Niệm hơi thở với

Niệm hơi thở chánh niệm hùng hậu

Niệm hơi thở này chỉ tồn tại trong một sát-na thôi. Tôi đang thở vào và biết là tôi đang thở vào, niệm đó, cái biết đó chỉ kéo dài trong một tích tắc thôi. Nhưng nhờ đẳng vô gián duyên thành ra mình tiếp tục được và mình nuôi dưỡng được cái niệm suốt trong cả hơi thở vào.

Đầu tiên là một niệm phát khởi và tồn tại trong một sát-na, rồi nối tiếp với niệm đó, có một niệm khác cũng ngắn một sát-na, rồi có niệm thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy.... Nhìn vào mình thấy có một dòng niệm liên tục, kéo dài. Dòng niệm này mình gọi là niệm hơi thở, tồn tại là nhờ có Thứ đệ duyên hay Đẳng vô gián duyên, tức là điều kiện không gián đoạn. Mình có thể có chánh niệm về hơi thở, nhưng chỉ trong một vài sát-na thì mình ngưng lại, mình thất niệm. Cho nên điều kiện Đẳng vô gián duyên là rất quan trọng.

Làm thế nào để duy trì cái niệm và đừng cho nữa chừng bị đứt đoạn? Phương pháp hay nhất là nuôi dưỡng hơi thở, tại vì hơi thở chánh niệm còn thì chánh niệm còn.

Kinh An Ban Thủ Ý dạy ta phương pháp nuôi dưỡng hơi thở chánh niệm. Vì vậy đây là một kinh rất quan trọng trong kho tàng kinh điển đạo Bụt. Người tu mà không biết kinh An Ban Thủ Ý thì e rằng không tu được.

Như vậy niệm hơi thở là một dòng niệm, chứ không phải là một niệm. Niệm này tiếp theo niệm kia, nó miên mật, không có khe hở ở giữa. Trong khi đó thì phải có tăng thượng duyên, tức là đừng có người đến quấy rầy, đừng có người đến nói anh phải trả tiền điện, tiền nước, hoặc là anh ơi, anh đi chơi không v.v... Nghĩa là đừng có những điều kiện không thuận lợi, làm đứt đoạn sự hành trì của mình.

Tăng thượng duyên có hai loại. Một gọi là thuận, hai gọi là nghịch. Khi những điều kiện thuận lợi cho mình thì nó giúp cho chánh niệm nghiêm túc, liên tục và mạnh hơn. Khi không có những điều kiện đó thì nó không được liên tục, không được tăng trưởng. Thường thường chúng ta nghĩ như vậy. Nhưng có những lúc tăng thượng duyên là nghịch tăng thượng duyên, nhưng nó cũng giúp cho chánh niệm lớn thêm. Thấy thì như nó nghịch, nhưng thật ra nó là thuận.

Ví dụ trong khóa tu, mình nghĩ sức khỏe là một tăng thượng duyên. Đừng bị cảm, đừng bị cúm thì hay quá. Nhưng lở mình bị cảm và nhức đầu thì sao? Ban đầu mình nhìn cái cảm đó như là một chướng ngại, không phải là tăng thượng duyên. Nhưng nếu là người giỏi thì mình có thể nắm lấy cái nghịch tăng thượng duyên đó để tạo thành cái thuận tăng thượng duyên. Có thể mình nói rằng mới hồi sáng trời nắng đó, và mình đi thiền hành sung sướng như vậy, mà buổi chiều trời lại mưa và mình bị cảm rồi! Vô thường quá! Mình chỉ có một tuần ở trong khóa tu này thôi! Ý thức được cái vô thường đó, ý thức được cái hiện tượng mình đang bị cúm đó, mình nhất quyết hạ thủ công phu để cho sự tu tập thành công, thì cơn cảm cúm đó, hay trận mưa đó từ một "thiếu" tăng thượng duyên, nó trở nên một "đủ" tăng thượng duyên.

Khi có bệnh chúng ta mới biết không có bệnh là quý giá, và bệnh có thể là một tiếng chuông chánh niệm, giúp chúng ta quyết tâm tu học hơn. Trong trường hợp này, bệnh không phải là một điều phá hoại, mà là một tăng thượng duyên. Những sự nghịch ý cũng vậy. Ví dụ mình bị sư anh, sư chị hay sư em nói một câu gì đó làm cho mình đau điếng. Ban đầu mình tưởng điều đó là điều không thuận lợi cho sự tu học. Nhưng nghĩ cho kỹ thì nếu không có những cái đó thì làm sao mình tu được? Giống như đi trên xa lộ, êm ru, không có khó khăn nào cả, nên mình tưởng mình giỏi, cho đến khi vấp váp thì mình mới biết mình không giỏi gì cả!

Vì vậy những cái khó khăn, những cái bất như ý xảy ra trong đời sống hàng ngày của mình, mới đầu mình tưởng nó là nghịch duyên, nhưng kỳ thật nó có thể là thuận duyên. Nghịch nhưng mà tăng thượng. Thuận tăng thượng thì nó dễ rồi, nhưng nghịch tăng thượng mà vẫn tu được thì mới hay. Trong cả hai trường hợp, chúng đều là tăng thượng duyên cả. Cái nhìn của Bụt đúng là một cái nhìn lạc quan!

HÌNH THÀNH CỦA MỘT NIỆM

Nhìn vào diễn biến thành hình của một niệm ở trong ta, chúng ta thấy có nhiều giai đoạn. Ví dụ con mắt của ta nhìn một cây đèn cầy đang cháy.

Ban đầu là giai đoạn sinh vật lý. Giai đoạn này gọi là giai đoạn sinh vật lý thô.

Giai đoạn 1:

Sinh Vật lý Thô

SINH (THÔ) VẬT

Giai đoạn 2:

Sinh Vật lý Tế

(Võng mô+Thần kinh)

SINH (TẾ) VẬT

Giai đoạn 3:

Tâm hành Niệm

Hình 2: Hình thành của một niệm

Khi cây nến chiếu vào con mắt và in hình cây nến vào võng mô, là chúng ta vượt đến giai đoạn thứ hai, gọi là giai đoạn sinh vật lý tế. Giai đoạn thứ hai này không phải là con mắt trần nữa, mà là võng mô (Retina) và thần kinh thị giác (Optic nerve). Võng mô và thần kinh thị giác vẫn còn là sinh lý nhưng nó không phải là sinh lý thô, mà nó là sinh lý tế nhị. Vật lý trong giai đoạn này là cái hình lộn ngược của cây đèn cầy ở trên võng mô. So với cây đèn cầy, thì hình của nó đã là tế rồi.

Sang giai đoạn thứ ba thì nó trở thành Tâm. Sau sinh thô, sinh tế, bây giờ đến tâm. Lúc này mới là một tâm hành. Sau khi đi qua hai giai đoạn sinh-vật lý, một thô một tế, bây giờ tâm hành nó mới biểu hiện. Tâm hành này gọi là niệm, và mình mới có năng và sở, tức là chủ thể và đối tượng. Tôi đang thở vào và tôi biết là tôi đang thở vào, đó là niệm, đó là tâm lý.

Tâm lý này vừa thoát khỏi giai đoạn của sinh-vật lý tế nhị mà thôi, nhưng nó vẫn còn dựa trên cơ sở của sinh-vật lý nhiều lắm. Tại vì nếu không có thần kinh thị giác, không có võng mô thì tâm hành này không duy trì được. Vì vậy cho nên giai đoạn sinh vật-lý tế nhị là một trong những nơi nương tựa, cái sở y cho giai đoạn tâm này.

Mình thấy, mình nghe, mình ngửi, mình có ý thức về cái đó đều cũng vậy. Đây là đứng về phương diện hoàn toàn cơ giới mà nói. Nhưng đứng về phương diện tâm lý thì nó khác. Khi mình thấy một cái gì, nghe một cái gì, hay cảm một cái gì, chú ý tới một cái gì thì đối tượng đó có thể không còn nguyên vẹn như nó phát hiện nữa, mà nó được nhuộm màu sắc của kinh nghiệm, tức là mình đã có những kinh nghiệm, những hình ảnh có sẵn ở trong tâm thức rồi. Cho nên khi cái này vừa hiện ra là những kỷ niệm trong tâm của chúng ta, đem màu ra nhuộm nó liền lập tức, không để cho nó còn nguyên chất.

Ví dụ mình thấy người đó. Nếu thấy người đó lần đầu và mình chưa có thành kiến gì về người đó, thì người đó có cơ hội để hiển hiện ra với tính cách khách quan của người đó. Nhưng nếu mình đã biết, đã có hình ảnh của người đó rồi, mình đã thương người đó rồi, mình đã ghét người đó rồi, mình đã có nước thuốc màu hồng hay màu đen sẵn trong nhận thức, cho nên khi hình ảnh của người đó vừa phát hiện từ cơ bản sinh lý tế nhị của mình, thì mình vội vàng dùng nước thuốc màu của nhận thức để nhuộm người đó liền! Vì vậy mà cái nhận thức của mình không còn khách quan nữa. Thấy người đó, tự nhiên mình thương quá! Thương quá rồi không còn sáng suốt nữa. Hay thấy người đó thì đùng đùng nổi giận, người đó chưa làm gì hết mà mình đã vậy rồi. Những màu đó mình có sẵn trong tâm, mình đem ra nhuộm!

Điều quan trọng cần nhớ ở đây là phía tàng thức, tức là phía của tâm ý, nó đưa màu sắc tới để nhuộm những gì phát hiện ra trong tâm thức của mình. Người đó dễ thương hay dễ ghét, hình ảnh đó đẹp hay xấu, nó tùy thuộc rất nhiều vào thành kiến, vào kinh nghiệm, vào nhận thức mà mình đã có sẵn ở trong tiềm thức.

Nó nguy hiểm đến như vậy!

VAI TRÒ CỦA NHẬN DIỆN ĐƠN THUẦN

Cho nên học phương pháp gọi là nhận diện đơn thuần là rất quan trọng. Phải cho cái sở dương này một cơ hội để nó biểu hiện tự thân của nó. Mình đừng vội chụp lên đầu nó những màu sắc, những ý kiến, những thương ghét có sẵn trong tâm của mình. Muốn vậy, mình chỉ có cách thực tập phương pháp gọi là nhận diện đơn thuần.

Biết diễn biến hình thành của một niệm, không phải là để chúng ta chỉ có kiến thức về các giai đoạn sinh khởi của niệm, mà còn biết dòng niệm là do những sát-na niệm cấu thành, để chúng ta biết cách thực tập chánh niệm, biết sự quan trọng của việc nắm lấy từng sát-na niệm hơi thở cho dễ thành công trong việc đưa thân tâm về một mối.

Bài tập đầu tiên về hơi thở mà Bụt trao cho ta là:

Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào.

Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra.

Như vậy trong khi thở vào và thở ra, mình chỉ có một việc phải làm thôi, đó là nhận diện và gọi tên hơi thở. Đây là hơi thở vào, đây là hơi thở ra. Không phán xét, không ưa thích, vướng mắc, mà cũng không xua đuổi, ghét bỏ. Đây là hơi thở vào, nó như vậy, tôi chấp nhận nó như vậy. Đây là hơi thở ra, nó như vậy, tôi chấp nhận nó như vậy, không có sự vướng víu, không có sự xua đuổi.

Trong kinh An Ban Thủ Ý còn có những hơi thở khác tiếp theo các hơi thở trên, ví dụ:

Thở vào một hơi ngắn, tôi biết tôi đang thở vào một hơi ngắn, Thở ra một hơi ngắn, tôi biết tôi đang thở ra một hơi ngắn.

Thở vào một hơi dài, tôi biết tôi đang thở vào một hơi dài, Thở ra một hơi dài, tôi biết tôi đang thở ra một hơi dài.

Hai câu này nguy hiểm lắm! Vì mình có thể nghĩ rằng Bụt dạy mình nên chú tâm thở vào một hơi ngắn hay thở vào một hơi dài. Không phải như vậy. Không phải mình nên cố tình làm cho hơi thở của mình nó ngắn hay dài tùy ý chí của mình! Hai câu đó chẳng qua chỉ là sự nhận diện mà thôi. Nếu nó là ngắn thì mình biết nó là ngắn, và không chủ tâm muốn nó trở thành dài. Nếu nó là dài, thì cứ để cho nó dài. Chỉ cần biết nó là hơi thở dài, mà không chủ tâm làm cho nó ngắn lại, hoặc dài hơn ra. Cái đó mới là quan trọng. Cái đó gọi là nhận diện đơn thuần. Thành ra khi thở vào mình thấy nó là một hơi thở hổn hển thì nói: "Đây là một hơi thở vào hổn hển" và không dùng sức mình để uốn nắn, ép buộc hơi thở đó đừng có hổn hển nữa. Không ép buộc, không can thiệp vào, đó là điều rất quan trọng.

Khi thực tập hơi thở, ta đừng làm như nhà huấn luyện thể thao, bảo rằng: Hơi thở tới đây! Ta sẽ làm cho ngươi biết hơi thở là phải như thế nào! Mình không cần làm vậy, mà chỉ cần ôm lấy hơi thở đó mà thở trong vòng nửa phút hay một phút, thì nó sẽ có sự thay đổi. Sự thay đổi này diễn biến ra một cách rất tự nhiên.

Nếu chúng ta có thể làm cho cái niệm về hơi thở này kéo dài, thì từ cái niệm đó nó phát xuất ra nhiều năng lượng, gọi là năng lượng chánh niệm. Nguồn năng lượng chánh niệm đó ôm ấp hơi thở vào này, ôm ấp hơi thở ra này, và tự nhiên nó có một sự thay đổi. Phẩm chất của hơi thở thay đổi một cách tự nhiên, rất mầu nhiệm.

Bất cứ người nào có thực tập đều biết như vậy. Đã không làm thì thôi, nhưng nếu bắt đầu chú ý đến hơi thở vào và hơi thở ra mà thở, thì chỉ nội trong ba bốn hơi thở sau là đã có sự chuyển hóa, đã thấy phẩm chất của hơi thở vào và hơi thở ra tăng tiến, nó dài hơn, sâu hơn, chậm hơn, nhẹ nhàng hơn. Nó mất tính chất của sự hổn hển, vội vàng, hấp tấp của nó.

BƯỚC ĐẦU-THIỀN CHỈ ĐỂ AN TỊNH THÂN, TÂM

Quý vị nên biết rằng khi thực tập "Thở vào tôi biết tôi đang thở vào, Thở ra tôi biết tôi đang thở ra" chừng vài phút thì tự nhiên mình thấy hơi thở vào của mình sâu thêm, hơi thở vào của mình chậm lại. Đôi khi mình chưa sang bài tập thứ hai (tức là sâu, chậm), mà lúc thực tập bài thứ nhất (tức là vào, ra) vài lần, thì mình thấy hơi thở mình đã sâu rồi, đã chậm rồi.

Có nghĩa là mình không thực tập: Tôi đang thở vào và ráng làm cho hơi thở nó sâu, tôi đang thở ra và ráng làm cho hơi thở nó chậm! Vì vậy mà chúng ta không thực tập "Vào ra sâu chậm" một lần. Chúng ta cứ thực tập vào, ra trước đã. Một hồi thì ta nhận ra rằng hơi thở vào, ra nó bắt đầu chậm lại, sâu thêm. Lúc đó ta mới đi sang bài thứ hai là sâu chậm:

Thở vào, tôi thấy hơi thở vào đã sâu. Thở ra, tôi thấy hơi thở ra đã chậm.

Thấy đây tức là thấy cái kết quả của bài tập thứ nhất (Vào, ra), nó làm cho hơi thở sâu thêm và chậm lại. Như vậy hai bài thực tập mà tôi vừa giải thích là:

Bài thứ nhất: Thở vào, biết thở vào. Thở ra, biết thở ra.

Bài thứ hai: Hơi thở vào đã sâu, hơi thở ra đã chậm.

Trong khi thực tập hai bài này, chúng ta có pháp lạc rất nhiều, tại vì phẩm chất hơi thở đã tăng tiến rồi. Trong khi đi, hoặc trong khi ngồi mà chúng ta thưởng thức cái tính cách chậm rãi và sâu sắc của hơi thở, là chúng ta lấy pháp lạc đó để nuôi thân và nuôi tâm. Cho nên bài tập thứ ba là:

Thở vào tôi thấy khỏe, thở ra tôi thấy nhẹ.

Khi phẩm chất của hơi thở đã lên cao, cố nhiên thở vào thì mình thấy khỏe, thở ra mình cũng thấy khỏe. Thở vào mình thấy nhẹ, thở ra cũng thấy nhẹ. Như vậy cái lạc thọ này cũng có công năng nuôi dưỡng tâm và thân của mình.

Trong kinh An Ban Thủ Ý còn có các bài tập khác, với công năng khác:

Thở vào tôi làm an tịnh thân hành của tôi. Thở ra tôi làm an tịnh thân hành của tôi.

Thở vào tôi cảm thấy mừng vui, thở ra tôi cảm thấy mừng vui v.v...

Những bài tập đó đều là những bài có công dụng nuôi dưỡng tâm và thân của mình.

Vì vậy cho nên thiền tập, trước hết nó có công dụng nuôi dưỡng.

Trong giai đoạn đầu, hơi thở có ý thức, hơi thở chánh niệm, nó chỉ là hơi thở thôi. Đối tượng của niệm chỉ là hơi thở đơn thuần, không có gì khác nữa. Chánh niệm của chúng ta chỉ ôm lấy hơi thở thôi. Hơi thở vào và hơi thở ra. Hơi thở đó có thể sâu, có thể chậm, nhưng một hồi thì hơi thở đó trở thành một với chánh niệm và chúng ta có thể đem nó để tiếp xúc với những đối tượng khác.

Thở vào tôi an tịnh thân hành của tôi. An tịnh tức là làm cho yên, cho lắng lại. Thân hành tức là những hiện tượng thuộc về thân, đối lại với tâm hành. Thân hành là những hiện tượng về sinh lý, và tâm hành là những hiện tượng về tâm lý. Hơi thở bây giờ có mục tiêu làm cho những hiện tượng sinh lý của mình an tịnh trở lại, tại vì trong cơ thể mình có thể có sự bất an. Ví dụ trái tim của mình nó đập loạn xạ, hay trong con người của mình, sự vận hành của các bộ phận trong cơ thể không điều hòa. Thân hành của mình bất an.

Mình biết rằng tâm mình có nhiều khi bất an, nhưng mình cũng biết rằng thân mình nhiều khi cũng bất an. Tuy ngồi giống như mình ngồi yên, nhưng thân của mình quả nhiên là không yên, lục phủ ngũ tạng đều không yên. Hơi thở này có mục đích đem tới sự yên ổn cho thân thể, và đó là nội dụng của bài tập:

Thở vào tôi làm an tịnh thân hành của tôi,

Thở ra tôi làm an tịnh thân hành của tôi.

Vậy thì sau khi thực tập hơi thở, và hơi thở của mình đã có phẩm chất rồi, thì mình dùng hơi thở có phẩm chất đó để ôm lấy thân của mình. Mình dùng hơi thở đó để xúc tiếp với thân thể của mình, và xúc tiếp tới đâu thì thân thể của mình an tịnh tới đó. Gọi là an tịnh thân hành. Ví dụ khi một sư cô hướng dẫn thiền buông thư, thì tất cả đại chúng thực tập trước hết là an tịnh thân hành. Ban đầu, sư cô dạy mình thở ra, thở vào cho thật êm dịu.

Khi hơi thở của mình trở thành êm dịu, nhẹ nhàng, có phẩm chất rồi, thì mình mới để ý đến hai vai, mình mỉm cười. Mình dùng chánh niệm và hơi thở, mình ôm lấy hai vai của mình, làm cho sự căng thẳng của hai vai bớt đi. Đó gọi là an tịnh thân hành. Mình chú ý tới những bắp thịt ở trên mặt mình, mình mỉm cười, đem chánh niệm của mình tiếp xúc với những bắp thịt trên khuôn mặt, và mình mỉm cười, thì tự nhiên mấy trăm bắp thịt ở trên mặt mình thư giãn ra. Nụ cười đó làm tiêu tan những căng thẳng. Như vậy gọi là an tịnh thân hành. Có thể con mắt mình rất mỏi, và có thể có sự căng thẳng ở trong mí mắt. Lúc đó mình đưa nụ cười chánh niệm của mình, đưa hơi thở chánh niệm của mình lên trên con mắt, giống như mình ôm lấy nó. Cứ như vậy mình thở, thì cũng giống như mình dùng hơi thở chánh niệm mà ôm lấy hai con mắt của mình, vuốt ve hai con mắt của mình. Thở một hồi như vậy thì sự căng thẳng trên hai mắt của mình sẽ tiêu tán đi.

Mình có thể dùng phương pháp massage để làm mất sự căng thẳng trên các bắp thịt của mình, nhưng mình cũng có thể dùng hơi thở chánh niệm và nụ cười chánh niệm để làm cho nó thư giãn những bắp thịt trên mặt của mình. Đó gọi là an tịnh thân hành bằng hơi thở chánh niệm. Bây giờ đối tượng, sở duyên của niệm, không còn là hơi thở thuần túy nữa mà nó đã đi sang phạm vi của sinh lý.

Trong kinh Thân Hành Niệm, Bụt có dạy rằng: Ví dụ mình mặc một cái áo, và cái áo đó trùm hết từ trên đầu xuống đến hai chân, thì cũng như vậy, mình dùng chánh niệm của mình để ôm lấy hết tất cả cơ thể của mình, và làm cho tất cả cơ thể của mình lắng dịu trở lại, an tịnh trở lại, thư giãn trở lại. Đó gọi là an tịnh thân hành.

Sự thực tập này mình thường làm trong tư thế thiền nằm, nhưng mình cũng có thể làm trong tư thế thiền ngồi. Đó là sự thực tập thương yêu.

Từ nhận diện hơi thở đơn thuần, mình đi tới gian đoạn ôm ấp lấy thân hành. Đối tượng của chánh niệm bây giờ không còn là hơi thở thuần túy nữa, mà là thân thể. Cũng giống như mình có chiếc xe hơi, và chiếc xe bây giờ có chuyên chở thêm những vật liệu xây cất ở trên đó. Ban đầu chỉ là chánh niệm thôi, bây giờ chánh niệm chuyên chở thêm thân hành nữa. Trong giai đoạn thứ hai này, đối tượng của niệm, sở duyên của niệm, không còn là hơi thở đơn thuần mà nó bao gồm luôn cả thân hành.

Một hơi thở khác trong An Ban Thủ Ý, Bụt dạy:

Thở vào tôi làm cho tâm hành của tôi an tịnh.

Đó là hơi thở an tịnh tâm hành, vì mình thường có những tâm hành không được an tịnh. Ví dụ khi mình sợ hãi, khi mình lo lắng, bồn chồn, giận dữ, tuyệt vọng. Đó là lúc mình có những tâm hành rất xáo trộn, mình có cơn bão tố trong con người của mình. Những lúc như vậy, mình có thể sử dụng bài tập này. Mình ngồi đó hay nằm đó, thực tập hơi thở cho vững chãi, cho có phẩm chất, rồi dùng hơi thở vững chãi và có phẩm chất đó, để ôm lấy những tâm hành xáo trộn của mình, làm cho nó an tịnh trở lại.

Tôi đang thở vào và làm cho tâm hành của tôi an tịnh trở lại. Khi là người tu mà mình không biết làm chuyện này thì mình chưa phải là người tu. Khi một người tu giận-người tu là người cho nên người tu có thể giận-nhưng điều mình không chấp nhận được là người tu giận mà không biết làm gì cho cái giận của mình! Đó là cái mà mình không chấp nhận, chứ người tu cũng có thể giận, có thể buồn, có thể lo, có thể ghét. Nhưng người tu khác người thường ở chỗ khi có giận, có buồn, có ghét thì mình biết phải làm gì.

Trước hết mình phải biết làm cho phẩm chất của hơi thở tăng tiến. Sau khi làm được rồi thì mình dùng năng lượng chánh niệm của hơi thở đó để ôm ấp lấy nỗi buồn, nỗi giận, nỗi lo của mình, làm cho nó an tịnh trở lại. Làm cho nó an tịnh bằng phương pháp bất nhị mà mình đã học trước đây. Có nghĩa là mình không đè nén, không tấn công, không xua đuổi tâm hành đó, mà mình chỉ ôm lấy nó một cách rất nhẹ nhàng, như bà mẹ ôm con mà thôi.

Trong giai đoạn nhận diện đơn thuần, khi thở vào mình chỉ ngồi yên để thở thôi. Mình nói: À đây là hơi thở vào, đây là hơi thở ra. À hơi thở vào này ngắn, hơi thở ra này cũng ngắn. À hơi thở ra này còn hổ hển, à hơi thở ra này bắt đầu êm dịu. Mình cứ nhận diện như vậy một hồi thì tự nhiên hơi thở vào, và hơi thở ra tăng tiến phẩm chất. À hơi thở vào bây giờ nó nhẹ nhàng, sâu hơn trước. À hơi thở vào bây giờ có phẩm chất hơn trước. Đó là nhận diện đơn thuần.

Đối với tâm hành của mình cũng vậy. Mình không nói: Này cái giận ơi, tới đây ta bảo cho ngươi biết giận như vậy là bậy lắm, ngươi phải đi ra khỏi ta liền lập tức, ta không chấp nhận ngươi là một tâm hành của ta. Hoặc buồn ơi, chào mi, đi chỗ khác chơi. Nói như vậy là không được. Thở vào, tôi biết rằng cơn giận đã phát sinh. Thở ra, tôi biết rằng cơn giận đang có trong tôi. Đó là nhận diện đơn thuần. Nhận diện đơn thuần cái tâm hành của mình mà không có ước muốn tranh đấu, đàn áp, xua đuổi. Như một bà mẹ khi nghe đứa con khóc, bỏ công việc, đi vào phòng, ẵm em bé vào lòng, vậy thôi. Nó là con mình, nó đang đau khổ, mình ôm lấy nó thôi chứ không chê trách, hay có một tâm ý nào khác. Nếu duy trì được chánh niệm, mình tạo ra điều kiện gọi là thứ đệ duyên, đẳng vô gián duyên, và mình ôm lấy em bé đó một thời gian thì tự nhiên cái năng lượng thương yêu và dịu dàng của bà mẹ sẽ đi vào em bé, và em bé tự nhiên cảm thấy dễ chịu và ngừng khóc. Đó gọi là an tịnh tâm hành.

Thành ra người tu mỗi khi có một nỗi buồn, một nỗi lo, một nỗi giận, thì người tu phải biết thực tập hơi thở, chế tác chất liệu chánh niệm, làm cho hơi thở có phẩm chất rồi dùng hơi thở đó để ôm ấp lấy tâm hành của mình. Trong tư thế ngồi, trong tư thế nằm, trong tư thế đi, mình phải làm công việc đó, nếu không thì ai làm cho mình? Có thể có người bạn cùng ngồi, cùng đi, cùng nằm để yểm trợ cho mình. Nhưng nếu mình không làm thì không có kết quả gì cả cho chính mình.

Tất cả những điều mình vừa nói, đều thuộc về phạm vi của thiền chỉ. Chỉ tức là làm cho ngưng lại, êm dịu lại. Chỉ cũng có nghĩa là lắng lại, stillness, peace, concentration. Vì vậy khi đi thiền hành hay khi ngồi thiền, hoặc khi mình thở, tất cả đều chỉ với một mục đích là làm cho nó lắng lại, làm cho nó êm dịu lại, ngưng lại bằng phương tiện gọi là nhận diện đơn thuần, không phải bằng phương tiện can thiệp và đàn áp.

BƯỚC KẾ-THIỀN QUÁN ĐỂ TRỊ LIỆU VÀ CHUYỂN HÓA

Khi thân hành đó, tâm hành đó đã lắng dịu rồi, nếu tiếp tục thiền chỉ, thì mình bắt đầu thấy được những nguyên do tại sao mà thân hành của mình như vậy, tâm hành của mình như vậy. Cũng như bà mẹ, sau khi ôm lấy đứa con, đi một hai vòng thì bà mới khám phá ra được tại sao đứa con mình khóc, có gì làm cho con của mình khóc. Ví dụ như cái tả quấn hơi chặt, hoặc em bé đói, hay em đang bị sốt. Trong khi làm việc an tịnh, bà mẹ có thể dùng sự chú ý của mình để nhìn vào tình trạng và khám phá ra nguyên do của vấn đề.

Mình cũng vậy, trong khi làm công việc an tịnh thân hành và tâm hành thì mình cũng có cơ hội nhìn sâu vào, có cơ hội quán chiếu và thấy được những nguyên do làm cho thân hành mình không an tịnh, làm cho tâm hành mình không an tịnh. Đó gọi là thiền quán. Thiền quán tức là nhìn sâu và thấy. Cái thấy đó cho mình biết mình nên làm gì, hay không nên làm gì để cho thân hành mình và tâm hành mình mất sự an tịnh.

Bụt có dạy rõ ràng là thân hành cũng như tâm hành được nuôi dưỡng bởi những thức ăn. Nếu mình cho thân mình hay tâm mình ăn loại thức ăn nào đó, thì thân mình tiếp tục có những cái đau khổ, có những cái bất an đó. Tâm mình cũng tiếp tục có những đau khổ, những bất an đó. Cái thấy đó gọi là tuệ, nó cho mình nhận diện được bản chất của thực phẩm mà trong quá khứ mình đã nuôi thân và tâm của mình. Khi tuệ đó phát sinh thì mình chỉ cần làm đúng theo điều tuệ đó nói, tức là mình thay đổi thức ăn, thì tự nhiên những khổ đau về thân, về tâm sẽ từ từ giảm bớt. Đó gọi là chuyển hóa.

Thời nay mình có máy vi tính, có viết, có mực, mình có thể ghi chép những gì mình thấy trong khi thiền quán. Khi ghi chép rõ ràng như vậy thì mình mới thấy được rằng đừng tiếp tục nuôi nấng thân và tâm của mình bằng những thứ thực phẩm độc hại đó nữa. Nếu làm được như vậy thì sự chuyển hóa chắc chắn sẽ đến.

Một ví dụ là mình có tập khí nói năng mà mình không làm chủ được, mình không đủ sức làm chủ sự nói năng của mình. Vì vậy mình gây ra đau khổ cho những người sống chung với mình. Sau đó mình hối hận rằng tại sao mình đã nói như vậy? Tại sao mình đã hành sử như vậy? Rồi mình nói kỳ sau mình nhất định sẽ không nói như vậy, không hành sử như vậy nữa, tại vì mình đã làm cho nhiều người khổ.

Khi họ khổ thì mình cũng khổ theo, và ai cũng tìm cách lánh xa mình. Đôi khi mình tưởng họ tẩy chay mình. Ai dè tại vì họ bị đau cho nên họ sợ và trốn mình vậy thôi, chứ họ không muốn tẩy chay mình. Tại họ cũng yếu. Đôi khi mình có những tuệ giác đó, mình biết như vậy, biết mình có tập khí không tốt. Mình biết hết những cái đó, nhưng mình vẫn làm, vẫn nói theo lối đó như thường. Là vì tuy có tuệ giác về chuyện đó, mình không chịu đem ra để thực tập. Cho nên mình không có sự chuyển hóa!

Mình thấy rằng tại sao những người chung quanh mình không có vấn đề, mà riêng mình thì có vấn đề? Rồi có khi mình cũng thấy rõ ràng rằng cái khổ của mình là không phải do người khác gây ra, mà là do chính mình gây ra. Đôi khi mình thấy rất rõ, mình có tuệ giác đó. Ấy vậy mà cái tuệ giác đó không đi sâu vào được trong con người mình và mình cứ tự nhiên lên án những người kia, cho rằng những người kia là nguyên do khổ đau của mình!

Có hai điều xảy ra. Một là tuệ giác giúp mình biết rằng chính mình làm cho mình khổ. Hai là mình có thói quen khi khổ là cứ đổ lỗi cho người kia. Hai cái đó không dính vào nhau được. Cái này không chuyển hóa được cái kia. Đó là tại mình chưa hạ thủ công phu, mình không quyết tâm.

Nghe pháp thoại bằng Video có điều lợi là mình biết chắc rằng những điều thầy nói trong video không phải là nhắm vào mình. Tại vì cuộn video này thầy đã nói cách đây một năm rồi. Nhưng nghe pháp thoại trực tiếp thì mình có thể nghĩ rằng những điều thầy nói là đang nhắm vào mình, thầy đang nói mình chứ không phải nói ai hết! Và ngồi trong pháp hội mà mình đau khổ, mình nỗi giận! Trong khi đó thì ngồi nghe pháp thoại có thể là một hạnh phúc rất lớn. Có những người họ đi 800 cây số, đến để nghe một giờ pháp thoại. Còn mình thì đến giờ pháp thoại là sợ. Sợ rằng trong pháp thoại thầy sẽ "cạo gió" mình, và mình cứ ngồi với tâm niệm đó, cho nên trong pháp thoại mình không có hạnh phúc gì cả.

Trong khi đó mình biết rằng đức Thế Tôn ngày xưa có một tiếng nói gọi là Viên âm, tức là tiếng nói tròn. Khi ngài thuyết pháp thì người nào cũng nghĩ rằng đức Thế Tôn đang dạy cho riêng mình. Ở Làng Mai hay trong các khóa tu mình tổ chức tại Âu Châu hay Mỹ Châu, thường thường sau những buổi pháp thoại, có người đến nói: Bạch thầy, hôm nay thầy nói cái đó là riêng cho con đó! Người Mỹ nói như vậy, người Hòa Lan, người Pháp, người Anh đều nói như vậy. Nội chuyện ngồi trong pháp thoại và nghĩ rằng thầy đang nói riêng về mình, là mình đã khổ rồi, vì mình không được hưởng bài pháp thoại đó. Ngoài ra trong khi ngồi nghe pháp thoại, mình giận thầy là tại thầy nói về mình trước đại chúng. Mình làm khổ mình mà mình không biết.

Trong khi đó mình cũng có đủ tuệ giác để biết rằng có những người khác ở trong pháp hội, khi nghe pháp, họ cũng có cảm tưởng là thầy đang nói riêng về tình trạng, về căn cơ, về khổ đau của họ. Tuy nhiên tuệ giác đó không đánh tan được cái đau khổ của mình. Cái cảm tưởng mình đang là đối tượng của sự trách móc của bài pháp thoại, làm cho mình ngồi nghe mà cảm thấy bất an, thì nó đáng tiếc biết chừng nào! Đó là tại mình đưa cái ngã của mình lên để đón pháp thoại. Trong khi đó, đáng ra mình phải để cho lời pháp tưới xuống mảnh đất tâm của mình như một trận mưa, để cho những hạt giống hiểu biết của mình được tưới tẩm, và những hạt giống phiền não của mình có cơ hội chuyển hóa!

Mặt khác, sở dĩ mình nói ra những điều làm cho anh mình, em mình, chị mình đau khổ, có thể là tại mình muốn làm cho người đó khổ. Nhìn lại thì mình thấy mình không có cái độc ác đó. Mình không có chủ tâm làm cho người kia khổ, nhưng vì chất liệu của đau khổ trong mình, vì cái tập khí lâu đời ở trong mình mạnh quá, và có thể mình không có trách nhiệm về những tập khí đó. Có thể chúng đã được truyền trao từ ông bà cha mẹ mình, hiện nằm ở trong mình, và mình không biết cách xử lý nó, không biết cách ôm ấp nó, không biết cách chuyển hóa nó, cho nên mỗi khi năng lượng đó trào lên là mình không ngăn cản được, nên mình cứ nói ra những lời, cứ hành sử theo những phương pháp làm cho người chung quanh đau khổ, để rồi sau đó mình hối hận, mình chịu thua. Thất bại này tiếp nối theo thất bại khác.

Trong trường hợp đó mình phải làm gì? Nói rằng thầy không chỉ cho mình những phương pháp, nói rằng tăng thân không soi sáng cho mình thì không đúng. Tại vì chuyện chỉ bảo và soi sáng nó xảy ra hàng ngày. Nói rằng tăng thân không thương mình, nói rằng thầy không thương mình là cũng không đúng luôn!

Mình có nhiều phương pháp để chữa trị.

PHƯƠNG PHÁP TỊNH KHẨU

Cách đây mấy năm tôi đã chỉ cho quý vị phương pháp tịnh khẩu, và tôi đã trao bài tập tịnh khẩu cho một số người. Trong số đó có những người thực tập rất thành công.

Tịnh khẩu nghĩa là không nói. Không nói là tại sao vậy? Không nói là tại mình biết rằng nếu nói thì có thể rất là nguy hiểm, có thể tạo rất nhiều đổ vỡ. Nhưng phương pháp tịnh khẩu này không phải là phương pháp đè nén, mà là phương pháp rất hay để có thể chuyển hóa được khối lửa ở trong mình khi nó bắt đầu dâng lên, và mình có thể chuyển hóa nó được từ chiều sâu.

Phương pháp mà tôi đã trao truyền là như sau: Mình có một cuốn tập để ghi lại những điều mình muốn nói, nhưng vì đang thực tập tịnh khẩu nên mình không nói, hay chưa nói.

Con người của mình có hai phần. Phần dưới có những nỗi khổ đau, những sự bực tức, những tập khí. Khi nổi lên thì nó đi ra bằng lời nói, bằng cách hành xử, và khi mình không chủ động được, thì nó đi ra một cách không thể lường trước được, không ngăn cản được. Nó giống như núi lửa, và khi núi lửa phun ra rồi thì nó đốt cháy rất nhiều. Đốt cháy cây cỏ mọc trên núi lửa, và đốt cháy luôn cả những môi trường chung quanh núi lửa.

Phương pháp thực tập tịnh khẩu cũng đơn giản thôi: Mình xin phép đại chúng được tịnh khẩu trong 10 ngày, hoặc lâu hơn, để cho đại chúng biết nếu mình không trả lời một câu hỏi, là tại mình đang thực tập tịnh khẩu chứ không phải tại mình khi dể người kia mà không trả lời. Nếu cần thì mình mang một dấu hiệu nói rằng mình đang thực tập tịnh khẩu. Đây là một thực tập rất phổ thông trong các chùa ở Việt Nam.

Trong sự chung đụng với những người khác, khi cơn giận, khi sự bực bội của mình trào lên, thay vì nói ra liền lập tức, thì mình không nói. Mình không nói nhưng mình cũng không nén xuống. Mình về phòng, và mình viết xuống câu mình định nói. Đề rõ ràng ngày, tháng, năm.

Tức là mình cũng nói, nhưng nói một cách ít nguy hiểm hơn. Chiều hôm đó, gặp thêm một chuyện bất như ý nữa, mình sắp mở miệng ra, thì vì biết là mình đang tịnh khẩu, cho nên mình cũng không nói. Về phòng, mình cũng ghi lại câu mình định nói đó với đầy đủ ngày, tháng, năm.

Buổi tối, trong giờ thiền tọa, mình đem cuốn sổ này ra đọc. Mình tự hỏi giá dụ buổi sáng mình nói câu đó thì sao? Có thể ngay chiều hôm đó mình đã thấy rằng không nói câu đó là hay hơn nhiều. Và bây giờ mình thấy rõ rằng mình đâu cần nói câu đó. Trong giây phút đó, mình tưởng không nói câu đó thì chắc mình chết! Nhưng bây giờ mình thấy không chết gì cả! Cho nên mình tự bằng lòng và nói rằng: À hay quá, nhờ tịnh khẩu mà mình đã không nói câu đó. Tại vì nói câu đó nó mất tình, mất nghĩa, nó đập nát tan hết! Trong khi đọc lại, thấy như vậy thì mình mỉm cười với mình, rồi ở trong mình có sự chuyển hóa.

Làm được như vậy 10 ngày thì chúng ta thấy có một sự tiến bộ trong mình, và mình có thể xin thêm: Thưa đại chúng, con thực tập tịnh khẩu thành công quá! Cho nên con xin thực tập thêm 10 ngày nữa.

Đó là phương pháp tịnh khẩu. Tịnh khẩu tiếng Anh là Purification of speech. Tới ngày thứ ba thôi là đã thấy có tiến bộ rồi. Ban đầu mình thấy hơi ấm ức, nhưng nhờ có cuốn tập ghi để giảm áp lực, cho nên mình sống nổi, và cuốn tập ghi công phu trở nên một người bạn rất thân của mình. Ngày nào cũng ghi lại những câu mình muốn nói mà mình đã không nói, thì mình mới thấy rõ rằng tịnh khẩu là một phương pháp không khó khăn gì mấy, ai cũng có thể làm được, mà nó lại có sự chuyển hóa rất lớn.

Tại Làng Mai, mỗi chúng ta đồng thời là sư anh, sư chị, mà vừa là sư em. Không có ai mà chỉ là sư chị, không có ai mà chỉ là sư em. Đây là một niềm hạnh phúc. Khi thực tập làm sư anh, và mình thực tập cho đàng hoàng là mình đã có thể chuyển hóa được rồi. Chỉ cần làm anh thôi là đủ thành công trong việc chuyển hóa. Hoặc chỉ cần làm em thôi là đủ để chuyển hóa được rồi. Làm anh cho xứng đáng hoặc làm em cho xứng đáng, là cách thực tập để chuyển hóa hay nhất.

Có một hôm tôi trao cho một sư chị một cẩm nang để thực tập. Tôi nói sư chị thực tập cho tôi ba tháng. Phương pháp này là một phương pháp tịnh khẩu, nhưng tịnh khẩu đặc biệt, nghĩa là có nói, nhưng chỉ nói một vài câu đã được chọn lựa trước! Mình đặt cho mình vài câu, và trong thời gian ba tháng đó mình chỉ sử dụng các câu đó thôi. Tôi đề nghị hai câu: Câu thứ nhất là: Chị có thể làm gì để giúp em không? Đây là học nghệ thuật làm chị, tức là làm hạnh phúc cho em. Khi mình làm cho em mình có hạnh phúc, thì hạnh phúc đó trở về mình. Mình muốn lấy ra cũng không được! Cố nhiên người em có nhiều công việc, mình không đòi hỏi, mình không sai em làm gì hết. Không cần nói em phải làm cái này cho chị, em phải làm cái kia cho chị, Mình đừng nói như vậy. Tại đây là việc thực tập của mình, cho nên mình đến và hiến tặng cái service cho em của mình. Em cần chị giúp em gì hay không? Chỉ nói một câu đó mà thôi. Câu này không có nghĩa là chị có rất nhiều thì giờ, chị không có gì để làm! Câu này là câu có mục đích nói với em mình rằng chị không đòi hỏi gì ở em hết. Chị chỉ muốn thương em, chị chỉ muốn giúp em mà thôi. Nếu cần thì mình bỏ hết tất cả công việc mình làm hàng ngày, không có gì quan trọng bằng sự thực tập chuyển hóa của mình. Nếu mình thực tập và chuyển hóa thì đó là cái hạnh phúc lớn nhất mà mình có thể hiến tặng cho tăng thân. Ngoài việc đó ra, những cái khác đều là thứ yếu! Cho nên trong ba tháng hay sáu tháng đó, thực tập này của mình là quan trọng nhất.

Câu thứ hai: Chị làm như vậy em thấy có được không? Em cần chị thay đổi gì không?

Chỉ có hai câu thôi và mình dùng 24 giờ đồng hồ trong ngày của mình để chỉ làm việc đó thôi. Khi thầy trao cho mình bài tập đó, thầy không bảo mình phải làm thêm điều gì khác. Chuyện này là chuyện làm 24 giờ trong một ngày. Nếu mình làm thành công được trong ba tháng, thì hạnh phúc của mình sẽ rất lớn, và hạnh phúc của đại chúng cũng sẽ rất lớn.

Trong khi thực tập hình thái tịnh khẩu này, nếu mình nổi lên sự bực bội, nổi lên sự giận hờn, thì mình cũng không nói, mình trở về phòng, ghi câu định nói vào sổ công phu của mình. Rồi mình cũng quán chiếu. Hai việc đó đi song song với nhau. Đây là một hình thái tịnh khẩu, nhưng mình được quyền nói hai câu! Hai câu này không phải để cho đỡ khổ, mà để làm cho có thêm hạnh phúc.

Ngày xưa có một vị Bồ tát cũng làm như vậy, mà ngài chỉ nói có một câu. Đó là Bồ tát Thường Bất Khinh. Đến đâu ngài cũng chỉ nói một câu thôi: Tôi biết anh có thể trở thành một vị Bụt, và tôi không bao giờ dám khinh thường anh hết. Nói xong ngài chắp tay lại, cung kính xá người đối diện. Khi nghe câu đó, có nhiều người phấn khởi, hạnh phúc lắm, nhưng cũng có nhiều người không hiểu, tưởng rằng anh chàng này chọc ghẹo mình, nên rầy la, đuổi đánh! Bồ tát cũng vẫn chắp tay và nói lại câu đó. Nhờ công hạnh đó, nhờ câu nói đó mà ngài đắc quả vị Bồ tát, và được gọi là Thường Bất Khinh Bố Tát, người không dám khinh thường ai hết.

Khi tôi trao cho sư chị cái cẩm nang này, cái bài tập này thì tôi nuôi dưỡng rất nhiều hy vọng, và tôi biết chắc rằng nếu sư chị làm theo một cách nghiêm chỉnh, thì thế nào trong vòng ba tháng cũng có sự chuyển hóa lớn trong sư chị. Tôi cũng đã trao cẩm nang tương tự cho những sư anh khác, những sư em khác. Tại vì tôi quán chiếu và biết rằng người này cần phương dược này, người kia cần phương dược kia. Nếu không phát xuất từ lòng thương và tuệ giác của tôi, thì thử hỏi những cẩm nang như vậy nó phát xuất từ đâu? Nói rằng thầy không chú ý, không thương mình, tăng thân không chú ý, không nâng đỡ mình, không soi sáng giùm mình thì há chẳng phải là oan cho thầy mình, và oan cho tăng thân của mình lắm không! Tôi có thể làm gì hơn, tăng thân có thể làm gì hơn để giúp mình? Đây là một môi trường rất thuận lợi để mình có thể tu tập chuyển hóa. Nếu trong môi trường này mà mình không hạ thủ công phu được, không làm được, thì thử hỏi trong môi trường nào nữa mình mới có thể làm được chuyện này?

Bước chân và hơi thở của mình nó quyết định tất cả. Nếu không nắm được bước chân, không nắm được hơi thở thì mình cũng sẽ không làm được một bài tập nào khác.

Mình làm điều đó cho ai? Trước hết là cho chính bản thân mình, và đồng thời cũng làm cho tăng thân. Tại vì sự chuyển hóa của một người trong tăng thân là niềm vui lớn của cả tăng thân.

Khi tôi trao cho một pháp môn như vậy mà quý vị không đem hết lòng ra để thực tập thì không những uổng cho quý vị, uổng cho tăng thân, mà còn rất tội nghiệp cho thầy mình. Tại vì thầy mình không thể nào làm hơn được nữa!

Tôi nhớ trong kinh Pháp Hoa có câu chuyện về ông thầy thuốc. Trong khi vắng nhà thì các con ông ăn nhằm chất độc, nằm lăn ra. Đứa thì mê sản, đứa thì quằn quại đau nhức, đứa thì nôn mửa. Khi ông thầy về đến nhà thì ông mới lấy thuốc cho các con uống. Có một số đứa con chịu uống thuốc, và được lành bệnh. Một số khác không chịu uống thuốc, nghĩ rằng cha mình là thầy thuốc, lúc nào uống mà không được? Bây giờ tiếp tục ăn những chất độc, những chất không bổ dưỡng. Cuối cùng ông thầy thuốc đó nghĩ rằng: Không có hy vọng nếu mình không biến mất! Cho nên ông bỏ ra đi, và đánh tiếng về nhà là ông đã chết. Lúc đó các con ông mới chịu uống thuốc và lành bệnh.

Nếu đợi tôi bỏ đi hoặc tịch rồi thì các đệ tử của tôi mới thực tập, thì uổng quá cho mình, và cũng uổng quá cho thầy! Tại sao không thực tập ngay bây giờ để cho tăng thân thêm niềm vui, cho thầy thêm niềm vui mà phải đợi như là những đứa con trong câu chuyện của kinh Pháp Hoa? Tất cả những câu chuyện Bụt dạy, đều có thật. Vì vậy mà ta phải nắm lấy cơ hội để thực tập ngay ngày hôm nay. Hễ muốn là chúng ta làm được, đừng kéo dài tình trạng buông thùa thêm một vài kiếp nữa.


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][]