TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai
19. Thiền hướng dẫn và An Ban Thủ Ý
HƠI THỞ CHÁNH NIỆM GIÚP DUY TRÌ ĐỐI TƯỢNG
AN BAN THỦ Ý VỚI THI KỆ TỨC THIỀN HƯỚNG DẪN
MỌI THỰC TẬP ĐỀU PHẢI THONG DONG
MỘT THIỀN PHỔ ĐỂ HƯỚNG DẪN THIỀN TẬP
Quán Niệm Hơi Thở là một pháp môn hết sức quan trọng trong sự thực tập ở Làng Mai. Mỗi khi trở về được với hơi thở, nắm lấy được hơi thở mà thở trong chánh niệm thì chúng ta khôi phục lại được chủ quyền.
Chủ quyền là rất quan trọng. Trong đời sống hàng ngày chúng ta thường tự đánh mất mình, thường để cho mình trở nên nạn nhân của sự lôi kéo, của thất niệm. Thất niệm lôi ta về quá khứ, về tương lai, rồi chìm đắm trong những buồn thương, giận ghét. Chúng ta trở nên một nút chai trôi nổi bồng bềnh ở trên biển cả, sóng gió vùi dập, không ra gì cả.
Nhưng khi biết nắm lấy hơi thở, trở về với bản thân và thở trong chánh niệm, thì chúng ta bắt đầu khôi phục được chủ quyền và chúng ta có thể là chúng ta trở lại. Điều này không cần phải thực tập lâu, có thể trong một vài hơi thở là chúng ta đã bắt đầu nắm được chủ quyền, và từ đó, thiết lập được sự vững chãi và thảnh thơi ngay trong giờ phút hiện tại.
Vì vậy cho nên tại Làng Mai, phương pháp thở là một phương pháp vương đạo, một phương pháp căn bản của thực tập. Nếu ở Làng Mai sáu tháng hay một năm mà chưa nắm vững được phương pháp thở thì chúng ta chưa có thể nói là đã đến Làng Mai, hay đã từng thực tập ở Làng Mai. Bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể thực tập hơi thở thuần túy, tức là chỉ có hơi thở mà thôi.
Chúng ta sống với hơi thở, chúng ta là hơi thở đơn thuần trong khi thực tập. Lúc ngồi, lúc đi, lúc đứng, hay lúc nằm, chúng ta chỉ chú ý đến hơi thở thôi. Hơi thở là trung tâm của chánh niệm, của chánh định.
Hơi thở đem thân và tâm về một mối, và ta có sức mạnh. Ta đã học rằng Bụt là chánh niệm, vì vậy khi bắt đầu thở có chánh niệm là ta bắt đầu có Bụt ở trong tâm. Sự có mặt của Bụt càng ngày càng rõ, càng ngày càng lớn, càng ngày càng mạnh. Nhờ vậy mà ta khôi phục được chủ quyền.
Có trường hợp, trong khi thực tập hơi thở có ý thức như vậy, ta nhận diện được những gì đang có mặt ngay trong lúc đó. Lúc bấy giờ hơi thở không còn là hơi thở thuần túy nữa, hơi thở bây giờ bao trùm lấy một đối tượng khác, đối tượng đó là cái gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Ví dụ chúng ta nghe một tiếng chuông. Có tiếng chuông, không những chúng ta có ý thức về hơi thở vào và hơi thở ra, nhưng đồng thời ta cũng ý thức về tiếng chuông nữa. Vì vậy cái âm thanh kia, tiếng chuông kia trở thành đối tượng của chánh niệm. Hơi thở đã trở thành đối tượng của chánh niệm rồi, hơi thở còn ôm lấy thêm tiếng chuông nữa. Cho nên lúc đó chánh niệm của chúng ta vừa có hơi thở, vừa có tiếng chuông. Tiếng chuông ở đây biểu tượng cho cái gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Tiếng chuông hay tiếng điện thoại, tiếng chim hót, màu trời xanh, tiếng cười của một em bé... Tất cả những cái đó là những cái đang xảy ra trong giờ phút hiện tại, hơi thở ý thức của chúng ta ôm lấy những cái đó, và giúp chúng ta biết những gì đang xảy ra.
Trong thực tập hàng ngày, chúng ta được khuyến khích làm như vậy. Có khi chỉ thở thuần túy, chúng ta là hơi thở của chúng ta thôi. Nhưng có khi chúng ta ôm lấy và ý thức được những gì đang xảy ra chung quanh. Trong đời sống hàng ngày có vô khối cơ hội để ta có thể nhận diện những gì đang có mặt. Yếu tố để nhận diện đó là chánh niệm.
Ta có thể nhận diện những gì đang xảy ra mà không cần có hơi thở. Điều đó có thể làm được. Nhưng điều cần biết là khi có hơi thở chánh niệm thì mình có thể nhận diện và duy trì sự có mặt của những gì đang xảy ra một cách lâu hơn. Ví dụ khi nhìn sao Bắc Đẩu, tuy không theo dõi hơi thở, mình cũng có thể nhận diện được sự có mặt của sao Bắc Đẩu và mỉm cười với nó. Đúng vậy! Nhưng có thể chỉ chừng một vài giây sau là mình đi vào lãng quên, thất niệm. Nhưng nếu duy trì hơi thở chánh niệm, thở vào tôi biết rằng sao Bắc Đẩu đang có mặt ở đó, thở ra tôi mỉm cười với sao Bắc Đẩu. Cứ thở vào, thở ra như vậy thì mình giữ được sao Bắc Đẩu với mình lâu như ý mình muốn! Mình muốn một phút thì sao ở với mình một phút, muốn mười phút thì sao ở với mình mười phút, mình có chủ quyền. Còn nhận diện sao Bắc Đẩu mà không cần hơi thở thì mình cũng nhận diện được, nhưng chưa chắc sao Bắc Đẩu đã ở lại với mình được một phút. Vì vậy cho nên có hơi thở, ta có thêm năng lượng của chánh niệm, nhờ vậy mà ta duy trì được đối tượng lâu hơn.
Tại Làng Mai, thực tập hơi thở thuần túy, rồi nhận diện và ôm lấy những gì đang xảy ra, là những thực tập căn bản. Nhận diện những gì đang xảy ra, ban đầu ta chỉ nhận diện đơn thuần thôi: Tôi biết cái gì đang xảy ra. Nhưng nếu tiếp tục thì chúng ta có thể nhìn thấu vào chiều sâu của cái đang xảy ra đó. Điều này rất là quan trọng. Đó gọi là thiền quán, Vipassiana, looking deeply.
Nhìn sâu thì hiểu được, và hiểu được thì mình không có những hành động, những ngữ ngôn lầm lỡ. Điều này rất rõ và rất dễ. Ban đầu mình nhận diện, rồi nhờ sự nhận diện đó mà mình nhìn sâu vào được. Nhờ nhìn sâu được, mà mình biết, mình hiểu, cho nên mình không nói, không làm những điều lầm lỡ và gây khổ đau cho đối tượng đó, cũng như cho chính mình.
Ví dụ trên bàn ăn có một dĩa ớt hay một hộp Chocolat. Trong khi thở ra thở vào, mình nhận diện dĩa ớt đó: À, đây là một dĩa ớt. Ớt là ớt, điều đó mình phải biết rõ. Đó là nhận diện đơn thuần. Nếu tiếp tục thở và nhìn kỹ thì mình thấy ớt rõ hơn, thấy chocolat rõ hơn, do đó mình biết mình nên ăn cái đó hay không nên ăn cái đó. Đây là chuyện xảy ra hàng ngày.
Ở Làng Mai chúng ta áp dụng hơi thở có chánh niệm đi theo với những bài thi kệ. Thi kệ là một loại thiền hướng dẫn. Khi thực tập hơi thở, chúng ta nhận diện, nhưng cái gì tới thì chúng ta nhận diện thôi. Khi đi theo thi kệ, chúng ta có chương trình, có mục tiêu đàng hoàng.
Vì vậy cho nên ta có thể phân biệt được hai trường hợp. Một là nhận diện cái gì đang xảy ra. Hai là đi theo một chương trình chúng ta đã đặt ra trước. Ví dụ như bài "Vào, ra, sâu, chậm":
Thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra.
Đúng là phương pháp nhận diện hơi thở. Sau khi thở như vậy một vài lần, ta đi sang bài thứ hai:
Hơi thở vào đã sâu, hơi thở ra đã chậm.
Đây cũng là nhận diện, tức là hơi thở vào của tôi đã sâu, và hơi thở ra của tôi đã chậm. Cũng là nhận diện, nhưng trong đó có bao hàm một chủ ý khác: Mình ý thức được phẩm chất hơi thở của mình đã cao, và mình cảm thấy mừng vui. Phẩm chất cao ở đây là hơi thở đã sâu và đã chậm. Mà có sâu và có chậm rồi thì pháp lạc tăng tiến:
Thở vào tôi thấy khỏe, thở ra tôi thấy nhẹ.
Cố nhiên khi hơi thở đã sâu, đã chậm rồi, khi phẩm chất của nó được đưa lên cao rồi, thì nó tạo ra cái tính khỏe, và tính nhẹ ở trong con người của mình.
Tuy khỏe, nhẹ cũng là nhận diện, nhưng kỳ thực nó còn có mục tiêu làm tăng tiến pháp lạc ở trong chúng ta. Thở vào tôi thấy khỏe, thở ra tôi thấy nhẹ. Mình nói khỏe quá, nhẹ quá, thì pháp lạc nó tăng tiến.
Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười.
Khi thở vào, mình nhận diện được rằng thân của mình tĩnh lặng, tâm của mình tĩnh lặng, và thở ra mình mỉm cười, thì lúc đó không còn là nhận diện thuần túy nữa, mà có một chương trình. "Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười" là một bài tập mà đức Thế Tôn đã trao cho chúng ta.
Thở vào tâm tĩnh lặng, tức là "An tĩnh tâm hành, tôi thở vào". Thở đến đâu thì làm cho tâm của mình lắng dịu tới đó. Khi mình có cái giận, có cái sợ, có cái bực tức mà mình thở vào, dùng hơi thở mà ôm lấy cảm thọ đó, thì cảm thọ đó sẽ lắng dịu lại. Đó gọi là an tịnh tâm hành. Như vậy là có chủ đích rất rõ ràng. Nhận diện tâm hành, và đồng thời ôm lấy nó để làm cho nó lắng dịu xuống, tức là chúng ta có một mục đích rõ ràng.
Thở ra miệng mỉm cười, mình biết rằng mình chưa mỉm cười, và mình cũng biết mỉm cười làm thư giãn hàng trăm bắp thịt ở trên mặt, cho nên thở ra mình mỉm miệng cười. Rõ ràng đây là thiền có hướng dẫn. Nhận diện đã đành rồi, nhưng mình còn muốn làm như vậy, mình còn muốn mỉm cười nữa.
Có khi mình đi xa hơn, mình nói: Thở vào tôi biết tôi đang mỉm cười, thở ra tôi đang mỉm cười với nụ cười của tôi. Trên nụ cười, nó lại còn có ý thức về nụ cười nữa! Cũng như mình nói Good morning Morning vậy đó.
Vậy thì thi kệ dùng để thực tập là một loại thiền hướng dẫn. Tại Làng Mai chúng ta dùng những bài thi kệ căn bản như bài Vào, ra, sâu, chậm. hay bài Đã về, đã tới; Quay về nương tựa; Đây là tịnh độ v.v... Có thể trong tương lai chúng ta có thêm một vài bài nữa, nhưng với bốn bài này cũng thừa cho chúng ta thực tập rồi. Chúng ta có thể thực tập trong bất cứ lúc nào. Ví dụ thực tập trong khi chấp tác. Chúng ta ai cũng phải nấu cơm, ai cũng phải rửa bát. Nhưng cách nấu cơm, rửa bát ở trong thiền môn rất khác với việc nấu cơm, rửa bát ở ngoài đời. Trong thiền môn người ta có bài kệ bổ củi và gánh nước gọi là Vận thủy ban sài:
Nhiệm mầu thay, tôi vác củi.
Nhiệm mầu thay, tôi gánh nước.
Ngoài đời họ cũng phải gánh nước và chẻ củi như mình, nhưng họ làm chỉ với mục đích cho có nước và có củi. Còn ở trong chùa, mình không mãn ý với cái gọi là có nước và có củi mà thôi. Mình làm những việc đó dưới hình thức thực tập. Vì vậy khi gánh nước, bổ củi thì mình phải thực tập chánh niệm gọi là chấp tác. Khi nấu cơm hay rửa nồi thì mình theo dõi hơi thở, mình áp dụng những bài thi kệ trong khi chấp tác, và như vậy gọi là hạ thủ công phu.
Người Tây phương dịch chữ Công phu là Martial Art. Nhưng chữ công phu của chúng ta có nghĩa là thực tập ngày đêm không ngừng.
Có nhiều chùa cho rằng tụng Nghi thức sáng và Nghi thức tối là công phu, gọi là hai thời công phu. Nếu công phu mà chỉ có hai thời thôi và mỗi thời chỉ khoảng hai tiếng đồng hồ thôi thì hơi ít. Công phu của chúng ta không phải chỉ nằm trong hai thời tụng niệm. Nó cũng không phải nằm trong hai hay ba thời ngồi thiền mà thôi. Công phu của chúng ta nằm trong mọi giây phút. Khi rửa nồi, lúc giặt áo, hay khi đi từ nhà bếp lên thiền đường, chúng ta đều công phu.
Công phu trong khi chấp tác. mà chấp tác ở đây tức là hành đạo. Vì vậy cho nên ta nói: Nhiệm mầu thay tôi gánh nước, nhiệm mầu thay tôi bửa củi. Gánh nước và bửa củi là những pháp môn hành đạo. Cho nên nếu quý vị trong khi gánh nước, trong khi bửa củi, trong khi chùi nồi mà không thực tập, thì quý vị hành sử không khác gì người ngoài đời, và thời gian ở trong tu viện rất là uổng phí. Vì vậy khi người bạn tu nói chuyện thất niệm trong khi làm việc với mình, mình phải làm sao để đừng bị cuốn theo người đó. Mình phải chống cự lại, và mình phải chứng tỏ cho người bạn tu đó thấy rằng mình đang công phu, đang thực tập. Mình dùng những phương tiện quyền xảo, khéo léo để cho người đó cùng thực tập với mình trong khi làm việc. Đó gọi là thực tập chấp tác,Karma Yoga.
Người tu phải khéo léo, phải biến tất cả những công việc trong đời sống hàng ngày thành thực tập. Chỉ có một điều cần để ý là phải sắp đặt như thế nào để mình có thể làm những công việc đó một cách thư thả, thong dong. Trong tu viện mình có quyền thong dong, mình phải thong dong!
Tăng thân phải học lại, phải nói rằng mình có nhiều việc phải làm, nhưng nếu mình không làm trong sự thong dong thì mình không phải sống trong tu viện. Nếu mình làm việc thong dong thì mình không than phiền rằng "Tôi nhiều việc quá!", tại vì việc đó là tu. Tu là nguyên do để chúng ta ở đây và làm những việc đó. Chúng ta không chia ra thời giờ làm việc, và thời giờ tu. Nếu biết làm việc trong chánh niệm, biết biến công việc của mình thành những thực tập, thì cái làm đó là tu. Đó là điều ưu tiên mà mình phải đặt ra. Nếu mình làm việc nhiều quá và làm trong sự đánh mất mình, thì mình phản lại lý tưởng tu học của mình.
Ngoài đời họ đã như vậy rồi. Không những họ làm việc nhiều mà họ còn say mê, đánh mất mình trong sự làm việc của họ. Trong tu viện mình phải khác. Vì vậy cho nên một nét chính của sự thực tập Làng Mai là chấp tác. Đây không phải là một tạo tác mới của Làng Mai. Chuyện này đã có trong truyền thống thiền của chúng ta: Bất tác, bất thực. Trong khi "tác" ta phải làm một cách thảnh thơi, và phải có hơi thở chánh niệm.
Chúng ta có thể thực tập hơi thở trong khi ngồi. Ngồi thiền hay ngồi ăn cơm, hoặc bất cứ lúc nào chúng ta ngồi, là ta có thể thực tập hơi thở. Trong khi ngồi thiền, ta cũng có thể áp dụng những bài thi kệ.
Như chúng ta đã biết, những bài thi kệ này là một hình thái thiền hướng dẫn. Tại Làng Mai chúng ta có một cuốn sách về thiền hướng dẫn, gọi là Sen Búp Từng Cánh Hé, The Blooming of a Lotus. Có những người ngồi thiền nhưng không biết mình nên làm gì trong khi ngồi thiền. Sách Sen Búp Từng Cánh Hé chỉ cho chúng ta những bài tập rất rõ ràng, từ những bài rất đơn giản, cho đến những bài rất sâu sắc. Trong những bài tập đơn giản, chúng ta có những bài như Đã về đã tới; Đây là tịnh độ; Quay về nương tựa; và Vào ra sâu chậm.
Vì vậy mỗi thiền sinh ở Làng Mai phải có một cẩm nang để thực tập. Cẩm nang đó là cuốn Sen Búp Từng Cánh Hé. Hiện giờ đã có bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Thái, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha. Cuốn này gọi là thiền phổ, cũng giống như một thực phổ (Recipy). Thiền phổ này có thể dùng để thực tập chung cho đại chúng, hay thực tập riêng cho cá nhân. Chúng ta phải thử qua tất cả những bài tập trong đó, và có lúc chúng ta thấy rất cần một bài tập nào đó. Có những bài rất mầu nhiệm, như bài Thở vào tôi thấy tôi là em bé năm tuổi. Bài đó đã giúp không biết bao nhiêu người quán chiếu để phá tan nội kết đối với cha, với mẹ.
Có một điều cần để ý là thiền phổ này được tạo dựng trên cơ bản An Ban Thủ Ý. Nghĩa là những bài trong thiền phổ này là phải thực tập song song với hơi thở. Ví dụ như bài chúng ta vừa nói:
Thở vào tôi thấy tôi là một em bé năm tuổi,
Thở ra tôi đang mỉm cười với em bé năm tuổi là tôi.
Số chữ ở đây hơi nhiều. Có khi mình không thuộc, vì vậy cho nên trong thiền phổ, mình có phần thứ hai để tóm tắt câu đó trong vài chữ. Thở vào tôi thấy tôi là một em bé năm tuổi, mình thay bằng "Bé năm tuổi", và mình hiểu là thở vào mình thấy mình là em bé năm tuổi, tại vì trước đó mình đã đọc câu này rồi. Người hướng dẫn đọc "Thở vào tôi thấy tôi là một em bé năm tuổi, thở ra tôi đang mỉm cười với em bé năm tuổi là tôi", Đọc xongsẽ tóm lượt bằng hai câu: "Bé năm tuổi", "Cười với bé năm tuổi".
Chúng ta ai cũng đã từng là bé năm tuổi. Khi năm tuổi, chúng ta rất bé bỏng, rất dễ bị thương tích. Khi người lớn nạt nộ, la mắng, hay làm khổ nhau, thì trái tim của chúng ta bị thương và có thể những vết thương vẫn đang rớm máu, dù bây giờ chúng ta đã 30 hay 40 tuổi. Vậy thì khi thở ra, chúng ta mỉm cười với em bé 5 tuổi, tức là lấy từ bi trong trái tim mình để chữa trị vết thương trong trái tim của chính mình. Tội nghiệp quá, mới 5 tuổi mà đã bị sóng gió. Trong chúng ta hầu như ai cũng có một em bé dễ bị thương. Sự thực tập là để trị thương cho em bé trong ta, rất là quan trọng.
Sau khi thực tập phần đó rồi, chúng ta thực tập phần thứ hai. Nếu giận cha thì chúng ta thực tập: Thở vào tôi thấy ba tôi là em bé năm tuổi. Đây là một khám phá mới, tại vì có thể chưa bao giờ mình thấy ba mình là một em bé năm tuổi, mà chỉ thấy một ông rất khó, rất nghiêm, với rất nhiều quyền hành thôi. Nhưng sự thật là ba mình cũng đã từng là một em bé năm tuổi, cũng nhạy cảm, cũng dễ bị thương tích, giống hệt như mình vậy.
Kế đến: Thở ra tôi mỉm cười với em bé năm tuổi là cha tôi. Khi thấy cha mình là một em bé dễ bị thương tích, thì mình cũng thấy thương. Có thể đây là lần đầu tiên trong đời, mình thương ba mình theo kiểu từ bi đó! Cho nên mình mỉm cười với em bé năm tuổi là ba tôi. Khi ba mình làm khổ mình, cũng tại trong thời thơ ấu, ba mình bị thương tích rất nặng. Rồi cái đau khổ nó luân hồi. Ông không muốn làm cho mình khổ, nhưng ông đã làm cho mình khổ. Mình thực tập như vậy là để hiểu, để thương và để chấp nhận.
Thực tập theo bài này, có khi thiền sinh gởi thơ về nhà xin hình ba của họ lúc còn 5 tuổi để họ quán tưởng cho dễ. Có những người Tây phương tới Xóm Thượng hay Xóm Hạ, đã được chuyển hóa khi thực tập bài này.
Phương cách thực tập này gọi là thiền hướng dẫn. Trước hết mình phải đọc tất cả những bài trong thiền phổ này. Khi đọc chưa chắc mình đã thấy được bài đó mình cần. Tại vì khi đọc mình có thể đọc bằng trí năng của mình và mình không biết rằng bài đó chính là bài mình phải thực tập. Vì vậy cho nên mình phải thực tập qua tất cả những bài trong đó. Cũng như vào một quán ăn, nhìn vào thực phổ và chỉ lựa những món ăn mình biết thôi, thì buồn cho đầu bếp quá! Muốn ăn cơm chiên thì anh cứ Dương Châu sáo phạn mà gọi, còn có bao nhiêu món ngon ở trong thực phổ mà anh cho là không đáng kể, thì rất uổng cho anh. Phải thử từ món này đến món khác thì anh mới có cơ hội.
Có nhiều người họ ngại, nói rằng lỡ kêu món đó mà dở thì làm sao? Thành ra đi restaurant mà suốt đời chỉ ăn Omelette! Vì vậy trong thiền phổ này mình sẽ thấy có lúc mình rất cần thực tập một bài đó, và thiền phổ Sen Búp Từng Cánh Hé mở đầu cho một kỷ nguyên thiền tập của chúng ta. Tại vì trước đó có nhiều người rất muốn ngồi thiền, nhưng không biết mình cần làm gì trong khi ngồi thiền! Trong thiền phổ này chúng ta được chỉ dạy rất rõ ràng khi thở vào thì quán chiếu gì, khi thở ra thì quán chiếu gì. Cố nhiên thiền phổ này sẽ lớn lên cùng với sự thực tập của chúng ta. Càng thực tập, càng có cái thấy sâu sắc, càng khám phá ra được những hơi thở mầu nhiệm thì thiền phổ của chúng ta sẽ càng lớn lên.
Trong khi đi chúng ta cũng thực tập hơi thở. Thiền đi là một phương pháp thực tập rất đặc biệt tại Làng Mai. Khi ngồi, đã đành chúng ta phải có chánh niệm, nhưng khi đi chúng ta cũng phải có chánh niệm. Những người tới Làng Mai được yêu cầu một cách rất tha thiết rằng phải áp dụng thiền đi. Thiền đi tức là mình làm chủ mình trong khi đi. Mỗi bước chân là do mình bước, chứ không phải do ma kéo mình đi theo. Mình có chủ quyền trong khi đi. Vì vậy thiền đi tại Làng Mai là rất quan trọng. Những người mới đến làng thì trong giờ đồng hồ đầu tiên, phải được hướng dẫn thiền đi và thiền thở. Nếu không thì uổng quá! Về tới rồi mà không thở, không biết đi thì uổng phí biết bao nhiêu! Mình là những người thường trú, mình có mặt là để giúp những người mới tới. Cho nên gặp người nào mới tới, mình nên hỏi: Bác đã biết thở chưa? Bác đã biết đi chưa? Mình không cần phải là giáo thọ, mình không cần phải là chúng trưởng, không cần phải là tăng ni. Nếu người khách đã được chỉ dẫn rồi thì thôi, nếu chưa thì mình phải là người đầu tiên chỉ dẫn để giúp cho người khách mới học được thiền đi và thiền thở sớm chừng nào thì đỡ cho người ta chừng đó.
Khi một người đến làng mà đi như bị ma đuổi, thì điều đó không ích lợi gì cho người đó, mà cũng không ích lợi gì cho những người khác, tại vì thấy một người đi như vậy thì mình không được cảm hứng lắm. Khi thấy vậy, mình phải đến kết bạn với người đó liền lập tức, và mời người đó đi những bước thảnh thơi với mình. Tại vì thiền đi giúp ta dừng lại! Dừng lại những ruổi rong, những trôi lăn trong chúng ta.
Trong thiền đi, chúng ta cũng có thể dùng những bài thi kệ như Đã về, đã tới. Kỳ trước chúng ta nghe nói nhiều về nhu yếu phải dừng lại. Dừng lại không phải là một chuyện dễ làm. Tại vì tổ tiên của chúng ta đã quen với bận rộn, với tất tả, và tập khí đó còn mạnh ở trong ta. Cho nên chúng ta phải dừng lại, tại vì chỉ có dừng lại thì ta mới thật sự sống và mới thật sự khám phá được bản chất của sự sống.
Kỳ trước tôi có nói rằng khi chưa có nhà, chúng ta nói phải làm một cái nhà. Khi làm nhà rồi, có ghế ngồi đàng hoàng, có thể ta vẫn chưa dừng lại được, ta còn phải chạy. Thành ra làm xong nhà như vậy mà cũng chưa ngưng nghỉ được.
Cũng như nói ta đang đi học, chưa đậu bằng BS, MS hay PhD thì ta chưa yên tâm được, ta chưa thể bắt đầu sống được đàng hoàng. Nhưng hầu hết những người đã đậu bằng cấp đó, vẫn chưa ngừng lại được, vẫn chưa sống được, mà phải đi tìm một đối tượng khác, ví dụ như mua nhà, có xe hơi, cưới vợ. Luôn luôn mình đặt trước mình một đối tượng để chạy theo. Đạt được đối tượng này, thì đặt ra một đối tượng khác, và suốt đời chúng ta cứ chạy theo một đối tượng như vậy. Điều đó ngược lại giáo lý gọi là Vô nguyện của đạo Bụt.
Ngay trong giới tu hành, có thầy làm chùa cũng vậy. Làm chùa để làm gì? Để có chỗ để ngồi. Nhưng làm xong chùa vẫn không ngồi được, vẫn nghĩ đến những chuyện khác. Có những người không có chùa mà họ ngồi được. Họ ngồi dưới gốc cây, họ ngồi trên bãi cỏ. Họ không cần phải làm xong chùa thì mới ngồi, họ ngồi liền. Cũng có những người tuy làm chùa, nhưng không vướng vào chùa. Trước khi làm chùa họ ngồi được, trong khi làm chùa họ ngồi được, và sau khi làm chùa họ cũng ngồi được. Vấn đề là có dừng lại được hay không mà thôi. Dừng lại thì mới đạt được mục tiêu của sự sống.
Tại Làng Mai, đi là một phương pháp thực tập. Đi mà đừng mong cầu gì cả, đi mà đừng thao thức muốn tới. Vì vậy cho nên thiền đi gọi là đi mà không cần tới. Nếu có tới, là tới bây giờ và ở đây, tới trong giờ phút hiện tại. Đó là mục tiêu của sự sống.
Trong thiền đi, thực tập bài Đã về đã tới này rất hay. "Đã về", mình đã về tới chỗ của mình rồi, tại sao còn phải chạy nữa? "Đã tới", mình thưởng thức hương vị của chuyện đã về, đã tới. Đây là chỗ của mình, và bây giờ là lúc của mình. Bây giờ và ở đây là quê hương đích thực của mình. Người tu phải thực hiện cho được chuyện đó.
Tất cả bốn bài kệ trên đây đều nhằm đưa mình về bây giờ và ở đây để mình tiếp xúc với chính mình, với tổ tiên, với con cháu của mình hiện đang có mặt tại địa chỉ này: Ở đây và hiện giờ.
Chúng ta cũng đã nói rằng sự thực tập ở Làng Mai không có mục đích đưa chúng ta rời bỏ cõi này để tới một cõi khác, dầu cõi đó gọi là tịnh độ, hay là niết bàn, cõi mà người ta diễn tả rằng chỉ có hạnh phúc mà không có đau khổ: Bỉ độ hà cố danh vi Cực lạc? Kỳ quốc chúng sinh vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc, cố danh Cực lạc. Ở đất nước đó chúng sanh không khổ gì hết, chỉ hưởng lạc thôi, vì vậy cõi đó được gọi là cực lạc.
Chúng ta đã học và đã biết rằng cái lạc được làm bằng cái khổ. Nếu không có khổ thì không có chất liệu để làm nên lạc. Tuệ giác đó cho chúng ta thấy rằng cực lạc là ở đây! Và chúng ta chấm dứt sự mơ tưởng, cầu mong đi tới một cõi khác, một cõi không có đau khổ.
Chúng ta biết rằng nếu không có đau khổ thì không có hạnh phúc. Cũng như không có bên trái thì không bao giờ có bên phải. Đó là tuệ giác của Bụt, cho nên chúng ta trở về trong hiện tại và ở đây để tìm được hạnh phúc ngay trong đó. Cũng như hạt sen trở thành hoa sen ngay trong đất bùn. Chính nhờ đất bùn đó mà hạt sen mới trở thành hoa sen được.
Cõi của chúng ta thường được gọi là cõi mà trong đó những kẻ phàm tục và những bậc thánh hiền cùng ở chung, phàm thánh đồng cư địa. Ngay tại cõi này, nếu tâm của ta là thánh, thì đây là cõi thánh. Nếu tâm ta là phàm thì đây là cõi phàm.
Vì vậy Làng Mai là cõi của tâm. Không phải là Làng Mai vì nó nằm ở chỗ này. Làng Mai là Làng Mai vì nó là sáng tạo phẩm của tâm thức cộng đồng của những người muốn sống như vậy, muốn thực tập như vậy, cho nên nó thành ra Làng Mai. Có nhiều người tới Làng Mai, không với mục đích tu tập, họ thấy chán, họ thấy buồn, họ thấy tức giận, Làng Mai không có gì đẹp đẽ hết, không có gì hấp dẫn hết!
Như trường hợp của ông ở chính quyền địa phương tới khám Xóm Hạ. Ông rất giận, vì hồi ông đến thì đường sá lồi lõm. Ông nói: Đường sá như vậy, đi té gãy chân thì ai bồi thường cho tôi! Cho nên ông phạt Làng Mai rất nặng, ông đóng cửa Xóm Hạ! Tại vì Làng Mai là Làng Mai của mình chứ không phải của ông ta. Làng Mai là chỗ thực tập. Nếu mình thực tập và có an lạc rồi, thì con đường chưa trải đá cũng không sao, cũng có dư điều kiện để làm cho mình hạnh phúc. Nhưng vì ông ta không thực tập, cho nên ông mới nổi giận như vậy.
Làng Mai không phải là Làng Mai, thì mới thật là Làng Mai. Cõi này bản thân của nó là cõi thánh hay cõi phàm, đều tùy thuộc vào tâm của mình. Nếu tâm của mình có chất thánh, thì đây là cõi thánh. Nếu tâm mình toàn là chất phàm, thì đây là cõi phàm.
Trong bài tụng Phòng hộ chuyển hóa, mình nói rằng Cùng tăng thân xin nguyền ở lại. Nguyền ở lại, mới nghe qua thì thấy như chúng ta từ khước những cõi khác, và chúng ta chỉ chọn nơi này làm quê hương thôi! Nhưng kỳ thực không phải như vậy.
Tại sao có những vùng đẹp đẽ, an lành, tuyệt diệu như vậy mà mình từ khước, mình cố tâm rút về cố thủ ở nơi này? Có phải như vậy là hẹp hòi hay không? Cùng tăng thân xin nguyền ở lại có phải là mình bị dính mắc vào cõi này hay không? Tại sao trong khi người ta phát tâm muốn đi qua cõi kia, bỏ cõi này phía sau lưng, vì bị đau khổ nhiều quá, mà mình lại làm ngược lại, mình phát nguyện ở lại đây?
Nếu đi vào trong thực tập của Làng Mai một cách sâu sắc, chúng ta thấy không phải như vậy. Phương pháp thực tập của chúng ta là theo tinh thần của kinh Hoa Nghiêm, tức là cái một nó chứa đựng cái tất cả, cái bây giờ nó chứa đựng cái thiên thu. Đó là câu ở trong kinh Hoa Nghiêm: Một sát-na nó gói trọn thời gian vô cùng. Mỗi hạt bụi nó gói trọn không gian vô biên. Vì vậy cho nên tuy sống ở đây, nhưng ta có mặt trong tất cả không gian.
Ví dụ mình đứng ở chỗ này trên trái đất, và mình đang đi những bước chân ở đây. Nếu mình là người phàm, và mình đang bước ở trên sàn gỗ ở tại Xóm Thượng này, thì mình chỉ có mặt ở đây thôi. Nhưng một bậc thánh đứng ở đây, vị đó có thể thấy rằng mình đang đứng ở trên trái đất. Trái đất tròn, mình đứng ở chỗ này, thì chỗ này chỉ là chỗ này, hay chỗ này là tất cả trái đất, nó tùy thuộc ở cái thấy của vị thánh đó. Tôi đang đứng ở trên trái đất tròn chứ đâu phải tôi đang đứng ở Làng Mai không thôi?
Nếu mình là người yêu nước thì mình chỉ thấy thoải mái khi đứng ở trên mặt đất của nước mình. Ví dụ như nước Pháp, thì bên kia núi Pyrénées là không phải nước Pháp, và như vậy thì mình chỉ đứng được trên nước Pháp thôi, rất là uổng! Trong khi đó, mình rất có khả năng đứng trên quả địa cầu, và ôm lấy hết tất cả địa cầu làm quê hương. Không thay đổi gì hết, không bước thêm bước nào hết, chỉ cần nhận thức là đủ có một sự thay đổi lớn. Đang đứng trên nước Pháp, tự nhiên được đứng ở trên địa cầu!
Đứng ở trên địa cầu thì khỏe hơn là đứng trên nước Pháp nhiều lắm! Đứng trên nước Pháp thì phải tranh đấu, phải tìm cách chận những người di cư bất hợp pháp ở tất cả các biên giới. Nội chuyện đó không đã làm cho nước Pháp tốn rất nhiều tâm lực. Làm sao để chiếm thị trường chỗ này, chỗ kia, đó là tại mình chỉ đứng được ở trên nước Pháp mà thôi. Còn nếu đứng được trên địa cầu thì tự nhiên nó thảnh thơi, nó bao la lắm.
Cho nên tại sao không đứng như vậy? Tôi đang đứng ở đây, nhưng tôi cũng đang đứng ở bên Trung Quốc, tôi cũng đang đứng ở bên Nga, bên Nam Mỹ. Rõ ràng là như vậy. Tôi không có sự xa xách nào cả. Tôi đang an trú trong giây phút đầu năm 1997 này, nhưng mà tôi cũng có mặt trong quá khứ, trước khi Bụt ra đời, và tôi cũng sẽ có mặt ở thế kỷ thứ 23, 24... Tại vì trong cái bây giờ và ở đây nó bao gồm tất cả thời gian vô cùng và không gian vô biên. Vì vậy cho nên tiếp xúc sâu sắc với bây giờ và ở đây là tiếp xúc với tất cả, không có cõi nào mà ta không có mặt. Thành ra nói rằng tại sao chúng ta rút về, cố thủ ở nơi cõi ta bà này cho hẹp hòi, là không đúng. Ở đây mà hạ thủ công phu, mà đi sâu vào thiền quán, thì đồng thời ta sống trong cả thời gian vô cùng và không gian vô biên.
Pháp môn đó của Làng Mai là pháp môn được hướng dẫn bởi tinh thần kinh Hoa Nghiêm.
Trở lại với chuyện đi, như đã nói ở trên, thiền đi là một phép thực tập để giúp mình dừng lại được. Dừng lại trong bây giờ và ở đây. Khi đã sống được sâu sắc trong cái bây giờ và ở đây thì mình bắt đầu khám phá ra được bản thân, khám phá thế giới, khám phá vũ trụ, và mình khám phá được sự sống bất sinh và bất diệt. Cho nên ngày nào ở Làng Mai chúng ta cũng đi thiền hành. Chúng ta đừng lấy cớ bận công việc này, bận công việc kia mà bỏ đi thiền hành. Chúng ta đi thiền hành với tăng thân, mỗi ngày một lần, và chúng ta đi thiền hành bất cứ lúc nào chúng ta có thể đi. Mỗi bước chân như vậy nó làm rơi rụng không biết bao nhiêu là phiền não, bao nhiêu là ưu tư, bao nhiêu là say đắm, vấn vương. Đi như thế nào để tất cả những cái đó rơi rụng hết mới được. Đây là công phu Phiền não vô biên thệ nguyện đoạn.
Hãy đi, thầy đã chỉ đường, tăng thân đã soi sáng, mình có hai chân, tại sao mình không bước đi để làm cho nó rơi rụng hết tất cả những phiền não âu lo. Đi như vậy là để giải thoát. Trong đạo Bụt có danh từ "đầu đà", có nghĩa là rũ bụi xuống, rũ bỏ đi, tiếng Phạn là Dh(ta. Bao nhiêu tai nạn rụng rời như tro. Đó là một câu thơ trong Quan Âm Thị Kính. Vì vậy cho nên đi cho hết lòng, đem hết tất cả thân, khẩu, ý hợp nhất lại mà bước đi. Đi một bước như vậy không những ta làm rơi rụng những phiền não của ta, mà ta còn bước vào được trong cõi nhiệm mầu qua cửa ngõ bây giờ và ở đây. Cõi nhiệm mầu đó không có ai đưa ta tới được. Chỉ có ta, bằng bước chân của ta là đưa ta vào được mà thôi.
Không những trong thiền ngồi, thiền chấp tác chúng ta mới thực tập hơi thở, trong thiền đi chúng ta cũng thực tập hơi thở. Chúng ta thực tập những bài như Đã về, đã tới; Đây là tịnh độ. Đây không phải là tự kỷ ám thị. Chúng ta biết rằng nếu tâm của mình tịnh thì mảnh đất này tịnh. Dù có biết bao nhiêu là đau khổ trên cõi này, nhưng nếu ta tịnh thì ta sẽ bình thản trước những đau khổ đó, và ta thấy rằng những đau khổ đó là những cái thường nhiên của sự sống. Có một Ni sư người Việt thời nhà Lý, đã làm một bài kệ:
Sinh, Lão, Bệnh, Tử,
Lý chi thường nhiên,
Dục cầu giải thoát,
Giải phược thiên triền.
Có nghĩa là Sinh, Lão, Bệnh, Tử đó là lẽ thường của trời đất. Tại sao phải đi tìm giải thoát ra khỏi bốn cái đó? Sự sống có bốn cái đó, thì mình chấp nhận bốn cái đó là vì mình chấp nhận sự sống. Càng cố gắng vùng vẫy để thoát ra khỏi bốn cái này, thì mình càng bị buộc chặt. Đúng như vậy. Sinh, Lão, Bệnh, Tử là những cái tất yếu của sự sống, nếu mình chấp nhận sự sống thì mình chấp nhận Sinh, Lão, Bệnh, Tử.
Trước kia nó là Sinh, Lão, Bệnh, Tử, mình nhìn nó với sự sợ hãi và muốn chạy trốn. Bây giờ nhìn nó, mình mỉm cười với nó được. Thành ra nó không còn bức bách mình như trước nữa, như vậy là mình đã có giải thoát rồi. Huống hồ là sống sâu sắc trong giây phút hiện tại ngay ở đây, mình có thể tiếp xúc được với chiều sâu của thực tại, tức là mình đã tiếp xúc được với cõi vô sinh bất diệt rồi. Vô sinh bất diệt nghĩa là những cái Sinh, Lão, Bệnh, Tử chỉ phơn phớt bên ngoài, không động được tới chiều sâu của mình. Tại vì chiều sâu của mình là chiều sâu vô sinh, bất diệt.
Khi có vô sinh bất diệt rồi, mình còn sợ gì cái sinh diệt trên bề mặt? Cũng như khi đợt sóng biết nó là nước rồi thì có lên, có xuống nó cũng không sợ. Đau khổ là khi sóng tưởng nó chỉ là sóng thôi. Cho nên nó bị khống chế bởi ý niệm ta có hay ta không có, ta cao hay ta thấp, ta đẹp hay ta xấu. Nhưng khi đợt sóng biết nó là nước rồi thì nó không còn bị khống chế bởi những cái kia nữa.
Trong cõi này mình có thể tìm được an lạc, vô úy, thường tại và tịnh độ, cho nên mình quả quyết rằng Đây là tịnh độ, tịnh độ là đây. Đừng viển vông đi tìm một cõi tịnh độ trong không gian và trong thời gian.
Ngày xưa, khi tôi hướng dẫn một khóa tu tại Tu Viện Kim Sơn, có vài Phật tử nói: Bạch thầy, con tu tịnh độ quen rồi, bây giờ tu thiền thì có gì chống đối không? Tôi cho họ một bài kệ:
Tịnh độ mà không thiền,
Tịnh độ của tương lai.
Chữ thiền được định nghĩa trong hai câu này. Thiền ở đây tức là an trú trong hiện tại, sống sâu sắc giờ phút hiện tại. Vì vậy cho nên nếu thực tập tịnh độ mà không có tinh thần thiền tập thì tịnh độ mà anh mong cầu đó, là một thứ tịnh độ của tương lai. Trong khi đó thì giáo lý tịnh độ sâu sắc cho chúng ta biết rằng Duy tâm tịnh độ. Tịnh độ là ở trong trái tim của mình. Nếu tịnh độ là trong tim của mình, tại sao mình lại phải đi sang phương Tây, hay phương Đông, và phải chờ sau khi chết mới được đi vào? Vì vậy cho nên tịnh độ là một hình thái thiền tập, tại vì phương pháp của tịnh độ là Niệm Phật nhất tâm bất loạn.
Mà niệm tức là thiền. Niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm An Ban đều là thiền hết, và phương pháp niệm Bụt có ngay hồi Bụt còn tại thế. Vậy thì niệm Bụt như thế nào để tiến tới chỗ gọi là Nhất tâm bất loạn, thì tịnh độ đó là thiền rồi chứ gì nữa! Tại sao anh nghĩ tịnh độ không phải là thiền, và thiền không phải là tịnh độ? Cái nhìn của anh rất là nhị nguyên, rất là sai lạc. Cho nên anh bị xâu xé bởi ý tưởng thiền là khác tịnh độ, và tịnh độ khác thiền. Cho nên anh lo làm sao tu tịnh độ mà tu thiền được! Để khai thị cho người đó, tôi nói Tịnh độ của tương lai, đó là một mơ ước trong tương lai. Còn đối với thiền là phải có tịnh độ liền bây giờ, cho nên mình thường nói: Đây là tịnh độ. Đây có nghĩa là ở đây và bây giờ.
Hai câu kết của bài kệ tôi cho vị Phật tử đó là:
Tâm ta là đất tịnh,
Thiền với tịnh không hai.
Thành ra một cuộc bút chiến, một cuộc đàm luận, tranh chấp giữa thiền với tịnh là một điều không bổ ích, một sự mất thì giờ. Chúng ta đừng nên tốn thì giờ, tốn giấy mực để dấn thân vào cuộc tranh luận đó. Cái thấy của chúng ta là như vậy, nó siêu việt thiền và tịnh, thiền với tịnh không hai. Câu kinh Tâm ta là đất tịnh, đã được cả hai bên chấp nhận. Thiền cũng nói như vậy mà Tịnh cũng nói như vậy. Khi đưa câu này ra là cả hai bên đều phải im lặng.
Đất tịnh cũng vậy, niết bàn cũng vậy, mà Phật độ cũng vậy, đều nằm trong tâm ta hết. Và nếu nằm trong tâm thì tại sao lại phải chạy đi tìm, phải mơ ước trong tương lai?
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]