TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

MỤC LỤC

TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai

15. Thực tập Tứ Vô lượng Tâm

CÁCH LẠY ĐỂ THÀNH TỰU BỐN TÂM VÔ LƯỢNG

KINH THỦY DỤ


Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai

15. Thực tập Tứ Vô lượng Tâm

Trước đây chúng ta đã học về ba cái lạy như một thực tập để buông bỏ cái ngã. Ngoài ba cái lạy, Làng Mai còn thực tập năm cái lạy. Hôm nay tôi nói về ba cái lạy như một phương cách thực tập Tứ Vô Lượng Tâm.

Chúng ta đã biết rằng lạy không phải là để cầu xin. Hành động lạy không phải là hành động cầu xin, mà là một hành động trở về. Trở về để hòa nhập với dòng sông, với bản thể, với nguồn gốc của chúng ta.

Trong đời sống hàng ngày chúng ta thường hành sử như một đứa con đi hoang. Vì đi hoang cho nên chúng ta bơ vơ, khổ đau, chúng ta mất gốc. Đề tài "Đứa con đi hoang" là một đề tài đã có từ ngàn xưa. Chúng ta bỏ nguồn gốc, bỏ gia đình, bỏ dòng sinh mạng của chúng ta mà đi hoang. Trong khi đi hoang như vậy, chúng ta gặp khổ đau, cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, không có cội nguồn, không có gốc rễ. Vì vậy sự trở về của chúng ta sẽ đem lại hạnh phúc cho chính chúng ta, và cho cội nguồn của chúng ta.

Ngày chúng ta trở về, không những chúng ta có hạnh phúc mà cội nguồn của chúng ta, tổ tiên của chúng ta, gia đình của chúng ta, truyền thống của chúng ta đều cũng có hạnh phúc. Cho nên chúng ta thường thấy những bức họa về người con lưu lạc trở về. Mệt, đói, thất thểu, nhưng luôn luôn người cha già có đó để ôm lấy đứa con vào lòng. Bức tranh đó ta thấy trong tất cả các truyền thống tâm linh.

Vậy thì lạy là một trong những cử chỉ trở về, nhưng đây là một sự trở về rất sâu đậm. Trước hết, chúng ta trở về với chính chúng ta.

Hãy tưởng tượng một đợt sóng. Đợt sóng trở về với bản chất của nó là nước. Đợt sóng có thể quên mình là nước. Thường thường là vậy. Do sự quên lãng đó, do sự vô minh đó mà có sợ hãi, có buồn đau, ganh tị, tuyệt vọng. Nhưng khi đợt sóng biết trở về, và tiếp xúc được với bản chất, với cội nguồn của mình là nước rồi, thì tất cả những buồn đau, khắc khoải, tuyệt vọng và ganh tị đều tan biến. Tại vì ganh tị đây là ganh tị với ai? Với chính bản thân của mình. Tại vì những đợt sóng chính là nước!

Tuyệt vọng cũng vậy, giận hờn cũng vậy. Tất cả những tâm hành tiêu cực đó đều tan biến khi chúng ta có thể trở về được. Chúng ta biết rằng sự thực tập của chúng ta ở Làng Mai là sự thực tập trở về trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày. Mỗi hơi thở của chúng ta là để trở về.

Chúng ta đi hoang từ muôn triệu kiếp, vì vậy ở Làng Mai chúng ta học về nghệ thuật trở về. Mỗi hơi thở là một động tác trở về. Và chuyến trở về xảy ra rất mau chóng. Chúng ta không cần phải đi 7 tiếng đồng hồ như đi Ấn Độ. Hoặc chúng ta không cần đi mười mấy tiếng đồng hồ như đi về Việt Nam. Chúng ta chỉ cần nắm lấy hơi thở, thì hơi thở đó đưa chúng ta trở về lập tức. Mỗi khi nghe tiếng chuông là chúng ta có cơ hội trở về. Mỗi khi nghe tiếng đồng hồ điểm, tiếng chuông điện thoại reo, thấy một người bạn tu đang bước những bước thảnh thơi, là chúng ta lại có cơ hội trở về. Vì vậy, trở về là sự thực tập hàng ngày của chúng ta.

CÁCH LẠY ĐỂ THÀNH TỰU BỐN TÂM VÔ LƯỢNG

Lạy là một hành động trở về rất cương quyết. Khi gieo năm vóc sát đất, chúng ta trở về. Trước hết, chúng ta trở về với đất. Đất tức là cội nguồn, là nền tảng của chúng ta. Thường ta gọi đất là mẹ. Khi gieo năm vóc xuống đất thì chúng ta buông bỏ bản ngã của chúng ta. Bản ngã mang theo, chứa chất những sầu đau, những hờn tủi, những buồn giận, những tuyệt vọng. Bản ngã là một cái đinh, trên đó ta móc đủ những đau khổ của cuộc đời.

Khi cần treo một bức hình ở trên tường, chúng ta phải đóng một cái đinh. Nhờ cái đinh đó, chúng ta mới treo được tấm hình. Bản ngã của chúng ta là một cái đinh, trên đó ta treo không biết bao nhiêu là mừng tủi, giận hờn, ganh tị, tuyệt vọng. Vì vậy cho nên khi lạy xuống là chúng ta tháo gỡ cái đinh đó, buông thả cái bản ngã đó. Nếu buông thả được thì tất cả những buồn đau, giận hờn sẽ tan ra như mây khói. Thành ra lạy đúng phương pháp là một hành động rất thâm diệu, an act of surrendering.

Con đã trở về như một kẻ đầu hàng ngoan ngoãn. Mình gieo mình xuống đất, và mình buông bỏ cái ngã đó đi, mình nhìn ra được anh, được chị, được mẹ, được em, được cô, được bác, được dì. Mình thấy rằng, thì ra lâu nay mình đã dùng cái ngã của mình để đối chiếu với những cái gọi là phi ngã. Ai dè rằng tất cả đều đang đứng chung trong một dòng sinh mạng bất tuyệt. Giờ phút trở về đó là giờ phút mừng mừng tủi tủi, người này ôm người kia mà khóc, nhận ra rằng mình là một, mình là anh em, là chị em với nhau.

Trước đây chúng ta đã thực tập rằng trong cái lạy thứ nhất, khi gieo năm vóc xuống đất thì chúng ta bỏ cái bản ngã của chúng ta đi, buông cái ta riêng biệt, và thấy rằng ta là cha ta, là mẹ ta, là ông bà ta, là chị ta, là anh ta, là em ta. Buông bỏ cái ngã riêng biệt đi, ta ôm lấy được tất cả dòng sinh mạng đó. Nhưng tùy theo cái định của ta thâm hậu hay chưa thâm hậu, mà đối tượng của sự đồng nhất đó lớn hay nhỏ. Trong kinh, dạy về từ quán, bi quán, hỷ quán và xả quán, Bụt dạy rằng ta phải ôm lấy tất cả, chứ không phải chỉ ôm lấy một phần của tất cả. Đây là một đoạn kinh nói về Tứ Vô Lượng Tâm Quán, một đoạn kinh mà chúng ta thường học thuộc lòng:

Tâm tương ứng với Từ, vị khất sĩ an trú. An trú ở đây có nghĩa là có mặt đó một cách vững chãi và thảnh thơi.

Ôm lấy một phương. Ôm lấy hay là bao trùm. Ôm bằng cái gì? Bằng cái tâm của mình. Cái tâm bây giờ nó tương ứng với từ. Tương ứng tức là đi theo, đi đôi với. Đồng tâm tương ứng. Khi hai anh em hiểu nhau, thông cảm nhau thì gọi là hai anh em tương ứng với nhau. Tâm mình không tương ứng với những chuyện khác như là giận, buồn, tuyệt vọng, ganh tị, mà nó tương ứng với từ. Từ là tình thương. Vị khất sĩ an trú, có mặt đó, và ôm lấy một phương.

Rồi phương thứ hai, thứ ba, thứ tư, trên dưới bốn bên, cùng khắp. Một phương tức là một trong bốn phương Đông, Tây, Nam hay Bắc. Đó là bốn phương, nằm trên bề mặt ngang. Ngoài ra chúng ta có phương trên và phương dưới, tức là sáu phương. Thêm vào đó, ta còn bốn bên tức là Đông-Bắc, Tây-Bắc, Đông-Nam, Tây-Nam. Tổng cộng là 10 phương mà ta thường gọi là Thập phương. Cái tâm của mình ở phương giữa hay phương trung, và mình phải ôm lấy hết. Như vậy tổng cộng là 11 phương, tâm của mình phải bao lấy hết chứ không phải chỉ bao lấy một phương. Tâm mình là chủ thể, và 10 phương là đối tượng. Bốn phương Đông-Bắc, Tây-Bắc, Đông-Nam, Tây-Nam, có khi còn gọi là Tứ duy.

Thấy mình trong tất cả, hoặc đồng nhất mình với tất cả. Lời kinh rất rõ ràng. Mình là cha mình, là mẹ mình, là em mình, là thầy mình, là đệ tử của mình. Tiếng Nam Phạn sử dụng trong kinh là Sabb(ttat(ya. Sabb(là tất cả, là nhất thiết. (tta là ngã. Mình đồng nhất với tất cả. Mình là người đó, người đó là mình, mình không khác người đó, người đó không khác mình.

Bao trùm cả thế giới bằng tâm tương ứng với Từ. Đi thật xa, trở nên thật lớn, trở nên vô lượng, không oán, không não. Trong tạng kinh bằng tiếng Hán thì gọi là Cực quảng, tức là rộng lớn vô cùng. Thậm đại là lớn lao vô cùng, vĩ đại vô cùng. Lời kinh rất rõ ràng. Khi tâm của mình ôm trùm được tất cả thì nó đi thật xa, nó trở nên thật lớn, trở nên vĩ đại. Lúc đó tất cả những oán hận, những buồn đau, đều tan biến hết. Mình đang ở trong từ quán, và lúc đó mình có hạnh phúc, mình đang ở trong Từ Tam Muội, the Samªdhi of Loving Kindness.

Với tâm tương ứng với bi, hỷ và xả, vị khất sĩ cũng thực tập như thế. Đó là đoạn kinh M 99.

Bây giờ chúng ta hãy xét lại hình mà chúng ta đã vẽ kỳ trước. Chúng ta đã vẽ một đường dọc, tượng trưng cho cái lạy thứ nhất. Khi lạy xuống, chúng ta thấy được cha ta đang có mặt trong ta, thấy được máu huyết của cha, của mẹ đang luân lưu ở trong mạch máu của mình. Thấy những hạnh phúc và những nỗi lo của cha mẹ cũng có trong người của mình. Vì vậy mà trong tư thế ngũ thể đầu địa, mình phải quán chiếu, phải thấy được cha, được mẹ, và thấy được sự có mặt của họ trong con người của mình. Ta phải quán chiếu để thấy được một người, hai người, ba người, bốn người v.v... Vì vậy ta vẽ ra một khung, giới hạn của những đối tượng mà ta có thể ôm trọn được. Những người đang sống quanh ta, và ta đã có tiếp xúc trực tiếp với. Đó là đối tượng của sự quán chiếu. Vì họ cụ thể cho nên ta ôm được họ trong tâm của chúng ta, tâm trở về, tâm buông thả của chúng ta. Rồi sau đó thấy các con ta, các cháu của ta, các học trò của ta, và ta thấy ta là chúng nó, chúng nó là ta, ta đồng nhất được với chúng.

Hôm trước Sư Bà Đàm Ẩn nghe bài giảng xong thì rất thấm. Cho nên khi ra uống trà với tôi ở cốc Ngồi Yên, Sư Bà đã tuyên bố rất rõ ràng: Nó là mình, mình là nó (Nó đây tức là đệ tử). Vì vậy không có lý do gì mình lại còn giận nó!

Như vậy là trong trái tim mình đã có sự khơi mở, nguồn suối thương yêu và tha thứ bắt đầu trào tuôn ra, và mình là người đầu tiên được hưởng chất cam lộ của thương yêu đó. Đây là sự tháo tung biên giới của trái tim. Trái tim có biên giới thì không phải là trái tim của Tứ vô lượng tâm. Vô lượng có nghĩa là không có biên giới. Vô lượng tâm là trái tim không có biên giới. Tứ vô lượng tâm là bốn trái tim không có biên giới. Bốn mà là một.

Nếu thành công được trong lãnh vực của những người mà mình đã sống và đã tiếp xúc với, khi quán chiếu thêm thì mình sẽ thấy được những cái mà trước đó mình không thấy. Ví dụ mình tiếp xúc được với cha, và tiếp xúc được sâu sắc thì mình tiếp xúc được với ông nội, với bà nội. Nếu tiếp xúc được với mẹ một cách sâu sắc thì mình tiếp xúc được với ông ngoại, với bà ngoại. Cứ như vậy mình phá tung biên giới của thương yêu, và tâm mình trở thành thật lớn, thật rộng, đi thật xa. Rốt cuộc biên giới mà ta vẽ ra trên đây, ta cũng tháo tung ra được. Trước đó thì nhiều lắm là ta tới được đường biên giới đó thôi,

Câu kinh trong M 99 có dáng dấp của cái lạy thứ hai, được diễn tả bằng một đường ngang từ trái sang phải. Chúng ta đang ở tâm điểm, nhìn ra chung quanh, chúng ta nhận được rằng tất cả các vị Bồ tát đang có mặt trên thế gian này, với tất cả chất liệu vững chãi và thảnh thơi của họ, đều là ta, để ta tiếp nhận được năng lượng của họ. Đồng thời chúng ta nhận được rằng, những chúng sanh đang khổ đau, chìm đắm, tràn ngập trong vô minh, căm hờn, dục vọng, cũng là ta. Ta đồng nhất được với họ.

Ban đầu ta chỉ đồng nhất được với một số người thôi, một số chủng loại mà ta tiếp xúc với thôi. Nhưng nhờ tiếp xúc sâu sắc, chúng ta từ từ phá vỡ được ranh giới đó. Tiếp xúc được với một người, ta thấy được tổ tiên của người đó. Vì vậy mà cái ranh giới cứ càng lúc càng rộng thêm lên, cực quảng thậm đại. Ranh giới càng lớn chừng nào thì sự đau buồn, phiền não, tuyệt vọng của chúng ta càng tan biến mau chóng chừng đó, và chúng ta có vô lượng tâm.

Chúng ta chưa vẽ con đường thứ ba là đường tròn, nhưng chúng ta thấy rằng ranh giới càng lúc càng đi ra xa, càng lúc càng lớn hơn lên, vì vậy mà nó bao trùm tất cả, nó trở thành vô biên, bao trùm hết cả mười phương. Nó bao trùm cả không gian vô biên và thời gian vô tận. Cái tâm của chúng ta giờ đây bao trùm hết, không còn giới hạn trong số những sinh vật mà ta thấy được trước mắt và trong giây phút hiện tại.

Ta ôm được không những cha mẹ, ông bà ta, mà ta ôm được tất cả tổ tiên của ta trong quá khứ. Ta ôm được không những con cháu chúng ta mà còn ôm được luôn cả những thế hệ con cháu ta sẽ sinh ra trong tương lai. Và chúng ta đi tới "cực quảng thậm đại"! Đi thật xa, trở nên thật lớn, trở nên vô lượng. Nhờ đó mà tất cả những thù oán, những não phiền, những khổ đau, những sợ hãi đều tan biến hết.

Chúng ta thấy có nhiều chủ thuyết dạy về thương yêu, nhưng không có giáo lý nào dạy về thương yêu mà cụ thể như thế này! Chúng ta có những phương pháp thực tập rất cụ thể, rất rõ ràng. Lạy xuống là một hành động thương yêu, cũng như thở vào một hơi để trở về với hải đảo tự thân, cũng là một hành động thương yêu. Thương yêu là như vậy, thương yêu là sự thực tập hàng ngày của chúng ta trong mỗi giây mỗi phút, chứ không phải chỉ là lời nói suông.

Khi tâm ta đã bao trùm được tất cả như vậy rồi, thì cái thấy của chúng ta đồng thời với tâm từ bi của chúng ta, cũng trở nên vô lượng, và cái bất sinh bất diệt đột nhiên trở thành một sự thật! Nếu ta là tất cả quá khứ, tất cả vị lai; nếu ta là ở đây, nếu ta là ở kia, thì có cái gì là không ta đâu mà ta phải nói rằng ngày mai ta sẽ chết? Ngày mai, ngày kia tôi vẫn còn đó, tại vì con cháu của tôi, sự nối tiếp của tôi vẫn còn đó. Khi sự nối tiếp của tôi còn thì tôi đâu có mất?

Khi leo lên đỉnh đồi thế kỷ thứ 21 thì tôi vẫn đứng đó, và tôi có thể nhìn tới phía trước, tôi có thể nhìn về phía sau, tôi sẽ có mặt, tại vì con cháu tôi có mặt. Cho nên trong bài thơ Con nghé nhỏ đuổi chạy mặt trời, có câu: "Chừng nào về chùa, con cũng sẽ còn thấy Sư Ông đội chiếc nón rộng vành lên xuống con đường hồ bán nguyệt.... Các con vẫn thấy được chú Tâm Quán, chú Tâm Mãn. Giọng tụng kinh của chú Tâm Mãn trong như tiếng chuông đồng. Ngày xưa ở chùa Tổ, không ai có được một cái máy thâu thanh nhỏ để thu lại tiếng tụng kinh thanh tao và kỳ diệu của chú Tâm Mãn. Nhưng giọng tụng kinh trong như tiếng chuông đồng đó không có mất". Tại sao? Tại vì con đang có mặt ở chùa tổ. Và con đang có mặt ở chùa tổ nghĩa là sư ông đang có mặt, nghĩa là thầy đang có mặt, nghĩa là chú Tâm Mãn, chú Tâm Quán, chú Phùng Xuân đều đang có mặt.

Những câu nói nghe có vẽ vớ vẩn như vậy, nhưng nó là hoa trái của tuệ giác, hoa trái của sự thực tập. Con còn đó thì sư ông còn đó. Con còn đó thì chú Tâm Mãn, chú Phùng Xuân còn đó, không có cái gì đi qua, cũng như không có cái gì mất đi. Đó là cái thấy mình đạt tới khi mình đã có thể dùng tâm mình mà bao trùm tất cả.

Trong bài chúc tán buổi khuya mỗi ngày Rằm và mồng Một, chúng ta đọc rằng: Bậc Đại Giác viên mãn, xuất hiệnnơi cõi Ta Bà. Tấm lòng ôm trọn cả thái hư. "Tâm bảo thái hư, lượng châu sa giới". Đó là tám chữ để ca ngợi đức Thế Tôn.

Tâm ở đây là trái tim của đức Thế Tôn. Bảo là ôm, như chữ hoài bảo tức là ôm lấy. Thái hư là vòm trời mênh mông. Lượng này tức là khả năng chứa đựng, cái dung lượng của trái tim của ngài nó lớn lắm. Không những nó chứa đựng được 1250 người, mà nó chứa đựng được tất cả châu sa giới, tức là những thế giới, những cõi nước nhiều như cát. Chữ châu này có nghĩa là đi giáp vòng. Tâm của ngài ôm được cả thái hư, the Cosmos, và lượng từ bi của ngài thu nạp được, bao vòng quanh được cả những thế giới nhiều như cát sông Hằng.

Khi tổng hợp các hình mà ta đã vẽ trước đây, chúng ta sẽ có hình thực tập Ba cái lạy trong tinh thần Tứ Vô Lượng Tâm như dưới đây.

Cái lạy thứ nhất đi xuống, cái lạy thứ hai đi ngang, và cái lạy thứ ba đi vòng. Chúng ta cũng vẽ một ranh giới nhỏ bên trong, tượng trưng cho lúc mới bắt đầu tu tập, chúng ta ôm được ít. Nhưng nếu tiếp tục tu tập và quán chiếu thì cái ranh giới kia sẽ được tháo tung, và chúng ta ôm trọn được cả thời gian vô cùng và không gian vô tận. Ban đầu thì ta là một mảnh nhỏ, khổ đau, tách rời với đại thể. Nhưng nhờ quán chiếu, ta trở thành một đối tượng khá lớn. Lúc này khổ đau đã bớt rất nhiều. Nếu tiếp tục quán chiếu thì cái ranh giới này sẽ đi tới vô biên, không còn nữa, và ta sẽ thành tựu bốn tâm vô lượng. Đó là phương pháp thực tập ba cái lạy để thành tựu Bốn tâm vô lượng.

KINH THỦY DỤ

Đức Thế Tôn có những vị đệ tử rất xuất sắc. Chúng ta biết rằng các thầy như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, đều là những tay cự phách trong giáo đoàn Nguyên thủy. Nhiều khi những bài thuyết pháp của các thầy đã được ghi lại làm kinh, và đã được các thầy khác tụng đọc và thực tập với tất cả sự cung kính như là chính Bụt thuyết pháp.

Trong một mùa Đông đã qua, chúng ta đã học một kinh gọi là kinh Thủy Dụ, tức là kinh lấy ví dụ về nước. Kinh Thủy Dụ là một kinh do đại đức ((riputra nói ra. Kinh này rất hay. Chúng ta thường nói Bụt là thi sĩ, tại vì trong khi giảng dạy, Bụt dùng nhiều hình ảnh rất là mầu nhiệm. Nhưng trong kinh này chúng ta cũng thấy rằng thầy Xá Lợi Phất cũng là một thi sĩ lớn.

Thầy ((riputra là ai? Tôn giả Xá Lợi Phất là anh cả của giáo đoàn, anh cả của tất cả chúng ta, bên các thầy cũng như bên các sư cô. Tuy rằng sau này thượng thủ Ma Ha Ca Diếp lãnh đạo giáo đoàn, nhưng hình ảnh của thượng thủ Ma Ha Ca Diếp không phải là hình ảnh của tôn giả Xá Lợi Phất. Xá Lợi Phất rất thương các em. Nói vậy không có nghĩa là thượng thủ Ma Ha Ca Diếp không thương các em. Nhưng thượng thủ Ma Ha Ca Diếp biểu lộ uy quyền của một vị tăng thống nhiều hơn là biểu tượng của một người anh cả.

Đây là dịp chúng ta ôn lại ý nghĩa kinh Thủy Dụ. Kinh này tôi dịch là kinh Năm Phương Pháp Diệt Trừ Phiền Giận.

Kinh này tôi dịch từ Hán Tạng Trung A Hàm (Madhyªgama, kinh thứ 25. Trong tạng Pali cũng có kinh tương đương, gọi là kinh Tư Lương, tiếng Phạn là (ghat(vinayasutta, ở trong Anguttara Nikaya, AIII, kinh số 186.

Kinh Thủy Dụ (Thủy là nước, dụ là ví dụ) và kinh Tư Lương là hai kinh có cùng một ý và cách diễn đạt rất giống nhau. Mỗi khi đọc một kinh ở trong Hán Tạng mà chúng ta tìm được kinh tương đương ở trong tạng Pali, thì chúng ta có rất nhiều hạnh phúc. Tại vì một truyền thống là ở Kashmir, cực Bắc Ấn Độ, một truyền thống ở Tích Lan, cực Nam Ấn Độ, cách nhau tới hơn 1500 năm, mà đến khi so lại thì có những kinh điển còn giống nhau. Chúng ta nên biết rằng thời đó, kinh điển chỉ được học thuộc lòng và truyền khẩu mà thôi. Như vậy ta biết đây chính là những lời của Bụt được giữ lại, Nam tông cũng như Bác tông đều đã giữ lại bằng cách truyền tụng bằng miệng. Về sau mới ghi chép lại thành chữ nghĩa mà thôi. Vậy mà ý tứ của hai kinh vẫn rất gần nhau, làm cho chúng ta có rất nhiều tin tưởng và hạnh phúc thêm.

Kinh Thủy Dụ được nói từ hồi Bụt còn ở tại tu viện Cấp Cô Độc, gần thành Xá Vệ. Hôm đó thầy Xá Lợi Phất gọi một số các thầy tới và nói rằng: Này các bạn tu, tôi sẽ chia sẻ với quý vị năm phương pháp để làm cho mình hết phiền giận. Nếu quý vị có những phiền giận với những bạn đồng tu thì thực tập năm phương pháp này, thế nào cũng bớt giận. Rồi thầy mới bắt đầu nói về năm phương pháp đó.

Phương pháp thứ nhất là trường hợp một người bạn tu mà có hành động không được dễ thương, nhưng lời nói của người đó còn dễ thương. Kinh nói rằng thân hành không thanh tịnh, nhưng khẩu hành còn thanh tịnh. Cách đi, đứng, hành sử, phản ứng của người đó thô tháo, không dễ thương gì cả, làm cho mình bực lắm. Nhưng khi người đó nói ra thì nói những câu nghe khá được. Thầy Xá Lợi Phất nói: Trong trường hợp đó ta đừng nên chú ý nhiều về hành động của người đó mà ta phải để tâm chú ý tới lời nói của người đó. Người đó tuy dễ ghét về phương diện hành động, nhưng đứng về phương diện ngôn ngữ thì vẫn còn dễ thương, vậy thì tại sao ta không thương mà lại giận làm gì? Nếu mình là người có trí tuệ, mình phải quán chiếu, mình đừng khư khư chỉ tác ý tới hành động của người đó và quên rằng người đó cũng có những điều dễ thương. Nhìn vào phần tích cực của người đó chứ đừng nhìn vào phần tiêu cực của người đó, thì tự nhiên điều phiền giận của mình đối với người đó sẽ tiêu tan.

Thầy Xá Lợi Phất đưa ra một ví dụ: Có một tu sĩ kia, sống theo hạnh A Lan Nhã. Khổ hạnh, sống một mình và ưa mặc Y phấn tảo (Tức là loại y được may bằng những mảnh vải vụn lượm được ngoài đường. Vì vá chằng, vá đụp cho nên mùa lạnh mặc rất ấm). Vì thầy ưa mặc y phấn tảo cho nên khi đi thiền hành hay đi khất thực, và đi qua nơi nào có một miếng vải, thì thầy hay tác ý tới miếng vải đó, rồi đến coi nó còn xài được hay không. Ví dụ vị đó đi qua một đống rác, trong đó có phân, có nước tiểu, có đàm giải, nhưng có một miếng vải nhìn còn khá tốt, thì vị đó đến gần, dùng hai ngón tay trái cầm một chéo miếng vải lên, rồi dùng tay phải căng nó ra. Nếu thấy miếng vải chưa lủng, mà cũng chưa dính những phân giải, thì vị đó xếp miếng vải lại rồi bỏ vào trong túi đãy của mình, nghĩ rằng về giặt sạch thì cùng với những miếng vải khác, mình có thể may được một y phấn tảo.

Trong đống rác kia tuy có đủ thứ dơ dáy, nhưng cũng có một miếng vải tốt, vậy thì tại sao mình lại vì những chất dơ đó mà bỏ miếng vải tốt này! Tội nghiệp nó mà cũng uổng cho mình. Vì vậy mà mình chấp nhận miếng vải và không bỏ qua cơ hội để thừa hưởng miếng vải đó.

Cũng vậy, khi có một người bạn tu mà hành động không dễ thương nhưng ngôn ngữ còn dễ thương, tại sao mình không chấp nhận và thừa hưởng những cái dễ thương của người đó mà mình hoàn toàn giận người đó, và muốn đẩy người đó ra khỏi môi trường của mình? Nhờ quán chiếu như vậy mà mình chấp nhận được người 50% khó thương nhưng có 50% dễ thương đó, và mình sống an lạc, hòa bình với người đó.

Phương pháp thứ hai là khi có một người bạn tu mà ngôn ngữ không dễ thương, nhưng hành động lại dễ thương, thì mình phải quán chiếu như thế nào để chứng tỏ mình là người có trí tuệ. Tại vì khi thấy một cái không dễ thương thì mình thường cho tất cả những gì thuộc về người này đều không dễ thương! Mình bị che lấp bởi tà kiến đó. Khi bực mình thì mình chỉ thấy người kia toàn là xấu không thôi, chẳng có điều nào tốt cả! Trong khi đó thì người này tuy ngôn ngữ rất khó chịu, rất gắt gỏng, nhưng trong hành động hàng ngày của người đó, có những cái dễ thương, chứng tỏ người đó có tình thương, có sự hiểu biết. Vì vậy trong trường hợp đó mình đừng để tâm mình bị vướng vào khía cạnh không dễ thương của người đó, mà phải đưa tâm mình về tiếp xúc với khía cạnh dễ thương của người đó. Nhờ vậy mà mình có thể buông bỏ được sự phiền giận của mình.

Thầy Xá Lợi Phất đưa ra một hình ảnh để làm ví dụ. Ở bên ngoài thôn xóm có một cái hồ. Trên mặt hồ đầy rêu rong, cỏ và rơm. Có một người đi ngang qua, trong người rất nóng bức, khát khô cuống họng, mệt nhọc, đuối sức. Người đó nhìn kỹ và thấy rằng tuy mặt hồ đầy rơm, đầy cỏ, nhưng nước hồ rất trong, rất mát. Cho nên người đó cởi áo quần, bước xuống hồ, đưa hai tay khoát rong cỏ ra, thì nước trong hiển lộ và người đó mặc tình thỏa thích bơi lội, và uống nước trong lành của hồ đó. Nhờ vậy mà tất cả những phiền não, những nóng bức của người đó đều tiêu tan hết. Người đó thừa hưởng được sự tươi mát của hồ mà không bị những rơm, cỏ, phủ trên mặt hồ làm thành chướng ngại. Khi thấy một người bạn tu có một số điều không dễ thương, nhưng mình khám phá ra rằng dưới những điều không dễ thương đó còn có nhiều cái dễ thương. Nếu biết cách thì mình gạt những cái không dễ thương ra, và mình khám phá được những cái dễ thương của người đó để thừa hưởng và sống an lành với người đó, mà không phiền giận.

Phương pháp thứ ba là khi một người hành động không dễ thương, mà lời nói cũng không dễ thương. Nhưng nhìn kỹ thì thấy trong tâm người đó còn có một vài điều dễ thương. Nếu là người có trí, thì mình phải quán chiếu, đừng cho người kia là người bỏ đi, tại vì trong tâm người đó vẫn còn một vài điểm tích cực. Vì vậy cho nên mình phải quán chiếu để trừ bỏ những giận hờn của mình. Chuyện này cũng có thể làm được, và thầy Xá Lợi Phất đưa ra một ví dụ rất hay:

Một người đi trên đường xa, đói khát, buồn bực, nóng bức, mệt nhoài. Nếu không có nước uống thì sẽ không tiếp tục con đường của mình được. Nhìn quanh không thấy có ao, có hồ, có sông, có suối, không có làng mạc nào hết, mà chỉ có một lỗ chân trâu ở trên đường, trong đó còn lưu lại một ít nước mưa. Cơn mưa đã tạnh, nhưng trong lỗ chân trâu còn một ít nước. Người đó nghĩ rằng nếu mình uống được nước trong lỗ chân trâu này thì mình có thể đỡ khát và tiếp tục được con đường của mình. Người đó còn nghĩ rằng nếu mình dùng tay hay lấy một ngọn lá để múc nước thì mình sẽ làm cho nước trong vũng này đục lên, thành bùn, và mình sẽ không uống nước được. Hay hơn hết là mình phải quỳ xuống, hay nằm xuống, rồi đưa môi mình tới trực tiếp với mặt nước, thì mình mới hy vọng có cơ hội uống được nước này mà thôi. Động đến nó thì nó trở thành bùn! Sau khi nghĩ vậy, người kia nằm sấp xuống, đưa miệng hút từ từ phần nước ở trong lỗ chân trâu. Nhờ vậy mà người đó tỉnh táo và tiếp tục đi được trên con đường của mình.

Cũng vậy, khi một người bạn tu có cách hành sử không dễ thương, mà lời nói cũng không dễ thương, nhưng tâm còn một chút gì tích cực và dễ thương, thì mình đừng bỏ người đó, đừng coi người đó như là người mà mình phải đẩy ra khỏi đoàn thể tu học của mình. Mình phải giúp người đó. Chút xíu nước ở trong lỗ chân trâu là cái dễ thương còn lại của người đó, đừng nên bỏ mà tội nghiệp. Khi mình hành sử được như vậy, mình tiếp xúc được với cái đó rồi thì bao nhiêu những phiền giận của mình đối với người đó sẽ tiêu tán, và mình sẽ chấp nhận được người đó. Đó là thi sĩ Xá Lợi Phất, dùng một hình ảnh rất đẹp.

Phương pháp thứ tư là phương pháp nói về một trường hợp cực đoan! Đó là trường hợp của một người cócách hành sử không dễ thương, ngôn ngữ không dễ thương, mà trong tâm cũng không còn gì dễ thương hết. Thì phải làm thế nào? Quý vị hãy tưởng tượng thầy Xá Lợi Phất dạy như thế nào? Người đó không dễ thương từ lời nói đến hành động, mà nhìn vào tâm thì thấy người đó có nhiều sự ác độc, ganh tị, không còn gì dễ thương hết! Đối với người bạn tu như vậy, mình phải xử sự làm sao?

Thầy Xá Lợi Phất nói nếu biết quán chiếu thì mình vẫn có thể buông bỏ sự phiền giận của mình và mình thương người đó được! Thầy đưa ra ví dụ có một người đi trên con đường thiên lý, lâm vào một tình trạng bệnh hoạn bi đát và đói khát, kiệt sức. Đi tới một đoạn đường đó thì người ấy thấy rõ rằng mình không bước thêm được bước nào nữa! Cái thôn xóm mà mình đã rời bỏ ngày hôm qua, thì xa quá đằng sau lưng, không trở về được. Trong khi đó thì cái thôn xóm ở trước mặt mà mình có thể tới được để nghỉ ngơi, nó cũng còn rất xa. Người đó biết rằng mình không có cơ hội nào để có thể tới được thôn xóm mới, hay trở về thôn xóm cũ để trị thương, để có cơ hội sống sót mà đi trọn nẻo đường. Vì vậy mà người đó buông hết mọi hy vọng, và biết rằng mình sẽ chết tại đây! Đó là trường hợp của người mà thân hành không dễ thương, khẩu hành không dễ thương, mà tâm hành cũng không dễ thương luôn.

Lúc đó may mắn có một người bộ hành đi tới và thấy người kia ngã quỵ, nhìn kỹ thì biết rằng người kia không có cơ hội nào để sống sót hết. Người kia đang đi vào nẻo đường tăm tối của sự tuyệt vọng. Tại vì khi thân không thanh tịnh, khẩu không thanh tịnh, mà ý cũng không thanh tịnh; thân, khẩu, ý đều đầy dẫy những phiền não, đau khổ, thì nẻo về của người đó là những nẻo về của ác đạo tức là địa ngục, ngạ quỷ, và súc sinh. Khi cách hành sử của mình không dễ thương, lời nói năng của mình không dễ thương, mà trong tâm của mình cũng không có gì đáng dễ thương cả, thì mình là một người đau khổ lắm rồi. Một người với nhiều vốn liếng đau khổ như vậy thì làm sao mà hướng về nẻo thiện cho được! Người khách bộ hành trông thấy vậy mới khởi lòng thương xót, nghĩ rằng nếu ta không giúp người này thì ai có thể giúp người này được? Ta là cơ hội duy nhất để có thể giúp người này. Nghĩ vậy cho nên ông phát ra tâm xót thương, đèo người kia lên vai rồi dìu người đó đi. Sau mấy tiếng đồng hồ, họ tới một thôn xóm, và người đó tình nguyện ở lại nuôi nấng, chữa trị cho người này khôi phục được sức khỏe. Này các bạn đồng tu, sở dĩ người này có một cơ hội như vậy là do người thứ hai. Nếu người thứ hai không mở rộng lòng từ bi, lân mẫn, xót thương và dìu người đó tới thôn xóm kia, rồi ở lại chăm sóc, thuốc men chữa trị, thì người này làm gì có cơ hội lành bệnh, mà tiếp tục đi trên con đường của mình?

Cho nên khi thấy một người bạn tu có cách hành sử không dễ thương, ngôn ngữ, nói năng không dễ thương, mà trong tâm cũng không còn có gì đáng gọi là dễ thương hết, thì mình nên phát tâm quán chiếu mà nói rằng: Người này đang đau khổ, và người này đang đi về nẻo tối tăm. Nếu ta không giúp người này thì ai sẽ giúp người này, tội nghiệp quá! Quán chiếu như vậy, tự nhiên mình buông bỏ được tất cả những phiền giận của mình đối với người đó, và lòng từ bi ở trong mình phát khởi, cho nên chính mình đã không giận người đó, mà còn giúp được người đó vượt ra khỏi tình trạng đau khổ cùng cực của người đó nữa.

Tôi đang đưa quý vị đi vào trong trái tim của thầy Xá Lợi Phất. Trái tim rất tươi mát, rất rộng rãi.

Này các bạn đồng tu đây là phương pháp thứ năm để diệt trừ sự phiền giận. Giả dụ trong đại chúng có một người, cách hành sử rất dễ thương, mà ngôn từ cũng rất dễ thương, và tâm địa cũng rất dễ thương. Vậy mà có người lại giận người đó. Nếu mình là người có trí, thì mình đâu có hành sử như vậy! Mình vì sự ganh tị mà đi giận một người mà hành sử, ngôn ngữ, và tâm địa đều dễ thương, thì mình đâu phải là người trí tuệ, mà mình là người ngu! Cho nên nếu chúng ta biết tác ý, quán chiếu và nhận diện được cái dễ thương của người kia đứng về phương diện hành sử, đứng về phương diện ngữ ngôn, và đứng về phương diện tâm lý, thì ta sẽ hoan hỷ buông bỏ được sự phiền giận của ta. Tự nhiên ta hưởng được sự tươi mát, sự an lành, sự mầu nhiệm của người đó.

Này các bạn đồng tu, ví dụ ở ngoài thôn xóm có một hồ sen rất đẹp. Nước hồ rất trong, rất ngọt, đáy hồ bằng phẳng, bờ hồ cỏ lên rất xanh tươi. Chung quanh hồ có rất nhiều cây lớn, cho chúng ta rất nhiều bóng mát. Có người kia đi tới, khát nước gần chết, nóng bức, mệt nhọc, kiệt sức mà thấy được hồ đó, thì người kia không còn gì ngần ngại, cởi áo ra đi xuống hồ, mặc sức thỏa tình bơi lội, tắm rửa, kỳ cọ và uống nước vừa ngọt vừa mát của hồ đó. Rồi lên mắc võng trên cây đại thụ ở bờ hồ, nằm xuống và nghe tiếng chim hót líu lo.

Vì vậy khi mình được ở với những người bạn tu có thân hành dễ thương, khẩu hành dễ thương, và tâm hành cũng dễ thương, nếu mình là người có trí, tại sao mình để cho sự phiền giận xâm chiếm mình, để cho sự ganh tị xâm chiếm mình, tại sao mình không hưởng được sự tươi mát, sự đẹp đẽ, sự mầu nhiệm của người bạn tu đó?

Này các bạn tu, tôi đã chia sẻ với các bạn năm phương pháp diệt trừ phiền giận. Mong quý vị có thể áp dụng được trong đời sống hàng ngày của quý vị.

Đó là kinh Thủy Dụ, rất hay! Chúng ta đưa kinh này vào Nhật tụng Thiền Môn Năm 2000 để các thầy, các sư cô, các sư chú được tụng niệm ít nhất một tuần một lần.


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][]