TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
Trường Hợp 1-Sao tu tập đã lâu mà ta vẫn còn dễ nổi giận, và đôi khi cơn giận còn lớn hơn hồi trước!
Trường Hợp 2-Lòng hăng say và năng lượng tu tập bị hao mòn
Trường Hợp 3-Khi ngồi thiền thường bị trôi lăn
Trường Hợp 4-Học và biết thì nhiều nhưng thực tập hình như chưa có kết quả bao nhiêu
Trường Hợp 5-Có thể tạo chánh niệm, nhưng khó để giữ cho chánh niệm ở lại lâu với mình
Trường Hợp 6-Tu chừng nào mới được giải thoát?
Trường Hợp 7-Làm sao để tiếp xúc sâu sắc với một pháp? Sống như thế nào mới gọi là sống sâu sắc?
Để kết thúc bộ sách này, chúng ta nên biết rằng cuộc đời tu học không phải lúc nào cũng thông suốt, cũng an lạc, thảnh thơi. Là chúng sinh thì ai cũng trải qua những lúc cao, lúc thấp. Người tu là người biết phải làm gì để vượt thoát những lúc thấp của cuộc đời.
Phần dưới đây vừa là một "Chỉ mục yếu lược", vừa là một cố gắng khai mở tâm người tu "lúc hữu sự". Thứ tự của các trường hợp không hàm ý sự quan trọng của vấn đề, vì ngõ cụt nào cũng là ngõ kẹt quan trọng. Số trang trong vòng ngoặc là số trang trong bộ sách này, nơi có nhiều chi tiết giảng luận hơn về vấn đề đang nói đến.
Thân và tâm của con người thì khó điều phục và chuyển hóa hơn bất kỳ một pháp nào ở trên thế gian. Nhưng nhờ pháp mầu của Bụt mà có biết bao nhiêu thầy tổ đã chứng đạt, đã giải thoát. Vậy thì nếu biết hạ thủ công phu, hàng con cháu tại sao lại không thành đạt được trên con đường tu tập?
Khai mở
-Gặp việc không vừa ý, ta phải lập tức trở về với hơi thở, nắm lấy hơi thở mà nương tựa vào hải đảo tự thân để đừng bị ngoại cảnh xô đẩy.
-Phải học phương pháp đối trị với cơn giận (Quyển 3, phần 3.1)
-Người tu cũng là người cho nên người tu cũng có quyền giận. Điều khác biệt là người có tu thì biết làm sao để hết giận (Quyển 3, phần 2.17, từ tr. 468).
-Phải biết cách tháo gỡ kết sử (Quyển 3, phần 3.2)
-Nội kết với "người đó hay việc đó" chưa được chăm sóc đúng mức. Việc thực tập chuyển y (tức chuyển hóa nền móng của tâm) chưa thành công (Quyển 3, phần 2.6, từ tr. 188).
-Một hạt muối không làm mặn được dòng sông. Tâm lớn thì chứa được nhiều (Quyển 3, phần 2.7, từ tr. 212; và phần 2.15, từ tr. 401)
Khai mở
-Đến với tăng thân để được hộ niệm và thay chốt (Quyển 3, phần 3.2, từ tr. 702).
-Có tín (lòng tin nơi Pháp môn) thì mới có năng lượng để tu tập.
-Cái ngã của mình lớn quá. Phải chăm sóc cái ngã bằng cách thực tập Ba cái Lạy (Quyển 3, phần 2.15, từ tr. 403)
Khai mở
-Phải tạo một danh sách, một sổ công phu để thực tập quán chiếu trong lúc ngồi thiền (Quyển 3, phần 2.9, từ tr. 252)
-Phương pháp hay nhất là nuôi dưỡng hơi thở, vì hơi thở chánh niệm còn thì chánh niệm còn, nghĩa là không bị trôi lăn (Quyển 3, phần 2.17, từ tr. 458)
-Muốn nuôi dưỡng chánh niệm ta cần bốn điều kiện (Quyển 3, phần 2.16, từ tr. 451)
-Có hỷ mới dễ có định. Phải bắt đầu thời thiền bằng những hơi thở tạo niềm vui, tức là hơi thở đầu tiên của bốn hơi thở an tịnh cảm thọ trong kinh Quán Niệm hơi thở (Quyển 1, phần 2.3, từ tr. 177)
-Dùng thi kệ để hướng dẫn tâm trong thời thiền. (Quyển 3, phần 2.19, từ tr. 508). Không được dẫn lối cho nên tâm mới trôi lăn.
Khai mở
-"Cái biết" này chỉ nằm ở phần ý. Phải học Phật, nghe Pháp theo cách huân giáo, không dùng trí năng, thì tàng thức mới được thấm nhuần lời pháp mà chuyển hóa (Quyển 3, phần 2.7, từ tr. 202; phần 2.14, từ tr. 2, và phần 2.14, từ tr. 380). Nghe kinh và hiểu lời giáo huấn thì chỉ mới thấy được cái vỏ bên ngoài, thấy được chiếc thuyền ngôn ngữ chuyên chở tinh yếu của kinh. Muốn nắm được tâm ấn tức là Linh hồn của giáo nghĩa, thì phải quán chiếu, phải thực chứng lời kinh, phải hành sử sự sống của mình theo lời kinh (Quyển 2, phần 2.2, từ tr. 139).
-Thực tập một pháp môn đã học là cách hay nhất để "huân giáo" thân, tâm.
-Phải biết rằng nội kết và mọi hạt giống (tàng thức) đều nằm trong từng tế bào của cơ thể (Quyển 3, phần 3.2, từ tr. 693). Cho nên tích tụ hạt giống tốt sẽ tạo thói quen nói lời ái ngữ và hành xử với tâm từ bi. Đó là thành quả của việc tu tập.
-Tu cũng có nghĩa là chế tác những thói quen tốt (Quyển 3, phần 3.1, từ tr. 673). Ví dụ khi nghe chuông là trở về với hơi thở; chỉ quen đi thong dong mà không đi hối hối hả v.v... Thói quen tốt tạo nên pháp thân của người tu.
Khai mở
-Không theo dõi hơi thở cũng có thể có chánh niệm, nhưng theo dõi hơi thở thì giữ chánh niệm được lâu hơn(Quyển 3, phần 2.19 từ tr. 507)
-Năng lượng chánh niệm cần có chủ thể và đối tượng cho nên cần phải mời mọc thì chánh niệm mới biểu hiện. Năng lượng tiêu cực như giận hờn thì chỉ cần đối tượng là có thể biểu hiện, nên dễ dàng có mặt. Cũng như con mắt ghét, tự nhiên nó có thể nhảy ra, còn con mắt thương thì mình phải biết cách mời nó mới đến (Quyển 3, phần 3.1, từ tr. 668).
-Hơi thở chánh niệm được tạo nên bởi những "sát-na chánh niệm", giống như những hạt trong một xâuchuỗi. Phải tiếp tục nắm lấy hơi thở, nghĩa là tiếp tục lần thì "tràng hạt chánh niệm" mới được duy trì. Ngưng lần tràng hạt thì chánh niệm không còn vì hạt chánh niệm cũng vô thường (Quyển 3, phần 2.16, từ tr. 450, phần 2.17, tr. 457 và 462).
-Dùng thi kệ nhật dụng để giúp duy trì chánh niệm trong mọi sinh hoạt hàng ngày. (Quyển 3, phần 2.16, từ tr. 438).
Khai mở
-Giải thoát có nghĩa là ra khỏi ngục tù của tưởng. Không buông bỏ cuộc đời, không rời ngũ dục, không trốn tránh vô thường v.v... mà chỉ buông bỏ tri giác sai lầm về ngũ dục, về vô thường thì đã là được giải thoát rồi (Quyển 3, phần 2.21, từ tr. 570)
-Làng Mai có pháp môn Đốn ngộ nghĩa là giác ngộ tức khắc (Quyển 3, phần 2.24, từ tr. 636)
Khai mở
-Có chánh niệm thì việc tiếp xúc mới được sâu sắc (Quyển 3, phần 2.8, từ tr. 221)
-Khi nhận diện những gì đang xảy ra, ban đầu ta chỉ nhận diện đơn thuần thôi. Nhưng nếu tiếp tục thì chúng ta có thể nhìn thấu vào chiều sâu của cái đang xảy ra. Đó gọi là thiền quán, là tiếp xúc sâu sắc (Quyển 3, phần 2.19, từ tr. 508)
-Về cách sống sâu sắc thì "one thing at a time" trong đời sống hàng ngày là một cách; thực tập Thiền lạy làmột cách khác (Quyển 3, phần 2.13, từ tr. 356).
Khai mở
-Đạo Bụt có danh từ Quả báo. Quả báo có hai thành phần, một là chánh báo, hai là y báo. Chánh báo tức là thân và tâm của ta, và y báo là cái hoàn cảnh trong đó ta đang sống (Quyển 2, phần 1.1, từ tr.....)
-Y báo luôn luôn đi theo chánh báo như bóng theo hình. Chúng ta đi đâu thì y báo đó cũng đi theo, không rời ra được. Tại vì y báo đó là một phần quả báo của mình.
-Như vậy, nếu thấy sống ở đây không thuận ý vì điều này điều nọ, thì khi đến nơi khác hay sống với người khác, hoàn cảnh tương tự cũng sẽ hiện ra! Muốn thay đổi Y báo, cách duy nhất là chuyển hóa ngay chính thân và tâm của ta.
-Khi nói rằng tôi đã cố gắng tu tập mà sao "cái bóng" của tôi không "thẳng lại", thì phải biết rằng như vậy là sự tu tập của mình chưa đủ để thay đổi hoàn cảnh. Cây thẳng thì làm sao mà bóng của nó cong cho được?
-Khi thay đổi được y báo, đó là nhờ mình đã tạo đủ nhân duyên, chứ không phải do một sự tình cờ hay nhờ một vị thần linh nào cứu rỗi. Nên nhớ rằng được người khác hộ niệm, cũng vì mình hội đủ nhân duyên.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]