TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai
2. Những phương pháp tu tập Làng Mai (Phần 2)
LỊCH SỬ ĐẠO BỤT ĐI VÀO CUỘC ĐỜI
PHONG TRÀO ĐẤU TRANH Ý THỨC HỆ
HÌNH THÀNH CỦA ĐẠO PHẬT HIỆN ĐẠI HÓA
ĐỐI TRỊ VỚI NHỮNG KHỔ ĐAU HIỆN THỰC
NHỮNG KHỔ ĐAU CÓ THẬT CỦA THỜI ĐẠI
Vào khoảng năm 1935 tức cách đây chừng 60 năm, trên tập san Đuốc Tuệ ở Hà Nội người ta thấy có một danh từ mới, đó là Nhân gian Phật giáo. Nhân gian Phật giáo tức là đạo Bụt ở ngay trong cõi sống của xã hội, và trong đời sống hàng ngày của con người. Văn pháp thời đó còn chịu ảnh hưởng văn pháp chữ Hán rất nhiều, ví dụ như chữ "nhân gian".
Khi nói đạo Bụt ở trong nhân gian, có nghĩa là có một đạo Bụt không ở trong nhân gian. Đó là đạo Bụt ở trong chùa, trong tu viện. Phân biệt như vậy để thấy rằng có hai đạo Bụt, một để tu tập ở trong chùa và một có thể đem ra thực tập trong cõi người, áp dụng trong đời sống hàng ngày.
Năm 1973 thầy Huyền Quang và tôi có viết chung một cuốn sách gọi là Đạo Phật Áp Dụng Vào Đời Sống Hàng Ngày. Đời sống hàng ngày ở đây không phải là đời sống hàng ngày của người xuất gia, mà là đời sống hàng ngày của người tại gia, của người ở trong xã hội. Dưới tựa đề đó, còn có một hàng chữ nhỏ: Cương lĩnh giáo lý nhập thế của Phật giáo Việt Nam hiện đại. Có thể quý thầy và quý sư cô vừa ở Việt Nam sang Làng Mai, cũng chưa thấy cuốn này. Sách này do Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ấn hành, vì thầy Huyền Quang hồi đó là Tổng thư ký Viện Hóa Đạo.
Cương lĩnh là cái xương sống. Nhập thế có nghĩa là đi vào cuộc đời. Đây không phải là Phật giáo chỉ để cho người tu ở trong chùa, mà là Phật giáo có thể đem áp dụng vào đời sống của người tại gia. Họ có thể là một người nội trợ, một công chức, một người đi buôn, một nhà văn, một nghệ sĩ, một sinh viên, một người lính chiến v.v... Đó là Phật giáo nhập thế. Giữa cuốn Đạo Phật Áp Dụng Vào Đời Sống Hàng Ngày, và loạt bài viết trong báo Đuốc Tuệ về Nhân gian Phật Giáo, có sự liên hệ, chứng tỏ có một sự tiếp nối.
Người xướng xuất danh từ Nhân gian Phật giáo là một học giả, một tiểu thuyết gia tên là Nguyễn Trọng Thuật, đồng thời với Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Thiều Chửu v.v... Nguyễn Trọng Thuật là tác giả của một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ. Đó là tác phẩm Quả Dưa Đỏ. Trước đó thì chỉ có một vài cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Việt thôi, như là cuốn Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Trong khi Tố Tâm là một cuốn nói về tình yêu lãng mạn, thì Quả Dưa Đỏ là một truyện thần kỳ Việt Nam, kể lại sự tích An Tiêm, và có màu sắc Phật giáo. Triết lý của An Tiêm là gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Vì vậy tuy tiểu thuyết Quả Dưa Đỏ không phải là một cuốn tiểu thuyết về Phật giáo, nhưng nó chịu ảnh hưởng của văn hóa dân tộc, nó là truyện truyền kỳ Việt Nam và mang tư tưởng Phật giáo.
Khi ra đời, tiểu thuyết Quả Dưa Đỏ làm rất nhiều người say mê. Khi mới lớn tôi cũng say mê cuốn đó. Cuốn đó ra đời hồi tôi chưa được 10 tuổi. Trong tập san Đuốc Tuệ xuất bản tại Hà Nội, Nguyễn Trọng Thuật có viết một cuốn tiểu thuyết khác, đăng hàng tháng, đặt tên là Cô Con Gái Phật Hái Dâu. "Cô con gái Phật" tức là nữ Phật tử. "Hái dâu" là đi hái dâu về để nuôi tằm. Đây là sự tích của Ỷ Lan Phu Nhân, hoàng hậu đời nhà Lý. Đây là một truyện tiểu thuyết Phật hóa độ lực. Ỷ Lan Phu Nhân là một cô con gái nhà quê, được vua Lý đem về. Cô là một cô gái rất xinh đẹp, rất thùy mị, được nuôi dưỡng trong đạo đức của Phật giáo nên thấm nhuần tư tưởng và hành trì của Phật giáo. Cô hiểu thấu tất cả các nỗi khổ, những khó khăn của dân chúng ở đồng quê. Cho nên khi được vua Lý đem về và yêu mến, cho phép dự vào những cuộc đàm luận về chính trị, thì Ỷ Lan Phu nhân đã đưa ra những tư tưởng rất thiết thực, để giúp dân quê thoát khỏi vòng nghèo đói, áp bức và bất công. Vua Lý đã nghe theo lời của Ỷ Lan, làm một cuộc cách mạng nông thôn rất hay. Ỷ Lan có một kiến thức rất vững chãi về tình trạng dân quê. Ví dụ nàng biết ở miền quê có những bọn ăn trộm trâu để làm thịt và ăn nhậu với nhau. Khi một người nông dân mất trâu thì không thể nào sinh sống được! Con trâu tương đương với chiếc Tractor để cày ruộng ngày nay. Ăn cắp trâu để làm thịt thì người nông dân sẽ chết đói, mà có thể những người khác cũng chết đói theo, tại vì trâu dùng để cày cho ruộng mình, nhưng cũng để cày ruộng cho người khác. Cho nên Ỷ Lan Phu Nhân đã đề nghị những biện pháp để trừng trị, để ngăn cản không cho bọn ăn cắp trâu hoành hành.
Thời đó còn có những nhà nghèo phải bán con trai hay gái. Nhà họ nghèo quá, không có tiền để nuôi con, cho nên bắt buộc phải bán con của mình cho những nhà giàu để làm đầy tớ. Một chế độ gần như là chế độ nô lệ ở Tây phương. Tuy cũng gọi là con, cũng nuôi trong nhà, nhưng không được đối xử một cách bình đẳng như là con đẻ. Tuy gọi là con nuôi, nhưng kỳ thực là một thứ đầy tớ! Gặp những gia đình có nhân đức, có tình thương thì những đứa con nuôi này được đối xử tử tế. Nhưng gặp phải những nhà không nhân đức thì mình chỉ đóng vai của những người đầy tớ, và là đầy tớ suốt đời! Ỷ Lan Phu Nhân đã đề nghị vua Lý xuất tiền kho ra, chuộc những người đầy tớ này khi họ đến tuổi trưởng thành, 18, 20, rồi tìm cách dựng vợ gã chồng cho họ. Đó là những biện pháp xã hội mà Ỷ Lan Phu Nhân đã thực hiện.
Phu Nhân cũng rất giỏi về việc triều chính. Có một lần vua Lý đi dẹp loạn ở biên thùy giữa Chiêm Thành và Đại Việt. Lâu quá mà không thành công, cho nên vua rút quân về. Khi về chưa đến nơi thì nghe đồn ở nhà Ỷ Lan Phu Nhân làm việc rất giỏi. Tổ chức triều đình rất hay, không có vấn đề gì cả. Nhà vua mắc cở, nên không đem quân về mà quay trở về biên giới! Và lần này thì vua thành công trong việc thiết lập an ninh và hòa bình ở biên giới.
Đó là những câu chuyện có thật về cuộc đời của Ỷ Lan Phu Nhân mà Nguyễn Trọng Thuật đã kể lại trong một cuốn tiểu thuyết. Rất tiếc là báo Đuốc Tuệ bị đình bản vào năm 1945. Năm đó có cuộc cách mạng ở Việt Nam, báo Đuốc Tuệ ngừng xuất bản, và cuốn tiểu thuyết đó tuy chưa kết thúc, nhưng cũng bị ngừng ra mắt độc giả. Ngày nay, nếu có vị nào muốn tiếp tục viết cho xong cuốn tiểu thuyết về Ỷ Lan Phu Nhân thì cũng có thể làm được. Quý vị có thể lượm lặt lại những tờ báo Đuốc Tuệ từ 1935 đến 1945, gom lại những câu chuyện về Ỷ Lan Phu Nhân, rồi thấy Nguyễn Trọng Thuật viết đến đâu, mình sẽ tiếp tục từ đó cho đến hồi kết thúc. Chuyện rất dễ thương.
Truyện Cô Con Gái Phật Hái Dâu là khuôn mẫu của việc đem đạo Bụt áp dụng vào đời sống hàng ngày. Người ta thấy đạo Bụt có một ảnh hưởng lớn ở trong xã hội, ở trong phong tục, trong văn hóa, trong nhân gian, và ngay ở trong chính trị. Nguyễn Trọng Thuật cũng có viết những bài đề nghị đem đạo Bụt áp dụng vào trong nhân gian, trong mọi hoàn cảnh và trường hợp. Ví dụ ông ta đã viết một bài về vấn đề kết hôn ở trong cửa thiền. Trước đó người ta không bao giờ làm lễ cưới ở trong chùa. Người ta nghĩ đám cưới là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm, và là một vấn đề tạo nghiệp trong cuộc sống, cho nên các thầy không cho làm lễ cưới ở trong chùa. Nguyễn Trọng Thuật nói rằng làm hôn lễ tại chùa thì những người thành lập gia đình có một cơ hội được tiếp nhận những hạt giống tốt để cho cuộc sống của họ bớt sóng gió, và có hạnh phúc hơn lên. Ông đề nghị tạo nên một nghi lễ về hôn nhân, rồi nhà chùa cho những người trẻ, khi có đám cưới, có thể đến chùa để làm lễ cưới. Ông thường viết những đề tài có tính cách áp dụng đạo Phật vào cuộc đời như vậy. Ngày nay nếu chúng ta có những đám cưới tổ chức lễ tại chùa, là chính nhờ ngày xưa đã có những bậc đàn anh đề xướng chuyện đó.
Làm sao để đạo Bụt có mặt ngay trong những hoàn cảnh khó khăn như trong chiến tranh, trong quân đội v.v..., đó cũng là những vấn đề rất quan trọng.
Từ 1935 cho đến 1975, bốn mươi năm, cũng đã phát hiện ra nhiều chuyện khác nữa ở Việt Nam. Năm 1954-1956 là một thời gian rất khó cho tuổi trẻ Việt Nam, tại vì đất nước chia đôi và có cả triệu người di cư từ miền Bắc vào miền Nam. Trước đó chúng ta thấy trong xã hội có chiến tranh và có sự chia cách, có sự đấu tranh ý thức hệ. Tại vì sau năm 1945 thì người Pháp cố ý trở lại để chinh phục lại Việt Nam. Năm 1945 Việt Nam chưa muốn độc lập. Nhưng năm 1946-1947 thì vì người Pháp cố tình trở lại, nên Việt Nam tổ chức kháng chiến.
Trong những đoàn thể kháng chiến có đảng Cộng sản, nhưng cũng có những thành phần kháng chiến khác không phải Cộng sản. Ban đầu là chiến tranh giữa hai phía. Một bên là để dành độc lập, một bên là để chinh phục lại thuộc địa, chiếm lại vùng đất bảo hộ của mình. Nhưng trong cuộc chiến tranh đó, âm thầm có sự đấu tranh về ý thức hệ. Tại vì trong phong trào giải phóng đất nước, có phong trào Cộng sản, chủ xướng tư tưởng Cộng sản chống lại tư tưởng tư bản. Có rất nhiều người Việt Nam nghĩ rằng chỉ có ý thức hệ Cộng sản mới có đủ sức đánh bại lực lượng xâm lăng mà thôi. Những người khác, như người trong Quốc Dân Đảng thì không thích chủ nghĩa Cộng sản, rất sợ chủ nghĩa Cộng sản.
Khi quân đội Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ thì bắt đầu có chuyện chia đôi đất nước, và việc đấu tranh ý thức hệ được biểu hiện ra trên phương diện hình tướng. Người Mỹ bắt đầu chen vào. Người ta nói để giải quyết vấn đề xung đột ở Việt Nam thì đất nước phải chia ra làm hai: Những người thuộc ý thức hệ Cộng sản thì ở miền Bắc, còn những người theo ý thức hệ chống Cộng, theo thế giới tự do thì ở miền Nam.
Trong lúc chiến tranh tiêu diệt, tàn phá, chia cắt đất nước, làm cho không biết bao nhiêu người trẻ cũng như người lớn chết, thì tầng lớp thanh niên Việt Nam rất là đau khổ vì không thấy được con đường của mình. Phần lớn đều nghĩ rằng mình phải đấu tranh chống lại ngoại xâm, vì vậy mà có những người tuy không thích chủ nghĩa Cộng sản, nhưng vẫn đi theo chủ nghĩa Cộng sản. Cũng có những người nằm trong hàng ngũ kháng chiến, nhưng âm thầm chống lại chủ nghĩa Cộng sản. Cuộc xung đột ý thức hệ không những chỉ nằm giữa Nam và Bắc, mà nó nằm ngay trong hàng ngũ kháng chiến, nằm ngay ở miền Bắc!
Cho nên trong đầu của người thanh niên Việt Nam thời đó có một sự lộn xộn, không biết đi về đâu, không biết con đường nào là đúng. Thanh niên Việt Nam thời đó rất đau khổ!
Vì vậy mà tầng lớp thanh niên thời đó nhìn vào đạo Phật để tìm một con đường hầu giúp họ khỏi kẹt vào thế đấu tranh ý thức hệ, thế theo bên này hay theo bên kia. Một số người thì hoàn toàn ôm lấy chủ thuyết Mác-xít (phiên âm tiếng Pháp, Marxiste), một số người khác thì hoàn toàn ôm lấy chủ thuyết tư bản. Nhưng đa số thanh niên Việt Nam là không muốn như vậy. Họ muốn một con đường của dân tộc. Vốn liếng của họ nằm trong văn hóa dân tộc, cho nên họ nhìn vào đạo Bụt để tìm ra một con đường.
Những ai đã sống qua những giai đoạn đó mới thấy được tất cả cái băn khoăn, thao thức, khổ đau của một người đi tìm đường.
Lúc đó ở miền Nam, một người Công giáo được đưa lên làm tổng thống, đó là ông Ngô Đình Diệm. Ông Ngô Đình Diệm thuộc gia đình Nho giáo, cũng có dính líu tới truyền thống Phật giáo, nhưng ông đã theo Cơ Đốc giáo. Tây phương đã yểm trợ để ông làm lãnh tụ chống Cộng của miền Nam. Những người thân cận ông Ngô Đình Diệm nghĩ rằng phải có một chủ thuyết để có thể đương đầu với chủ thuyết Cộng sản. Vì vậy họ đã mượn lý thuyết của Emile Mounier là chủ thuyết Nhân Vị, Personalism để làm ý thức hệ chống Cộng. Cho nên ở miền Nam hồi đó, tất cả các công chức đều phải học tập chủ thuyết Nhân Vị. Có những cơ sở, những trung tâm đào tạo, và tất cả công chức đều phải học thuyết nhân vị. Trong trường đại học cũng phải học thuyết Nhân Vị. Đàng sau thuyết Nhân Vị có ý thức hệ Công giáo.
Những người Công giáo di cư từ miền Bắc được biệt đãi, tại vì người ta nhận ra đó là một trong những lực lượng quan trọng để có thể chống Cộng.
Hồi đó tại các chùa, các sư chú, sư cô âm thầm có cảm tình với kháng chiến. Họ cũng chưa biết Cộng sản là gì, nhưng họ thấy phong trào kháng chiến cam khổ. Vì vậy kháng chiến bám lấy các chùa để nhờ yểm trợ. Cho nên người Pháp rất ghét các thầy, các sư cô, sư chú đã tiếp tay yểm trợ kháng chiến. Có một số các sư chú tham dự kháng chiến đã bị người Pháp bắn giết. Chính tôi cũng có một số các bạn ở trong chùa, yểm trợ cho kháng chiến, và đã bị lính Pháp bắn chết ngay trong sân chùa!
Thời đó bên Trung Quốc có một số học giả như là Lương Khải Siêu, Châu Tự Ca, bắt đầu viết những bài, những cuốn sách về chủ nghĩa Cộng sản, nói rằng con đường của chủ nghĩa Cộng sản không phù hợp với nhận thức của Phật giáo. Ở Việt Nam, một số các thầy có khả năng đọc được văn mới, và có cơ hội đọc được những bài tiểu luận về Phật giáo và chủ nghĩa Duy Vật, Duy Vật Biện Chứng Pháp, rất là hấp dẫn đối với thanh niên Việt Nam thời đó. Tại vì đó là xương sống của phong trào kháng chiến. Phong trào kháng chiến đã có màu sắc Cộng sản, và càng ngày thì cái xương sống đó càng mạnh ở trong phong trào kháng chiến, người Cộng sản từ từ nắm hết tất cả chủ quyền trong kháng chiến. Những phần tử không phải Cộng sản từ từ bị lép vế. Cuối cùng họ phải cắn răng lại chịu đựng mà có sự đoàn kết để đi tới thành công cho kháng chiến.
Một số các thầy và các cư sĩ có khả năng đọc văn mới, văn Bạch thoại, và có cơ hội được đọc những bài đó thì càng ngày càng thấy rõ rằng con đường Duy vật Biện chứng pháp không phải là con đường phù hợp với Phật giáo, dù họ rất có cảm tình với phong trào kháng chiến. Trái tim của người Phật tử có khuynh hướng nghiêng về bên kháng chiến, đó là điều rất rõ ràng. Điều đó được biểu hiện bằng sự kiện có rất nhiều thầy, nhiều sư cô đã bị thực dân Pháp bắn chết vì họ yểm trợ cho kháng chiến. Nhưng những người tu còn trẻ đó chưa thấy được rõ ràng sự kiện chủ thuyết Duy vật Biện chứng không thích hợp với tư tưởng của Phật giáo.
Trong khi đó thì các vị cũng biết rằng chủ thuyết Tư bản chống Cộng cũng không phù hợp với Phật giáo. Vì vậy cho nên những người trí thức trong đạo Bụt đi tìm một con đường gọi là con đường thứ ba, con đường không phải là chủ thuyết Cộng sản mà cũng không phải là chủ thuyết chống Cộng. Đó là tâm trạng của rất đông người trong thời đại chiến tranh nhiễu nhương hồi đó.
Tôi là người đã sống qua giai đoạn đó và tôi biết những gì đã xảy ra, biết first hand! Biết người, biết sự việc. Khi còn trẻ thì thấy phong trào kháng chiến là con đường của mình, và Phật pháp chưa thâm uyên nên thấy Duy vật Biện chứng pháp cũng rất là khoa học, rất là hấp dẫn. Nhưng cũng may nhờ có những người đàn anh đi trước chỉ đường, cho nên mình thấy được rằng con đường của mình không phải là con đường của Duy vật Biện chứng pháp. Có một số thanh niên trí thức ở trong chiến khu cũng bắt đầu thấy được điều đó và tìm cách đối thoại giữa Phật giáo và chủ thuyết Cộng sản. Ở chiến khu 5 chẳng hạn, tức là ở vùng Bình Định, Qui Nhơn, có một số các vị đang làm việc cho kháng chiến, nhưng bắt đầu mở ra phong trào đối thoại đó. Ví dụ như anh Nguyễn Hữu Quán, một trong những thành viên của Đoàn Phật học Đức Dục, được thành lập vào khoảng năm 1930-1935 ở tại Huế, với sự yểm trợ của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, viết ra một cuốn sách tên là Đạo Phật Với Nền Dân Chủ Mới. Nền dân chủ mới tức là chế độ Mác-xít. Nhưng những cố gắng của quý vị đó không đi tới đâu cả, là vì bên kia họ có một niềm tin rất sắt đá nơi chủ nghĩa Mác-xít. Vì vậy cho nên họ không mở tấm lòng ra để nghe bất cứ một tiếng nói nào, dù là một tiếng nói rất tha thiết để đóng góp cho tương lai của đất nước.
Năm 1954 là năm Việt Nam bị chia đôi, tâm tư của những người trẻ Việt Nam, trong đó có những người trẻ Phật tử bị giao động hết sức. Ngoài Bắc di cư vào trong Nam cả triệu người, đa số là Công giáo, nhưng cũng có một số Phật tử. Các Phật tử từ Bắc di cư vào Nam đã thành lập hội Việt Nam Phật Giáo Bắc Việt. Năm 1954 đồng bào di cư có xuất bản mấy tờ báo hàng ngày, trong đó có tờ Dân Chủ, do ông Vũ Ngọc Cát làm chủ nhiệm. Trong Nam còn có những tờ như Tin Điển, Tiếng Chuông v.v... Dân Chủ là một tờ báo của đồng bào miền Bắc, và có khuynh hướng Phật giáo. Vũ Ngọc Cát đã đề nghị tôi viết một loạt bài cho báo Dân Chủ về Phật giáo mới, thứ Phật giáo có thể đưa đường dẫn lối cho quốc dân trong giai đoạn nữa tối nữa sáng này. Lúc đó tôi đang dạy ở trường Phật học Đường Nam Việt. Hồi đó các thầy như Thắng Hoan, Như Huệ v.v... đều là học tăng đang học với tôi cả. Tôi đã nhận lời viết một loạt bài trên báo Dân Chủ lấy tên là Đạo Phật Qua Nhận Thức Mới. Qua nhận thức mới thì qua, nhưng nó vẫn là đạo Phật như thường. Đó là ý chính.
Những loạt bài đó đã làm cho tờ báo bán rất chạy. Thay vì đăng vào trang 2 hay 3 trong mục Tôn Giáo hay Văn Hóa thì Vũ Ngọc Cát đã cho đăng bài của tôi ở trang đầu, đăng trên hết mà lấy tựa rất lớn, chữ màu đỏ, coi như bản tin quan trọng nhất xảy ra trong ngày! Tôi còn nhớ thầy Trí Quang hồi đó cũng đang ở chùa Ấn Quang. Mỗi buổi sáng thầy Trí Quang phải đi ra ở góc đường để mua tờ báo Dân Chủ về đọc, để xem thầy Nhất Hạnh viết gì ở trong tờ báo đó. Trong những loạt bài đó tôi nói về đạo Bụt mới, như là con đường hướng dẫn cho mình để thoát khỏi giai đoạn tranh tối tranh sáng và lộn xộn này. Trong loạt bài đó có một bài nói về Đạo Phật và Chủ thuyết Nhân Vị, trong đó, những tư duy, những thiền quán của tôi bắt đầu được trình diễn ra. Đạo Bụt khác với chủ thuyết Duy Vật như thế nào, chủ thuyết Cộng sản như thế nào. Đạo Bụt khác chủ thuyết Duy Thần như thế nào. Một bên là Duy Thần, một bên là Duy Vật, còn đạo Bụt là duy gì?
Nếu quý vị nghiên cứu trở về năm 1954, đi tìm trong thư viện thì sẽ thấy báo Dân Chủ có những bài như vậy. Đến năm 1956, tôi được Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam giao cho làm chủ bút tờ báo của tổng hội, tức là tờ Phật Giáo Việt Nam. Trong tờ báo này có một loạt bài gọi là "Để đi đến một nền Phật giáo dân tộc".
Ngay số đầu của tờ báo Phật Giáo Việt Nam đã có một bài tựa là Hướng Đi của Người Phật Tử Việt Nam. Trong bài này người ta được đọc rằng hướng đi đó không phải là hướng đi của Duy Vật Biện Chứng Pháp, mà cũng không phải là hướng đi Duy Thần, dựa trên thần linh. Mình không tin vào chủ thuyết Duy Vật, không tin vào một lực lượng thần linh, mà phải tin vào chính con người của mình, tin vào trí tuệ, từ bi ở trong lòng của mình.
Hồi đó làm tờ báo giống như là dẫn một đạo binh ra trận. Mặt trận này là mặt trận tư tưởng, mặt trận tư duy để tìm một hướng thoát cho dân tộc, cho người trẻ. Đi tìm một niềm tin đích thực mà có thể đưa mình thoát khỏi gọng kìm của thế đấu tranh giữa chủ nghĩa Tư bản và chủ nghĩa Cộng sản.
Có những tờ báo khác như là tờ Liên Hoa của Giáo Hội Tăng Già do Hòa thượng Đôn Hậu làm chủ nhiệm, cũng mang những bài viết có cùng một đường hướng.
Vào khoảng năm 1960, những bài viết về Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời xuất hiện trên các tờ báo, trong đó có những bài như là Đức Phật của thế kỷ chúng ta như thế nào? Giáo lý, thực tập, hành động, thái độ với xã hội như thế nào? v.v...
Đạo Phật đi vào cuộc đời là một danh từ mới, hơi dài dòng, nhưng nó chỉ có nghĩa là Nhân gian Phật giáo mà thôi. Đi vào cuộc đời tức là nhập thế. Nhưng chữ đi vào cuộc đời nó rất là nôm na, rất rõ ràng. Loạt bài này đã được gom lại và in thành sách năm 1964.
Hiện nay trên thế giới, chúng ta có danh từ Engaged Buddhism. Đó là vì năm 1960 chúng ta đã có danh từ Đạo Phật đi vào cuộc đời, và năm 1935 chúng ta đã có danh từ Nhân gian Phật giáo. Hiện nay ở Hoa Kỳ có một tổ chức gọi là Buddhist Peace Fellowships nghĩa là Phật giáo phục vụ cho hòa bình, dấn thân cho vấn đề hòa bình. Đó cũng là con đẻ của Nhân gian Phật giáo, mà đó cũng là con đẻ của Đạo Phật đi vào cuộc đời. Hiện nay tại Âu Châu cũng có sự có mặt của tổ chức đó, một Network of Engaged Buddhism. Thành ra chữ Engaged Buddhism có nguồn gốc ở Việt Nam, có nguồn gốc trong quá trình tìm kiếm, học hỏi, tranh đấu để tìm ra một con đường thoát, đưa mình và quốc gia, dân tộc mình thoát ra khỏi gọng kìm của sự tranh chấp giữa hai ý thức hệ.
Trong cuộc chiến tại Việt Nam, không những người ta đưa vào hai ý thức hệ để chống nhau. Người ta còn đưa vào võ khí của cả hai khối! Người Việt trở nên nạn nhân của sự tranh chấp vừa ý thức hệ, vừa võ khí của hai khối lớn trên thế giới. Cho nên đạo Phật ở Việt Nam là một bông sen nở trong lò lửa, lò lửa của chiến tranh, của khổ đau. Vì vậy mà năm 1966 tôi đã viết cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa. Sách này đã được dịch ra tiếng Đức vào năm 1967, và tiếng Nhật cũng vào năm 1967.
Việt Nam hồi đó là một biển lửa, và đạo Phật vùng vẫy thoát ra như một đóa sen. Hình ảnh đó là hình ảnh của một thiền sư đời Lý đề xướng:
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,
Liên phát lô trung thấp vị càn.
Tức là viên ngọc được đốt cháy ở trên đỉnh núi mà sắc của nó vẫn còn tươi mát-Bông sen nở trong lò lửa mà sắc vẫn còn tươi. Đó là cái kim cương tâm, cái bồ đề tâm của người Phật tử.
Năm 1964, khi đang vận động để thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh, tôi có xuất bản một cuốn sách tên là Đạo Phật Hiện Đại Hóa, tiếng Anh dịch là Actualised Buddhism. Danh từ "hiện đại hóa" bây giờ ở Việt Nam người ta ưa lắm! Cái gì cũng hiện đại hết! Yêu cũng hiện đại, ăn cũng hiện đại, mặc cũng hiện đại. Và ngày nay tự nhiên chữ hiện đại hóa trở nên rất thời trang. Chúng ta không muốn dùng chữ "mới", Đạo Phật Mới, Modernised Buddhism. Đạo Phật vẫn là đạo Phật, nhưng chúng ta làm cho hiện đại lại để có thể đáp ứng được những nhu cầu mới, chữa trị được những nỗi đau khổ mới, gọi là Đạo Phật Hiện Đại Hóa.
Tất cả những hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế, đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam từ 1964 trở về sau, đều được hướng dẫn bằng tư tưởng đạo Phật hiện đại hóa. Cho nên những danh từ như Phật giáo và dân tộc, cũng được sản xuất từ những gốc gác đó. Nếu chúng ta có trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, đào tạo cán bộ đưa về nông thôn để phát triển đời sống nông thôn, để cứu trợ nạn nhân của chiến tranh, của thiên tai, đó cũng là thực tập theo đường hướng của Đạo Phật hiện đại hóa, Đạo Phật đi vào cuộc đời.
Có người hỏi chúng ta rằng: Thế nào gọi là Engaged Buddhism? Thế nào gọi là Đạo Phật đi vào trong cuộc đời? Chúng ta thường trả lời rằng đạo Phật, cái tự thân của nó là đi vào cuộc đời rồi. Nếu không đi vào cuộc đời thì đâu còn gọi là đạo Phật nữa? Điều này là điều rất dễ hiểu. Chúng ta đã học Tứ Diệu Đế, chúng ta đã học Bát Chánh Đạo, chúng ta biết rằng Tứ Đế là một giáo lý khuyên chúng ta, chỉ dẫn cho chúng ta đối diện trực tiếp với khổ đau mà không phải chạy trốn khổ đau. Sự thật thứ nhất là sự có mặt của đau khổ, và mình phải trực tiếp đối diện với đau khổ đó. Nếu không hiểu được đau khổ thì không thể tìm được con đường thoát khổ. Vậy thì ngay trong sự hình thành của Phật giáo ta đã thấy cái tính chất dấn thân, engaged rồi. Vì nếu không là dấn thân, nếu không phải là nhân gian, nếu không phải là đi vào cuộc đời, thì đạo Phật đâu còn là đạo Phật nữa? Vậy thì tại sao đã là đạo Phật rồi mà còn phải thêm chữ dấn thân, phải thêm chữ nhập thế nữa, phải thêm chữ Engaged nữa? Tại vì sao? Là tại có những người nghĩ rằng đạo Phật là chỉ dành cho những người tu ở trong chùa thôi! Vì vậy cho nên phải dùng chữ "Engaged" để cho họ hiểu. Khi người ta đã hiểu rồi thì mình bỏ chữ Engaged đi cũng được, bỏ chữ dấn thân, bỏ chữ nhập thế đi cũng được. Đó là câu trả lời mà chúng ta thường sử dụng.
Đạo Bụt mà chúng ta thực tập ở Làng Mai là sự tiếp nối của đạo Bụt đó, đạo Bụt dấn thân, đạo Bụt đi vào cuộc đời, đạo Bụt với tâm nguyện chữa trị những vết thương hiện có của con người thời đại, đạo Bụt với tâm nguyện tìm ra một lối thoát cho những khổ đau có thật của chúng ta. Không phải là thứ đạo Bụt tìm sự trốn tránh những khó khăn và đau khổ của cuộc đời.
Tây phương tiếp nhận đạo Bụt mới đây thôi, nhưng đạo Bụt của Tây phương đã có khuynh hướng nhập thế. Chúng ta biết rằng giáo lý của đạo Bụt mà muốn cho đích thực là giáo lý của đạo Bụt, thì giáo lý đó phải có hai tính cách. Tính cách đầu là Khế lý, tính cách thứ hai là Khế cơ. Khế cơ tức là có thể đáp ứng được những nhu yếu, những khó khăn của con người hiện đại. Đáp ứng được, giải quyết được những khổ đau hiện thực bây giờ. Cơ tức là căn cơ về tâm lý cũng như về hoàn cảnh, về những khổ đau đích thực. Khế lý nghĩa là nó đích thực phải là Phật pháp, Phật pháp chính tông, không phải là thứ Phật pháp biến hình.
Chúng ta đã học rằng tinh hoa của Phật pháp là tuệ giác về vô thường và vô ngã. Theo tuệ giác này thì bất cứ một thực tại sinh động nào, một living reality nào, cũng phải luôn luôn biến chuyển. Phải biến chuyển thì nó mới có thể tồn tại, có thể linh động được. Nếu không biến chuyển, thì nó bắt đầu chết như là một gốc cây. Khi một cây ngưng lại sự lớn lên và biến chuyển, thì cây đó bắt đầu chết. Một con người cũng vậy. Thành ra vô thường là nền tảng của sự sống, và nếu đạo Bụt nói tất cả đều là vô thường thì đạo Bụt cũng vô thường. Đạo Bụt phải vô thường thì đạo Bụt mới có thể còn là đạo Bụt. Cũng như một cây bắp, muốn còn là cây bắp thì phải tiếp tục mọc lên. Không mọc nữa thì cây bắp sẽ chết, và không còn là cây bắp nữa. Cho nên vô thường là rất quan trọng, vì vậy ta thấy rằng đạo Bụt phải thay đổi. Thay đổi không phải là để không còn là đạo Bụt nữa mà thay đổi để có thể mãi mãi vẫn còn là đạo Bụt. Vì vậy đạo Bụt phải khế cơ, nhưng đồng thời cũng phải khế lý. Vì vậy cho nên trở về với nguồn suối của đạo Bụt Nguyên thủy là chuyện rất quan trọng.
Đứng về phương diện khế cơ chúng ta nói đạo Bụt phải đáp ứng được, phải giải quyết được những khổ đau hiện thực. Những khổ đau hiện thực đó, ta có thể nêu ra một ví dụ: Sự không có niềm tin. Hiện nay có rất nhiều người trẻ không biết tin vào cái gì. Vì vậy họ sống như những cô hồn, không thấy gì đẹp, không thấy gì lành, không thấy có gì thật hết. Toàn là xấu xa, toàn là giả dối, toàn là ác độc. Họ không có một cái gì để nương theo hết. Đó là căn bản của niềm đau lớn nhất của thời đại. Khi họ nhìn vào gia đình, họ thấy gia đình tan vỡ, họ thấy bố mẹ không có hạnh phúc, cha và con không có hạnh phúc, họ không tin vào gốc gác gia đình nữa. Không tin vào gia đình thì việc họ sống như một cô hồn là không thể nào tránh được.
Khi nhìn vào nhà thờ hay chùa, họ thấy nhà thờ hay chùa trở thành một nơi rất xa lạ với họ. Khi đến họ thấy lạc lõng. Những giáo lý của nhà thờ và của chùa dạy, không đáp ứng được những điều ao ước, những cái thao thức, những khổ đau của họ. Những pháp môn mà chùa và nhà thờ dạy, có tính cách hình thức, không làm cho họ khỏe, nhẹ, không làm cho họ an lạc. Có khi nhà thờ trở nên một nơi tranh chấp danh lợi. Nhiều khi nhà chùa trở thành một chỗ tranh dành danh lợi. Tranh nhau làm hội trưởng, phó hội trưởng, thủ quỹ, thư ký. Cho nên người trẻ không tin vào nhà thờ, không tin vào chùa. Do đó mà khủng hoảng về đức tin cũng là một niềm đau khổ của thời đại.
Làm thế nào để khôi phục được một niềm tin? Chúng ta thấy ngay ở các nước Xã hội Chủ nghĩa. Ngày xưa người ta còn tin vào chủ thuyết Mác-xít, chủ thuyết Cộng sản. Bây giờ người ta không tin nữa. Nhưng nếu không tin vào chủ thuyết Mác-xít thì phải tin vào một cái gì khác. Cái khác đó là gì? Mới ngày hôm qua đây, vị đại diện của Trung Quốc tuyên bố ở Chicago là "Cộng sản như là một chủ thuyết, bây giờ không còn dùng được nữa!" Communism as an idiology, that's finished! Đó là lời tuyên bố của một người đại diện chính quyền của Trung Hoa khi sang thăm Hoa Kỳ! Như vậy thì các ông đang tìm về cái gì? Các ông đang tìm về Khổng giáo, hay các ông đang tìm về cái gì ở trong nền văn học của các ông? Các ông có bổn phận phải cung cấp cho quốc dân, cho người trẻ niềm tin đó!
Tại các nước Á Châu nhỏ, như Singapore, Đài Loan, Đại Hàn, Nhật Bản mà người ta thường gọi là những con rồng nhỏ so với con rồng lớn là Trung Quốc, thì có sự phát triển, và thủ tướng Lý Quang Diệu nghĩ rằng bây giờ phải trở về để ôm lấy Khổng giáo gọi là Tân Khổng giáo. Tân Khổng giáo có thể làm nền tảng cho một sự phát triển kinh tế mà khỏi cần phải học theo Cộng sản, khỏi phải cần học theo tư bản. Đó là con đường họ muốn tìm ra, gọi là Tân Khổng giáo. Tức là độc tài, nhưng là độc tài sáng suốt. Họ căn cứ trên nguyên tắc chính quyền là phải mạnh, và phải ở lâu thì mới có cơ hội phát triển kinh tế. Nếu chính quyền yếu quá, và cứ bị truất lên nhào xuống hoài thì kinh tế sẽ lụn bại. Vì vậy mà cần có một chính quyền mạnh, nghĩa là phải độc tài chút đỉnh. Vì vậy người ta nương vào Khổng giáo để làm dụng cụ mà thực tập cái gọi là Độc tài sáng suốt.
Đạo Bụt đối trị với những niềm đau khổ này như thế nào? Trước sự có mặt của hàng triệu người trẻ và người ít trẻ hơn, không có một niềm tin nào hết, không thấy một cái gì đẹp, cái gì thật, cái gì hiền, mà chỉ thấy toàn là xấu xa, giả dối, và ác độc, thì làm sao đạo Bụt cống hiến cho những người đó một niềm tin? Cá nhân chủ nghĩa, Individualism, trở thành tràn ngập. Chỉ lo cho mình thôi, vì vậy cho nên mình cứ tin rằng hạnh phúc là cái mà mình đi tìm kiếm riêng cho mình, mình không biết hạnh phúc là vấn đề tương tức.
Nếu người kia không có hạnh phúc thì mình không thể nào có hạnh phúc được. Không có niềm tin thì không có tình thương. Khi mình đi theo cá nhân chủ nghĩa thì mình không có niềm tin, không có tình thương. Tại vì có thương thì mình có liên hệ tới người khác, và mình thấy hạnh phúc của người khác có liên hệ tới mình. Thấy vậy thì làm sao mình đi theo con đường cá nhân chủ nghĩa cho được?
Ngày nay, cá nhân chủ nghĩa bắt đầu xâm chiếm xã hội Á Đông. Ngày xưa cá nhân chủ nghĩa là một cái gì rất là cấm kỵ ở trong văn hóa Á Đông. Khi một người tạo ra một tội ác, thay vì chỉ trừng trị cá nhân đó, chính quyền trừng trị luôn cả gia đình người đó. Có khi trừng trị luôn cả ba thế hệ thuộc gia đình người đó! Lấy cớ là gia đình đã không chăm sóc cá nhân, để cho cá nhân ấy hư hỏng tới mức độ đó, vì vậy mà cả gia đình, dòng họ đều bị trừng trị hết. Đó là đứng về phương diện pháp luật và tội ác.
Đứng về phương diện hôn nhân thì khi đi lấy chồng, hay cưới vợ thì cũng vậy. Đi lấy chồng không phải là vấn đề cá nhân của mình. Lấy chồng là vấn đề hạnh phúc của cả gia đình, cho nên cả gia đình phải có trách nhiệm quán sát, và yểm trợ cho chuyện đi lấy chồng của mình. Tại vì nếu mình đau khổ thì tất cả đại gia đình mình đều đau khổ. Nếu mình đi lấy vợ thì đó cũng không phải là vấn đề của riêng mình. Đi lấy vợ, chuyện đó liên hệ đến đại gia đình. Vì vậy cho nên từ ông, bà, cha, mẹ cho đến các em, các cháu của mình đều có bổn phận phải đóng góp ý kiến, phải xen vào quyết định. Tại vì cái đau khổ của mình sẽ đem theo cái đau khổ của gia đình mình. Vì vậy mà không thể nói rằng con lấy vợ cho con chứ đâu phải cưới vợ cho đại gia đình! Ngày nay các người trẻ thường nói như vậy, nhưng ngày xưa thì tất cả mọi việc đều có liên hệ đến đại gia đình. Gởi một đứa con đi học đại học là vấn đề của đại gia đình. Cho nên trước khi gởi con đi học là phải thắp hương, phải khấn vái, phải cáo với tổ tiên, là chúng con sẽ gởi cháu đi vào trường đại học năm tới. Đó là vấn đề của đại gia đình, của tất cả dòng họ.
Một vài ví dụ như vậy để cho chúng ta biết rằng ở xã hội Á Đông ngày xưa, chủ nghĩa cá nhân rất bị cấm kỵ. Nhưng chủ nghĩa cá nhân đó đã từ Tây phương xâm chiếm từ từ, và hiện nay có những người sống hoàn toàn với tư cách của một cá nhân, không có một chút tâm tư nào để vào cái hạnh phúc, cái tương lai của những người khác.
Khi tu học trong đại chúng, chúng ta thực tập vô ngã, chúng ta thấy hạnh phúc của đại chúng là hạnh phúc của riêng ta. Hạnh phúc của riêng ta cũng là hạnh phúc chung của đại chúng. Chúng ta thực tập chuyện ngược lại với chủ nghĩa cá nhân, và đó là một trong những ý nghĩa của danh từ Vô ngã.
Gia đình tan vỡ; nhà thờ và chùa đánh mất vai trò lãnh đạo; cá nhân chủ nghĩa đưa tới hố ngăn cách giữa các thế hệ. Liên hệ tới vấn đề đó là chuyện nói và nghe, truyền thông giữa hai thế hệ trở thành khó khăn. Rồi đi đến những tệ trạng như rượu, ma túy, bạo động, tình dục, chiến tranh, ô nhiễm sinh môi, và cố nhiên là sự có mặt của vô số cô hồn sống ở chung quanh ta. Đó là những vấn đề có thật, những khổ đau có thật, những khó khăn mà chúng ta đang vấp phải.
Trong thời gian trường Thanh niên Phụng sự Xã hội, Buddhist Youth for Social Services, được thành lập ở Việt Nam, vào năm 1964, thì những khó khăn của xã hội Việt Nam thời đó, được coi như là đối tượng của sự hoạt động, là chỉ có bốn: Đó là Nghèo đói; Bệnh tật; Ngu dốt; và Vô tổ chức. Bốn cái đó là bốn khía cạnh của cái gọi là Trầm phát triển, Under Development. Thành ra mục đích của những sư chú, những sư cô, những thanh niên đến học và được đào luyện, là để đi về miền quê, tìm cách đối phó với bốn tai nạn lớn đó.
Khi chúng ta bị bốn hung thần này đe dọa, kiềm chế, nhìn ra nước ngoài, chúng ta thấy có những nước gọi là nước phát triển, Developed countries, chúng ta thấy họ không có nghèo đói, không có bệnh tật, không có ngu dốt, họ tổ chức rất khéo, và chúng ta muốn chạy theo họ, bắt chước họ.
Nhưng ngày nay, nhìn lại các nước gọi là phát triển quá cỡ, Over developed, như nước Mỹ hay các nước ở Âu Châu, thì ta thấy gì? Ta thấy có một cái gọi là Xã hội tiêu thụ. Tiêu thụ rất ghê gớm! Chỉ nội ngày Lễ Giáng Sinh ở Âu Tây, những thức ăn, thức uống, những đồ chơi, những thứ người ta tiêu xài cho một ngày lễ thôi, cũng đã làm mình choáng mắt rồi. Một bữa ăn trưa của người bên này có thể lên tới một trăm US dollars. Trong khi đó 20 xu Mỹ đã có thể cung cấp một, hai bữa ăn rất bổ dưỡng cho một em bé ở các nước chậm tiến.
Tuy vậy ở Tây phương nghèo đói vẫn có mặt. Ở Pháp, ở các nước Âu Châu, và tại Hoa Kỳ, họ có những giới nghèo mới. Xã hội tổ chức như thế nào mà ngay tại Pháp có những người không có ăn, không có mặc, không có nơi ngủ. Họ phải ngủ trong hầm Métro, ngủ dưới gầm cầu, lén lút trong công viên. Thành ra trong xã hội gọi là quá phát triển đó, sự nghèo đói vẫn có, đi đôi với xã hội tiêu thụ.
Đứng về phương diện bệnh tật, thuốc men phát triển rất nhiều, và đời sống của con người kéo dài thêm ra. Người Âu Châu và Mỹ Châu càng ngày càng già, tại vì có nhiều thuốc nên họ sống lâu hơn. Các loại thuốc gọi là thuốc an thần, thuốc tâm thần càng ngày càng nhiều. Số người đang sống sót nhờ những thuốc an thần và thuốc tâm thần càng ngày càng đông. Nói rằng đã phát minh được rất nhiều phương pháp trị liệu bằng thuốc men, nhưng những bệnh mới lại phát sinh rất nhiều, trong đó có bệnh tâm thần. Số người tự tử, số người đi vào nhà thương điên rất đông. Tuy người ta giàu có, nhưng chính vì sự tiêu thụ như vậy, ăn uống thừa thải như vậy, cho nên đã đưa tới rất nhiều bệnh tật.
Nhìn vào những mô thức của các nước phát triển mạnh, giàu có, các nước chậm tiến lại cứ nghĩ rằng đó là con đường của mình đang cần tới! Tuy vậy, nếu biết rõ những khổ đau mới, và chất lượng hạnh phúc trong các xã hội đó, thì mình sẽ thấy rằng mình phải tìm con đường khác nếu mình không muốn gánh chịu những khổ đau cùng một chất liệu mà các nước gọi là quá phát triển đang đi qua.
Tất cả những khổ đau đó, tất cả những cái khó khăn đó, chúng ta phải quán chiếu, chúng ta phải coi là cái khổ đế của chúng ta, và chúng ta phải hiểu được bản chất của những khổ đau đó thì chúng ta mới tìm ra được con đường thoát, gọi là đạo đế.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]