TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q2
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q2
Chương 02: Các Môn Phái Và Giáo Điển Sinh Động
TỔ KHAI SÁNG THIỀN PHÁI TRÚC LÂM
Vua Trần Nhân Tông là người chính thức sáng lập thiền phái Trúc Lâm. Tại vì sau khi đã truyền ngôi cho con là Anh Tông thì vua đi xuất gia trên núi Yên Tử. Vua Anh Tông cũng đã thọ Bồ tát giới, và vua Anh Tông thường mời cựu hoàng Nhân Tông về cung để thuyết giảng cho các quan trong triều nghe.
Sử sách có ghi rằng vua Trần Nhân Tông là sơ tổ (tức là tổ đầu tiên) của thiền phái Trúc Lâm. Khi xuất gia, vua Nhân Tông có đạo hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ, nhưng khi vua Nhân Tông xuất gia thì cố nhiên vua Thánh Tông làm sao truyền giới được (vì Thánh Tông là cư sĩ), cho nên vua Nhân Tông thọ giới với thiền sư Huệ Tuệ, vị đệ tử của thiền sư Tiêu Diêu, tức là người học trò của thiền sư Đại Đăng. Sau đó vua Nhân Tông Trúc Lâm Đại Sĩ truyền pháp cho đệ tử là Pháp Loa. Về sau Pháp Loa truyền đăng cho Huyền Quang. Vì vậy cho nên Trúc Lâm, Pháp Loa, Huyền Quang là ba vị tổ sư đầu của thiền phái Trúc Lâm, gọi là Trúc Lâm Tam Tổ.
Trong tay tôi đây là cuốn sách tựa là Tam Tổ Thực Lục, tức là những lời dạy của Ba vị Tổ Trúc Lâm đã được ghi chép thành sách. Đây là những sự thật đã xảy ra trong sự tu học của ba vị tổ của phái Trúc Lâm.
Chúng ta bắt đầu học về thiền sư Trúc Lâm tức là vị tổ sư của phái Trúc Lâm Yên Tử, một phái thiền được thiết lập tại Đại Việt.
Khi mới xuất gia, Trần Nhân Tông có pháp hiệu là Hương Vân, tức là đám mây hương. Sau đó thì đổi hiệu là Trúc Lâm. Chúng ta biết rằng trước khi xuất gia Hương Vân đã là một ông vua sống trong quyền quý, cao sang, nhung lụa, nhưng đã bỏ đời sống đó để trở nên một người xuất gia.
Sau khi xuất gia rồi thì vua sống rất đơn giản, vua sống một cuộc đời gần như khổ hạnh, và vua tự gọi mình là Đầu Đà, tức là người tu khổ hạnh, tiếng Phạn là Dh(ta, tiếng Hán Việt là Đẩu Tẩu. Dh(ta có nghĩa là rũ bụi. Rũ hết bụi bặm của cuộc đời, trong đó có bụi danh, bụi lợi, bụi tài, bụi sắc.
Vua quả thật đã rũ hết bụi bặm. Từ khi xuất gia, vua không đi xe nữa mà luôn luôn đi bộ. Cố nhiên là vua không chịu đi cáng. Ngày xưa các người quyền quí thường đi cáng, có bốn người khiêng. Võng thì có hai người khiêng.
Khi xuất gia, pháp hiệu của vua là Hương Vân Đầu Đà. Sau đó thì đổi lại là Trúc Lâm Đầu Đà. Trúc Lâm có nghĩa là rừng tre. Sau này danh từ trúc lâm được dùng cho một thiền phái, thiền phái Trúc Lâm.
Thủa Thiếu Thời của Trần Nhân Tông
Vua là cháu nội của Trần Thái Tông. Hồi nhỏ cũng có lần vua trèo lên núi Yên Tử, định xin đi xuất gia. Có hạt giống của ông nội, nhưng vì vua cha Trần Thánh Tông không cho nên không được phép xuất gia. Vua ăn chay từ hồi còn nhỏ.
Vua Trần Nhân Tông tên là Khẩm, con trưởng của vua Thánh Tông. Mẹ của vua là Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm, tức là người em gái của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Đây là lời phê bình về cuộc đời của vua do một sử thần Nho giáo tên là Ngô Sĩ Liên: Vua húy là Khẩm, con trưởng của Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu, sinh năm Giáp Ngọ, Nguyên Phong thứ Tám, tháng 11, ngày 11, được tinh anh của thánh nhân, đạo mạo, thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng. Hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên Đồng Tử...
Đây là một sự bóp méo, tại vì trong Tam Tổ Thật Lục thì không dùng danh từ Kim Tiên Đồng Tử mà là Kim Phật, tức là đức Bụt bằng vàng. Ông quan chép sử này là nhà Nho, ông không ưa chữ Bụt Vàng, cho nên ông sữa lại Kim Thiên Đồng Tử cho nó có vẻ nhà giàu. Chắc chắn là sách Tam Tổ Thật Lục của nhà chùa giữ thì chi tiết đúng hơn.... Ở vai bên tả có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn. Ở ngôi 14 năm. Nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, băng ở am Ngọa Vân trên núi Yên Tử. Hòa nhả, cố kết lòng dân, sự nghiệp phục hưng làm vẻ vang đời trước, thật là một vua hiền của nhà Trần. Song vui lòng ở kinh Phật, tuy bảo là đến siêu thoát nhưng không phải là đạo trung dung của thánh nhân."
Đó là lời phê bình của một nhà Nho, rất hẹp hòi. Vua cái gì cũng giỏi hết, chỉ có việc theo đạo Phật là không giỏi thôi!
Sau Thời Trị Quốc
Chúng ta biết người kế vị của vua Nhân Tông là vua Anh Tông. Sau khi làm vua 14 năm, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Anh Tông để có thì giờ tu học. Vua chưa xuất gia liền, vì muốn có một thời gian đứng sau lưng con, để vua con tập sự cho khá giỏi, thì mình mới đi tu.
Sử có chép một hôm từ cung Thiên Trường tới, Thượng Hoàng Nhân Tông không thấy vua Anh Tông ở đâu cả. Đi tìm cung này sang cung khác cũng không thấy nhà vua trẻ đâu hết. Hỏi các cung nữ, các cung nữ nói rằng Hoàng Thượng đang ngủ ở trong Tẩm Điện, vì hồi trưa uống rượu nhiều quá! Vua uống loại rượu rất thơm, rất ngon gọi là rượu Xương Bồ.
Thượng Hoàng không bằng lòng, ngài trở về chỗ tu học của mình và ra lệnh cho các quan trong triều đến đó để bàn bạc và hội nghị với ngài.
Lúc vua Anh Tông thức dậy, hỏi thăm và biết rằng Thượng Hoàng có tới thăm, tìm mình không ra, đã không bằng lòng, bỏ về cung Thiên Trường, và triệu tập các quan vào đó để hội nghị, cho nên vua rất sợ! Mình làm vua, mình say rượu nằm ngủ cho đến đỗi Thượng Hoàng tới thăm mà mình không có mặt để tiếp đón. Đó là một cái lỗi rất lớn!
Vua Anh Tông không biết làm sao, các quan thì đi hết rồi! Đi quanh đi quẩn, đi qua chùa Thiên Quốc thì gặp một anh chàng thư sinh đang ngồi đọc sách ở trước sân chùa. Anh chàng đó tên là Đoàn Nhử Hài. Nhà vua mới nói rằng: Này khanh, khanh ngồi xuống viết cho trẫm một cái thơ sám hối, một tờ biểu tạ tội với Thượng Hoàng.
Rồi hai vua tôi ngồi đó, vua nói ý, còn anh chàng sinh viên Đoàn Nhử Hài viết xuống một tờ biểu để tạ tội. Xong, hai người lấy thuyền chèo về phủ Thiên Trường. Hai người vào sân phủ, vua quỳ trước sân và đội tờ biểu để dâng lên, anh chàng sinh viên quỳ phía sau lưng. Lúc đó trời mưa. Ở trong cung nhìn ra mọi người đều thấy.
Để vua quỳ như vậy một lúc thì Thượng Hoàng mới ra lệnh cho vào. Đọc xong tờ biểu tạ tội thì Thượng Hoàng mới quở rằng: Ta đang còn sống mà con còn làm như vậy huống hồ sau này ta chết thì con sẽ làm như thế nào nữa! Ngài chỉ la một câu rồi sau đó thì tha tội cho vua.
Sử ghi lại rằng từ giây phút đó về sau, vua Anh Tông không uống một giọt rượu nào nữa. Không những rượu Xương Bồ mà bất cứ rượu nào cũng không uống một giọt! Ngài đã học được một bài học rất đích đáng.
Trong thời gian tập sự xuất gia năm năm đó, Thượng Hoàng đợi cho ông vua con lớn lên, vững chãi. Đồng thời cũng để giúp vua có nhiều thì giờ và điều kiện để học tập kinh điển, để tham vấn với các vị thiện đức và để tu tập ngay ở trong trụ sở của vua.
Trong Thời Xuất Gia
Năm 1299 thì vua Trần Nhân Tông xuất gia. Con số này rất dễ nhớ vì chỉ còn một năm nữa là tới 1300. Vua xuất gia tại chùa Hoa Yên, trên núi Yên Tử. Hồi đó chùa Hoa Yên có tên là chùa Vân Yên. Hoa Yên là tên mới của vua Lê đặt. Trần Nhân Tông xuất gia dưới sự chứng minh và truyền giới của thiền sư Huệ Tuệ. Thiền sư Huệ Tuệ là thế hệ thứ Năm của thiền phái Yên Tử, cùng một thế hệ với Tuệ Trung Thượng Sĩ. Nhưng Huệ Tuệ là người xuất gia, còn Tuệ Trung là một thiền sư cư sĩ.
Sử chép lại ngày vua xuất gia, tại kinh đô có một ông thầy tự đốt một ngón tay để cúng dường. Nếu đọc cuốn Am Mây Ngủ thì quý vị sẽ biết được tên của ngôi chùa đó và tên của vị trụ trì ngôi chùa đó. Khắp thủ đô người ta nghe tin có một vị thiền tăng đang đốt một ngón tay để cúng dường nhân dịp nhà vua xuất gia, cho nên mọi người tụ tới rất đông để coi. Lúc đến họ thấy vị xuất gia đó ngồi trong tư thế kiết già, đưa một ngón tay lên trên ngọn nến và để cho ngọn nến đó từ từ đốt cháy ngón tay của mình, mà nét mặt thầy vẫn thanh thản, không lộ vẻ đau đớn.
Chuyện một ông vua đi xuất gia là chuyện rất hiếm có. Ở Trung Quốc chưa có một ông vua nào đi xuất gia cả. Đời Lý thì vị vua đầu tiên của nhà Lý là Lý Thái Tổ xuất thân từ nhà chùa. Lý Công Uẩn là một cậu bé mồ côi, được thầy Lý Khánh Vân nuôi ở trong chùa, nhưng chưa thọ giới sa di. Lý Công Uẩn học rất giỏi, cho nên thầy nuôi chú bé đó. Năm mười mấy tuổi thì Lý Công Uẩn được thầy Lý Khánh Vân gởi về cho Lý Vạn Hạnh. Lý Khánh Vân và Lý Vạn Hạnh là hai anh em ruột, cùng đi tu, nhưng tu ở hai chùa khác nhau. Thầy Vạn Hạnh rất cưng Lý Công Uẩn. Cưng cho đến độ người ta đồn rằng Uẩn chính là con ruột của thầy! Thầy Vạn Hạnh đích thân dạy cho Uẩn. Sau này Uẩn được vào làm quan ở trong cung, và cuối cùng thì được lên làm vua đầu tiên của nhà Lý.
Thành ra ông vua đầu tiên của nhà Lý là xuất thân từ thiền môn, đi quét lá đa! Vì vậy câu nói "Con vua thì lại làm vua, con của nhà chùa thì quét lá đa" cũng không đúng mấy! Tại vì sự thật đã chứng tỏ rằng con của nhà chùa cũng đã làm vua, mà con của vua cũng đi xuất gia, và có thể quét lá đa! Vì vua Trần Nhân Tông sau khi xuất gia đã cầm chổi quét sân chùa. Thành ra con vua có thể không làm vua mà có thể quét lá đa, còn con nhà chùa Lý Công Uẩn có thể không quét nhà chùa mà lại làm vua.
Phật Giáo Và Hạnh Phúc Của Dân Việt Trong Đời Lý, Trần
Nhà Lý và nhà Trần thấm nhuần giáo pháp của đạo Bụt cho nên đã cống hiến cho đất nước ta ba bốn trăm năm hòa bình và hạnh phúc. Đó là những giai đoạn hạnh phúc nhất của dân tộc và đất nước Việt Nam.
Nhà Lý có 8 vị vua, gọi là Lý Bát Đế. Vua chót là Lý Chiêu Hoàng, không được thờ chung với những vua khác, tại vì Lý Chiêu Hoàng đã để ngôi vua của nhà Lý lọt vào tay của nhà Trần. Ở miền Bắc Việt Nam có đền thờ Tám Vua, mỗi năm có hội Lý Bát Đế. Vua nào cũng là Phật tử, vua nào cũng có tu học.
Đến nhà Trần thì năm ông vua đầu, vua nào cũng tu học rất tinh chuyên, vua nào cũng ủng hộ Phật pháp. Có những nhà chính trị nói rằng năm ông vua nhà Trần có thể đã lợi dụng đạo Bụt để làm chính trị. Nhưng nếu đứng về phương diện của người Phật tử thì chúng ta có thể nói rằng những ông vua đó nhờ tu học, nhờ biết sử dụng sự tu học và giáo pháp của Bụt cho nên việc chính trị của họ rất thành công. Thành ra tùy theo cách nhìn của chúng ta.
Vua Thái Tông là một thiền sư, vua Thánh Tông đã để lại những tác phẩm rất sâu sắc về Phật học. Và chính Tuệ Trung Thượng Sĩ đã ca ngợi cái đạo học của vua Trần Thánh Tông trong một bài kệ còn ghi trong Thượng Sĩ Ngữ Lục. Vua Nhân Tông đã đi xuất gia. Vua Anh Tông đã thọ Bồ tát giới và vua Minh Tông cũng tu học và cũng để lại cho chúng ta những bài kệ rất sâu sắc. Như vậy đời Trần ít nhất là có năm ông vua đầu là Phật tử thuần thành, chí thiết tu học, rất là tinh chuyên.
Trong khi ông vua đầu của nhà Lý là Lý Công Uẩn, xuất thân từ giới quét lá đa, thì vị thiền sư trên núi Yên Tử, tổ sư của phái Trúc Lâm, lại xuất thân từ một gia đình vua chúa, đã từng làm vua và đã đánh bại sự xâm lấn của quân Mông Cổ. Vua Nhân Tông và vua cha là vua Trần Thánh Tông đã hợp sức cùng với tướng Trần Hưng Đạo, với Tuệ Trung Thượng Sĩ và với những người khác, để đánh bại được quân Mông Cổ, một quân đội đi tới đâu thì chiến thắng tới đó. Họ chiếm luôn cả nước Tàu, đi thẳng qua Trung Đông. Vậy mà cuộc xâm lấn Đại Việt đã thất bại, là vì vua tôi đất Việt đã cùng một lòng, sức mạnh tinh thần rất vững, có sự đoàn kết của toàn dân.
Kỳ trước chúng ta đã nói tới sự đoàn kết giữa hai gia đình Trần Liễu và Trần Cảnh. Họ đã như là thù nghịch, nhưng nhờ hai anh em biết thực tập thiền ôm, cho nên hai gia đình tới với nhau, cấu kết thành ra một lực lượng văn hóa, đạo đức và chính trị rất vững. Đó là nền tảng cho mấy trăm năm hòa bình và hạnh phúc của nhà Trần.
Đứng về phương diện thiền phái Yên Tử thì vua thuộc thế hệ thứ sáu. Nhưng vua là sơ tổ, là tổ đầu của phái Trúc Lâm.
Hồi đó Công chúa Huyền Trân, con gái của vua, cũng có tới chùa để xem vị trụ trì đốt ngón tay để cúng dường cho việc nhà vua xuất gia. Hình như vua Anh Tông cũng có đến dự. Vua nói: Tội nghiệp thầy quá, đau thầy quá. Thì thiền sư nói: Có gì đâu tâu bệ hạ, thần tăng đốt xong rồi, đi ngủ thì sáng mai sẽ lành, không sao cả. Tại vì cơ hội một vị hoàng đế mà đi xuất gia là một cơ hội rất hiếm có trên cuộc đời này. Một ông vua đã từng đánh bại cuộc xâm lăng của nhà Nguyên, một ông vua đã đem lại hòa bình và thịnh trị cho dân, một ông vua như vậy khi đi xuất gia thì thế nào cũng gây nên một tiếng vang rất lớn ở trong quốc dân, làm gương cho biết bao nhiêu người! Bỏ danh, bỏ lợi, bỏ quyền, bỏ sắc, bỏ tất cả để làm ông thầy tu áo vải. Nhất là khi đi tu, vua đã từ chối tất cả mọi điều kiện vật chất. Vua không đi lọng, không đi cáng, không đi võng, không đi xe, không đi ngựa. Vua đi chân đất và vua mặc áo vải thô.
Sau khi xuất gia thì vua trú ở trên núi Yên Tử, vì vậy cho nên tất cả dân chúng trong nước, mỗi ngày, mỗi đêm đều hướng về núi Yên Tử. Mình có một ông vua đang tu ở trên đó, và mình thấy trái tim của mình rất ấm.
Học Xưa, Ngẫm Nay
Mấy tuần nay tai nạn thiên nhiên xảy ra liên tiếp ở Mỹ cũng như ở Âu Châu và Nhật Bản. Đây là dịp để chúng ta thực tập quán chiếu về tính vô thường. Những người nhà giàu có nhà ở khu Malibu là khu rất giàu sang, ở sát bờ biển thuộc tiểu bang Cali., nhưng bây giờ họ thấy khu đó không sang nữa! Có nhiều người muốn bỏ đi nơi khác, tại vì bùn chảy ra từng tấn, từng chục tấn, làm cho khu đó trở nên rất dơ bẩn. Con số người tử nạn trong trận động đất đó lên tới 5 ngàn người! Theo bản báo tin đầu tiên thì có 1000 người chết và 1000 người mất tích. Nhưng bây giờ số người chết và mất tích đã lên tới 5000! Chuyện đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Vì vậy ta phải quán chiếu về vô thường, phải sống cho sâu sắc ngày hôm nay. Phải biết thương nhau, phải biết bỏ qua những chuyện vụn vặt không đáng để cho chúng ta buồn giận.
Ngày xưa mỗi khi có thiên tai, bão lụt hay hạn hán thì các vị nguyên thủ quốc gia ở Á Châu, tự nhận là lỗi của họ. Đó là nền văn hóa Á Đông. Ở Trung Hoa, ở Việt Nam, ở Nhật Bản, ở Triều Tiên đều như vậy cả. Mỗi khi có thiên tai lớn xảy ra cho dân chúng, mất mùa đói kém, hay là hạn hán, lụt lội, thì ông vua phải nhận lỗi của mình, và phải viết một tờ nhận lỗi: Tại vì trẫm không có đức, trẫm ăn ở không nhân từ, trẫm không hiểu lòng dân, trẫm không làm tròn phận sự của một vị thiên tử cho nên tai nạn đã giáng xuống!
Chúng ta có thể nói đó là một tờ kiểm thảo của ông vua, và quần chúng trong nước đòi hỏi một bản kiểm thảo như vậy. Đó là văn hóa Á Đông ngày xưa. Tờ đó có thể là một trang, hai trang, trong đó ông vua nhận lỗi của mình. Tất cả những bất hạnh xảy ra cho đất nước, cho dân tộc, là do lỗi của người chấp chánh. Sau khi đã ban hành văn tự kiểm điểm đó thì ông vua bắt đầu ăn chay, nằm đất.
Đang nằm trên giường ngự êm ấm, nệm chăn đầy đủ, ông phải xuống nằm dưới đất với một chiếc chiếu, trong ba mươi tuần lễ, và ông phải ăn chay trong ba mươi tuần lễ đó. Đồng thời ông phải mời những nhân sĩ ở trong nước tới, hỏi phương kế để có thể tạo dựng lại đức độ của vua, tạo lập lại sự sáng suốt của vua, thì tai nạn kia mới đi qua được.
Đó là một điều rất hay mà giờ đây chủ tịch nhà nước, hay tổng thống, không những ở Tây phương không làm, mà ở Á Đông cũng không làm nữa.
Chúng ta thấy sự thật là nếu tai nạn xảy ra như vậy là có nguyên do chứ không phải không có nguyên do. Chuyện tiêu thụ của chúng ta, chuyện làm ô nhiễm đất nước, làm mất thăng bằng của trời đất trong xã hội này, đã tạo ra những tai họa đó, như là lụt lội, như là gió bão, như là nạn cháy rừng, động đất.
Có thể những vị nguyên thủ quốc gia đã không nghe lời những vị nhân sĩ trong nước, không nghe lời những nhà khoa học, những nhà bảo vệ sinh môi, những nhà lãnh đạo tinh thần của quốc gia đó. Họ không nghe lời khuyến cáo, làm cho sự phát triển kinh tế trong nước đi theo một chiều hướng làm đảo lộn trật tự của thiên nhiên, cho nên những thiên tai đó đã xảy đến. Ngày xưa những vua chúa đã sáng suốt hơn. Họ đã biết lắng nghe những lời nói thốt ra từ những người đã thấy, đã hiểu để thay đổi chính sách, cũng như thay đổi hoàn cảnh.
Nói như vậy để quý vị biết rằng trong nền văn minh cổ của chúng ta có những điều rất hay. Một ông vua ngồi trên hết, có quyền sinh sát, nhưng đến lúc đất nước và dân tộc rơi vào những thảm họa như vậy, thì họ biết sám hối, biết ăn chay nằm đất, biết học hỏi từ những bô lão, từ những vị lãnh đạo tinh thần, những nhà trí thức ở trong nước.
Thành ra nếu quý vị có thể viết được một bức thư, người viết tiếng Anh, người viết tiếng Đức, người viết tiếng Tây Ban Nha để đăng báo, gởi các nhà cầm quyền, chắc cũng có thể có một tiếng vang ở trong quần chúng. Ngày xưa sở dĩ những ông vua làm như vậy là vì quần chúng đòi hỏi như vậy, quần chúng chờ đợi như vậy. Bây giờ chúng ta là quần chúng mà chúng ta không đòi hỏi những chuyện đó, chúng ta không chờ đợi những chuyện đó, thì những người ở trong chính quyền không làm những chuyện đó. Đó là một sự mất mát rất lớn.
Giáo Hội Yên Tử
Chúng ta biết rằng đã có khuynh hướng thống nhất Phật giáo từ thế kỷ thứ 13 và 14 ở nước Đại Việt. Điều này có ghi lại trong quốc sử. Ba phái, bốn phái, năm phái thiền được thống nhất trong một phái là phái Trúc Lâm. Tuy nhiên các phái khác vẫn còn tiếp tục.
Giáo hội Yên tử là một giáo hội khá lớn. Mỗi năm người ghi tên và được thọ giới lớn lên đến 15 ngàn người! Không phải là sa di mà là những người được thọ giới lớn do giáo hội Trúc Lâm tổ chức. Hàng năm giáo hội Trúc Lâm tổ chức những khóa an cư kiết Hạ ở tại nhiều địa điểm lớn của giáo hội trên núi Yên Tử và được rất nhiều người ưa thích, tại vì họ được tu gần với vua. Ngoài ra còn có chùa Sùng Nguyên và các chùa khác ở thành phố. Nếu mình là sư chú hay sư cô, nếu mình là người xuất gia thì mình có một ao ước được kiết hạ một lần ở trên núi Yên Tử. Cái ao ước đó được thể hiện trong câu ca dao:
Dầu ai quyết chí tu hành,
Có về Yên Tử mới đành lòng tu.
Nghĩa là người nào, sư chú, sư cô nào cũng có mộng ước được lên núi Yên Tử tu ba tháng với Hương Vân Đầu Đà, tức Trúc Lâm Đại Sĩ.
Cố nhiên ở trên núi, muốn tiếp nhận vào khoảng 500 vị xuất gia về kiết Hạ an cư thì phải chặt tre, phải đốn gỗ, phải làm những liêu xá để cho khóa an cư mùa Hè. Chùa Vân Yên thì nhỏ, làm sao chứa được cho nhiều?
Trước khi đi xuất gia, Trần Nhân Tông đã cho trồng rất nhiều thông ở trên núi Yên Tử. Đó là vào cuối thế kỷ thứ 13 và đầu thế kỷ thứ 14. Những cây thông của vua cho trồng hồi đó còn nhiều cây đang sống, rễ cây chằng chịt. Vì vậy nếu quý vị có về núi Yên Tử thì hãy nhìn những cây thông đó cho kỹ, hãy đưa tay sờ những gốc thông đó với tất cả chánh niệm của mình. Bảy trăm năm đã đi qua trên những cây thông đó.
Trước ngày xuất gia, vào tháng 7 năm 1299 nhà vua có cho dựng trên núi Yên Tử một cái am. Người ta gọi am đó là Ngự Dược Am. Trong am đó người ta tinh chế nhiều loại thuốc làm bằng lá cây. Trên núi Yên Tử còn có Am Thung, Am Dược. Am Thung là nơi người ta hái về những lá cây, những rễ cây, giã ra rồi luyện thành từng viên thuốc. Am Thung là để bào chế, Am Dược là để cất chứa những viên thuốc đó. Không phải chỉ để cho vua và hoàng gia dùng. Vào những năm có bệnh tật nhiều, triều đình đem phân phát thuốc đó cho dân chúng sử dụng. Có một loại thuốc trị được rất nhiều căn bệnh gọi là Hồng ngọc sương, được bào chế trên núi Yên Tử. Các sư chú, sư cô có dịp về, nếu có duyên, nên học phương cách chế tạo thuốc Hồng Ngọc Sương.
Tháng 7 dựng am thì tháng 8 vua xuất gia. Tuy là học trò, đã từng theo học với Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhưng Trúc Lâm Đại Sĩ rất để ý tới vấn đề hình tướng. Tuệ Trung thì không để ý tới hình tướng, rất là phá chấp, không cần hình tướng. Tuy vậy Trúc Lâm Đại sĩ rất chú trọng về phương diện hình tướng. Vua không bị kẹt vào hình tướng, nhưng vua thấy rằng hình tướng rất quan trọng.
Ban đầu thì cũng có nhiều người nói rằng vua đâu cần phải đi xuất gia, vua cứ ở trong cung Thiên Trường rồi ăn chay, tụng kinh, niệm Bụt, tham khảo, thiền tập là được rồi. Nhưng vua không bằng lòng. Vua muốn trở nên một người xuất gia đích thực.
Vua có khiếu tổ chức giáo hội, vua rất để ý đến vấn đề hình thức, vì hình thức cũng rất quan trọng. Chúng ta thấy vua cũng có lý, tại vì mỗi khi có những nghi lễ như là thỉnh chuông, chắp tay, hay tán lễ, thì tâm của chúng ta nó định một cách rất dễ dàng. Chiếc áo thầy tu tuy là hình thức, chiếc áo không đủ làm ông thầy tu, nhưng chiếc áo nó giúp cho chúng ta rất nhiều. Chiếc áo giúp cho chúng nhớ rằng chúng ta là ông thầy tu. Cái đầu trọc của chúng ta cũng vậy. Nó là hình thức thôi, nhưng mỗi khi sờ lên trên đầu, chúng ta nhớ rằng ta là ông thầy tu.
Ngày xưa Bụt đã có lần nói rằng: Nhử đẳng tì khưu! Nhử đẳng tì khưu đương tựa ma đầu. Nghĩa là này các thầy khất sĩ, thỉnh thoảng các thầy nên đưa tay lên sờ đầu của quý thầy. Mục đích là để nhớ rằng mình là ông thầy tu. Hình tướng nó cũng rất quan trọng. Kẹt vào hình tướng thì không được, nhưng sử dụng hình tướng để nhắc nhỡ, để có chánh niệm là chuyện rất quan trọng. Đó là mối tư duy của vua Trần Nhân Tông.
Ngày vua đi xuất gia, tất cả nước đều ăn mừng. Hồi đó ở Đại Việt đạo Ki-tô chưa truyền tới. Chúng ta chỉ mới có đạo Bụt, đạo Khổng và đạo Lão thôi. Hai đạo đó đã bắt đầu đi đôi với đạo Bụt.
Ngày vua xuất gia, mọi người đều hướng về ngọn núi Yên Tử. Núi Yên Tử trở nên một thánh địa, một trung tâm của cả nước. Núi Yên Tử trở nên cái biểu trưng cho nếp sống tâm linh. Cho nên Thăng Long là kinh đô chính trị, nhưng núi Yên Tử là kinh đô tâm linh. Chúng ta có một ngọn núi để hướng về, rất là tốt, rất là quan trọng. Đạo Bụt trở thành một yếu tố tâm linh. Nó có thể liên kết được toàn dân với mục đích xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tuy vua Nhân Tông và vua Anh Tông là những nhà chính trị giỏi, nhưng họ cũng là những Phật tử rất thuần thành. Họ là những người Phật tử thật sự, chứ không phải là những nhà chính trị muốn lợi dụng đạo Phật để củng cố quyền hành như có người nghĩ. Có những ông vua ủng hộ Phật giáo là để có sự yểm trợ của một tôn giáo, nhưng hai vị vua này, họ là những chính trị gia giỏi, nhưng đồng thời họ cũng là những Phật tử rất nhiệt thành.
Vua sinh năm 1258, và khi 20 tuổi đã phải làm vua. Ngài xuất gia năm 41 tuổi. Tịch năm 1308, vào năm vừa được 51 tuổi.
Sử chép rằng hồi còn nhỏ Trúc Lâm đã có ý không muốn làm vua, và muốn nhường chức Đông Cung Thái Tử lại cho em ruột. Hạt giống làm sư chú nó có sẵn, cho nên không muốn làm vua. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư không nói việc này nhưng Tam Tổ Thật Lục có nói như sau:
Một đêm vào giờ Tý, người con trai đó vượt thành mà đi, muốn vào núi Yên Tử. Đến chùa ở núi Đông Cứu thì trời sáng, liền vào ẩn ở trong tháp. Vị trụ trì thấy tướng mạo rất dị thường liền đem thức ăn chay ra khoản đãi. Lúc đó Thái Hậu và vua Thái Tông sai quần thần đi tìm (Vua cũng đã trốn lên núi Yên Tửgiống hệt như ông nội hồi đó!). Rốt cuộc vua phải về cung.
Khi lên ngôi, tuy ngồi trên chín bệ vinh quang, nhưng sinh hoạt rất thanh tịnh. Một hôm vua ngủ trưa tại chùa Tư Phúc trong Đại Nội thì mộng thấy trên lỗ rốn của mình nở ra một bông sen lớn như cái bánh xe bò. Trên hoa sen đó có một vị Bụt bằng vàng đang ngồi. Bên cạnh có một người chỉ vào vua và nói: Có biết đức Bụt này không? Đó là đức Biến Chiếu Tôn đấy.
Biến chiếu tôn tức là ánh sáng soi khắp cùng. Lúc thức dậy, vua đem giấc mộng nói lại cho cha là vua Thánh Tông nghe. Ai cũng lấy làm lạ. Từ hôm đó thì thái tử bắt đầu ăn chay, và không muốn làm vua. Cho nên một đêm đã trốn khỏi cung điện để tìm lên núi Yên Tử như ta đã biết!
Sách Tam Tổ Thật Lục viết tiếp như sau:
Điều Ngự Thánh tính thông minh, hiếu học, nhiều tài, đọc khắp các loại sách, thông suốt cả nội điển lẫn ngoại điển (Nội điển là kinh Bụt, ngoại điển là sách vở của các hệ thống triết lý ngoài đời). Và thường mời các vị thiền khách tới mà giải cứu thiền học. Điều Ngự cũng tìm tới tham khảo với Tuệ Trung Thượng Sĩ, và do đó thâm nhập được cốt tủy của thiền tập, cho nên thường lấy tư cách đệ tử để đối đãi với Tuệ Trung.
Đó là những câu trích từ trong sách Tam Tổ Thật Lục. Nghe nói sách này đã được dịch ra tiếng Việt và in ở Việt Nam, cho nên mình có thể tìm được.
Cố nhiên Trúc Lâm rất thương kính Tuệ Trung Thượng Sĩ. Nhưng Tuệ Trung là một người cư sĩ, cho nên khi xuất gia, thọ 250 giới thì vua phải lên núi Yên Tử và cầu thiền sư Huệ Tuệ.
Ngày xuất gia của vua, triều đình có ấn hành một tập sách để kỷ niệm. Tập sách đó tựa là Phật giáo Pháp sự Đạo tràng Công văn Cách thức. Một cuốn sách giống như cuốn Nghi Thức Tụng Niệm Năm 2000 của Làng Mai.
Đó là một cuốn sách nói về thể thức và các bài văn, sớ, tấu, điệp dùng trong các nghi lễ thọ giới, chẩn tế, cầu an, cầu siêu, khánh thành. Cuốn sách này không phải do một chùa in ra, mà là do triều đình in ra để kỷ niệm ngày xuất gia của vua. Vua tu học rất tinh tấn, và trên núi Yên Tử, vua thường ở tại một cái am gọi là Am Thạch Thất, được xây bằng đá.
Trúc Lâm Và Tình Giao Hảo Việt-Chiêm
Năm 1301 Trúc Lâm đi Chiêm Thành để quán sát Phật giáo ở tại nước này. Chiêm Thành là một nước ở phía Nam Đại Việt. Hồi đó lãnh thổ Chiêm thành bắt đầu từ Huế đi vào trong Nam. Hồi đó kinh đô của Chiêm Thành là tại Bình Định bây giờ. Trước đó thì kinh đô Chiêm Thành ở tại Đà Nẵng, nhưng sau đó thì họ dời kinh đô về Bình Định.
Giữa Chiêm Thành và Đại Việt thường có những vấn đề về biên giới. Thỉnh thoảng người Chiêm Thành qua đánh phá ở biên giới, và người Chiêm Thành rất giỏi về hải quân, nhiều khi Đại Việt bị thua. Ở biên giới thường bị quấy nhiễu, cướp bóc rất nhiều, cho nên thỉnh thoảng các vua Lý, vua Trần phải đem binh tới đánh dẹp. Chúng ta biết rằng thiền sư Thảo Đường là một tù binh đã bị bắt trong một cuộc chinh phạt như vậy vào triều Lý.
Chiêm Thành, (Kingdom of Champa) là một nước thuộc địa bàn văn hóa Ấn Độ. Trong khi đó Đại Việt, từ ngày còn là nước Văn Lang, Giao Chỉ thì cũng thuộc địa bàn văn hóa Ấn Độ, nhưng về sau có liên hệ với nhà Hán nên chịu yếu tố văn hóa Trung Hoa càng ngày càng lớn, cho đến độ ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa lấn áp yếu tố văn hóa Ấn Độ. Trong khi đó thì nước Chiêm Thành chưa chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, nên văn minh của họ thuộc về địa bàn văn hóa Ấn Độ.
Giữa hai nước thường có những sự tranh chấp, cho nên chiến tranh giữa hai nước rất dễ xảy ra. Vì vậy thiền sư Trúc Lâm đã đi Chiêm Thành, một mặt để quan sát Phật giáo tại nước này, một mặt để tìm cách tạo dựng hòa bình giữa hai nước. Đi không phải với tư cách một nhà chính trị mà đi với tư cách của một ông thầy tu.
Vua đi từ tháng ba, mà đến tháng 10 vua mới về, ở lại bên đó đến hơn 6 tháng. Hồi đó vua của Chiêm Thành là Chế Mân. Ông thầy tu này tuy không còn làm vua nữa, ông cũng không còn là một nhà chính trị nữa, nhưng vua Chế Mân biết rằng ông thầy tu này rất quan trọng. Ông là cha của ông vua Đại Việt và là vị lãnh đạo tinh thần của cả một nước, cho nên vua Chế Mân tiếp đón rất nồng hậu.
Nhưng Trúc Lâm Đại Sĩ đã không ở lại trong cung, ngài luôn luôn về chùa để ở. Hồi đó chùa ở Champa chỉ tụng kinh bằng tiếng Sanscrit thôi. Thành ra sau một thời gian trú tại tu viện Phật giáo ở kinh đô Chiêm Thành, nhà vua đã học được rất nhiều, đã quán sát được nền Phật giáo tại nước Chiêm Thành, và vua đã làm cho các thầy ở bên đó rất kính nể.
Sau nhiều lần nói chuyện với vua Chế Mân thì Trúc Lâm Đại Sĩ đề nghị gả con gái cho vua Chế Mân để thắt chặt tình giao hảo giữa hai nước, để sau này hai nước không đánh nhau nữa. Vua nói rằng con gái của tôi còn đang trẻ lắm, mới có mười bốn mười lăm tuổi, thành ra mấy năm nữa thì nhà vua mới nên cử người sang để cầu hôn.
Hồi đó vua Chế Mân đã có hoàng hậu rồi. Hoàng hậu là người Java. Sau khi dàn xếp xong rồi, hai bên thông cảm rồi thì vua lên đường trở về nước. Mục đích của vua là xây dựng tình hòa hữu giữa hai nước, làm nền tảng cho một nền hòa bình lâu dài giữa hai nước.
Năm 1305 lúc công chúa Huyền Trân đã đến tuổi lấy chồng thì vua Chế Mân mới gởi qua một phái đoàn cầu hôn gồm tới 100 người, do một vị quan tên là Chế Bồ Đài, mang theo vàng, bạc, hương trầm, ngà voi, và những bảo vật khác sang cầu hôn công chúa Huyền Trân.
Khi phái đoàn của vua Chế Mân tới thì Trúc Lâm Đại Sĩ đang trú ở Kỳ Lân Viện, và đang bận làm lễ truyền giới Khất sĩ cho một sư chú mà Trúc Lâm Đại Sư rất cưng, đó là sư chú Pháp Loa, sau này là tổ thứ hai của môn phái Trúc Lâm. Loa tức là cái ống loa, Dharma Loud speaker. Vì vậy Trúc Lâm không tới tiếp phái đoàn này được, mà triều đình phải tiếp. Trong triều có nhiều vị quan không đồng ý. Họ nói tại sao công chúa của mình lá ngọc cành vàng mà lại đem gả cho một ông ở một nước không văn minh? Chê người ta như vậy đó! Ếch ngồi đáy giếng, tự cho mình là oai lắm, còn tất cả chung quanh đều là thiếu văn minh!
Trong buổi họp triều đình đó có rất nhiều người chống việc gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân. Nhưng có hai người là Văn Túc Vương Đạo Tái và thượng tướng Trần Khắc Chung, cả hai đều nói rằng Thượng Hoàng đã hứa, và một lời hứa của Thượng Hoàng là rất lớn. Thượng Hoàng hứa với tư cách của một người cha, của một bậc Thượng Hoàng, của một vị lãnh đạo Giáo Hội Trúc Lâm mà bây giờ mình lật lọng thì không được. Hơn nữa cái thấy của Thượng Hoàng rất sáng, cái tuệ giác của Thượng Hoàng rất lớn, chúng ta phải biết tuân theo cái thấy đó, cái tuệ giác đó.
Rốt cuộc vua Anh Tông chấp nhận sính lễ, và cho phái đoàn biết là năm sau, tức là năm 1306 thì có thể qua làm lễ rước dâu.
Duyên Nghiệp Của Nàng Công Chúa Tên Huyền Trân
Chúng ta tưởng tượng người lo lắng nhất, sợ hãi nhất là cô công chúa! Tháng Sáu năm sau, 1306 thì công chúa Huyền Trân phải về nhà chồng. Trong lễ cưới này vua Chế Mân dâng đất để làm sính lễ. Vua dâng hai châu là Châu Ô và Châu Ri hay còn gọi là Châu Lý, mà sau này là Thuận Hóa. Thành ra Huế và Thừa Thiên ngày xưa là thuộc về đất Chàm. Châu Ô và Châu Lý sau đổi thành Châu Thuận và Châu Hóa, gọi chung là Thuận Hóa.
Sử có ghi lại rằng khi hai châu đó trở thành lãnh thổ của Đại Việt thì một số dân cư ở trong đó phản đối, họ không chịu theo quốc tịch Đại Việt. Đó là những thôn La Thủy, Tác Hồng và Trà Bồng. Vua Anh Tông phải sai Đoàn Nhử Hài, anh chàng sinh viên viết thư tạ tội giùm cho vua ngày xưa và là một người rất tâm phúc với vua, tới các thôn này để cắt nghĩa, để tuyên dụ cái đức ý của triều đình, để chọn những người giỏi ở trong các thôn đó ra làm quan, để tha thuế cho họ rồi họ mới yên, mới chịu chấp nhận sự cai trị của Đại Việt.
Nhưng cuộc tình duyên giữa vua Chiêm Thành Chế Mân và công chúa Huyền Trân rất ngắn. Công chúa về nhà chồng vào tháng 6 năm 1306, thì đến tháng 5 năm sau, 1307 vua Chế Mân băng hà. Rất là tội nghiệp! Lấy chồng được có một năm thì chồng chết!
Theo tục lệ thì hoàng hậu phải bị thiêu một lần với nhà vua. Mà công chúa còn trẻ lắm, chưa tới 20 tuổi! Nhưng may là công chúa đang có thai, cho nên người ta cho phép công chúa khỏi bị thiêu sống cùng lượt với nhà vua. Theo tục lệ Ấn Độ thì hoàng hậu phải được thiêu sống với nhà vua khi vua băng.
Công chúa Huyền Trân có viết thư về, và nói rằng mình đang có thai, và sau khi sinh con rồi thì mình có thể bị thiêu để đi theo vua, tại vì ở bên kia vua đang cô đơn, thiếu người tâm phúc.
Khi thái tử Dayada (Chế Đa-Gia), tức là con của công chúa được sinh ra thì công chúa có gởi về nước một phái đoàn, đem theo một con voi trắng, để báo tin thái tử Chế Đa-Gia đã được sinh ra.
Lúc đó vua Anh Tông thương em gái quá, nên bàn với các quan tìm cách cứu em gái để công chúa khỏi bị chết thiêu. Người ta mới bí mật lập ra một mưu kế để bắt cóc công chúa về.
Triều đình Đại Việt gởi một phái đoàn do thượng tướng Trần Khắc Chung lãnh đạo. Phái đoàn đó được gởi qua Chiêm Thành nói là để tham dự Lễ Trà kỳ tức là lễ hỏa thiêu hoàng hậu Huyền Trân.
Lúc đó phái đoàn tổ chức rất nhiều chiếc thuyền bơi nhanh, phục sẵn ở ngoài biển, và một chiếc thuyền lớn đậu cách đó khá xa. Phái đoàn giải thích rằng theo tục lệ của Đại Việt thì phải ra biển làm lễ cầu siêu cho vua Chế Mân, xong rồi thì trở vào đất liền để dự lễ thiêu thân của hoàng hậu Huyền Trân. Vì vậy họ đem theo một số các thầy Việt Nam, đi bằng một chiếc thuyền, rước công chúa Huyền Trân và thái tử Chế Đa-Gia ra ngoài biển để làm lễ.
Hình như triều đình Chiêm Thành biết được âm mưu đánh cắp công chúa Huyền Trân về Đại Việt. Nhưng họ làm lơ, và họ cho phép công chúa ra làm lễ, nhưng nhất quyết không cho thái tử Chế Đa-Gia đi theo. Theo kế hoạch của Đại Việt thì phải đưa cho được cả hai mẹ con về. Nhưng triều đình Chiêm Thành nhất quyết không chịu.
Trong khi đang làm lễ cầu siêu ở ngoài biển, đột nhiên những thuyền nhỏ của Đại Việt xuất hiện, mỗi thuyền hai người, chèo đến cướp lấy công chúa và bơi rất nhanh về phía thuyền lớn. Sự kiện hải quân Chiêm Thành không đuổi theo, chứng tỏ rằng bên Chiêm Thành họ biết mưu mô này, và họ cho phép công chúa được bắt cóc, để khỏi bị thiêu sống!
Phái đoàn đem được công chúa về Đại Việt, nghỉ ngơi tại Châu Hóa, nhưng Trần Khắc Chung và một vị quan lớn phụ tá nghĩ rằng mình có thể gởi thêm một phái đoàn thứ hai, để bắt cóc cho được thái tử Chế Đa-Gia. Lần này thì đi đường bộ. Nhưng sau một thời gian năm sáu tháng, những phái đoàn gởi đi đều thất bại hết, cho nên rốt cuộc là phái đoàn của Trần Khắc Chung phải trở về, có người mẹ mà không có người con!
Công chúa Huyền Trân về tới Thăng Long thì lên thăm Trúc Lâm Đại Sĩ ở trên núi Yên Tử và công chúa ngỏ ý muốn được xuất gia. Tại vì công chúa tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã trải qua nhiều đau khổ, đã suýt bị chết thiêu. Trúc Lâm Đại Sĩ bằng lòng nhưng chưa kịp làm lễ xuất gia cho Huyền Trân thì Trúc Lâm Đại Sĩ thị tịch!
Trúc Lâm Đại Sĩ rất muốn thiết lập sự thông cảm giữa hai nước, cho nên đã gả công chúa Huyền Trân cho vua Chàm. Sự kiện triều đình Đại Việt tổ chức một cuộc bắt cóc như vậy Trúc Lâm Đại Sĩ không biết. Nếu biết thì chắc chắn ngài đã can thiệp. Tuy thương con, nhưng cử chỉ này là một cử chỉ không thẳng thắn.
Từ Tâm Của Người Tu
Sau khi được tin công chúa Huyền Trân đã được bắt cóc về, Trúc Lâm Đại Sĩ rất ngại bên kia họ nổi giận. Tất cả những công trình hòa giải mà mình thực hiện bấy lâu nay bị tan thành mây khói, cho nên Đại Sĩ mới viết một bức thư cho vua Anh Tông, nói rằng bây giờ muốn cho bên kia họ bớt giận thì con nên lấy một chiếc thuyền lớn, chở vào khoảng 300 người Chiêm Thành, cho họ về nước để chuộc lỗi. Tại vì ở kinh đô cũng có rất nhiều người Chàm giỏi, những nhạc sĩ giỏi, những người thợ tài ba, bây giờ mình đem họ trả về Chiêm Thành để chuộc lỗi. Quyết định đó đã được làm ở trên núi Yên Tử, tại vì trước sau thì Thượng Hoàng muốn thiết lập một nền giao hảo tốt đẹp giữa hai nước, để tránh chiến tranh dai dẳng cho cả đôi bên.
Ngoài những mùa an cư ở trên núi, Trúc Lâm Đại Sĩ thường hay du hành trong nhân gian. Ngài khoát y, cầm bình bát và đi bộ vào các thôn làng. Ngài thuyết pháp, dạy người ta ngồi thiền, dạy người ta về năm giới, và dạy người ta về giáo lý Thập thiện. Trong Tam Tổ Thật Lục có nói rằng đi tới đâu Trúc Lâm Đại Sĩ cũng dạy người ta thực tập giáo lý Thập thiện. Giáo lý Thập thiện rất gần với giáo lý Tiếp hiện. Giáo lý tiếp hiện đã được thiết lập trên căn bản của Thập Thiện Nhập Đạo.
Đi tới nơi đâu có những đền thờ, thờ những đối tượng mê tín thì vua khuyên dân
chúng nên bỏ những sự thờ cúng mê tín đi mà chỉ thờ Bụt, Pháp và Tăng mà thôi.
Hình 1-Lingam trưng bày tại Bảo Tàng Viện Chàm-Đànẵng (Ảnh: Tâm Thiện Căn-2006)
Hồi đó Đại Việt cũng còn ảnh hưởng tín ngưỡng của Ấn Độ. Có những đền thờ Lingam, tức là một trụ đá được đẽo gọt. Ngoài ra còn có những đền thờ, thờ cơ quan sinh dục của đàn ông và đàn bà, gọi là Sinh Thực Khí. Tại vì cơ quan sinh dục của đàn ông và đàn bà tượng trưng cho sự phồn thịnh, sự phát triển, cho nên người ta thờ những đối tượng như vậy. Lingam cũng là một biểu tượng có dính líu tới ý niệm đó. Khi đến đâu có những đền thờ như vậy, nhà vua đều khuyên dân nên bỏ đi để lập chùa thờ Phật mà thôi.
Chúng ta hãy tưởng tượng một ông vua con ngồi trên ngai làm chính trị, và một ông vua cha làm thầy tu, đi chân đất. Một bên là đời sống chính trị, luật pháp; một bên là đời sống tâm linh. Dân chúng được nuôi dưỡng một mặt là đời sống tâm linh, và một mặt là đời sống chính trị.
Cố nhiên Đại Việt luôn luôn bị đe dọa bởi sự xâm lấn của phương Bắc, cho nên ai cũng biết rằng toàn dân phải đoàn kết, phải thương nhau, mới tránh được tai nạn bị xâm chiếm. Phương Bắc đã xâm chiếm Đại Việt nhiều lần. Đại Việt là một nước nhỏ, nằm ở phương Nam của một nước rất khổng lồ. Nước khổng lồ đó có thể nuốt trọn Đại Việt bất cứ lúc nào! Ngày xưa cũng có nhiều nước nhỏ như Đại Việt và họ đã bị nước lớn đó nuốt trọn.
Cuộc đời xuất gia của Trúc Lâm Đại Sĩ là một cuộc đời hoạt động rất tích cực. Nhà vua dự các mùa kiết Hạ an cư chung ở Yên Tử, có khi an cư ở Am Tứ Tiêu, có khi an cư ở am Ngọa Vân, tức là Am Mây Ngủ, hoặc Am Thạch Thất, hay Am Tri Kiến, có khi dạy kinh, dạy luật tại các chùa Vĩnh Nghiêm và Siêu Loại. Ngoài các sinh hoạt đó, Trúc Lâm Đại Sĩ thường đi vân du và hoằng pháp. Đi tới đâu ngài cũng được dân chúng ái mộ. Và những lời khuyên dạy của vua đã có tác dụng rất lớn ở trong dân chúng.
Năm 1304 vua Anh Tông mời Trúc Lâm Đại Sĩ vào cung để xin thọ Tại gia Bồ tát Tâm giới. Ngày Trúc Lâm Đại Sĩ đi vào trong Đại nội để truyền giới cho vua con, thì các quan đi ra đón rất đông, và khi thấy vua con thọ Bồ tát giới thì cũng có rất nhiều người cũng xin thọ Tam quy Ngũ giới.
Phật giáo Trúc Lâm là một nền Phật giáo đi vào cuộc đời. Đạo Phật được áp dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội, chính trị, văn hóa. Như vậy điều mà chúng ta gọi là đạo Bụt nhập thế, sau này gọi là Nhân gian Phật giáo hay Đạo Phật đi vào cuộc đời, mà tiếng Anh gọi là Engaged Buddhism, là một điều đã từng có ở Đại Việt lâu năm, lâu tháng lắm rồi.
Trong cuốn Am Mây Ngủ, đã được dịch ra tiếng Anh, quý vị có thể đọc được những chi tiết khá đầy đủ về cuộc đời của Trúc Lâm Đại Sĩ. Am Mây Ngủ nói về chuyện Công Chúa Huyền Trân, nhưng trong đó tất cả những tài liệu có liên hệ tới Trúc Lâm Đại Sĩ đều đã được đưa vào. Đó không phải là một cuốn tiểu thuyết giả sử, đó là một cuốn ngoại sử. Khi viết cuốn đó tác giả đã phải kê cứu rất nhiều các tài liệu về sử. Đã căn cứ vào Quốc sử, và cũng đã căn cứ vào những thư tịch mà nhà chùa đã giữ lại được, như những cuốn Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, Tam Tổ Thật Lục, Khóa Hư Lục v.v...
Thành ra khi học về Trúc Lâm Đại Sĩ Trần Nhân Tông, xin quý vị tìm giờ đọc lại cuốn Am Mây Ngủ. Trong đó, những gì xảy ra trong mấy ngày cuối của cuộc đời Trúc Lâm Đại Sĩ đã được ghi chép một cách rõ ràng và chi tiết.
Ngày Cuối Của Trúc Lâm Đại Sĩ
Trúc Lâm Đại Sĩ qua đời trên núi Yên Tử. Ngài không muốn cho triều đình biết, cho nên ngài không cho thông báo về kinh đô. Trong những giờ chót của cuộc đời, Trúc Lâm Đại Sĩ được bao bọc bởi các vị đệ tử thân yêu của ngài mà thôi. Ngài có dặn rằng sau khi ngài tịch thì nên làm lễ trà tì ngài ngay trên núi Yên Tử. Làm xong rồi thì mới báo tin về triều đình.
Lúc đó ngài ở trong Am Ngọa Vân, và ngài đề nghị đốt luôn cả cái am đó để làm lễ trà tì. Sau khi làm lễ trà tì và thâu nhập Xá lợi rồi thì các thầy mới báo tin về cho triều đình biết. Lúc đó vua Anh Tông khóc, công chúa Huyền Trân cũng khóc, và các quan đều lên núi đầy đủ. Có người đề nghị bắt bỏ tù các vị đệ tử của Trúc Lâm Đại Sĩ, tại vì đã làm lễ trà tì Thượng Hoàng mà không cho triều đình biết! May mắn là đã có di chúc của Trúc Lâm Đại Sĩ trên giấy trắng mực đen, cho nên họ không làm gì được. Trúc Lâm Đại Sĩ muốn rằng mình đã xuất gia thì gia đình của mình là gia đình người xuất gia. Mình không muốn có lễ quốc táng, không muốn có một đám tang của người ở ngoài đời.
Quý vị đọc Am Mây Ngủ thì sẽ thấy chi tiết đầy đủ trong đó. Chúng ta để thì giờ ở đây để nói về giáo lý, về phương pháp tu học của Trúc Lâm Đại Sĩ.
Trong số những tác phẩm của Trúc Lâm Đại Sĩ để lại, có hai bài phú viết bằng chữ Nôm mà ít người biết tới. Trong khóa học này chúng ta sẽ học kỹ một bài đó, tức là bài Cư Trần Lạc Đạo.
Chúng ta biết rằng chữ Nôm là một thứ chữ được sáng tạo tại nước ta bắt đầu từ đời nhà Lý. Có những bia đá dựng vào đời Lý Cao Tông đã mang một số chữ Nôm. Chữ Nôm mượn những nét của chữ Hán và viết theo phương pháp gọi là giả tá, có khi dùng cái nghĩa, có khi dùng cái âm, có khi dùng cả hai cái góp lại với nhau.
Người đầu tiên sáng tạo ra chữ Nôm là các thầy, nhất là các thầy phải đi làm lễ cầu siêu và cầu an. Tại vì trong những sớ điệp, thỉnh thoảng phải viết tên người mà không có trong âm chữ Nho, như chữ Tròn chẳng hạn. Chữ Hán Việt là Viên. Nhưng tên của bà này là Trần thị Tròn. Vì vậy họ phải sáng tạo ra chữ tròn.
Nói tới chữ tròn tôi có một chuyện tiếu lâm rất buồn cười. Có một ông thầy đó, ông chưa viết giỏi chữ Nôm cho nên khi viết tới tên Trần thị Tròn, thì ông không biết viết thế nào, cho nên ông vẽ một vòng tròn. Ông thầy này là một ông thầy cúng. Không biết có đứa nhỏ nào nghịch, nó thêm vào một gạch. Đến khi đọc sớ, thay vì ông đọc Trần thị Tròn, ông đọc Trần thị Gáo! Gia chủ mới cải chính: Thưa thầy tôi tên là Trần thị Tròn chứ đâu phải Trần thị Gáo? Ông giận quá nên nói: Tiên sư đứa nào mới thêm cái cán vào đây!
Các bạn không phải người Việt biết rằng ở Việt Nam người ta dùng trái dừa làm gáo để múc nước. Họ khoan hai cái lỗ ở vỏ cứng của trái dừa và cho vào một cán tre để làm một dụng cụ múc nước.
Vì vậy nhu yếu sáng tạo chữ Nôm nó bắt đầu từ nghi lễ và tên người. Trong lễ hầu quan, khi xử kiện thì phải viết tên người ta bằng chữ Nôm. Sau một thời gian thì chữ Nôm phong phú thêm lên.
Cư Trần Lạc Đạo là sống ở trong cõi bụi bặm nhưng rất hạnh phúc với pháp môn tu học. Chúng ta nên biết rằng đây là tác phẩm bằng chữ Nôm xưa nhất mà chúng ta có. Nghe nói rằng dưới triều của Trần Nhân Tông có một học giả tên là Nguyễn Thuyên, cũng biết chữ Nôm. Vua Trần Nhân Tông rất thương Nguyễn Thuyên.
Có một lần ở sông Cái có những con cá sấu lớn xuất hiện và ăn thịt người ta! Vua mới nói rằng: Chúng ta phải làm bài văn tế cá sấu, và sau khi tế rồi thì chúng ta đốt và liệng bài văn đó xuống sông. Nghe nói Nguyễn Thuyên đã làm bài văn tế cá sấu bằng chữ Nôm, thay vì bằng chữ Hán. Thấy văn hay cho nên vua mới khen và đổi tên Nguyễn Thuyên ra Hàn Thuyên. Hàn là một cái họ lớn ngày xưa, rất nổi tiếng về văn chương. Nghe nói Hàn Thuyên là người sáng tạo ra tác phẩm đầu bằng chữ Nôm có thể truyền lại, nhưng tác phẩm đó hiện giờ không còn nữa. Chỉ còn một bài gọi là Văn tế Cá sấu, nhưng khi đọc thì chúng ta biết đó là ngụy tạo.
Văn Bản Chữ Nôm Đầu Tiên Của Văn Học Việt Nam
Trong khi đó thì bài Cư Trần Lạc Đạo này đã được chùa truyền lại và chúng ta phải biết rằng đây là tác phẩm Nôm xưa nhất còn được giữ lại.
Ta hãy đọc vài câu để làm thí dụ:
Mình ngồi thành thị,
Nếp dụng sơn lâm.
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính.
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.
Đó là viết trực tiếp bằng chữ Nôm, không phải chữ Nho dịch ra. Chữ "mình" thì dùng chữ "mạng", Chữ thành thì không có vấn đề, vì chữ Hán Việt có sẵn chữ "thành thị". Nhưng chữ "ngồi" thì chưa có, cho nên phải dùng chữ "ngoại" là ngoài, và chữ "tọa" là ngồi. Một bên chữ tọa có nghĩa là ngồi, một bên chữ ngoại nó rất gần với âm ngồi, cho nên người đọc biết cách phát âm.
Mình ngồi thành thị, là cái thân của mình tuy ngồi ở chốn thành thị.
Nếp dụng sơn lâm. Chữ "sơn lâm" cũng không có vấn đề, vì sơn lâm là tiếng Hán Việt. Thân mình tuy ngồi ở chỗ thành thị, nhưng nếp sống của mình nó đã là nếp sống của người đang ở trong núi, trong rừng.
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tánh, Nửa ngày rồi tự tại thân tâm. Chữ nửa gồm một bên là chữ bán, nghĩa là một nửa, một bên là chữ "nữ" dùng để phụ về âm, vì chữ "Nữ" nó gần âm với chữ nữa. Và hai chữ Hán "Bán-Nữ" ghép lại, làm thành một chữ Nôm là "Nửa". Đó là cách tạo dựng chữ Nôm.
Cũng vậy, chữ "ngày" một bên là chữ "nhật" còn một bên là chữ "ngại", đọc là "ngày". Nửa ngày rồi tự tại thân tâm. Tự tại thân tâm thì không có vấn đề. Đó là bốn câu lấy trong Cư Trần Lạc Đạo để ví dụ.
Thành ra cách viết thì thấy giống như chữ Hán, nhưng khi đọc thì không hiểu gì hết. Phải biết chữ Nôm thì mới đọc được! Vua Trần Thái Tông, Trúc Lâm Thượng Sĩ rất giỏi chữ Nôm. Có thể nói ngài là tổ của văn chương chữ Nôm. Thường thường mình nói tới vua như là một nhà chính trị hay là một ông thầy tu, nhưng mình chưa từng nói tới vua như là người đi tiên phong trong việc sáng tác văn học bằng chữ Nôm.
Nước Anh có Shakespeare cũng vậy, ở Đức cũng vậy, có những tác phẩm xưa, nói lên kinh nghiệm tâm linh của các vị tổ sư. Khi đọc không phải chỉ học văn chương, mà chúng ta thực tập tiếp xúc với tổ tiên của chúng ta ngày xưa nữa. Khi nối tiếp được với tổ tiên rồi thì cái cảm giác lạc lõng, bơ vơ, cô đơn của chúng ta sẽ tan biến.
Chúng ta nghe nói đến Trần Nhân Tông, và chúng ta nhắc tới tên vua rất nhiều, nhưng chúng ta không thực sự biết ngài là ai. Qua những tác phẩm như thế này chúng ta mới có thể thật sự tiếp xúc với con người của Trần Nhân Tông.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]