TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q1

MỤC LỤC

TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q1

CHƯƠNG 02: THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT

2. Làng Mai và Pháp môn có mặt trong Hiện tại

TẬP CÓ MẶT LÀ HỌC TU CHỨNG

ĐỐI TRỊ VỚI TẬP KHÍ TRONG TA

THI KỆ VÀ NHỮNG BƯỚC CHÂN CHUYỂN HÓA

TU LÀ TỰ THỰC CHỨNG GIÁO PHÁP


CHƯƠNG 02: THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT

2. Làng Mai và Pháp môn có mặt trong Hiện tại

Khi quý vị bước một bước ở trên Xóm Thượng, hay một bước ở dưới Xóm Hạ, quý vị đã bước như thế nào? Quý vị có đầu tư 100% con người của quý vị vào trong bước chân đó hay không? Cũng như khi tôi bước tại đó, tôi có đầu tư hết cả con người và cuộc sống của tôi vào trong bước chân đó hay không? Thân, tâm của tôi có hợp nhất không? Tôi có mặt một cách hoàn toàn, 100% ở trong bước chân đó hay không? Đó là vấn đề!

Có khi quý vị đi nhưng quý vị chỉ để có 2% thân và tâm của quý vị vào bước chân, còn 98% thì để vào chỗ khác. Như vậy là quý vị mất đi bước chân, và núi Thứu không bao giờ biểu lộ cho quý vị một cách tuyệt đối được. Nếu có người hỏi: Quý vị có thể đặt trọn 100% thân và tâm của mình vào bước chân hay không? Quý vị nói: Được chứ! Tôi có khả năng đặt hết 100% thân tâm của tôi vào mỗi bước chân. Có điều tôi không chịu làm đó thôi!

Chúng ta đã tìm đủ mọi cách để về tới Làng Mai, cũng như người Phật tử nhà giàu kia đã làm đủ mọi cách để về tới núi Thứu, và chúng ta có khả năng để bước một bước với tất cả con người của chúng ta, vậy mà tại sao chúng ta không làm như vậy? Nếu anh bước được một bước như vậy thì bước chân đó chắc chắn đưa lại cho anh rất nhiều an lạc. Nếu anh làm lửng lơ thì bước chân đó không có giá trị nuôi dưỡng như là sự ước muốn của anh, hay của thầy, hoặc của đại chúng.

Có khi anh không đi thiền hành với đại chúng, có khi anh nói tôi có công việc, tôi tạm bỏ thiền hành hôm nay, thì rất là uổng phí, tại vì đại chúng đi thiền hành tức là Bụt đi thiền hành, và anh phải làm thế nào để có mặt trong khi đại chúng bắt đầu bước chân thứ nhất.

TẬP CÓ MẶT LÀ HỌC TU CHỨNG

Nếu trong buổi thiền hành đó, anh bước 650 bước thì anh phải làm thế nào để mỗi bước trong 650 bước đó, bước nào cũng đưa lại cho anh sự hoan lạc và hạnh phúc. Như vậy thì anh không cần phải trở về 2600 năm trước, anh không cần phải đi núi Thứu, anh đứng ngay tại đây và anh có thể nắm tay Bụt Thích Ca Mâu Ni để cùng đi. Đó là chuyện anh có thể làm được.

Ăn cơm cũng vậy, khi có tiếng chuông báo hiệu giờ ăn thì chúng ta hãy tâm niệm Bụt có mặt rồi, tại vì Bụt rất đúng giờ. Còn nếu ta nói để quét phòng này xong rồi ta ra sau, đại chúng đang xếp hàng, có gì đâu mà phải gấp gáp như vậy, giờ này đến đó ta cũng chỉ đứng trong hàng mà thôi! Thì đó là một thái độ không nghiêm chỉnh. Bụt đang đứng đó, đại chúng đang đứng đó và ngay chuyện đứng đó với nhau thôi, đã là một phép lạ hết sức mầu nhiệm rồi.

Chúng ta không muốn đánh mất một giây phút nào hết với Bụt, với đại chúng, vì vậy mà nghe chuông báo chúng là ta nên đến liền để tham dự vào việc đang xảy ra. Việc đó có giá trị của một buổi Pháp hội. Ăn cơm là một Pháp hội. Ăn cơm với đại chúng phải được thực tập như dự một buổi hội vui. Đi thiền hành với đại chúng phải được thực tập như là một hội vui, một cái fête. Khi rửa chén hay chùi nồi với người bạn tu thì chúng ta có thể rửa chén và chùi nồi như là dự một buổi hội. Sư cô, sư chú, các thầy, các bạn, làm thế nào để mỗi ngày ở tại Làng Mai là một ngày hội. Không cứ chúng ta phải treo đèn kết hoa khắp nơi thì nó mới là ngày hội! Chúng ta cần phải thay đổi lối nhìn của chúng ta.

Chúng ta biết rằng được ở với nhau, được thực tập dưới sự hướng dẫn của Bụt, của thầy, của đại chúng là một may mắn lớn, vì vậy cho nên chúng ta cương quyết mỗi ngày một lần mở hội. Thức dậy là chúng ta bắt đầu ngày hội.

Nhà thơ Hoàng Cầm, trong bài Bên kia sông Đuống có viết:

Mỗi đêm một lần mở hội,

Trong lòng con chim múa, hoa cười,

Vì ánh sáng đã lên rồi, chân trời đã ngỏ...

Bây giờ chúng ta chỉ cần sửa một chữ thôi:

Mỗi hôm một lần mở hội.

Trong lòng con chim múa, hoa cười.

Vì ánh sáng đã lên rồi, chân trời đã ngỏ...

Trong đại chúng có biết bao nhiêu người có óc sáng tạo, có trí thông minh, có tâm tu hành, có tài tổ chức, tại sao chúng ta không tổ chức mỗi ngày ở Làng Mai như là một ngày hội? Chúng ta có ánh sáng ở trong lòng, và ánh sáng đã lên rồi! Chúng ta được chánh pháp khai mở, chúng ta biết làm thế nào để tạo dựng hạnh phúc, để chăm sóc nội tâm của chúng ta. Chân trời đã ngỏ tức là phía chân trời đã được khai thông, ánh sáng đang lên, chúng ta đã có hướng đi, rất là sáng. Ánh sáng đã tràn ngập tâm hồn ta, vì vậy mà trong lòng ta chim múa hoa cười, rất là hạnh phúc. Vì vậy mà chúng ta nên mỗi hôm một lần mở hội. Phải tổ chức như vậy mới được.

Nếu sống được như vậy thì chúng ta chỉ cần sống một tuần lễ thôi thì tâm và thân của chúng ta đã chuyển đổi rất nhiều rồi. Chúng ta đã trị liệu được những vết thương ở trong ta và chúng ta giúp trị liệu vết thương của những người khác. Chúng ta không ôm ấp những nỗi sầu đau, ganh ghét giận hờn của chúng ta nữa. Những yếu tố đã hội tụ để chúng ta làm được điều đó.

ĐỐI TRỊ VỚI TẬP KHÍ TRONG TA

Là con người, mình có những tập khí lâu đời, có thể do ông bà cha mẹ để lại, mình có những khó khăn trong quá khứ, vì vậy mà mình có những hạt giống của giận hờn.

Mình có quyền giận, nhưng mình chỉ nên giận năm phút thôi. Nói theo các trẻ em Việt Nam "buồn năm phút", tại vì không lý mình để cho cuộc đời của mình trôi đi, mình đánh mất cuộc đời mình trong cái giận, trong cái buồn? Giận năm phút thôi! Mình có thể làm được chuyện đó tại vì mình đã được trao truyền những phương pháp để chăm sóc, để đối trị với cơn giận. Những phương pháp để bảo vệ lãnh thổ của mình, mình phải làm, và điều đó chứng tỏ mình có khả năng có hạnh phúc.

Một người có khả năng có hạnh phúc mới có thể ban hạnh phúc cho người chung quanh được. Nếu anh không có hạnh phúc, anh không có gì để ban phát cho chúng tôi. Cái giây phút mà anh mỉm cười, mà mắt anh sáng lên, là lúc đó tôi bắt đầu được thừa hưởng sự có mặt của anh. Đó là cái quí hóa nhất mà anh có thể cống hiến. Ánh mắt thương yêu, nụ cười tươi mát là những thứ quí hóa nhất mà anh có thể cống hiến.

Vậy thì công khóa của chúng ta, sự thực tập hàng ngày của chúng ta, chúng ta phải biết sử dụng nó, chúng ta phải biết thực tập như thế nào để cho mỗi giây mỗi phút trong đời sống hàng ngày của chúng ta, trở thành một phương tiện để chữa trị và đem lại nguồn vui cho chúng ta. Nếu quý vị chưa nắm vững phương pháp thiền hành thì ngay ngày hôm nay quí vị phải học để nắm cho vững. Học từ anh mình, từ chị mình, từ em mình, từ thầy mình. Không thể để cho nó kéo dài như vậy được. Nếu chưa nắm vững được phương pháp thiền hành thì mình phụ lòng không biết bao nhiêu người ở đây và ở những nơi khác nữa. Tại vì những người đó họ đã làm hết sức của họ mà vẫn không về đây được. Mình đã về đến được mà không làm được chuyện đó thì uổng phí quá. Nếu mình ăn cơm với đại chúng mà không có an lạc, không có hạnh phúc, mỗi giây phút mình không đặt 100% thân tâm của mình vào trong đó, thì mình đánh mất cơ hội! Dù Bụt Thích Ca Mâu Ni có ngồi ăn cơm với mình thì cũng vậy thôi, mình không được thừa hưởng điều gì cả. Nếu mình biết ăn thì cố nhiên là Bụt đang ngồi ăn với mình.

THI KỆ VÀ NHỮNG BƯỚC CHÂN CHUYỂN HÓA

Đi chơi trong bản môn,

Nắm tay Bụt cùng đi,

Đã thành hay chưa thành,

Chúng ta đều là Bụt.

Trong bản môn, tất cả chúng ta đều là Bụt. Nắm tay người bạn mà đi thiền hành trong bản môn, thì mình là Bụt mà bạn của mình cũng là Bụt. Mình có thể làm chuyện đó ngay bây giờ và ngay ở đây.

Đối với các bạn không nói tiếng Việt thì ngày xưa tôi có làm một bài kệ để chúng ta có thể thực tập cho dễ dàng: In, out-Deep, slow. Vào, ra, sâu, chậm. Ví dụ khi đi Kinh hành tức là đi thật chậm, bước một bước mình nói In, bước một bước kế mình nói Out. Có nghĩa là bước một bước mình thở vào và biết rằng mình thở vào. Bước kế, mình thở ra và biết mình thở ra.

Đó là bài tập thứ nhất, và mình phải để 100% thân và tâm của mình vào trong hơi thở đó. Khi đi được hai bước như vậy là mình trở thành một con người tự do đích thực. Đó là vì mình hoàn toàn làm chủ được tâm và thân của mình trong lúc đi. Bước đi một bước, mình chỉ thở vào thôi, bước đi một bước nữa mình chỉ thở ra thôi. Ngoài việc thở, mình không có một suy tư nào, lo lắng nào, không có giận hờn nào bắt mình làm nô lệ cho nó. Mình chỉ có thể thành công trong việc đó khi mình đặt 100% con người mình vào trong đó, tức là mình phải đầu tư 100%, đừng làm cho có lệ, rất uổng phí, rất phụ lòng tăng thân!

Sau khi thực tập vào, ra, ba lần, năm lần thì tự nhiên hơi thở của mình sẽ sâu thêm, sẽ chậm lại. Do đó phẩm chất của hơi thở sẽ lên cao, và khi mà phẩm chất hơi thở lên cao thì mình biết nó lên cao: Deep, slow, calm, ease, smile, release. Present moment, Wonderful moment.

Bài tiếng Anh không giống bài tiếng Việt, là vì vần điệu. Trong khi ngồi thiền hoặc đi thiền hành, mình đều có thể sử dụng bài này. Khi đi thiền hành ở ngoài trời, thay vì bước một bước và thở vào thì mình có thể bước hai bước khi thở vào. Ví dụ Vào, vào; Ra ra. Chữ vào và chữ ra đó là những thiền ngữ, là những chân ngôn, chúng không phải là những con số. Tại vì khi bước hai bước và mình nói vào, vào có nghĩa là tôi đang thở vào và biết rằng tôi đang thở vào. Đó gọi là tùy tức, nghĩa là đi theo hơi thở. Trong giây phút đó thì chỉ có hơi thở thôi, và mình hoàn toàn ôm lấy hơi thở đó. Hơi thở đi theo bước chân và mình phải có định. Sự thở vào với 100% thân tâm của mình như vậy nó tạo ra một định lực, tạo ra sự an lạc, nuôi dưỡng thân tâm của mình. Tùy theo cách mình làm mà hạnh phúc của mình nhiều hay ít. Mình phải biết trong trường hợp của mình, mình làm như thế nào thì hạnh phúc nó nhiều hơn, mình làm như thế nào thì hạnh phúc ít đi. Có một điều mình có thể biết chắc là định càng vững chừng nào thì tâm càng an chừng đó, hạnh phúc càng lớn chừng đó.

Chúng ta có những bài thực tập khác, ví dụ như bài Đây là tịnh độ, tịnh độ là đây. Khi bước thì chúng ta có thể dùng những câu trong bài này, ví dụ Đây là tịnh độ và thở vào. Tịnh độ là đây và thở ra. Mình cứ lặp đi lặp lại bốn chữ đó: Here is the pure land; the pure land is here. Chúng ta đừng làm như những con vẹt, tức là đừng để cho những chữ đó lặp đi lặp lại trong đầu, trong khi đó thì chúng ta suy nghĩ về những việc khác. Đó là điều tệ nhất. Đừng bao giờ để cho chuyện đó xảy ra mà uổng công thực tập của mình.

Khi bước và nói "Đây là tịnh độ" thì mình phải làm thế nào để cho vùng đất mình bước trên đó là tịnh độ thật, và mình là một người đang sống thật trong tịnh độ. Tịnh độ bây giờ và ở đây. Tùy theo định lực của mình mà miếng đất mình đang đi là tịnh độ hay không là tịnh độ. Khả năng tạo dựng tịnh độ của mình đến đâu là tùy theo bước chân của mình, tùy theo hơi thở của mình, tùy theo định lực của mình. Nếu mình tạo dựng được tịnh độ trong khi mình đi thiền hành thì người bạn đi bên cạnh sẽ được thừa hưởng. Tại vì sự vững chãi của mình là chỗ nương tựa cho người bạn tu của mình.

Chúng ta còn có những bài khác mà chúng ta nên học thuộc để thực tập, như bài Quay về nương tựa. Bài này cũng vậy, chúng ta có thể áp dụng khi đi thiền hành hay lúc ngồi thiền. Chúng ta đừng chỉ thực tập theo một bài. Nếu chỉ tập một bài, lâu ngày chúng ta sẽ bị lờn và chúng ta có thể đánh mất cái nội dung của bài đó. Cho nên hôm nay chúng ta thực tập với bài này, ngày mai chúng ta thực tập bài khác. Mỗi bài như vậy có nhiều bài con. Mỗi bài con chúng ta có thể tập bao nhiêu lần theo ý thích của chúng ta. Mình có thể lặp đi lặp lại câu Quay về nương tựa, hải đảo tự thân nhiều lần, trước khi đi sang câu Chánh niệm là Bụt, soi sáng xa gần. Chắc chắn khi thực tập thì chúng ta có thêm sự vững chãi, có thêm niềm tin, có thêm sức khỏe, có thêm sự an lạc. Tôi không bao giờ dạy một điều gì mà tôi không thực tập hết. Cũng như nhà bào chế thuốc men, không bao giờ đưa thứ thuốc đó lên thị trường trước khi đã thí nghiệm thành công trên một số bệnh nhân.

Có những bài khác như bài Đã về, đã tới, cũng rất hay. Trong khi thực tập những bài này mình có thể an trú được trong giây phút hiện tại, mình làm cho tịnh độ, cho niết bàn có mặt trong giây phút hiện tại. Khi đi thiền hành, có khi chúng ta ưa bước ba bước thay vì hai bước trong lúc thực tập một câu. Lúc đó, thay vì nói Đã về, đã tới, chúng ta có thể nói Tôi đã về, tôi đã tới; Bây giờ, ở đây thì chúng ta thêm Ngay bây giờ, và ở đây cho hợp với ba bước đi. Có gì khó đâu? Thường thường khi mà tôi chạy jogging thì tôi dùng 4 bước: Đây-là-tịnh-độ; Tịnh-độ-là-đây, bước nào cũng vui hết chứ không phải chạy là để đến đích! Tuy nhìn bên ngoài thì thấy bước nào cũng nhanh, cũng hấp tấp, nhưng trong nội dung thì bước nào cũng vui, cũng tung tăng như một con bướm. Thường thì tôi chạy chừng bốn hay năm bài. Tôi thường bắt đầu bằng bài Quay về nương tựa. Khi chạy xong bốn hay năm bài thì mình ngừng lại và mình đi chầm chậm. Lúc đó mình lại dùng ba bước đi trong khi thực tập: Tôi quay về, và nương tựa; nơi hải đảo, của tự thân; chánh niệm ấy, chính là Bụt; đang soi sáng, khắp xa gần; hơi thở này, là chánh pháp; đang bảo vệ, thân và tâm; năm uẩn kia, là tăng thân; đang phối hợp, rất tinh cần. Tôi thở vào, tôi thở ra; là bông hoa, tôi tươi mát; là đỉnh núi, tôi vững vàng; là nước tĩnh, tôi lặng chiếu; là không gian, tôi thênh thang! Như vậy có nghĩa là nếu cần ba bước thì quý vị thêm một chữ, khi đi chậm lại quý vị cần hai bước thôi, thì mình bỏ bớt một chữ! Mình phải sắp đặt cho mình một số chữ và số câu để mình có thể thực tập cho thành công.

Đối với những người thực tập tiếng Việt hay tiếng Hoa thì vì ngôn ngữ của họ là ngôn ngữ đơn âm, monosyllabic, cho nên rất dễ. Đối với người Tây phương, ngôn ngữ của họ là đa âm, polysyllabic, cho nên nó khó hơn một chút, nhưng ta vẫn làm được: I have arrived, arrived. I am home, home và nếu làm quen rồi thì mình bỏ bớt chữ, tại sao phải giữ hết? Arrived, arrived; Home, home, như vậy thì ta vẫn có thể làm được! Mình phải có một chút thông minh, phải có một chút sáng tạo để mình làm cho pháp môn phù hợp với mình 100%.

Như vậy quý vị thấy rằng nếu thuộc thi kệ nhật dụng thì đời sống của chúng ta sẽ được hướng dẫn trong từng phút từng giây, từ bước đi, bước chạy, cho đến lúc nấu cơm rửa bát. Sử dụng thi kệ nhật dụng thì dù sống ở đâu mình cũng có thể sống trong thiền môn được hết!

TU LÀ TỰ THỰC CHỨNG GIÁO PHÁP

Trong giới thiền học người ta hay kể chuyện hai thầy trò kia. Chú đệ tử đã tu với thầy ba năm mà có cảm tưởng là thầy chưa trao truyền bí quyết cho mình. Hình như thầy chỉ dạy thở vào thở ra, và hướng dẫn cách đi thiền hành vậy thôi, chứ thầy không dạy điều gì thâm sâu cả, như là "Chủ đích của ngài Bồ Đề Đạt Ma khi qua Trung Hoa là gì" v.v... thì thầy không bao giờ nói tới. Cho nên một hôm, sau khi đã dâng trà cho thầy, chú mới khúm núm thưa: Bạch thầy con ở đây đã ba năm rồi! Thầy mới nói: Vậy há? con ở đây ba năm rồi há? Nghĩ là thầy chưa hiểu nên chú thưa tiếp: Nhưng thầy chưa dạy cho con thế nào là chân lý tối hậu của Phật Pháp cả. Thầy mới nhìn chú và nói: Chú ơi! Chú trả lời: Dạ! Thầy lại kêu: Chú ơi! Chú thưa: Dạ. Thầy lại gọi lần thứ ba: Chú ơi! Chú thưa: Dạ và ngẩng đầu lên đợi xem thầy nói điều gì. Thầy mới mỉm cười và nói rằng: Tôi tưởng tôi không dễ thương với chú, ai dè chú không dễ thương với tôi! Có lúc tôi nghĩ là tôi phụ chú, nhưng ai dè chính chú đã phụ tôi! Tức là tôi đã làm hết sức tôi để trao truyền cho chú những cái cần thiết nhất, quan trọng nhất, nhưng khả năng tiếp thọ của chú không có, chú không tiếp nhận được!

Cũng vậy, trong cương vị của một người thầy, tôi đã làm hết cách, tôi nói tiếng Việt, tôi nói tiếng Anh, nói tiếng Pháp. Nếu mai mốt cần tiếng Tàu, tôi sẽ cố nói tiếng Tàu, và nếu cần tiếng Ả-rập thì tôi sẽ học tiếng Ả-rập để nói! Điều quan trọng là quý vị có tiếp nhận hay không, và quý vị có đem ra để thực tập hay không! Nếu quý vị tiếp nhận và thực hành thì nó có hiệu quả liền lập tức, chỉ trong nửa ngày, một ngày, hay trong một vài tuần mà thôi. Kết quả đó đại chúng sẽ trông thấy.

Sống trong một tăng thân, chúng ta biết sự chuyển hóa của chúng ta tùy thuộc vào tăng thân rất nhiều, vì vậy cho nên tăng thân là khung cảnh của một ngày hội. Chúng ta phải chịu chơi với tăng thân, chúng ta là một phần của tăng thân, chúng ta phải đóng vai trò tăng thân của chúng ta đối với những người khác, và chúng ta mong rằng những người khác cũng đóng vai trò tăng thân của họ đối với chúng ta. Như vậy thì tất mọi người mới được thừa hưởng lợi lạc.

Từ đầu bộ sách này chúng ta đã học kinh Tỳ Khưu Thỉnh, tức là nghệ thuật sống trong tăng thân như thế nào để cho những người bạn tu của mình có thể nói chuyện với mình được, có thể khuyên nhủ mình được, có thể giúp đỡ mình được. Còn nếu mình có những tự ái, những giận hờn, những ganh tị, mình có cách nói không dễ thương thì những người trong tăng thân không còn muốn gần gũi mình, không muốn chỉ dẫn cho mình, không muốn khuyên bảo mình, và mình lâm vào một tình trạng rất khó khăn như trong kinh Tỳ Khưu Thỉnh đã nói.

Đến đây tôi nhớ lại một câu chuyện trong kinh. Một lần trong Pháp hội thời Bụt còn tại thế, có một người khách đến dự. Người này rất giỏi về nghệ thuật luyện ngựa, tiếng Tàu gọi là Điều mã sư. Lúc chúng ta xem phim Western Cowboy thì chúng ta thấy có nhiều người luyện ngựa cũng rất giỏi.

Trong buổi Pháp đàm đó, Bụt quay sang hỏi vị điều mã sư: Này bác, bác luyện ngựa như thế nào? Phương pháp điều phục những con ngựa của bác như thế nào, bác có thể nói cho đại chúng nghe được không? Vị đó thưa rằng: Bạch đức Thế Tôn, có những con ngựa rất cần sự ngọt ngào, và con chỉ cần ngọt ngào thôi thì những con ngựa đó làm theo ý của con, rất dễ. Nhưng có những con ngựa cần những biện pháp mạnh, cần roi vọt, trong những trường hợp đó con cũng dùng biện pháp mạnh để trị nó. Khi luyện ngựa mình phải biết tính ý của từng con ngựa. Bụt hỏi: Nhưng có trường hợp nhẹ cũng không thành công mà mạnh cũng không thành công với nó thì bác làm sao? Vị điều mã sư mới thưa: Bạch đức Thế Tôn, trong trường hợp đó con dùng cả hai biện pháp, khi thì ngọt ngào, khi thì mạnh tay thì con sẽ thành công. Bụtmới hỏi thêm: Nhưng trong trường hợp nhẹ cũng không thành công, mạnh cũng không thành công, mà vừa nhẹ vừa mạnh cũng không thành công thì bác sẽ phải làm sao? Vị điều mã sư mới nói rằng: Trong trường hợp ấy thì con giết con ngựa đó. Tại vì để nó trong đàn thì rất nguy hiểm. Có nó trong đàn, mình không dạy được những con ngựa khác! Vì vậy mà mình không có cách nào hơn là phải trảm mã!

Lúc đó Bụt và các thầy ai cũng đều rùng mình, là vì không ai muốn có một con ngựa bị giết.

Sau đó vị điều mã sư quay lại hỏi Bụt: Bạch đức Thế tôn, còn đức Thế Tôn dạy đệ tử như thế nào, xin ngài nói cho con nghe với. Bụt mỉm cười. Ở cái thế cần trả lời cho nên ngài nói: Tôi cũng làm tương tự như bác vậy. Tức là có những đệ tử tôi dùng phương pháp nhẹ nhàng, dịu ngọt, rất dễ. Có những đệ tử tôi phải dùng biện pháp mạnh, thì người đệ tử đó mới tiến bộ được. Có những trường hợp tôi vừa làm nhẹ, vừa làm mạnh, có khi tôi xoa dịu vỗ về, có khi tôi la rầy, phạt lỗi.

Cố nhiên câu hỏi mà người điều mã sư không tránh được là: Nhưng bạch đức Thế Tôn, trong trường hợp nhẹ cũng không thành, mạnh cũng không xong, và vừa mạnh vừa nhẹ cũng không được, thì đức Thế Tôn đối xử làm sao? Bụt trả lời: Trong trường hợp này tôi cũng giết người đệ tử đó. Nghe vậy vị điều mã sư giật nẩy mình: Nhưng con nghe nói đức Thế Tôn là người bất bạo động, có lòng thương, thì đức Thế Tôn làm sao mà giết được đệ tử của ngài? Bụt mỉm cười: Giết chỉ là một cách nói thôi, giết ở đây chỉ có nghĩa là không cho người đó sống trong chúng nữa. Tại vì nếu người đó tiếp tục sống trong chúng thì sẽ hư hại cho chúng, chúng không thực tập được. Người đó không có được cơ duyên sống với chúng để thực tập, không được gần Bụt, gần Pháp, và gần Tăng thì cuộc đời tu hành của người đó coi như chết rồi. Không giết mà cũng như là giết!

Nó có nghĩa là không phải Bụt không có tình thương, nhưng vì sự thực tập của đại chúng, vì đoàn ngựa đông đảo kia mà bắt buộc phải giết con ngựa này, phải để cho con ngựa này rời đàn, không cho ở trong chúng nữa. Chúng ta thấy tuy tình thương vẫn có đó nhưng bắt buộc mình phải làm những quyết định như vậy.

Rải rác trong kinh điển có những chi tiết làm cho mình thấy được tình thương rất lớn của Bụt.

Có một lần Bụt nói với các thầy: Có những người trong chúng ta không có khả năng như chúng ta, họ không có khả năng suy nghĩ, họ không có khả năng hành trì, không có khả năng nói năng như chúng ta. Nhưng nếu nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng trong tâm của người đó cũng có những hạt giống tốt, vì vậy chúng ta nên đối xử với người đó như thế nào để cho những hạt giống tốt còn sống sót trong người đó không bị hoàn toàn chôn lấp đi. Bụt đưa ra một ví dụ: Một gia đình đó có một người con không may mắn nên bị mù một con mắt, chỉ còn một con thôi. Người nào cũng có hai con mắt. Với người con này thì con mắt còn lại là con mắt quý nhất. Vì vậy cho nên nếu con mắt đó bị đau, thì phải tìm đủ mọi cách để cứu chữa, nếu không thì người này sẽ bị mù hẳn.

Cũng vậy, trong chúng ta có những người không có khả năng làm như chúng ta, nhưng chúng ta phải biết rằng những người đó có một vài hạt giống tốt còn lại, chúng ta phải đối xử với người đó như thế nào để những hạt giống tốt còn lại đó không hoàn toàn mất đi. Mất đi thì cũng giống như một người đã mất một mắt, mà giờ đây mất thêm một con nữa, thì tội nghiệp cho cảnh mù lòa của người ấy quá! Những đoạn kinh như vậy chứng tỏ rằng Bụt có lòng thương rất lớn đối với tất cả đệ tử của ngài. Đệ tử nào của Bụt, ngài cũng coi như con của mình.

Tôi cũng nghĩ như vậy, tôi cũng thấy rằng người đệ tử nào cũng là con của tôi đẻ ra cả. Chỉ cần nhớ điều đó thôi là tâm tôi thấy nhẹ nhàng, thanh thoát, và tôi có hạnh phúc, dù vấn đề vẫn còn đó. Thành ra quý vị có thể áp dụng phương pháp đó, nếu có một người bạn tu mà không được như mình mong ước, nếu có một người bạn tu đã làm phiền mình, thì trong những lúc đó mình đừng tuyệt vọng. Nên nhớ người đó là em của mình, thầy đã đẻ ra người đó, mình phải thực tập như thế nào để chấp nhận người đó là em mình. Khi tâm niệm đó phát hiện trong lòng, thì tự nhiên tâm hồn mình êm dịu trở lại và mình chấp nhận được người đó một cách rất dễ dàng. Người đó là em của mình, người đó là chị của mình, người đó là anh của mình. Dù muốn hay không thì người đó vẫn là em của mình, vẫn là chị của mình, vẫn là anh của mình. Tư tưởng đó, cách nhìn đó chẳng những có thể xoa dịu được sự buồn bực đang có ở trong mình, mà còn đắc lực đóng góp cho hạnh phúc của cả tăng thân.


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][]