TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

MỤC LỤC

TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai

13. Ba cái lạy

THỰC TẬP VÔ NGÃ

THIỀN LẠY

Lạy thứ 1: Tiếp Xúc Với Tổ Tiên Và Con Cháu Trong Hai Dòng Sinh Mạng

Lạy thứ 2: Tiếp Xúc Với Mọi Người Và Mọi Loài Đang Có Mặt Với Ta Giờ Này Trong Sự Sống

Lạy thứ 3: Buông Bỏ Ý Niệm Về Hình Hài Và Thọ Mạng


Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai

13. Ba cái lạy

Trong bài hát Từng Bước Chân Thảnh Thơi do chị Tịnh Thủy làm để ca tụng thiền hành, có câu: "Đường dài em bước như dạo chơi". Câu này đã được dịch và được dùng cho cuốn Thiền Hành Yếu Chỉ xuất bản bằng tiếng Anh gần đây: The long Path turns into Joy.

Đường dài có thể là con đường trên đó mình cảm thấy mỏi mệt, có nhiều gian nan, có nhiều cực khổ, thấy rằng mình đang gánh trên vai kiếp người quá nặng nề. Hiện hữu nặng nề và mình gánh kiếp sống nặng nề đó mà đi trên con đường quá dài, quá mệt.

Có những người họ sống như vậy, họ cảm thấy không thích thú, không có sự nhẹ nhàng và đường đời thì dài hun hút. Nhưng đó là vì họ đi tìm cầu một hạnh phúc ở tương lai, và tìm cầu những điều kiện hạnh phúc mà họ nghĩ là họ chưa có, cho nên lâu ngày nó gây nên sự mệt mỏi. Trong khi đó, nếu chúng ta biết nhận diện những điều kiện của hạnh phúc đang có trong giây phút hiện tại, nếu chúng ta học được nghệ thuật buông bỏ những gánh nặng trên vai, gánh nặng của sự buồn thương, giận ghét, và cả những gánh nặng của sự mơ ước, thì tự nhiên mỗi bước chân nó đem lại sự nhẹ nhàng và hạnh phúc cho chúng ta ngay trong giây phút hiện tại. Phép thiền hành tạo ra một cơ hội mới, nhờ vậy màđường dài em bước như dạo chơi.

Có một bài thơ ca ngợi đức Thế Tôn: Một vị hoa sĩ nào đó vẽ đức Thế Tôn cầm một bình bát, đi rất thong dong và đề bốn câu thơ dưới đó:

Nhất bát thiên gia phạn,

Cô thân vạn lý du,

Kỳ vi sinh tử sự,

Giáo hóa độ Xuân Thu.

Nhất bát thiên gia phạn nghĩa là một chiếc bình bát nhưng cơm thì của ngàn nhà. Cơm của nhà này, của nhà kia đặt vào trong bát của ngài, một vị du tăng khất sĩ.

Cô thân vạn lý du nghĩa là một thân một mình thôi, cho nên có thể đi được rất xa, đi được cả vạn dặm. Chữ du có nghĩa là đi thảnh thơi. Từng bước chân thảnh thơi.

Kỳ vi sinh tử sự tức là chỉ vì một mục đích duy nhất là vượt thoát sinh tử và giúp cho người khác vượt thoát sinh tử. Tại vì sinh tử là vấn đề lớn nhất của người tu. Giải quyết được vấn đề sinh tử, vượt ra khỏi mạng lưới sinh tử, là mục đích tối hậu, là lý tưởng cao nhất của người tu. Sinh tử sự tiếng Anh là The business of life and death.

Giáo hóa độ Xuân Thu, đi giúp cho người ta năm này qua năm khác, mùa này qua mùa khác. Độ tức là đi ngang qua, Xuân Thu là mùa Xuân rồi mùa Thu.

Trong bài "Từng Bước Chân Thảnh Thơi" của Tịnh Thủy, chúng ta thấy câu mở đầu cũng là Từng bước chân thảnh thơi. Có năm chữ thôi, nhưng nếu thực hiện được năm chữ đó thì chúng ta đã đi rất xa. Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể thốt lên rằng thảnh thơi là quan trọng, thảnh thơi là cần thiết, mình phải thảnh thơi. Nhưng mấy ai đã làm được chuyện thảnh thơi đó! Miệng thì nói thảnh thơi nhưng hai chân thì cuống quýt! Nhất là tâm của mình thì luôn luôn bị ràng buộc, không buông bỏ được. Thành ra từng bước chân thảnh thơi là một sự thực tập của người tu. Mình phải thực sự thảnh thơi mới được.

Nói đến thảnh thơi, mình phải có những phương pháp để thực tập thảnh thơi. Trước đây mình có nói đến vấn đề quyết tâm, nhưng quyết tâm là một chuyện, quyết tâm mà không có phương pháp thì cũng không đi đến đâu. Do đó những phương pháp đã được trao truyền hay là đã được chế tác, mình phải nắm lấy để thực tập thì lúc đó cái quyết tâm mới đưa đến kết quả.

Câu kế của bản nhạc: Mặt trời như trái tim đỏ tươi. Mặt trời là một trong những hiện tượng thiên nhiên, tham dự vào đời sống hàng ngày của mình. Mặt trời cũng như đám mây, cũng như màu trời xanh, hay ruộng đồng, hoặc cây cối rất đẹp, và chỉ khi nào mình ngừng lại, bước chân mình thảnh thơi lại thì mình mới nhận ra những cái đẹp đó ở chung quanh mình, và ngay trong bản thân mình.

Từng đóa hoa mỉm cười. Hoa nào cũng đang mỉm cười hết. Không biết đóa hoa của mình có đang khóc không!

Ruộng đồng xanh ngát như biển khơi. Khi dừng lại được, bước chân mình thảnh thơi được thì mình nhận thức được tất cả những cái đẹp đó.

Cùng gió ca lời chim, và mình nghe được những cái mầu nhiệm trong làn gió, trong tiếng chim ca. Kinh Di Đà có mô tả cõi tịnh độ là cõi mỗi khi làn gió thổi qua các hàng cây thì nó phát ra âm thanh rất vi diệu. Nếu lắng nghe cho kỹ thì trong âm thanh vi diệu đó, mình nghe cả tiếng nói pháp, mình hiểu được giáo lý về Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát thánh đạo phần. Cõi tịnh độ còn có những con chim như Ca-lăng-tần-già, Bạch hạc, Khổng tước, Anh võ, Xá lợi, mỗi ngày sáu lần, hót lên những khúc hát rất mầu nhiệm. Trong tiếng hót của chúng, cũng có tiếng thuyết pháp về Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, và Bát thánh đạo phần. Kinh Di Đà còn nói rõ thêm để cho mình đừng bị kẹt, mình đừng tưởng rằng những con chim đó chứng tỏ rằng ở cõi cực lạc có nghiệp báo, và những chim này do nghiệp báo mà sinh ra. Không! Những con chim đó là những phương tiện do đức Di Đà chế tác ra để làm cho pháp vũ được lưu truyền trong cõi nước của ngài. Những con chim đó, những hàng cây đó, những ngọn gió đó, tất cả đều có phần vụ tuyên dương giáo pháp vi diệu của đức Di Đà.

Nếu chúng ta không dừng lại, nếu chúng ta không chăm chú, nếu chúng ta không thảnh thơi, thì chúng ta không nghe được những âm thanh đó, không thấy được những hình ảnh đó, vì vậy chúng ta sẽ không tiếp nhận được những bài pháp đó.

Nếu biết cách thì tịnh độ có thể tiếp xúc được tại nơi này. Nụ hoa nào, hạt sỏi nào cũng nói Pháp Hoa Kinh là vậy. Tất cả những hiện tượng biểu hiện chung quanh mình, tất cả những âm thanh mình được nghe, đều có thể là lời thuyết pháp.

Phương pháp của chúng ta thực tập ở Làng Mai là phương pháp Hiện Pháp Lạc Trú, tức là làm sao để có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Nếu chúng ta không có khả năng tiếp xúc được với những điều đang xảy ra trong giây phút hiện tại thì ta không thể nào thực tập được Hiện pháp Lạc trú. Những cái mầu nhiệm, những điều kiện của hạnh phúc có sẵn trong ta và quanh ta. Nếu chúng ta bị ràng buộc bởi một tâm tư, một ý niệm, một sự giận hờn, một sự oán trách, một sự ganh tỵ, một niềm tự ái, thì những hàng cây báu, những con chim Ca-lăng-tần-già, mặt trời như trái tim đỏ tươi, ruộng đồng xanh mát như biển khơi, tất cả những thứ đó trở thành con số không. Cho nên vấn đề là vấn đề giải thoát, vấn đề làm sao cởi những sợi dây đó ra khỏi trái tim của chúng ta.

Khi trái tim của chúng ta thảnh thơi, con người chúng ta thảnh thơi, bước chân của chúng ta thảnh thơi, thì chúng ta bắt đầu tiếp nhận được những thông điệp rất mầu nhiệm của tất cả những gì đang có mặt quanh ta. Một chiếc lá, một chén trà, một người sư em, một người sư chị, một người sư anh, chúng ta không đi vòng quanh nữa. Chúng ta không đi vòng quanh tại vì chúng ta đã tìm được cái mà ta đi tìm nó vẫn ở đây: Quê hương đíchthực của mình nó vốn là ở đây.

THỰC TẬP VÔ NGÃ

Tất cả toàn bộ giáo lý của đức Thế Tôn được xây dựng trên cơ sở gọi là Vô thường và Vô ngã. Vô thường và Vô ngã không phải là những lý thuyết. Đó là những chìa khóa, mở cửa cho chúng ta đi vào thế giới bất sinh và bất diệt. Khi nói vô thường thì chúng ta hay nghĩ tới sinh diệt, tại vì vô thường nghĩa là nó sinh đó rồi nó diệt đó. Còn vô ngã có nghĩa là không có một cái gì có thể tồn tại độc lập với những cái khác. Vô thường là đứng về phương diện thời gian mà nói, còn vô ngã là đứng về phương diện không gian mà nói. Mới nghe qua thì vô thường và vô ngã giống như những nốt nhạc có tính cách yếm thế, tiêu cực. Nhưng kỳ thực vô thường, vô ngã là hai cái chìa khóa rất mầu nhiệm. Nếu sử dụng được hai chìa khóa đó thì chúng ta mở được cánh cửa bất sinh và bất diệt.

Chúng ta giận, chúng ta buồn, chúng ta ganh tỵ, chúng ta tuyệt vọng là tại vì sao? Tại vì có một ý niệm về ngã đang nằm ở trong trái tim của chúng ta. Ngã là một cái đối lập với cái gọi là phi ngã. Khi ta tin rằng có cái ngã, thì tự nhiên ta thành lập luôn cái phi ngã, tức là cái đối lập với ngã. Khi cái ngã bị tổn thương thì ta nghĩ rằng chính những yếu tố gọi là phi ngã chịu trách nhiệm. Khi cái ngã giận thì nó chỉ giận cái phi ngã thôi, nó không giận cái ngã. Tại vì bản thân của ngã là sự vô minh. Mà vô minh rồi thì đâu thấy được sự thật? Cho nên khi mình có một niềm khổ đau, một nỗi giận hờn, một niềm tuyệt vọng, một tâm ganh tỵ, thì tất cả những cái đó đều căn cứ trên cái ngã chấp của chúng ta. Khi đã có ngã chấp rồi, đã có vô minh rồi thì chúng ta tự nhiên trách cứ, lên án những yếu tố phi ngã, rằng chính nó đã gây ra niềm khổ đau cho cái bản ngã của ta. Vì vậy cho nên thực tập như thế nào để làm cho tan biến đi khối vô minh về ngã, đó là cái chìa khóa để đi tới sự an lạc, và mở được cửa của thế giới không sinh và không diệt.

Chúng ta biết rằng toàn bộ giáo lý của đức Thế Tôn được dựa trên thực tập về vô ngã. Nhưng nhìn quanh và nhìn lại chính bản thân, chúng ta thấy rằng tuy chúng ta nói về vô ngã khá nhiều, nhưng thực tập về vô ngã thì rất ít. Có những phương pháp thực tập vô ngã đã trao truyền cho chúng ta, nhưng chúng ta không biết thực tập, chúng ta bị kẹt vào hình thức! Nếu quán chiếu cho kỹ thì chúng ta thấy rằng các vị tổ sư đã trao truyền lại cho chúng ta nhiều phương pháp thực tập khá hay. Chỉ có điều là chúng ta không biết thực tập mà thôi.

Ví dụ khi lễ Phật, chúng ta chắp tay và bắt đầu bằng sự có mặt của mình và của Bụt. Mình là người lạy, Bụt là người bị hay được lạy. Khi chắp tay lại, mình phải quán tưởng rằng người lạy và người được lạy đều vô ngã, và hai người đó dính liền với nhau. Lạy như thế nào để cái ngã của mình nó tan biến và cái ngã của Bụt cũng tan biến luôn, thì cái lạy đó mới đáng giá. Còn lạy để cầu xin, để sám hối, để nói rằng cái ngã của mình là cái ngã rất tồi, không đáng một đồng xu, còn cái ngã của Bụt là cái ngã tuyệt vời, thì cái lạy đó không đi tới đâu cả. Phần lớn khi lạy sám hối, chúng ta đều lạy theo kiểu cầu xin đó cả. Cái ngã của con rất tồi, rất xấu, rất hư, còn ngã của Bụt là tuyệt vời, cho nên con đến đây lạy xuống! Cái đó có thể có công đức, nhưng công đức đó rất ít so với công đức lạy theo kiểu vô ngã.

Bài kệ quán tưởng trước khi lạy là rất rõ ràng: Năng lễ sở lễ tính không tịch, người lạy và người được lạy đều trống rỗng, không có ngã. Tính không tịch là xóa bỏ cái ranh giới giữa người lạy và người được lạy. Mình thấy Bụt được làm bằng chất liệu ta, và ta được làm bằng chất liệu Bụt. Hãy nhìn kỹ một bông hoa thì ta sẽ thấy trong bông hoa có mặt trời, có đám mây, và bông hoa đó không có ngã. Nếu không có mặt trời, không có đám mây, không có đại địa, không có thời gian, không có không gian, không có phân bón, không có người làm vườn, thì làm gì có hoa?

Ta cũng vậy, ta được làm bằng những chất liệu không phải là ta. Cái ngã được làm bằng những chất liệu gọi phi ngã. Trong chất liệu phi ngã đó có tứ đại, có nghiệp chướng, có vô minh, nhưng cũng có Phật tánh, có giác tính, có từ bi, có đủ hết. Vì vậy cho nên khi đứng trước đức Thế Tôn, chắp tay lại, nhìn thẳng vào đức Thế Tôn, thấy rõ rằng mình với ngài là cùng một thể tính, và cái lạy này thay vì nó làm chia cái ngã của mình và ngã của đức Thế Tôn, thì nó làm cho hai cái ngã đó tan hòa vào nhau. Trong khi lạy xuống như vậy, mình trở thành đức Thế Tôn, và đức Thế Tôn trở thành mình. Tức là một cái lạy nó đập đổ luôn hai thần tượng, hai khối chấp: Chấp rằng Bụt là khác, và mình là khác. Khi thấy được điều đó thì có một sự cảm thông rất lớn lao xảy ra giữa mình và Bụt.

Cảm ứng đạo giao nan tư nghị. Câu thứ nhất làm được thì câu thứ hai mới xảy ra. Năng lễ sở lễ tánh không tịch mà thấy được thì mới có cảm ứng đạo giao nan tư nghị. Cảm ứng là sự thông cảm mầu nhiệm và sâu sắc; đạo giao là có sự giao tiếp; nan tư nghị là không thể nào suy tư được.

Ngay khi mới vào chùa làm chú tiểu 13, 14 tuổi, mình đã được dạy câu đó rồi. Nhưng câu đó khó lắm. Thầy mình đâu có giảng cho mình nghe! Tại vì thầy nghĩ rằng mình đang còn trẻ quá, không hiểu được giáo lý gọi là Năng sở không tịch: Đối tượng và chủ thể dính liền nhau, không phải là hai khối biệt lập. Chú tiểu học thuộc lòng câu đó rồi đọc như con vẹt. Năm năm rồi mười năm cũng lạy như con vẹt và không có khả năng lạy được như các tổ muốn chúng ta lạy: Lạy xuống một cái thì ngã của mình tan biến ra, như là nước sôi dội lên tuyết. Lạy thì phải lạy cho được như vậy.

THIỀN LẠY

Làng Mai chúng ta có pháp môn thiền lạy, còn dễ hơn bài quán tưởng trên đây, và rất là thực tế. Pháp môn này gồm ba cái lạy.

Lạy thứ 1: Tiếp Xúc Với Tổ Tiên Và Con Cháu Trong Hai Dòng Sinh Mạng

Trước hết, trong cái lạy đầu chúng ta thấy được mình và tổ tiên của mình là không có ngã riêng biệt. Trong khi lạy, chúng ta phải quán chiếu thì lạy mới thành công.

Về quán chiếu thì khi lạy xuống, năm vóc sát đất, mình thấy rằng mình không có cái ngã riêng biệt, mình là sự tiếp nối của các thế hệ tổ tiên, mình thấy trong người của mình, máu huyết của cha mẹ, của tổ tiên đang luân lưu. Tất cả những hạt giống của khổ đau, của hạnh phúc trong mình là những hạt giống của tổ tiên trao truyền lại. Khi thấy được như vậy thì mình cảm nhận được rõ rệt tất cả các thế hệ tổ tiên của mình chưa bao giờ từng chết, tại vì các vị đang luân lưu ở trong mình dưới hình thức của máu huyết, của cảm thọ, của tâm thức, của hạt giống.

Sự kiện mình đang có mặt trong giây phút này, chứng tỏ rằng tổ tiên của mình chưa bao giờ chết, các vị đang sống ở trong mình, và mình có bổn phận phải bảo trì mạng sống của tất cả các thế hệ tổ tiên. Mình trở thành một với tổ tiên. Chúng ta có những vị tổ tiên rất già, bốn năm ngàn tuổi, nhưng chúng ta cũng có những tổ tiên rất trẻ. Những người sinh ra trước mình đều là tổ tiên của mình. Anh ruột của mình, chị ruột của mình đều là tổ tiên của mình cả. Nếu mình có đứa em thì mình cũng là tổ tiên của đứa em đó. Mình phải lạy xuống như thế nào để cho cái ngã của mình hòa nhập với dòng sinh mạng của tổ tiên, thì mình mới thành công trong cái lạy đó.

Có thể mình không cần thấy điều đó lâu, đôi khi chỉ cần 10, 20 hay 30 giây thôi, thì cái ngã của mình nó cũng đã tan đi như nước sôi dội vào tuyết rồi. Mình thấy mình không là gì cả, mình chỉ là cái tiếp nối của tổ tiên, với tất cả những tinh hoa, và rác rến của tổ tiên để lại trong mình. Mình có những điểm mầu nhiệm, mình có những đức hạnh cao vời, nhưng mình cũng có những cái thấp hèn, kém cỏi ở trong cơ thể cũng như ở trong tâm hồn mình, và mình tự chấp nhận mình. Tại vì những cái đó không phải là mình thôi, mà là tất cả tổ tiên mình.

Ví dụ cha mình, mẹ mình có những yếu kém, đã làm khổ nhau, đã làm khổ mình, nhưng họ là cha mình, họ là mẹ mình, họ là tổ tiên của mình. Họ đang sống trong mình, thì mình phải tiếp nhận cái gia tài đó. Nhờ vậy mà chuyện giận cha, giận mẹ, hờn oán ông bà, nó tan biến liền lập tức! Mình là ai mà mình có quyền không chấp nhận cha mẹ, tổ tiên mình? Vì vậy cho nên cái hố ngăn cách giữa mình và tổ tiên, sự giận hờn, buồn tủi của mình đối với cha mẹ và tổ tiên, đều tan biến, tại vì mình đâu có cái ngã riêng biệt đối vời tổ tiên mình?

Một lạy như vậy nó làm tan hết mọi oán trách của mình đối với tổ tiên, thì ai là người mà không cần thực tập cái lạy thứ nhất, một thực tập vô ngã rất tích cực?

Đó là nói về tổ tiên huyết thống. Tổ tiên tâm linh cũng vậy. Chúng ta có các bậc tổ sư rất lớn, đã chứng đạt, đã giải thoát, đã có hạnh phúc, và ta cũng được trao truyền những hạt giống đó trong ta. Ta cũng có những bậc tổ tiên tâm linh chưa đạt được sự giải thoát, giác ngộ, có thể đã phạm giới, có thể đã không thành công trong đời tu học. Nhưng họ cũng là tổ tiên của ta, ta không thể khinh thường họ được, không thể nào từ khước họ được. Vì vậy cho nên khi lạy xuống, ta chấp nhận tất cả các vị đều là tổ tiên tâm linh của ta.

Trong cái lạy thứ nhất, chúng ta cũng tiếp xúc được với con cháu của chúng ta, em của chúng ta đã là con cháu rồi. Chữ đệ tử có nghĩa là em, là con, tức là thế hệ của người trẻ. Trong giới con cháu hay học trò của mình, có những đứa rất giỏi, tạo cho mình rất nhiều hạnh phúc, và mình có khuynh hướng nói "nó đúng là con của tôi, đúng là cháu của tôi, đúng là đệ tử của tôi"! Nhưng cũng có những đứa bê bối, những đứa lên xuống bất thường, những đứa chưa tu học thành công. Nhìn cho kỹ thì thấy trong ta cũng có những cái đó. Nhìn lại trong quá khứ mà coi: Ngày nay là cha mẹ, nhưng ngày xưa mình cũng có những lỗi lầm chứ không đâu? Cho nên bây giờ mình muốn con mình tuyệt hảo sao được! Mình muốn cho con gái mình đừng trốn mình để đi gặp một đứa bạn trai, nhưng chính mình ngày xưa cũng đã trốn đi gặp bố nó! Thấy được vậy thì mình thấy rõ con gái của mình là hình ảnh của mình, và mình có thể tha thứ được những yếu kém của nó.

Về phía đệ tử cũng vậy. Trong quá khứ có thể mình cũng có những yếu kém, những lầm lẫn. Đôi khi mình không được dễ thương với thầy mình, đôi khi mình giận thầy mình. Nay học trò giận mình thì thôi, cho nó giận đi cho rồi! Mình chấp nhận được, là tại mình thấy rằng nó không có cái ngã riêng biệt, mà mình cũng không có cái ngã riêng biệt. Tất cả tổ tiên của mình, con cháu của mình, và mình nữa, cả ba được hòa chung lại trong một dòng sinh mạng. Chỉ có dòng sinh mạng đó là có thật thôi. Những cái ngã riêng biệt ở trong dòng sinh mạng đó, nó phải hòa tan như những giọt sữa trong một dòng sông, những giọt muối trong biển cả.

Đó nội dung của cái lạy thứ nhất, cái lạy để thực tập vô ngã. Vô ngã là không có cái ta riêng biệt trong dòng sinh mạng liên tục từ tổ tiên cho đến con cháu. Ở đây ta không nói về vô ngã nữa. Ở đây ta chỉ làm, chỉ thực tập vô ngã mà thôi. Phải quán chiếu cho được, phải lạy cho được, lạy cho đến khi nào tất cả những giận hờn, những buồn tủi, những trách cứ của mình tan đi như tuyết, thì lúc đó cái lạy mới thấm. Nếu cần lạy cho rụng hết tóc ở trên đầu thì cũng nên lạy!

Nếu sư bà có đệ tử làm sư bà buồn, chắc sư bà cũng phải tha thứ. Chỉ có thương yêu mới có thể tiếp độ được chúng mà thôi! Nếu sư thầy có đệ tử làm cho sư thầy buồn, thì sư thầy chắc cũng phải thực tập như vậy. Tất cả chúng ta, ai đã từng giận thầy, giận ba, giận má, giận ông nội, giận bà nội, thì cũng phải thực tập như vậy để cho cái ngã nó tan đi, và để cho sự thông cảm được thiết lập trở lại. Cái đó gọi là cảm ứng đạo giao nan tư nghị. Cảm ứng đạo giao nan tư nghị mà thành lập được là do "Năng lễ sở lễ tánh không tịch".

Cha mẹ mình là ai? Cha mẹ mình tức là mình. Đó là tuệ giác của đạo Bụt. Thầy tổ mình là ai? Thầy tổ mình là mình. Đó là tuệ giác của đạo Bụt. Con cháu mình là ai? Con cháu mình tức là mình. Đó là tuệ giác của đạo Bụt. Đệ tử mình là ai? Đệ tử mình tức là mình. Đó là tuệ giác của đạo Bụt. Đơn giản như vậy mà thôi. Một cái lạy mọp xuống là có thể tháo tung được tất cả biên giới, và khi tháo tung rồi thì tất cả giận hờn, trách móc sẽ tan biến. Đó là cái lạy thứ nhất của Làng Mai.

Làng Mai có Năm cái lạy, và có Ba cái lạy. Năm cái lạy cũng rất mầu nhiệm, mà Ba cái lạy cũng rất mầu nhiệm. Ở đây chúng ta chỉ nói đến ba cái lạy. Những lạy này là Thiền lạy, chữ Hán là Lễ bái thiền.

Nếu cần thì chúng ta chỉ lạy cái lạy thứ nhất thôi, lạy cho đến khi nào thành công. Đừng nói rằng vì thực tập ba cái lạy, cho nên mình phải lạy cho đủ cả ba lạy. Không, hãy lạy cái lạy thứ nhất cho thành công trước đi! Nếu thực tập cái lạy thứ nhất mà chưa thành, thì tại sao mình phải chuyển sang cái lạy thứ hai? Mình đâu có thực tập hình thức?

Để dễ hiểu hơn, ta có thể tượng trưng cái lạy thứ nhất bằng một đường dọc, một trục thời gian. Từ chỗ mình đứng, đi lên là tổ tiên; đi xuống là con cháu; còn vòng nhỏ ngay chỗ mình đứng là tổ hợp của tất cả những người trong dòng họ mà mình trực tiếp có kinh nghiệm với trong cuộc sống hiện tiền.

Lạy xuống một lạy như thế nào mà cái ngã của mình tan đi, và mình hòa nhập vào dòng sống của tổ tiên, thì cái lạy đó mới thành công. Mỗi ngày đều lạy như vậy. Càng lạy thì tâm mình càng khỏe, càng nhẹ. Những giận hờn buồn tủi sẽ tan đi. Người xuất gia cũng lạy, mà người tại gia cũng lạy. Cái lạy này nó mở cửa thương yêu, mở cửa chấp nhận. Cái lạy này có liên hệ tới gia đình của mình, tại vì gia đình của mình là gần gũi với mình nhất. Gia đình huyết thống và gia đình tâm linh là hai gia đình mà người văn minh phải có. Nếu chỉ có gia đình huyết thống không thôi, thì mình còn nghèo đói lắm. Hai gia đình đó nương vào nhau, yểm trợ nhau để cho thân cây của mình thành một cây vững chãi. Gia đình là một khu vườn, là một miếng đất trong đó cây của mình mọc lên. Vì vậy khi chúng ta bị bứng ra khỏi hai khu vườn đó, thì cây của chúng ta sẽ khô héo. Cho nên dù đã đi tu, chúng ta vẫn có liên hệ với gia đình huyết thống, dù ta cho gia đình tâm linh là gia đình rất quan trọng.

Chúng ta hãy thực tập lạy và chúng ta ghi xuống sổ công phu tất cả những gì chúng ta thấy trong khi thực tập. Chúng ta thực tập buổi sáng, chúng ta thực tập buổi tối. Khi đại chúng công phu xong và ra khỏi thiền đường rồi, ta có thể ở lại để thực tập thêm 10 hay 15 phút nữa. Hoặc những lúc không ngủ được ban đêm, ta mặc áo và đi lên thiền đường thực tập lạy. Hay là khi đại chúng nghỉ ngơi, và thấy mình không cần nghỉ ngơi, thì ta có thể lên chánh điện để thực tập lạy.

Đây là những phương pháp thực tập quán chiếu không khó khăn gì lắm, và mình được cả tâm lẫn với thân hỗ trợ. Thân của mình lạy xuống để cho tâm mình có cơ hội quán chiếu, và khi quán chiếu như vậy, chúng ta cũng nương vào hơi thở chánh niệm.

Về diễn biến sự thực tập cái lạy thứ nhất thì khi lạy xuống, trán chấm đất và bốn vóc sát đất, chúng ta nói: Con làcon số không, con có là gì đâu mà dám chống lại tổ tiên của con, chống lại thầy của con, chống lại cha của con, chống lại mẹ của con. Con chẳng qua chỉ là sự tiếp nối của liệt vị.

Thấy như vậy rồi, kế đến, mình hình dung cha mình như thế nào, cái tướng của cha mình như thế nào, có những nếp nhăn nào trên trán, trên khóe mắt. Cha mình có cái nhìn như thế nào, có cuộc sống như thế nào. Mình phải hình dung cho được cha mình, và mình thấy kính ngưỡng hay là tội nghiệp. Tất cả những cái đó mình phải mở tâm ra. Một là mình thấy kính ngưỡng, thán phục. Hai là là mình thấy tội nghiệp. Tất cả những thứ đó mình đều để cho nó đi vào trong trái tim mình. Trái tim mình là một cõi mà mình mở rộng ra để tiếp nhận hình ảnh của cha mình.

Kế đến mình hình dung về mẹ mình. Lúc trẻ mẹ mình như thế nào, bây giờ như thế nào, tóc như thế nào, răng rụng đến đâu, hai bàn tay đã nhăn như thế nào, phải thấy tất cả những thứ đó. Rồi mình thấy tội nghiệp, mình thấy thương. Có lúc bà rất tội nghiệp, nhưng có lúc bà cũng đã nổi nóng, nói những câu nặng nề đối với mình. Tất cả những cái đó mình đều mở lòng ra để tiếp nhận hết. Tại vì mình cũng vậy, có những lúc mình nổi nóng, có những lúc mình không dễ thương, có những lúc mình rất ngọt ngào và mình chẳng qua chỉ là sự tiếp nối của mẹ mình mà thôi. Mình có quyền gì mà không chấp nhận mẹ mình? Mẹ mình là mình, mình là mẹ mình.

Quán tưởng xa hơn, khi năm vóc sát đất như vậy, mình còn hình dung ra được những vị tổ tiên gần gũi nhất của mình, những người mà mình được biết. Và qua họ, mình tiếp xúc được với những thế hệ tổ tiên đã sinh ra và đã tồn tại trước họ. Có thể nước mắt mình chảy ra ràn rụa trong thời gian đó. Nó chảy ràn rụa là tại mình biết chấp nhận. Biết chấp nhận là tại mình biết trong mình cũng có những yếu kém như họ.

Cho nên khi năm vóc sát đất thì mình phải quán tưởng, tức là mình phải hình dung cho được một vài người trong dòng họ huyết thống. Mình không hình dung hết tại vì đông quá! Mình chỉ hình dung một vài người cụ thể, rồi mình mở trái tim ra để đón nhận hết họ vào trong trái tim của mình với tất cả những đức tín, những ưu điểm và những khuyết điểm của họ. Đó là học hỏi chấp nhận.

Rồi mình bắt đầu quán tưởng xuống hàng con cháu. Mình thấy những đứa em của mình, những đứa con của mình, mình phải hình dung đứa này, đứa kia cho rõ. Thấy những điều dễ thương của nó, những cái ngọt ngào của nó, và thấy những cái cứng đầu, khó chịu của nó, mình thấy hết, và mình mở cửa ra cho tất cả đi vào, không để cho đứa nào đứng ở ngoài trời lạnh giá hết.

Mình đâu có muốn ở ngoài lạnh mà mình buộc nó đứng ngoài lạnh? Thành ra mình mở cửa và cho vô hết. Như vậy thì trong trái tim mình nó ứa ra giọt cam lồ của sự chấp nhận, của lòng từ bi. Giọt nước cam lồ đó mình chuyền về cho các thế hệ tương lai.

Tu là như vậy, nó không khó khăn gì mấy, nó không cứng ngắc như những cục đá, những công án khó gặm. Thiền lạy rất dễ, nó nằm trong tầm tay của mình, và ai cũng có thể thực tập được hết.

Đối với tổ hợp của tất cả những người trong dòng họ huyết thống mà mình trực tiếp có kinh nghiệm với trong đời sống của mình (tượng trưng bằng vòng tròn trong hình 1), trong khi lạy xuống, mình cũng phải quán tưởng, cũng phải hình dung cho được dáng mạo, thể chất, tâm tư, và đức tính của họ.

Sau khi nằm đó và tiếp xúc được với tổ tiên và con cháu huyết thống rồi, thì mình bắt đầu tiếp xúc với tổ tiên và con cháu tâm linh.

Tổ tiên tâm linh mà mình có kinh nghiệm với, trước hết có thầy mình, có sư anh, sư chị của mình, đại diện cho thầy. Hôm trước có một sư em giận sư anh, đến nói với tôi rằng con giận là vì sư anh la con. Tôi nói rằng sư anh là đại diện của thầy, con giận sư anh là con giận thầy rồi còn gì nữa! Thành ra sư em đó hết giận. Mình chỉ cần nói một câu cho đúng lúc là sư em hết giận. Mà kỳ thật là sư anh có đại diện cho thầy. Có thể là đại diện chưa hoàn mỹ lắm, nhưng sư anh và sư chị của mình dù thế nào thì cũng đại diện cho thầy mình. Quyền huynh thế phụ. Trong huyết thống của mình, mình có truyền thống anh của mình là thay cha mình, chị của mình thì thay mẹ mình. Vì vậy nếu mình giận và tẩy chay sư anh, tức là mình cũng đang giận và tẩy chay thầy!

Thái độ đó phát xuất từ cái ngã, cho rằng sư anh là khác, thầy là khác, mình là khác. Theo tuệ giác của đạo Bụt thì mình, sư anh mình, và thầy mình là một. Cho nên khi mình giận sư anh thì mình giận chính mình. Nghe vậy, sư em mới nói rằng: Bạch thầy con thấy rồi, con xin sám hối thầy và con sẽ vào sám hối với sư anh của con.

Về việc tiếp xúc với gia đình tâm linh trong cái lạy thứ nhất, khi lạy xuống, mình hình dung những sư anh, sư chị của mình. Người nào dễ thương, người nào không dễ thương bằng, người nào dễ ghét, mình đều thấy họ liên hệ đến mình một cách rất là mật thiết. Rồi mình mở lòng ra, chấp nhận họ hết.

Kế đến là thấy nét mặt của thầy mình, thấy được hình dáng của thầy mình, bây giờ đã già như thế nào, lúc trước trẻ như thế nào, có những cái dễ chịu như thế nào, có những cái khó khăn như thế nào, mình mở lòng ra, đón thầy mình vào. Rồi qua thầy mình, qua sư anh, sư chị mình, mình đón tất cả các thế hệ tổ tiên từ Bụt Thích Ca, từ thầy Ca Diếp trở xuống cho đến thầy A Nan.

Sau đó thì mình nhìn xuống những sư em của mình dù có em rất khó thương, mình cũng hình dung được những sư em đó và mình mở cửa lòng ra, chấp nhận họ hết. Cũng như khi mẹ mình sinh ra cho mình một đứa em, thì mình phải chấp nhận đó là em của mình, không cách gì từ chối được hết! Thầy mình cũng vậy, thầy mình đã nhận người đó làm đệ tử, và mình cũng đã có tiếng nói trong đó, mình đã chấp nhận cho người đó làm em mình, vậy thì tại sao bây giờ mình muốn tẩy chay em mình? Phải ráng mà thương mới phải. Nhờ "ráng" đó mà mình thành đạo được. Nếu nói nó không dễ thương, mình muốn đạp một cái để cho nó đi ra ngoài trời tuyết giá, thì tới bao giờ mình mới tu thành được? Cho nên phải quán tưởng, phải hình dung ra khuôn mặt của đứa em, ra thân hình của nó với tất cả những dễ thương và khó thương của nó, rồi chấp nhận hết. Lạy như vậy thì mình đi tới sự an bình.

Nếu trong gia đình tâm linh của mình mà mình còn đau khổ, mình còn giận hờn, mình còn trách móc là tại vì mình chưa lạy cái lạy thứ nhất cho đàng hoàng. Khi nói hạ thủ công phu là hạ thủ công phu cái gì? Không thể nói rằng tại sư anh không tu, tại sư em không tu. Tu là tu gì? Phương pháp đưa ra rất rõ rệt: Một cái lạy xuống là có thể làm tiêu tan tất cả hờn oán, buồn giận; chữa lành những vết thương của tự ái, của hận thù, của ganh tị. Nếu mình còn đau khổ bởi những cái đó, là tại mình chưa lạy được cái lạy thứ nhất. Phải thấy như vậy. Hãy lạy xuống, và lạy cho đàng hoàng thì những cái đau khổ đó sẽ tan biến.

Lạy là một phương pháp thực tập Yoga. Yoga có hai thứ, một chỉ liên hệ tới thân, và một có liên hệ tới tâm. Đó là lối phân biệt thông thường. Nhưng kỳ thực thân và tâm không thể nào chia đôi ra được. Hễ tập Yoga về thân là mình có ảnh hưởng tốt về tâm.

Người tu biết rằng tu tâm và tu thân đi đôi với nhau, không thể nói rằng tôi chỉ tu tâm thôi! Khi chắp tay lại thì tự nhiên sự cung kính của mình nó hình thành. Mình có thể không chắp tay mà mình vẫn có thể cung kính. Điều đó đúng! Nhưng khi hai tay chắp lại và đầu cúi xuống thì sự cung kính của mình nó lớn hơn, nó mạnh mẽ hơn. Do đó thân tâm nhất như là rất quan trọng.

Yoga, tiếng Việt là Du Già, có nghĩa là một thực tập mà trong đó thân và tâm đi đôi với nhau. Những bậc thầy dạy pháp môn này gọi là Du Già Sư. Người thực tập Du Già thì gọi là Yogi. Tất cả chúng ta đều là Yogi. Khi thực tập thiền đi, chúng ta cũng là Yogi, chúng ta là những vị Du Già. Khi thực tập thiền ngồi, thiền lạy v.v..., chúng ta đều là những vị Du Già. Tông phái Duy Biểu, Duy Thức trong đó có 30 bài tụng Duy Biểu hay 50 bài tụng Duy Biểu, đều gọi là tông phái Du Già. Thành ra mỉm cười cũng là thực tập Yoga, Yoga miệng. Nhìn là thực tập Yoga mắt, bắt ấn là thực tập Yoga tay. Chúng ta đều là những người thực tập Yoga, nhưng không phải chỉ hạn chế trong phạm vi cơ thể mà cả Yoga về tâm hồn nữa.

Lạy thứ 2: Tiếp Xúc Với Mọi Người Và Mọi Loài Đang Có Mặt Với Ta Giờ Này Trong Sự Sống

Lạy thứ hai được tượng trưng bằng một đường ngang, từ trái sang phải. Lạy thứ hai là để tiếp xúc với dòng sinh mạng của mọi người và mọi loài trong không gian.

Qua lạy thứ nhất ta tiếp xúc với tổ tiên và con cháu. Trong số đó có những vị mà ta thấy chưa hiện tiền hay không còn hiện tiền nữa. Nghĩa là có những vị tổ tiên đã qua đời, và có những con cháu chưa sinh ra mà ta tiếp xúc được. Trong cái lạy thứ hai, ta tiếp xúc toàn với những sinh vật đang hiện tiền, tức là đang sống cùng thời với ta, đang có mặt trong giờ phút này mà thôi. Cho nên lạy này thuộc về không gian.

Trước hết ta tiếp xúc với những khuôn mặt, với những con người, với những chúng sinh có thể đem lại cho chúng ta rất nhiều năng lượng. Những con người có tươi mát, những con người có vững chãi, có thảnh thơi, có hạnh phúc, đang sống chung quanh ta. Chúng ta phải tiếp xúc cho được với các vị Bồ tát đang có mặt trên thế gian này, trong giây phút hiện tại. Họ là những Bồ tát sống, tại vì trong họ có tính chất vững chãi, thảnh thơi,giải thoát và hạnh phúc. Có thể họ đang làm việc trong tổ chức Médecins Sans Frontières, có thể họ đang làm việc với Mother Teresa(1), có thể họ đang chăm sóc một em bé bị lao, không đủ thức ăn, không đủ dược phẩm để chữa trị. Phải có nhiều năng lượng, nhiều từ bi lắm thì họ mới có thể làm được những công việc đó một cách bền bỉ. Sự có mặt của họ trên thế giới là nơi nương tựa cho chúng ta.

(1) Mother Teresa of Calcutta (1910-1997), Tu sĩ Ki-tô Giáo, sáng lập viện Hội từ thiện Missionaries of Charity. Bà được giải thưởng Nobel về Hòa bình năm 1979 vì những công tác từ thiện của bà.

Chúng ta đừng tưởng rằng Bồ tát là ở trên mây, hoặc có hào quang ở sau đầu. Bồ tát có ở khắp nơi. Có những vị Bồ tát rất trẻ, chưa đầy hai mươi tuổi. Làm sao ta có thể nhận ra họ là vị Bồ tát đích thực? Nhờ ta thấy trong họ có niềm vui, có tình thương, có sự vững chãi, có sự thảnh thơi. Những người biết cười, biết vui sống, những người tạo ra được niềm tin và sự vui sống cho người khác, tất cả các vị đó đều là những vị Bồ tát. Trong cái lạy này, trước hết ta phải tiếp xúc cho được với họ.

Ngay tại Làng Mai chúng ta cũng có những vị Bồ tát như vậy. Không hẳn họ phải lớn tuổi, họ phải tu lâu năm. Không hẳn họ là đã xuất gia. Hễ người nào mà ta thấy có sự tươi mát, có sự vững chãi, có sự thảnh thơi, có niềm tin, có hạnh phúc, và sự có mặt của họ là một niềm an ủi cho chúng ta, là đủ rồi, chưa cần phải nói tới những công tác mà họ làm để tạo hạnh phúc cho người đời. Khi lạy xuống, chúng ta phải nhận diện ra họ, thừa hưởng sự có mặt của họ, phải nương tựa họ. Ta nói vui quá, người đó đang còn sống và đang ở ngay sát ta. Nếu không có người đó, chắc mình thiếu hơi nhiều. Tưởng tượng không có người đó thì mình thấy thiếu thốn nhiều lắm! Nhờ thấy vậy mà tự nhiên năng lượng của mình tăng lên rất nhiều.

Có những vị Bồ tát mình đã khám phá ra. Có những vị Bồ tát mình chưa bao giờ khám phá ra, nhưng họ có mặt đó. Trong cái lạy thứ hai, mình phải tiếp xúc cho được với những người đó, và tiếp nhận cho được năng lượng của các vị Bồ tát đó để mà sống. Điều đó rất cần. Chúng ta ai cũng cần năng lượng ấy. Tại vì một ngày nào đó chúng ta có thể thiếu năng lượng, có thể bị cám dỗ, bị bỏ cuộc, là tại chúng ta thiếu năng lượng. Những lúc đó ta có cảm tưởng đang bị sự thất vọng, sự chán nản xúi ta bỏ cuộc, không theo con đường sự nghiệp của Bồ tát nữa. Vì vậy cho nên sự có mặt của các vị Bồ tát trong giây phút hiện tại và quanh ta, là nguồn năng lượng rất lớn mà chúng ta phải tiếp nhận và nuôi dưỡng.

Hãy nhìn lại chung quanh, sư chú này, sư anh này, sư chị kia, sư cô kia, giả dụ người đó không còn nữa, thì sẽ ra sao? Có phải là ta sẽ thiếu rất nhiều hay không?

Nghĩ đến những nước trên thế giới, tại đó chúng ta có những người bạn rất lớn. Họ đang có mặt và làm chỗ nương tựa cho tăng thân ở những nước đó tu học. Mỗi khi ta nghĩ đến họ, ta thấy ấm phổi. Nếu không có họ trấn ở phương đó và làm trụ chống cho tăng thân miền đó, thì ta thiếu biết bao nhiêu! Họ là những vị tướng thiên vương đang đứng rất vững tại địa phương của họ. Đó cũng là những vị Bồ tát. Đừng đòi hỏi Bồ tát là phải có hào quang, vì hào quang đó có thể chỉ bằng đèn Néon!

Bồ tát có thật và có rất nhiều chung quanh ta. Nên nhớ rằng Bồ tát có thể rất trẻ, hiện có mặt khắp nơi trên thế giới, và có thể đang ở trong những hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng họ không chùn bước. Có những người làm việc rất nhiều, họ có tâm rất tốt, nhưng họ không đủ tính vững chãi và thảnh thơi. Vì vậy mà sau một thời gian phụng sự thì họ chán, họ ghét và tình thương của họ bị hao mòn, nên họ bỏ cuộc! Rất tội nghiệp cho những người đó. Tuy nhiên có những người có đồi dào tình thương, có dồi dào sự hiểu biết, có đồi dào sự kiên nhẫn. Chúng ta có thể nhận diện sự có mặt của những người đó, và khi tiếp xúc được với họ, tự nhiên mình có niềm tin, mình có thêm năng lượng. Tất cả các vị Bồ tát đó đều là bạn đồng hành của chúng ta, nếu không có họ, chúng ta sẽ yếu lắm, chúng ta sẽ bỏ cuộc. Bất thối Bồ tát vi bạn lữ, tức là những vị Bồ tát sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Bất thối tức là không bỏ cuộc. Vi bạn lữ, đều trở thành bạn của mình. Mình phải mang họ trong trái tim để đi tới. Nếu không thực tập lạy thứ hai thì làm sao mình tiếp xúc để mình mang họ ở trong trái tim của mình được?

Sau khi đã tiếp xúc được với họ rồi thì mình mới bắt đầu tiếp xúc với những chúng sanh khác, sống cùng thời với mình mà không được vững chãi, không được thảnh thơi, và đang đau khổ trong cuộc đời này. Chúng ta thấy những em bé khuyết tật, những em bé đói trong các trại tị nạn, những người đang nằm dưới lằn bom đạn, đang ở trong tù. Tất cả những người đó là những người đau khổ, đang cần đến lòng từ bi của chúng ta.

Chúng ta thấy con cọp vì đói mà đuổi theo con nai, chúng ta rất lo sợ cho con nai không trốn kịp, và sẽ bị con cọp cắn vào cổ họng, máu trào ra và nó ăn thịt con nai. Ta thương con nai, nhưng đồng thời ta cũng phải hiểu mà thương con cọp, vì đó là phương cách duy nhất để con cọp sống được. Vì vậy khi thấy ta không phải đi săn mà vẫn sống còn được, thì ta biết ta có phước rất lớn. Ta không cần phải cắt cổ một con gà, ta không cần phải thọc huyết một con bò mà ta vẫn sống được. Ta có cơ hội ăn chay, khỏi phải giết con gà, khỏi phải đập đầu con bò, đó là một điều may mắn, một hạnh phúc rất lớn của ta.

Khi ăn chay thì mình biết ơn. Ăn chay mà ngon lành, mà hạnh phúc là nhờ thấy rằng mình ăn chay là may mắn! Có nhiều người nghĩ rằng hôm nay mình bị ăn chay, Ăn như vậy không ngon mà cũng không may mắn gì cả! Mình là người xuất gia thì mỗi động tác trong ngày, mình phải quán chiếu cho sâu sắc. Khi ăn một miếng cà rốt, mình phải nhìn vào trong miếng cà rốt cho sâu sắc, mình thấy cà rốt này từ đâu tới. Không phải nó tới từ người làm vườn mà thôi, nó tới từ đại địa, từ đám mây, từ mặt trời, từ tình thương. Được ăn để sống mà khỏi sát sanh là một niềm hạnh phúc rất lớn.

Chúng ta thấy các loài ăn nhau, rất tội nghiệp. Chúng ta thấy loài người giết nhau, rất tội nghiệp. Giết nhau vì lập trường chính trị khác nhau, vì hận thù, vì nghi ngờ, vì tranh giành quyền lợi của phe phái, của quốc gia, của tình hình kinh tế, rất là tội nghiệp. Mình thấy có vô lượng chúng sanh đang quằn quại khổ đau ở trên thế giới này, và khi lạy xuống, mình đồng nhất mình với tất cả các loài chúng sanh đang đau khổ đó.

Mình thấy con gà đang bị cắt tiết là chính mình, mình thấy con bò đang bị đập vào đầu và chết, hay đang bị đẩy vào lò sát sanh để bị làm thịt, cũng chính là mình. Quý vị đã đi thăm những lò sát sanh thì quý vị thấy, có những con bò sau khi đã được tắm rửa sạch sẽ, bị đẩy đi trong một nẻo vào sát sanh, nó biết đi vào trong đó nó sẽ chết. Nhưng con này đẩy con khác, thì nó phải nối đuôi thôi! Có những con bò biết mình sẽ chết nên nước mắt ràn rụa! Thành ra trong đời có biết bao nhiêu loài chúng sanh đang đau khổ, đang quằn quại. Vì vậy cho nên trong cái lạy thứ hai này ta thấy ta là người đang cắt cổ con gà, và ta thấy ta cũng là con gà đang bị cắt cổ. Đây là một phép quán tưởng mà trong bài thơ "Hãy gọi đúng tên tôi" có nói đến:

Tôi là con phù du thoát hình trên mặt nước, tôi cũng là con chim Sơn ca về kịp để đón bắt phù du. Tôi là con ếch bơi trong hồ thu, tôi cũng là con rắn nước trườn đi tìm cách nuôi thân bằng thân ếch nhái. Tôi là người chế tạo bom đạn để kịp thời cung cấp cho các nước Á Phi. Mà tôi cũng là các em bé ở các nước Á Phi, hai bàn chân của tôi nhỏ bằng hai ống sậy. Tôi là tất cả những thứ đó.

Trong lạy thứ hai này mình đồng nhất mình với tất cả các vị đại Bồ tát để có thêm năng lượng, rồi mình đồng nhất mình với tất cả những nạn nhân của bất công, của bạo lực, để mình phát khởi tâm từ bi.

Cái lạy thứ hai rất khó, nhưng đó là một sự thật rất lớn! Mình có thể sinh ra trong gia đình đó, mình có thể sinh ra trong bộ lạc đó, mình có thể sinh ra làm chủng loại đó, và mình có thể sinh ra trong hoàn cảnh chiến tranh đó. Mình không thoát ra được! Nếu mình sinh ra làm con gà thì mình cũng sẽ bị cắt cổ, tại vì có người muốn ăn tiết canh!

Nhờ quán chiếu sâu sắc, mình mới thấy được mhững điều này, chứ không phải lạy xuống như cái máy mà thấy được đâu! Lạy xuống và phải thấy tất cả những cái đó. Mà thấy được những cái đó thì nước mắt mình có thể chảy ràn rụa, và trái tim mình nó mở ra, giọt từ bi trong trái tim ứa ra như giọt nước cam lộ. Nhưng mình đã có các bạn lớn của mình đây rồi, họ cũng đứng trong trái tim mình để hổ trợ, cho nên mình chịu đựng được những đau khổ đó. Nếu mình chỉ tiếp xúc với phần khổ đau thì mình sẽ không sống nổi! Nhưng may thay chư Bụt và các vị Bồ tát, bạn đồng hành của mình còn đó, mình có chỗ nương tựa, cho nên mình đủ sức tiếp xúc. Nhờ đó mà ta chế biến được chất liệu từ bi mà tiếp tục đi tới.

Với cái lạy thứ hai, mình thấy giữa mình và những người chung quanh, không có biên giới ngăn cách, mình là họ, và họ là mình. Cho nên ở đây đích thực là sự quán chiếu về vô ngã.

Khi lạy xuống mà mình thấy được mình là người đang cầm súng bắn, và mình đồng thời cũng là người đang bị bắn, thì lúc đó cái vô ngã mới trở thành một sự thật, nếu không thì nó chỉ là một lý thuyết mà thôi. Nhờ vậy mình mới cảm thấy thương người bắn và thương luôn người bị bắn.

Tôi đã từng thực tập sự quán chiếu này. Hồi đó tại vịnh Thái Lan có những người hải tặc. Khi những thuyền nhân từ Rạch Giá, Cà Mau dùng thuyền vượt biển qua tị nạn ở Thái Lan, thì những người hải tặc nghĩ rằng những thuyền nhân ra đi, thế nào cũng có một ít tiền, một ít vàng, bạc, vòng xuyến, cho nên họ ra đón để ăn cướp.

Trên thuyền đó có một em bé gái mới 12 tuổi, bị người hải tặc 17 tuổi hãm hiếp ngay trước mặt cha của em! Cha em đến để can thiệp thì bị người hải tặc đó liệng xuống biển. Sau khi bị hãm hiếp, em nhục nhã quá, và đau khổ quá vì cha cũng đã chết rồi, nên em cũng nhảy xuống biển để chết theo!

Tin đó về tới Pháp, và văn phòng của phái đoàn Phật giáo Việt Nam nhận được hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn lá thơ kể tin như vậy từ các trại tị nạn. Thành ra các thầy, các sư cô, sư chú, các bạn làm trong văn phòng, ngày nào cũng khóc hết! Làm sao sống nổi, cho nên họ phải đi thiền hành. Đi thiền hành cho đỡ khổ rồi mới vào làm việc. Có khi làm việc suốt đêm để hoàn thành việc cứu trợ cho những người như vậy.

Đêm hôm nghe tin đó tôi ngủ không được! Ban đầu tôi giận tên hải tặc đó. Nhưng sau khi quán chiếu, tôi thấy người hải tặc đó cũng là mình, nếu giả sử tôi được sinh ra cách đây 17 năm, trong gia đình ngư dân rất nghèo khổ của người hải tặc đó, nghèo khổ từ đời ông sơ cho đến ông cố, ông nội. Ba mình là một người không biết chữ, phải đi làm nghề chài lưới từ hồi 12, 13 tuổi. Những khi không đi đánh cá được thì mình đi chơi lêu lổng với những đứa du côn, du đãng ở trong xóm. Còn mẹ mình cũng là một người đàn bà không biết chữ, không biết cách nuôi con, bị chồng đánh đập, hành hạ, không biết tình thương là gì! Nếu tôi sinh ra trong một gia đình như vậy, thì tôi cũng sẽ trở thành người hải tặc đó. Nghèo khổ từ kiếp này sang kiếp khác, chưa bao giờ ngóc đầu lên nổi, và tới 16 tuổi thì cha mất! Đến năm 17 tuổi, phải gánh lấy nhiệm vụ đánh cá để nuôi mẹ già và đàn em nhỏ. Hôm đó có một đứa bạn đến rủ rê rằng tại sao mày chịu cái nghiệp nghèo khổ từ đời này sang đời khác vậy? Tại sao mình không ra khơi một chuyến? Các thuyền nhân thế nào cũng có của, nếu mình cướp được một ít vàng thì mình sẽ thoát khỏi thân phận nghèo đói, trầm luân kiếp này sang kiếp khác!

Mình mới có 17 tuổi, nên nghe chuyện thì thấy hấp dẫn. Có ai dạy mình thương, có ai dạy mình hiểu đâu? Chỉ nhớ một việc là những thuyền nhân có vàng ngọc thôi. Cho nên mình đồng ý ra khơi để cướp. Đôi khi đi không thấy có vàng ngọc gì cả, nhưng thấy có những cô gái, và thấy những đứa bạn mình làm vậy. Ở ngoài khơi không có cảnh sát, không ai kiểm soát, và đứa bạn còn xúi tại sao mày không thử! Mình đã biết thương, biết nhìn, biết hiểu là gì đâu! Vì vậy cho nên nếu mình sinh ra trong hoàn cảnh đó, lớn lên trong một gia đình như vậy thì mình cũng có thể biến thành hải tặc. Hải tặc được làm bằng những điều kiện. Mình cũng vậy.

Trong đêm đó ngồi thiền và quán chiếu như vậy, tôi thấy rằng dọc theo bờ duyên hải của Thái Lan, đêm hôm đó thế nào cũng có một hai trăm hài nhi được sinh ra trong các ngư thôn. Nếu trên thế giới, những nhà chính trị, những nhà giáo dục, những nhà kinh tế, những nhà văn hóa không chăm sóc cho những hài nhi đó, thì 17 năm sau có thể có cả 100 em trở thành hải tặc! Nếu có cây súng trên thuyền, anh bắn một phát và người hải tặc lăn xuống biển, thì tuy anh cứu được em bé gái đó, nhưng người hải tặc đó lại mất mạng! Nó cũng là một nạn nhân. Từ khi sanh ra cho đến khi 17 tuổi, nó là nạn nhân của sự ngu dốt, của sự nghèo đói, của sự u mê. Không ai dạy nó, không ai giúp nó cả. Anh bắn nó thì nó chết thôi, anh cũng không giúp gì được nó. Vậy thì ai chịu trách nhiệm cho những đứa hải tặc đó? Đêm nay có một hai trăm em được sinh ra ở miền duyên hải Thái Lan. Nếu chúng ta không có từ tâm, không làm gì hết, nếu không có các vị Bồ tát thấy được điều đó, thì mười bảy năm sau, sẽ có 100 hải tặc. Đó là điều không tránh được.

Thấy được như vậy, ta bắt đầu thương được người hải tặc. Cũng tội nghiệp nó mà thôi. Nếu mình sanh ra như nó, mình cũng có thể trở thành hải tặc như nó. Cho nên trái tim mình ứa ra những giọt cam lộ của thương xót đối với tên hải tặc. Và cơn giận của mình đối với người hải tặc nó tan đi.

Nhờ vậy mà tôi thở được và ngủ được một chút, từ 3 giờ sáng đến 5 giờ sáng, để sáng mai dậy làm việc tiếp cho những người thuyền nhân.

Thành ra quán chiếu là điều tối quan trọng. Quán chiếu là để mình đồng nhất mình với những người đau khổ đó, để có thể hiểu được họ, để có thể chấp nhận được họ, và thấy rằng chỉ có từ bi mới là câu trả lời mà thôi. Hận thù không thể nào là câu trả lời được.

Trong bài Hãy gọi đúng tên tôi có câu chuyện đó: Tôi là em bé 12 tuổi, bị làm nhục, nhảy xuống biển sâu. Tôi cũng là người hải tặc sinh ra với một trái tim chưa biết nhìn, biết cảm.

Vậy thì khi lạy xuống cái lạy thứ hai, trước hết mình nên tạo năng lượng bằng cách tiếp xúc với các vị đại Bồ tát không thối chuyển. Sau đó mình mới tiếp xúc với những người khổ đau mà mình biết rằng mình là họ, và họ là mình. Lúc đó những cái ích kỷ của mình, những giận hờn, những thù nghịch của mình sẽ tan biến, và trong tâm mình chỉ còn tình thương mà thôi. Mà có tình thương trong tâm thì tự nhiên mình khỏe ra. Khỏe ra thì mình có thể đi tới được. Lạy thứ hai là như vậy, đây cũng là một sự thực tập vô ngã.

Lạy thứ 3: Buông Bỏ Ý Niệm Về Hình Hài Và Thọ Mạng

Hai cái lạy đó mà thành công được, thì cái lạy thứ ba thành công rất dễ. Còn nếu hai cái lạy đó mà không thành công thì cái lạy thứ ba không thành công được.

Cái lạy thứ ba được tượng trưng bằng một vòng tròn.

Lạy này có dính líu tới giáo lý của kinh Pháp Hoa và của kinh Quán Niệm Hơi Thở. Trong cái lạy thứ ba, khi năm vóc sát đất thì mình buông bỏ ý niệm hình hài này là cái ta của mình. Thiền sư Tăng Hội vào thế kỷ thứ ba tại Việt Nam, gọi là phóng khí xu mạng. Phóng khí tức là letting go. Xu là hình hài của mình. Mạng là giai đoạn sinh mạng của mình, thọ mạng của mình. Giai đoạn đó có thể là 100 năm. Có người sống lâu hơn, nhưng rất ít.Trăm năm trong cõi người ta, đó là "mạng".

Phóng khí xu mạng là buông bỏ ý niệm của mình về hình hài và về thọ mạng. Tại vì mình cứ nghĩ rằng hình hài này là của mình, kỳ thực không phải là của mình, hình hài này là của tổ tiên, là của con cháu. Điều đó mình đã thấy trong cái lạy thứ nhất rồi. Đây là tuệ giác của Bụt.

Một người trẻ sinh ra ở Tây phương có thể nói rằng thân này là của con, con muốn làm gì với thân này thì con làm. Ngay cả người Việt sinh ra ở Tây phương cũng có người nghĩ rằng thân này là của con, ba mẹ không có quyền can thiệp vào việc con muốn làm. Nói theo kiểu đó thì đúng là chưa bao giờ lạy cái lạy thứ nhất. Nếu có lạy cái lạy thứ nhất thì biết rằng thân này không phải là của mình, tâm này cũng không phải của mình, cái tài năng này cũng không phải của mình, mà cái tội lỗi này cũng không phải của riêng mình. Những tài năng và những yếu kém đều không phải là của riêng mình, mà của tất cả. Thấy như vậy thì không bị mặc cảm, mặc cảm tự tôn, hay mặc cảm tự ti đều phát xuất từ ngã hết.

Theo tuệ giác đạo Bụt mà cũng là tuệ giác của dân tộc Việt Nam, thì cái thân này đâu phải là của mình? Thân này là của cha mẹ, của ông bà, của con cháu. Ta phải giữ gìn cho đàng hoàng. Làm cho tiêu hoại thân này là bất hiếu với cha mẹ, là không dễ thương đối với con cháu. Cho nên phải ăn, phải uống, phải ngủ, phải làm việc cho chừng mực. Đó là tình thương, đó là tuệ giác của dòng sinh mạng. Khi dùng nha phiến, dùng những độc tố là mình phá hoại thân mình, và mình cho rằng thân mạng của mình là thân mạng của riêng mình.

Nhìn vào thân mạng mình mà thấy cái này không phải là "cái ta", đó là điều rất quan trọng. Ta ở nơi ông bà, ta ở nơi cha mẹ, ta ở nơi con cháu. Nếu tôi không sợ chết, nếu tôi vượt thoát được sinh tử, đó là nhờ tôi biết thực tập cái lạy thứ nhất, lạy thứ hai, và lạy thứ ba.

Nếu thấy được mình nơi con cháu, nếu thấy được mình đã trao truyền những cái hay nhất của mình, và những cái hay nhất mà tổ tiên nhờ mình trao truyền lại cho con cháu, thì tại sao phải nghĩ rằng mình chết? Tại vì con cháu của mình là sự tiếp nối của mình và mình thấy mình nơi họ, do đó mình không sợ chết nữa, và mình buông được ý niệm về "hình hài này là của mình". Điều đó là rất quan trọng trong đạo Bụt. Ý niệm đó là sai lầm, là vọng tưởng căn bản cần vượt thắng. Cho nên một người có thể chết một cách rất nhẹ nhàng, thanh thoát khi người đó thoát ra được ý niệm hình hài này là của mình.

Thân này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào trong thân ấy. Tôi là sự sống thênh thang. Tôi chưa bao giờ từng sinh, cũng như chưa bao giờ từng diệt.

Đó là bài hát của Làng Mai mà mình có thể hát cho người hấp hối nghe, để người hấp hối thấy rằng đây không phải là sự chấm dứt của cái gì hết. Mình đã lên đường, mình đã được tiếp tục trong trong con cháu dưới mọi hình thức.

Khi lạy xuống tôi thấy rằng tôi đang được tiếp tục bởi các con, các cháu của tôi. Tại sao lại nghĩ rằng tới giờ đó là tôi chấm dứt? Không! Tôi đâu có chấm dứt! Tôi đã tuyên bố rằng tôi sẽ leo lên ngọn đồi thế kỷ với các con của tôi rồi mà! Đó là kết quả của mấy cái lạy.

Buông bỏ gì? Buông bỏ cái ý niệm thân này là mình, và buông bỏ ý niệm thọ mạng trên dưới 100 này là mình. Mình đã học trong kinh Pháp Hoa rằng thọ mạng của Bụt là vô lượng. Đức Di Đà cũng có thọ mạng vô lượng, cho nên mới gọi là Di Đà. Nghĩ cho cùng thì thọ mạng của bất cứ một sinh vật nào cũng là vô lượng. Cũng như thọ mạng của một ngọn lá. Đã nhiều lần tôi nói trong những bài pháp thoại rằng, khi đi thiền hành mùa Đông và mình sắp giẫm lên một ngọn lá chết (Làng Mai gọi là lá chín), thì ban đầu mình tưởng rằng lá này nó đang từ có mà trởthành không. Nhưng nếu tiếp xúc với nó một cách sâu sắc thì mình thấy rằng lá này nó giả đò chết thôi.

Sáng nay đi với một sư chú, tôi nói rằng tuyết này làm cho lá trở về rất mau. Tại vì tuyết làm cho lá mục rất mau để lá có thể trở về với cây, và có thể tháng Tư sang năm, mình sẽ thấy lá này trở lại dưới một hình thức khác. Dưới hình thức sinh diệt, nhưng có cái không sinh và không diệt ở trong đó. Tôi chưa bao giờ từng sinh mà tôi cũng sẽ không bao giờ từng diệt.

Khi mình đau khổ, là tại vì cái ngã. Cái ngã đó nó cho mình thấy cái thân này là của mình, và thọ mạng 100 năm này là của mình. Mình chỉ sống được chừng đó thôi, mình không thấy được sự thật là thọ mạng của mình cũng vô lượng như là thọ mạng của Bụt. Lạy thứ ba là để làm chuyện đó. Khi lạy xuống ta buông bỏ hai ý niệm: Thân này là của tôi và đời sống của tôi chỉ giới hạn trong vòng 100 năm. Khi lạy như vậy là ta trở thành bất tử.Người tu Lão giáo họ phải luyện thuốc trường sinh, nhưng người tu đạo Bụt, không cần luyện thuốc trường sinh. Chỉ cần quán chiếu là thấy được tự tính không sinh, không diệt của mình, và mình trở thành bất tử. Đó gọi là Vô sinh. Vô sinh là mục đích của thầy tu. Tu là để thấy được rằng mình không sinh, mà không sinh tức là không diệt.


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][]