TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

MỤC LỤC

TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai

8. Nghệ thuật nói

THIÊN THẦN BẢO HỘ

NGƯỜI VỆ SĨ TÀI BA

TIẾNG GẦM CỦA SƯ TỬ LỚN

NGHỆ THUẬT NGHE TRONG KHI NÓI

CHÁNH NGỮ

NGHỆ THUẬT KHÔNG NÓI


Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai

8. Nghệ thuật nói

THIÊN THẦN BẢO HỘ

Hồi còn bé, một hôm tôi thấy mấy tấm hình của những người theo đạo Ki-tô, những tấm hình in bằng màu rất đẹp, trong đó tôi thấy một người đang được một thiên thần bảo vệ. Dù người đó đang đi, đang đứng, đang ngồi, hoặc đang làm việc, thì phía sau luôn luôn có một thiên thần bảo vệ cho người đó. Hình ảnh đó rất là hấp dẫn.

Khi mình đi, mình đứng, mình làm việc thì có thể có những hiểm nguy, những tai nạn đang chờ mình. Nếu lúc đó mình được một thiên thần vô hình, luôn luôn theo sát mình để bảo vệ thì đó là điều rất quí mà ai cũng mong ước được như vậy. Ai cũng mong có một thiên thần đi theo để bảo vệ, để yểm trợ hàng ngày. Tôi còn nhớ rất rõ bức tranh in màu thật đẹp, và thiên thần có đôi cánh trắng như tuyết.

Tuổi thơ nên thấy như vậy thì rất lấy làm thích thú. Tôi nói rằng ước gì mình có một thiên thần như vậy đi theo, để yểm trợ mình suốt 24 giờ đồng hồ trong một ngày. Ví dụ mình đi thụt lui, sắp té xuống hố sâu thì thiên thần đưa tay ra đỡ và tự nhiên mình ngừng lại, không đi thêm nữa, cho nên mình khỏi bị rơi xuống hố!

Trong tín ngưỡng bình dân ở Việt Nam cũng có những điều tương tự như vậy: Mỗi người trong chúng ta đều được một thiên thần yểm trợ. Chúng ta có những bà chúa như là Chúa Thượng Ngàn, tức là chúa rừng; có Mẫu Thủy, tức là chúa ở dưới nước; hay những nhân vật như bà Chúa Liễu Hạnh. Họ đều là những vị thần linh, đi sát để bảo vệ chúng ta. Ngoài các vị đó ra, còn có biết bao nhiêu nhân vật khác tùy tùng họ. Cho nên nếu chúng ta có tín ngưỡng nơi Chúa Liễu Hạnh, nơi Mẫu Thủy, thì các vị chúa đó sẽ cử một thiên thần, một Cô, hay một Cậu nho nhỏ, rất là linh thiêng, đi theo để yểm trợ cho chúng ta trong đời sống hàng ngày.

Tín ngưỡng đồng bóng ở Việt Nam là một tín ngưỡng rất phổ thông, rất hấp dẫn đối với quần chúng. Trong tín ngưỡng đó người ta tin rằng mỗi người trong chúng ta, nếu là một tín đồ chân thành, thì luôn luôn được một hình bóng đi theo yểm trợ cho mình.

Trong đạo Bụt, chúng ta cũng học một phương pháp gọi là phòng hộ, tại vì tất cả chúng ta đều có khuynh hướng lo sợ cho an ninh của mình, không biết tai nạn xảy ra lúc nào, cho nên mình rất cần có một lực lượng để yểm trợ và phòng hộ cho mình.

Khi tu tập, mình biết rất rõ rằng chánh niệm là vị thiên thần đó, luôn luôn sẵn sàng để bảo trợ cho mình. Trong thực tập của chúng ta, chúng ta làm thế nào để vị thiên thần bảo trợ đó luôn luôn có mặt, trong khi đi, khi đứng, khi nói, khi cười, hay trong khi làm việc, để chúng ta khỏi rơi vào những tai nạn. Những thực tập này rất là khoa học chứ không có một chút mê tín, dị đoan nào cả.

Khi có chánh niệm, chúng ta đi và biết mình đang đi, đứng và biết mình đang đứng, nói và biết mình đang nói, thì vị thiên thần bảo hộ đó luôn luôn có mặt. Khi vị thiên thần đó có mặt thì chúng ta biết thiên thần đang có mặt, khi thiên thần không có mặt, ta cũng biết thiên thần không có mặt. Quan trọng hơn nữa là ta có thể "mời" vị thiên thần đó đến giúp ta bất kỳ lúc nào mà ta không cần phải xin xỏ, khấn vái, lạy lục. Ta chỉ có thể rơi vào cảnh tai ách khi vị thiên thần đó không có mặt mà thôi. Thiên thần đó có trong ta và nếu ta muốn thì thiên thần đó sẽ bảo hộ cho ta suốt ngày đêm, đó là một vệ sĩ thường trực. Vị cận vệ này không phải chỉ lo an ninh cho thân thể của ta như người đời thường làm, mà còn lo an lạc cho tâm hồn của ta nữa.

Trong những người xuất gia cùng thời với thầy A Nan, có một thầy tên là Bhaddiya, nguyên là vị tổng trấn thời đó, quyền chức rất lớn, còn trẻ, và thuộc hoàng gia. Khi đang làm tổng trấn, ông luôn luôn có một đạo binh đi theo. Tại vì làm lớn, mình có nhiều kẻ thù, cho nên mình phải có nhiều vệ sĩ đi theo để bảo vệ. Ăn cũng có người gác, ngủ cũng phải có người gác, tại vì thân mạng mình có thể bị ám hại nếu để cho kẻ thù đến gần.

Khi Bhaddiya xuất gia rồi thì rất thảnh thơi, và thầy không cần có người lính nào đi theo để bảo vệ nữa. Một đêm kia ngồi thiền, thầy cảm thấy hạnh phúc quá chừng, không còn sợ hãi gì hết. Thay vì có một toán lính canh giữ, thì thầy chỉ có chánh niệm bảo vệ mình thôi. Vì vậy trong đêm ngồi thiền đó, cái cảm giác an ninh và hạnh phúc đó làm cho thầy thốt lên mấy lời: Ôi hạnh phúc của tôi! Ôi hạnh phúc của tôi! Thầy nói hai lần như vậy. Một thầy ngồi bên cạnh, không hiểu chuyện gì xảy ra, nên có tri giác sai lầm và nghĩ rằng ông thầy này tiếc nuối thời hống hách khi còn là tổng trấn, cho nên thầy lên trình với Bụt. Bụt biết rằng thầy này nghi không đúng, cho nên Bụt gọi thầy Bhaddiya đến để hỏi trực tiếp, để giải tỏa mối nghi của vị thầy kia.

Bụt hỏi thầy Bhaddiya rằng: Hồi hôm trong giờ thiền định thầy có thốt lên hai lần câu Ôi hạnh phúc của tôi! Ôi hạnh phúc của tôi! có đúng vậy không? Thầy Bhaddiya thưa: Bạch đức Thế Tôn, có. Bụt hỏi tại sao thầy thốt lên lời đó? Thầy Bhaddiya mới cắt nghĩa rằng: Ngày xưa làm tổng trấn, con nơm nớp sợ hãi ngày đêm. Luôn luôn có những đám lính phòng vệ, mà con vẫn ăn ngủ không ngon. Giờ đi tu rồi, không có lính phòng vệ, nhưng con rất an lạc, rất hạnh phúc. Vui mừng quá con không kềm hãm được, cho nên con mới thốt lên lời đó. Nếu con có làm rộn một vài người bạn tu trong thời thiền hôm qua, thì con xin sám hối. Sau khi biết như vậy thì tri giác sai lầm của thầy kia tan biến.

NGƯỜI VỆ SĨ TÀI BA

Chúng ta cũng có một người cận vệ thượng hạng, không một người lính chuyên nghiệp nào ở ngoài đời có thể sánh bằng. Đó là chánh niệm của chúng ta. Chánh niệm giúp ta bước những bước thảnh thơi; đứng, ngồi, ăn, uống và pháp thân lộ rõ. Đơn giản chỉ có vậy.

Tuy đơn giản nhưng không phải muốn là mình làm được, là mình "mời" được người cận vệ đến. Mình phải thực tập.

Cho nên mình phải tổ chức những khoá tu ba ngày, năm ngày hay ba tháng để chỉ thực tập điều đó mà thôi. Ví dụ trong khóa tu bảy ngày, mỗi bước chân đi là ta đi theo phương pháp thiền hành, mỗi bước chân đều có vệ sĩ chánh niệm đi theo, không để cho một bước chân nào lọt ra khỏi con mắt quán sát của chánh niệm. Tu tập như vậy trong một vài tuần lễ thì tự nhiên ta có một thói quen, một tập khí mới. Như vậy thì trong giờ phút nào, trong bước chân nào, mình cũng có thiên thần bảo vệ cho mình. Đây là một chuyện rất khoa học, rất thật. Khi vị thiên thần đó có mặt thì mình biết, mà khi mình bơ vơ một mình, có thể sa hầm hố, thì mình cũng biết! Cho nên tiếp xúc với hạt giống chánh niệm, mời chánh niệm lên ở với mình 24 giờ trong một ngày, là pháp môn của Làng Mai.

Trong đời sống hàng ngày chúng ta có thể đánh mất cái khả năng đó, chúng ta chưa được tập luyện, chúng ta có tập khí, có khuynh hướng muốn chạy, và khi chạy như vậy thì chúng ta đánh mất những giây phút của sự sống hàng ngày. Chúng ta có thể là một nhân vật rất quan trọng, có nhiều người muốn đến gặp chúng ta. Chúng ta có nhiều vấn đề quan trọng cần giải quyết, và trong ngày chúng ta luôn luôn bận rộn. Chúng ta bị kéo theo những nhiệm vụ, những công tác đó. Như vậy thì tuy là người quan trọng nhưng chúng ta không sống được cuộc đời của chúng ta, chúng ta bị công việc sai sử.

Một vị thiền sư đã nói: Này quý vị, quý vị bị 24 giờ một ngày sai sử, còn tôi thì tôi sai sử 24 giờ đồng hồ một ngày. Câu nói đó có khó hiểu gì đâu? Ai cũng có 24 giờ đồng hồ để sống cả, nhưng người này thì bị 24 giờ đồng hồ sai sử, nghĩa là phải chạy theo thì giờ, còn vị thiền sư kia thì sai sử được cả 24 giờ đồng hồ mỗi ngày. Sai sử được là nhờ mình có chủ quyền. Có chủ quyền là nhờ mình có chánh niệm. Pháp môn Làng Mai là làm thế nào để mình có chủ quyền trong 24 tiếng của đời sống hàng ngày. Muốn được như vậy, mình phải tập tành, phải tu luyện. Những người anh, người chị, người em của mình, ở chung với mình tại đây cũng đang làm chuyện đó, đang tu luyện như vậy.

Chúng ta đâu cần phải thiên kinh vạn quyển mới có thể tu luyện được? Chỉ cần bước đi, chỉ cần ngồi xuống, chỉ cần mỉm cười, chỉ cần thở là mình có thể mời người vệ sĩ đó tới, mời vị thiên thần bảo hộ đó tới với mình, ngồi với mình, ăn cơm với mình! Nhờ vậy mà mình sống trong an ninh, trong hạnh phúc.

Có vị thiên thần chánh niệm bên mình thì mình sống giây phút đó rất sâu sắc, và mình khám phá ra được chiều sâu của những cái đang có mặt, và hạnh phúc của mình lớn lên gấp mười, gấp trăm lần. Ví dụ khi ăn sáng, chúng ta cũng ăn Corn Flakes với sữa, nhưng nếu không có chánh niệm thì chúng ta đâu có thực sự ăn Corn Flakes? Chúng ta đang ăn quá khứ, ăn tương lai, ăn lo sợ của chúng ta! Trong khi đó, Corn Flakes là rất mầu nhiệm. Nó là những hạt bắp, những dòng sữa chứa đựng những mầu nhiệm của vũ trụ. Khi chánh niệm đang ngồi với ta, đang cùng ăn sáng với ta, thì tự nhiên ta tiếp xúc được với những hạt bắp đó, những giọt sữa đó một cách rất sâu sắc. Chúng ta thấy những thức chúng ta đang ăn là có cả vũ trụ, có mặt trời, có đám mây, có gió mùa Thu, có đại địa. Vị ngọt của những hạt bắp, vị béo của những giọt sữa là mầu nhiệm vô cùng. Nếu an trú được trong lúc ăn sáng thì hạnh phúc đã tràn trề rồi, đâu cần phải ăn xong rồi mới làm được những việc quan trọng? Nó quan trọng ngay trong lúc mình đang ăn sáng!

Trong một khóa tu cho thiếu nhi ở tại Cali., một hôm tôi hỏi các bé thiếu nhi người Mỹ: Ăn sáng để làm gì các con? Thì một em hăng hái nói: Ăn sáng là để có năng lượng trong ngày. Em bé rất tự tin trong câu trả lời. Rất đúng, rất khoa học, ăn là để có năng lượng mà làm việc. Người ta cũng thường quảng cáo các thức ăn sáng như vậy: Nếu anh muốn có hạnh phúc trong ngày thì anh phải ăn các thức ăn sáng mà chúng tôi đang bán đây!

Vậy thì chuyện ăn chẳng qua chỉ là phương tiện mà thôi. Trong khi đó thì chuyện ăn của chúng ta ở Làng Mai là một cứu cánh chứ không phải chỉ là một cái need. Vì vậy dù ăn cháo trắng, cháo đậu xanh, hay Oat Meal hay Corn Flakes, thì chúng ta phải ăn như thế nào để cho thức ăn đó trở thành mầu nhiệm, để ta trở thành mầu nhiệm, để hạnh phúc có mặt.

Không có vị nào ngồi trong pháp đường này mà không biết chuyện đó. Tại vì quý vị đã học và đã nghe. Vấn đề là quý vị có làm hay không mà thôi. Sáng nay mình có ăn như vậy không? Nếu mình không ăn như vậy thì mình hơi mắc cở một chút. Nhìn sư anh, nhìn sư chị. sư em mình mỉm cười và tự nói: Thôi, sáng mai mình phải ăn đàng hoàng hơn! Đó là điều mà Bụt, mà thầy, và mọi người đang chờ đợi. Mình thành đạo được là do chỗ mình biết ăn corn flakes buổi sáng. Mình ăn với sự có mặt của thiên thần bảo hộ mình. Ăn mà sáu căn hoàn toàn được phòng hộ.

Đức Thế Tôn nói rằng chúng ta đã từng trôi lăn trong muôn ngàn kiếp trước, và chúng ta phải thức tỉnh để dừng lại, đừng bị trôi lăn nữa. Chuyện có muôn ngàn kiếp trước hay không, thì chúng ta có thể bàn cãi với nhau. Nhưng sự thật là chúng ta đang trôi lăn trong giây phút hiện tại. Trôi lăn trong biển sinh tử ngay trong giây phút ngồi ăn sáng. Đó là một điều rất đáng tiếc. Nhất là khi mình có vị thiên thần có cánh luôn luôn ở bên cạnh để sẵn sàng bảo hộ mình, che chở mình, mà mình không biết nhờ! Nếu chúng ta muốn thì vị thiên thần đó sẽ hiện ra, đi theo chúng ta trong mỗi giây phút của cuộc sống. Điều này không có gì là triết lý, không có gì là phỏng đoán, là lý luận hết. Đây là sự thật. Tại vì thiên thần đó là năng lượng của chánh niệm, mà năng lượng của chánh niệm thì chúng ta có.

Khi cầm một cái ly lên để uống nước, chúng ta có thể cầm lên với năng lượng của chánh niệm. Thiên thần cùng cầm ly lên với ta. Cầm cái ly lên và ta biết ta đang cầm ly lên. Lúc đó ta đang an trú, và cử chỉ đó là cử chỉ của một vị Bụt. Ta là Bụt trong giây phút đó, tại vì khi cầm cái ly lên, ta biết ta đang cầm ly lên, ta có mặt hoàn toàn trong giây phút hiện tại.

TIẾNG GẦM CỦA SƯ TỬ LỚN

Làm Bụt là một chuyện hão huyền, viễn vông hay không? Không! Làm Bụt là chuyện chúng ta có thể làm được trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày. Chúng ta là sư tử con mà chúng ta cứ có cảm tưởng mình là khỉ con. Quý vị có còn nhớ câu chuyện do Bụt kể về một con sư tử con, được mẹ khỉ nuôi không? Chuyện này là do chính đức Thế Tôn kể lại trong một thời pháp để giúp mọi người hết mặc cảm và tạo được niềm tin nơi chính mình:

Ngày xưa có một con sư tử mẹ mang thai đã được nhiều tháng. Em bé ở trong bụng mẹ đã khá lớn, cho nên hơi nặng, vì vậy mà sư tử mẹ di chuyển hơi khó khăn, không nhẹ nhàng và nhanh nhẹn như hồi còn là thiếu nữ.

Hôm đó vì bụng đói nên sư tử mẹ đi kiếm mồi. Khi thấy một con nai, sư tử mẹ đuổi theo. Con nai băng rừng chạy trốn. Cuộc đuổi bắt kéo dài đến bảy tám phút mà sư tử mẹ vẫn không đuổi kịp con nai. Đến một thung lũng thì con nai nhún người nhảy sang bên kia triền núi. Sư tử mẹ nghĩ rằng nếu mình chịu thua, không nhảy theo thì mình bị mất con mồi. Cho nên sư tử mẹ liền hạ mình xuống, nhún chân và nhảy sang theo. Chẳng may trong khi cố gắng như vậy để nhảy sang bờ bên kia của thung lũng, sư tử mẹ làm rơi sư tử con ra khỏi lòng mình!

Khi đặt chân sang được bờ bên kia thì sư tử mẹ biết ngay rằng mình đã mất đứa con trong bụng! Con mình đã rơi xuống hố sâu! Sư tử mẹ buồn quá, nghĩ rằng đứa con mình cưu mang bao nhiêu tháng nay, thương yêu suốt thời gian thai nghén, nhưng giờ này, chỉ vì sơ ý một chút mà con đã bị rơi xuống vực thẳm, có lẽ đã tan xương nát thịt!

Sư tử mẹ ngồi lại bên bờ thung lũng khóc than, buồn tủi. Bây giờ không còn thấy đói nữa, bây giờ có vàng đó sư tử mẹ cũng chẳng màng.

Nhưng sư tử mẹ không biết được chuyện gì đã xảy ra cho sư tử con. Lúc sư tử mẹ nhảy sang triền núi thì ở dưới thung lũng có một con khỉ đang chuyền cành hái trái cây. Đột nhiên khỉ thấy một bọc gì rơi xuống, khỉ ta liền đưa tay ra và ôm lấy được bọc đó. Nhìn kỹ lại, khỉ nhận ra rằng đây không phải là một trái cây từ trên cao rơi xuống mà là một sinh vật nhỏ bé, mềm mại, dễ thương. Khỉ ta cũng rất thông minh nên biết rằng đây là một sự sống, cho nên một tay nó ôm sinh vật nhỏ bé, một tay chuyền cành đem về nuôi.

Từ đó sư tử con, một cô bé non dại, được nuôi bằng sữa loài khỉ, và không bao giờ ăn thịt mà chỉ ăn trái cây, hoa cỏ. Cô sư tử con được ăn chay trường!

Lớn lên trong tình thương đó, sư tử con trở nên hiền lành, nhu mì dễ mến. Cô học cách leo trèo, chuyền cành và đu từ cành này sang cành khác giống như mấy chú khỉ con cùng đàn. Chỉ trong vòng vài tháng là sư tử con quen nếp sống loài khỉ. Điều ngộ nghĩnh nhất là cô bắt chước được tiếng kêu chít chít của loài khỉ! Thường thì sư tử chỉ quen gầm, quen rống chứ không bao giờ biết kêu chít chít.

Sư tử con được ôm ấp, nuôi dưỡng trong cánh tay của bà mẹ nuôi, suốt ngày chơi đùa với những con khỉ khác, nên cô có rất nhiều hạnh phúc và cứ nghĩ rằng mẹ mình là bà mẹ khỉ. Cô không bao giờ được nghe đến tên gọi là sư tử. Cô có một gia đình đầm ấm, có mẹ, có anh, có chị em, có bạn bè, có chú, có cô, có bác. Tất cả đều thuộc dòng họ nhà khỉ.

Một hôm tình cờ sư tử mẹ đi qua và chợt thấy có một con sư tử con đang chơi đùa, đang sống chung hạnh phúc với đàn khỉ. Sư tử mẹ hết sức ngạc nhiên! Nó thấy sư tử con cũng kêu chít chít như loài khỉ, cũng leo cành, cũng hái trái cây ăn giống hệt như loài khỉ. Nhưng nhìn kỹ lại thì sư tử mẹ biết đây là con của mình! Sư tử mẹ mừng quá, con mình đang còn sống! Hãy tưởng tượng niềm vui lớn lao của sư tử mẹ lúc đó!

Trong cơn mừng vui bồng bột đó, sư tử mẹ không suy nghĩ chín chắn, nên chạy vội đến và kêu rằng: Con ơi con! Con là con của mẹ, con là sư tử con, con không phải là khỉ con! Con hãy về với mẹ.

Sư tử con ngơ ngác nói rằng: Tôi đâu phải là con của bà? Tôi là con của mẹ khỉ, tôi đã sống với gia đình này từ hồi mới lọt lòng mẹ mà! Mỗi ngày tôi đều chơi đùa với anh em tôi, leo cây, chuyền cành, hái trái, rất là hạnh phúc. Bà đừng nói sai nữa, tôi là khỉ, bà không giống chúng tôi, bà đi chỗ khác đi, đừng quấy rầy chúng tôi nữa!

Sư tử mẹ biết mình đã vụng về. Con mình đứng đó nhưng vì vụng về nên mình làm cho con mình giận, không còn nhận mình là mẹ nữa. Chuyện này cũng xảy ra rất thường trong xã hội loài người. Mẹ con mà không nhận nhau, xem nhau như người lạ, xua đuổi nhau, là chuyện xảy ra rất thường trong loài người, đừng nói đến loài cầm thú.

Tuy vậy, vì lòng thương nơi sư tử mẹ rất lớn nên sư tử mẹ quyết tâm làm đủ mọi cách để có thể thiết lập liên lạc được với đứa con, hầu đưa con về với gia đình, dòng họ sư tử. Muốn làm được điều đó sư tử mẹ phải có rất nhiều thương yêu, kiên nhẫn, và trí tuệ. Bà nghĩ rằng nếu mình đến một lần nữa mà không chuẩn bị thì lại một lần nữa sẽ thất bại. Sư tử mẹ trầm tư, đi những bước rất chậm để suy nghĩ. Bà đi thiền hành để nhìn sâu vào sự việc, tìm cách nói cho con mình hiểu. Bà cố tìm những phương pháp rất thông minh để con mình chấp nhận rằng nó không phải là khỉ, mà nó là dòng giống của loài chúa sơn lâm.

Một hôm sư tử mẹ rình thấy khỉ mẹ đã đi vắng, và những con khỉ khác trong đàn cũng đã ra bìa rừng hái trái cây. Chỉ còn sư tử con đang nằm trông chừng nhà. Sư tử mẹ liền lần đến, giả vờ kêu chít chít (bà tập nói ngôn ngữ của người mình thương!-Kinh Pháp Hoa cũng có câu: Ngài về đây tập tiếng nói loài người!). Sư tử con nhìn ra và khi thấy sư tử mẹ thì không muốn nhìn, quay mặt đi nơi khác!

Sư tử mẹ liền lên tiếng xin lỗi: Xin lỗi cô, hôm trước tôi dại quá nên đã nói những điều làm cô giận. Sư tử mẹ đang áp dụng pháp môn ái ngữ! Cô là khỉ mà tôi dám nói cô là sư tử! Thôi cô cho tôi xin lỗi. Chúng ta có thể là bạn chơi với nhau vài phút được không?

Sư tử con nghĩ bụng: Bà này hôm nay ăn nói có vẻ dễ thương quá, mình là khỉ và được công nhận là khỉ thì đó là một điều rất tốt. Cho nên sư tử con trả lời: Được, bà muốn chơi với khỉ thì tôi cũng vui lòng chơi với bà. Bà có muốn ăn trái cây không?

Sư tử mẹ tuy chẳng bao giờ ăn trái cây nhưng đành phải nói: Có chớ, tôi thích trái cây lắm! Cô cho tôi xin một trái được không! Sư tử con vui quá bèn nhảy lên cây, hái một trái cây lớn để tặng cho người bạn mới của mình.

Nhờ sư tử mẹ áp dụng phương pháp ái ngữ rất hay, cho nên chỉ trong vòng mươi phút sau là sư tử mẹ đã có thể mở lời rủ sư tử con đi thiền hành: Trời hôm nay đẹp quá, cô đi dạo với tôi một lát được không?

Sư tử con đồng ý. Hai sư tử thảnh thơi dạo bước trong khu rừng sâu, nơi có những cây già cả ngàn năm, có những rặng núi chập chùng hùng vĩ, có những dòng suối róc rách lượn quanh thơ mộng.

Khi hai sư tử đi đến một bờ hồ trong vắt thì dừng lại để uống nước. Nhìn xuống mặt hồ yên lặng, vì là nước tĩnh nên lặng chiếu hình hai mẹ con rất rõ ràng, như nhìn qua một tấm kính trong. Sư tử mẹ vốn thông mình nên nắm lấy cơ hội: Này cô, mình khoan uống nước đã! Cô nhìn xuống đáy hồ xem có thấy gì không?

Sư tử con nhìn xuống và thấy người bạn mình là sư tử mẹ, bên cạnh bạn mình lại thấy có một con vật giống hệt sư tử mà không phải là mình. Đó là bóng của sư tử con nhưng cô không nghĩ rằng hình ảnh đó chính là mình. Lâu nay cô vẫn tin rằng mình trông giống như những khỉ con khác. Cô chưa bao giờ có dịp thấy được diện mục của chính mình!

Sư tử con bèn quay lại hỏi: Bà ơi, tôi thấy hình bà dưới đó, còn hình bên cạnh là hình ai vậy? Tại sao tôi đứng cạnh bà, nhưng lại không có hình tôi ở dưới đáy hồ mà lại có hình của ai giống bà quá vậy?

Sư tử mẹ mới nói: Cô hãy lè lưỡi ra xem. Sư tử con lè lưỡi thì bóng của nó ở đáy hồ cũng lè lưỡi theo. Nó lấy làm lạ quá! Sư tử mẹ nói tiếp: Cô nhăn mặt lại xem. Sư tử con nhăn mặt và thấy bóng dưới đó cũng nhăn mặt theo. Sư tử mẹ mới đến gần và nói: Này cô, cô thử mỉm cười đi xem. Sư tử con mỉm cười và nó ngạc nhiên thấy hình sư tử con ở đáy hồ mỉm cười lại với mình.

Sư tử con nhìn sững hai hình bóng của sư tử ở đáy hồ và bắt đầu nghi rằng mình là dòng giống sư tử chứ không phải là loài khỉ! Lúc đó trong tâm của cô có một sự chuyển động rất lớn. Một điều xưa nay cô chưa bao giờ nghĩ đến, nay mới bắt đầu thấy.

Sư tử mẹ thấy được nét mặt và sự chuyển đổi trong lòng sư tử con, bà hiểu rằng con mình đã thấy được sự thật. Vì vậy sư tử mẹ liền gầm lên một tiếng thật lớn. Sư tử con tự nhiên thấy bao nhiêu hạt giống sư tử của mình sống dậy trong lòng, cô lấy lại được phong độ dòng giống sư tử của mình, nên cũng bắt chước gầm lên một tiếng của loài sư tử! Tiếng gầm sư tử mẹ được tiếng gầm sư tử con nối tiếp, khu rừng chuyển động vì tiếng gầm của hai chúa sơn lâm!

Khi nghe con mình gầm lên được một tiếng của loài sư tử, sư tử mẹ liền nhún người nhảy qua bờ suối và chạy vào rừng sâu. Sư tử con cũng vươn vai, nhún chân nhảy qua bờ suối, để chạy theo mẹ.

Từ đó về sau hai mẹ con sống một cuộc đời đoàn tụ, hạnh phúc.

Bụt kết luận rằng các con là sư tử con, các con không phải là loài khỉ. Nhưng từ ngàn vạn kiếp trước, các con đã nghĩ rằng mình là loài khỉ, thành ra các con có mặc cảm. Các con có thể trở thành một bậc toàn giác. Các con có thể thành Bụt.

Điều này rất là đơn giản. Khi cầm một cái ly lên và mình có mặt hoàn toàn với tất cả chánh niệm của mình, thì lúc đó mình là sư tử con. Sư tử con cũng là sư tử! Học trò của Bụt là Bụt. Vấn đề là mình có muốn làm Bụt hay mình vẫn muốn làm khỉ con? Khi làm khỉ con thì tất cả những điều mình làm đều là của loài khỉ.

Vì vậy cho nên khi mình có những chức vụ lớn như là tăng thống, như là viện chủ, hay là trụ trì, nếu mình đam mê công việc, mình ưa thích công việc, mình thoả mãn với chức vụ của mình và mình sống trong thất niệm, thì mình không phải là sư tử con, mình không phải là con của Bụt, rất uổng cho cuộc đời của mình. Vì vậy mình nên nghe tiếng gầm của sư tử mẹ, và tiếng gầm đó đang vang dội trong không gian: Con ơi hãy tỉnh lại, con khôngphải là khỉ, con là sư tử con.

Đức Thế Tôn đang gầm tiếng gầm của con sư tử lớn. Kho tàng kinh điển có một kinh gọi là kinh Tiếng Gầm Sư Tử Lớn, dạy mình phải học hành xử như một con sư tử. Khi là sư tử rồi thì mình là chúa tể của muôn loài. Muôn loài ở đây là muôn hạt giống, muôn tính tật có mặt trong ta. Mình phải có tự do, phải có chủ quyền. Mình không bị khổ đau tràn ngập, tước đoạt chủ quyền của mình nữa. Mình không để cho năm dục nó dày xéo, hủy hoại thân và tâm của mình nữa. Mình có thiên thần bảo hộ, mình sống an ninh và hạnh phúc.

NGHỆ THUẬT NGHE TRONG KHI NÓI

Trong những bài pháp thoại trước đây, chúng ta đã học về sự thực tập lắng nghe. Lắng nghe là một thực tập rất quan trọng. Khi biết nghe thì mình có thể đem vào trong người mình không biết bao nhiêu là hạnh phúc, mình chuyển hóa được không biết bao nhiêu là khổ đau trong tâm. Mình đã học như vậy và mình cũng đã học những phương pháp để biết cách lắng nghe.

Khi biết lắng nghe, mình có thể làm cho người kia bớt khổ. Vì vậy nghe là một pháp môn rất lớn. Nghe như thế nào để có hạnh phúc, để có chuyển hóa, và để tháo tung những ranh giới giữa mình và người, để thấy cái một trong tất cả, và tất cả trong cái một. Để thấy không còn một sự chia cách, kỳ thị. Cái nghe đó vượt ranh giới của chủ thể nghe và của đối tượng nghe. Cái nghe đó trở thành viên thông, perfect listening.

Chỉ nghe thôi là đã có thể đưa mình tới sự chứng đạt quả vị giác ngộ rồi. Cho nên các sư cô, các sư chú hãy viết một luận án về pháp môn nghe trong đạo Bụt, pháp môn đế thính, bi thính. Viết cho kỹ và viết trên cơ bản những kinh nghiệm thực tập của riêng mình. Nội thực tập phương pháp nghe cũng đủ để cho chúng ta thành công trong việc tu tập rồi. Biết nghe nó đem lại an lạc, hạnh phúc, nó chuyển hóa khổ đau, và giúp thiết lập lại tình thương cho người nói.

Viết luận án đó là để trình bày với chính bản thân mình, để biết rằng mình đã nắm được pháp môn tu tập, mà hướng dẫn những người mình có phận sự hướng dẫn, trong đó có bạn bè của mình, có học trò của mình. Nếu chưa có thì giờ để viết được thành văn, thì phải ghi lại các kinh nghiệm của mình trong một cuốn tập, hầu sau này có cơ hội, mình sẽ làm chuyện viết luận án đó. Mình đã tập nghe như thế nào, mình đã chuyển hóa được khổ đau của mình như thế nào, mình đã tiếp nhận được gì, mình đã đạt được hạnh phúc nào trong khi nghe, và mình đã làm cho người khác bớt khổ như thế nào khi mình ngồi nghe người kia nói.

Nghệ thuật nghe có liên hệ đến cách nói. Vì vậy hôm nay mình phải học về nói. Nói và nghe thuộc về phạm vi của giới thứ tư ở trong Năm giới. Nếu chúng ta chưa biết nghe thì chúng ta cũng chưa biết nói. Chúng ta học chánh ngữ và thực tập chánh ngữ sẽ không thành công nếu chúng ta không biết học hỏi và thực tập về chánh thính hay là đế thính. Chánh ngữ là một trong tám chi phần của Bát Chánh Đạo.

CHÁNH NGỮ

Chúng ta có danh từ Chánh ngữ, và chúng ta cũng có nhiều danh từ khác, ví dụ như Bất vọng ngữ; hay Bất cuốn ngữ; hoặc Như thật ngữ. Tất cả đều rất hay!

"Thật" là bản thân của thực tại, như là hoa trong bản thân thực tại của hoa. Như thật ở đây tức là phù hợp với sự thật, tiếng Phạn là Yath(bh(ta. Sự thật trong bản thân nó, chứ không phải là tri giác của ta về bản thân nó.

Ví dụ như một lá kè. Lá kè trong tự thân của nó là cái như thật, cái chân như của nó. Còn cái quan niệm, cái thấy, cái biết của ta về nó là cái tưởng. Ta có một cái tưởng, một tri giác về lá kè. Nhưng cái tưởng đó, cái tri giác đó nó có phù hợp với cái chân thật của lá kè không, đó là vấn đề. Như thật ngữ là lời nói có thể biểu lộ được tự thân của thực tại, danh từ triết học gọi là Vật tự thân. Danh từ đạo Bụt là Chân như, là Như thật.

Nghệ thuật cao nhất của nói là nói lên được bản thân của thực tại. Nhưng nghệ thuật đó rất khó đạt. Tại vì khi nói thì ta phải dùng ngôn từ và sử dụng những ý niệm. Mà ngôn từ và ý niệm thì không thể nào diễn tả được bản thân của thực tại. Vì vậy cho nên phải khéo lắm mới nói được. Chánh ngữ không đơn giản như mình tưởng.

Thường thường mình nghĩ mình đang dùng chánh ngữ, nhưng có thể mình đang dùng tà ngữ. Mình nghĩ là mình đang nói sự thật. Tôi có nói điều gì sai đâu? Tôi chỉ nói sự thật thôi, nhưng khi anh nói "sự thật" đó ra thì nó gây nên sự đổ vỡ, tan nát, cho nên lời anh nói không thể nào gọi là chánh ngữ được. Có những điều cần nói, phải nói, nhưng nhiều khi mình phải đợi đến 6 tháng sau mới được nói. Tại vì nói trước đó, nó có thể tan vỡ!

Nếu là một y sĩ, anh có thể thấy được điều này. Tại vì khi khám phá ra bệnh nhân của anh có chứng bệnh đó, mà nếu anh nói ra sự thật liền thì người đó có thể đứng tim mà chết liền lập tức. Cho nên nói sự thật chưa chắc đã là chánh ngữ, tại vì anh có thể giết người khi anh nói ra sự thật! Anh phải tìm những phương tiện quyền xảo để làm sao cho người kia tiếp nhận sự thật mà không khổ đau. Phải lựa lời mà nói, phải lựa lúc mà nói. Cái thời gian, cái không gian và cách nói là rất quan trọng. Đó là một nghệ thuật. Chánh ngữ là một nghệ thuật lớn.

Một ví dụ khác là có một sư cô vừa mới tu, tâm cô rất thành kính, rất tin tưởng. Sư cô mới bắt đầu làm việc xã hội, thương yêu các em bé mồ côi, vững tin rằng những người tác viên xã hội ở trong nước làm việc hết mình như các sư chị, các sư anh ở bên này. Khi nói chuyện về chương trình bảo trợ, mình nêu ra một trường hợp không đẹp, ví dụ có một trung tâm đó, họ nuôi con nít đói khoảng 20 em, nhưng họ báo cáo họ nuôi tới 40 em để nhận tiền nhiều hơn, và họ dùng tiền đó để làm chuyện gì không biết! Hoặc thay vì chỉ xin bảo trợ từ một tổ chức, họ xin bảo trợ từ hai, ba tổ chức. Vì vậy tuy chỉ nuôi 20 em, mà họ xin được tiền để nuôi đủ 80 em! Nghĩa là có chuyện mờ ám trong công tác xã hội.

Khi kể chuyện, mình chỉ kể lại chuyện thật thôi, nhưng kể chuyện trước một người mới chập chững làm việc xã hội như sư cô, thì mình làm cho sư cô mất niềm tin trong công việc! Cũng như một nụ hoa vừa chớm nở mà đã gặp sương muối thì hoa đó sẽ héo lập tức. Cho nên dù người kia chỉ báo cáo sự thật, thì đó vẫn không phải nói theo chánh ngữ. Phải đợi lúc khác, và phải trình bày với những người có khả năng tiếp nhận được những điều đó, thì mới gọi là chánh ngữ.

Khi lặp lại những lời trong kinh, chúng ta lặp lại 100% giống lời trong kinh, không thêm bớt chữ nào, nhưng đó chưa chắc là chánh ngữ. Người nghe đoạn kinh đó có thể thối lui, có thể nghi ngờ. Tại vì đoạn kinh đó không phù hợp với căn cơ, trình độ, và tâm trạng của người đó. Dù chúng ta có lặp lại y hệt 100% đoạn kinh của Bụt nói, thì lời của chúng ta cũng không phải là chánh ngữ, mà còn có thể là tà ngữ!

Ví dụ khi chúng ta giảng giải về vô thường, chúng ta giảng giải như thế nào đó mà người ta chán đời, người ta về tự tử, thì thử hỏi sự giảng giải của chúng ta là chánh ngữ hay không là chánh ngữ, vô thường là Phật pháp hay không phải là Phật pháp? Vì vậy cho nên khi nói, mình phải biết điều mình nói phải là khế lý và khế cơ. Khế lý là nó phù hợp với giáo lý, với nguyên lý của đạo Bụt. Khế cơ là phù hợp với trường hợp, với tâm lý, với hoàn cảnh của người nghe. Khi bị trách là đã gây đổ vỡ mà mình cứ gân cổ lên để nói: Em chỉ nói sự thật thôi chứ em có nói gì hơn đâu! Như vậy là chưa biết thế nào là chánh ngữ. Mình phải có trách nhiệm trong lời nói của mình. Dù mình có lặp lại những điều của thánh nhân đi nữa, thì chưa chắc những điều mình lặp lại đó là chánh ngữ.

Chánh ngữ phải có cái thông minh đi theo, phải có sự quán chiếu đi theo. Nghĩa là trong chánh ngữ phải có chánh kiến. Trong chánh ngữ cũng phải có chánh tư duy. Ta phải tư duy cho đúng đắn thì lời nói của ta mới thật sự là chánh ngữ. Nhìn cho kỹ ta sẽ thấy rằng trong chánh ngữ có bảy yếu tố kia của Bát chánh đạo: Chánh niệm, chánh định, chánh mạng v.v... Đó là giáo lý tương tức của đạo Bụt. Một pháp đi vào trong tất cả các pháp; tất cả các pháp đi vào trong một pháp. Đó là một câu trong kinh Hoa Nghiêm. Giáo lý tương tức đó nó phải được áp dụng ở đây cho chánh ngữ.

Khi nói mình phải biết lúc này đã đúng là lúc ta nên nói hay chưa? Nơi này có phải là nơi ta có thể nói được hay không! Đây là những điều thuộc phạm vi của chánh kiến, của chánh tư duy. Ngoài ra nói là một nghệ thuật, tại vì nói có thể đem lại hạnh phúc rất lớn cho người nói, và cả cho người nghe. Nói có thể bắt được nhịp cầu thông cảm, nói có thể phá tan được những nghi ngờ, phá tan những mặc cảm. Nói cũng như nghe, chúng ta cũng phải tham cứu, phải thực tập, thí nghiệm để đạt tới một nghệ thuật nói, một tuệ giác về nói. Sự thực tập nói ở trong đạo Bụt là nội dung của một thiền án, dày ba trăm trang hay có thể lên đến một ngàn trang.

Chỉ cần nói thôi, nếu chúng ta biết nói bằng ái ngữ, bằng chánh ngữ, bằng như thật ngữ, bất cuốn ngữ, là chúng ta đã thành đạt được trong việc tu học, đã có thể đem lại hạnh phúc rất nhiều cho những người chung quanh rồi.

Có nhiều lúc im lặng cũng là chánh ngữ. Khi người ta hỏi một câu mà mình hấp tấp trả lời, cái đó có thể không là chánh ngữ. Khi người ta hỏi một câu mà mình ngồi im không trả lời, cái đó có thể là chánh ngữ. Tại vì có những câu hỏi không nên trả lời. Sự im lặng đó là im lặng sấm sét của kinh Người Bắt Rắn. Chỉ cần im lặng thôi là đủ hùng hồn chỉ cho người kia thấy sự thật. Nhất là khi những câu hỏi có chủ ý khơi ra những đàm luận về siêu hình, không ích lợi thật sự.

Chúng ta thường nghe nói về những câu của đệ tử hỏi thầy ngày xưa: Bạch thầy, thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay? Hoặc: Thầy nói tất cả vạn pháp đều qui về một, vậy thì cái một nó qui về đâu? Đó là những công án thiền tập, và người ta có khuynh hướng muốn phân tích, tìm hiểu, lý luận về những công án đó. Ta có thể để ra một, hai tiếng đồng hồ để thao thao bất tuyệt. Nói mà thấy trong lòng sung sướng, vì có cơ hội để phô bày kiến thức của mình. Nhưng tất cả những lời nói đó có thể không phải là chánh ngữ, tại vì nó không giúp ích gì được cho người nghe. Vì vậy khi nghe câu của đệ tử hỏi, có thầy chỉ ngồi im lặng và mỉm cười, nhìn người đệ tử với con mắt rất từ bi. Có thầy lại nói: Con uống trà đi. Hoặc: Con có thấy cây tùng trước sân đẹp quá không? v.v... Sự thật thì đó là một mệnh lệnh: Sư chú đừng hỏi lôi thôi! Có ly trà trước mặt mà không chịu uống cho đàng hoàng, mà lại hỏi những chuyện vớ vẩn!

Nếu quý vị là một nghệ sĩ thì nên vẽ một bức tranh, trong đó có một chén trà đang bốc hơi và đề thêm ba chữ "Drink your tea!". Đó là những bức họa có thể treo trong thiền viện. Drink your tea tức là đừng đánh mất sự sống của anh vào những suy tưởng, và những đàm luận siêu hình, hãy sống sâu sắc trong giờ phút hiện tại. Drink your tea là một chánh ngữ. Nếu phân tích các chữ "Uống trà đi" thì mình thấy có gì là Phật pháp ở trong đó đâu? Trong "Uống trà đi" mình không thấy có vô ngã, vô thường, Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, không thấy có gì cả! Nhưng sự thật thì drink your tea là chánh ngữ, tại vì nó đưa người kia trở về thực tại, và sống sâu sắc trong giây phút đó.

Các thiền sư thường có ngôn ngữ đặc biệt của họ. Họ chận đứng được đà suy tư, vọng tưởng của thiền sinh. Nhiều khi họ dùng những câu nói rất lạ lùng. Ngày xưa đời Lý có thiền sư Thiền Lão (mất năm 1073) ở chùa Trùng Minh, núi Thiên Phúc. Tuy sống trên núi, mà danh tiếng vang lừng từ trong triều ra đến ngoài quận. Cho nên vua Lý Thái Tông có lên thăm thiền sư. Khi lên thăm, vua hỏi: Bạch thầy, thầy ở trên núi này được bao lâu rồi?Câu hỏi rất đơn giản, thầy có thể trả lời: Tôi ở đây cũng gần 22 năm. Nhưng thiền sư nói rằng: Bần tăng chỉ biết ngày hôm nay thôi, không có thì giờ để nghĩ đến ngày hôm qua, nên bần tăng không biết đã sống ở đây bao nhiêu năm rồi! Đản tri kim nhật nguyệt. Hà thức cựu Xuân Thu là câu của thiền sư trả lời. Hai câu thơ này tuy văn vẻ và có nhiều ý, nhưng nó chỉ có nghĩa là: Xin mời bệ hạ uống trà đi, hỏi chi những thứ đó cho phí thì giờ! Tôi ở đây đã 20 hay 30 năm thì đâu có quan trọng gì! Vấn đề là bệ hạ lên đến đây là một cơ hội rất lớn, chúng ta uống trà với nhau đi! Trong câu trả lời đó cũng không có triết lý gì ghê gớm cả, nó là một tiếng chuông, và nếu nó là một tiếng chuông, thì đó là giáo lý đích thực.

Thành ra chúng ta là những cái "bị kiến thức", những cái "bị chứa" giáo lý, chúng ta không làm được công vụ của một cái chuông! Tiếng chuông mỗi khi thỉnh lên thì mọi người đều phải vâng theo, đều phải trở về uống trà và thực tập hơi thở. Cái chuông đó có thể có công đức hơn chúng ta, và chúng ta phải truyền đăng cho nó trước. Vì vậy cho nên mỗi khi thỉnh chuông, ta phải xá chuông trước.

Chúng ta ai cũng có những nỗi khổ niềm đau truyền lại từ ông bà, cha mẹ. Nó có thể không phải là những nỗi khổ niềm đau mà chúng ta đã tom góp ở trong kiếp này. Trong chúng ta có thể có một ngọn núi lửa ở chiều sâu, những bực nhọc, những đau buồn, những giận hờn, những oán trách từ thời xưa. Cho nên chúng ta phải biết trong ta có một núi lửa, và khi núi lửa đó cựa quậy thì ta bắt đầu phun lửa, ta biến thành một hỏa diệm sơn, và ta sẽ đốt cháy. Khi núi lửa sắp phun, nó có những triệu chứng. Người biết về núi lửa thì khi nghe thấy những triệu chứng đó, họ tìm cách trốn chạy.

Khi có chánh niệm thì chúng ta biết núi lửa sắp phun, chúng ta phải lo chạy để có an ninh. Nó phun bằng những lời không chánh ngữ, làm cho người nói đau khổ, và tạo nên đau khổ, tan nát cho những người chung quanh. Cho nên chúng ta phải học nhận diện ngọn núi lửa trong ta và trong những người khác. Nhận diện để thương, tại vì không phải chỉ người kia mới có núi lửa mà chính ta cũng có núi lửa ở trong mình. Khi núi lửa trong ta phun lên thì mọi điều tan nát, do đó chúng ta phải có một chính sách để có thể đối phó với ngọn núi lửa ở trong ta. Ta có những bực nhọc, những đè nén, và ta có cảm tưởng rằng nếu nói ra không được thì ta sẽ chết. Tại sao vậy? Tại vì chúng ta không biết quản lý nó, không biết quản lý cái năng lượng núi lửa của chúng ta.

NGHỆ THUẬT KHÔNG NÓI

Đạo Bụt có phương pháp gọi là tịnh khẩu. Tịnh khẩu tức là không nói, làm cho miệng núi lửa đừng phun. Dù có lửa trong ta nhưng ta không để cho nó phun ra, mà tìm cách cho lửa trở về nguyên quán, đem an ninh đến cho ta và cho những người chung quanh.

Tịnh khẩu là một thực tập thương yêu. Tôi biết nếu nói là tôi sẽ nói những điều làm cho anh đau, chị đau, vì vậy tôi thực tập tịnh khẩu, để tôi không nói. Nhưng tịnh khẩu không có nghĩa là nén xuống. Nếu nén xuống thì tịnh khẩu trở thành một thực tập rất nguy hiểm. Tại vì nén xuống, đến khi nó phun lên, thì nó phun mạnh gấp mười lần, nguy hiểm gấp mười lần! Vì vậy trong khi tịnh khẩu là phải thực tập quán chiếu, tức là nhìn sâu. Nhìn sâu thì mới làm cho lửa tàn đi, làm cho núi dịu xuống.

Ngày hôm qua gặp ông đó, ông nói với mình một câu làm cho mình điên tiết! Mình có cảm tưởng nếu không nói lại được thì chắc mình chết quá! Giận ghê, ông ta nói xong thì bỏ đi, không cho mình cơ hội để trả đũa! Nếu trả đũa lại được, thì mình bớt khổ biết bao nhiêu! Thành ra đi về mà mình đau khổ cả buổi chiều! Vậy mà không biết tại sao, ngủ được một giấc ngon, sáng mai thức dậy, nghĩ lại thì thấy buồn cười quá, tại sao lại phải trả lời một câu? Mình thấy rõ ràng mình không nói thì mình đâu có chết? Bây giờ nhớ lại thì rất buồn cười! Ông đó cũng buồn cười mà mình cũng buồn cười. Ông nói câu đó rất là tội nghiệp, mà mình nổi nóng lên, và mình muốn trả đũa lại để cho ông ta đau, thì cũng tội nghiệp cho mình. Chỉ có một đêm ngủ ngon thôi là đủ cho mình thấy được sự thật. Còn trong lúc đó thì mình là người mê mờ.

Trong cơn mê, trong cơn cuồng si mình làm những điều phá tan hết, cho nên mình phải thiết lập những phương pháp để cho những lúc mình sa vào giây phút cuồng si, mình phải được thiên thần có cánh bảo hộ. Thiên thần đó mình phải nuôi dưỡng, mình phải mang theo. Còn đến lúc đó mới cầu cứu thiên thần thì thiên thần không rảnh để đến với mình đâu. Trong đời sống hàng ngày ta phải biết đi, biết thở, biết cười, biết bảo hộ thân tâm, thì những lúc cần đến, thiên thần mới có mặt cho mình.

Dưới đây là một phương pháp tịnh khẩu mà tôi đã trao cho vài người trong đại chúng. Phương pháp này cũng dễ thôi. Đó là mỗi khi thấy ngứa mắt, ngứa tai, muốn phát ngôn, bực quá không nói không được, thì mình chỉ tập thở và đừng nói. Rồi vào phòng, lật cuốn tập ra, ghi lại câu mình muốn nói. Thay vì nói bằng miệng, mình chỉ tập thở và viết nguyên câu đó vào tập. Ví dụ: Mày là đồ ngu! Mày là một người rất ác độc! Mày là người có ác ý, muốn làm đổ vỡ tất cả! Mày là một người vô ơn v.v...

Mình viết lại và ghi luôn ngày giờ cho rõ ràng. Ghi lại cả câu người kia nói và câu mình muốn trả lời. Ghi được như vậy cũng đỡ khổ rồi. Ba ngày sau đem ra xem lại và tự hỏi: Nếu lúc đó mình nói câu này thì sẽ ra sao, sẽ có những đổ vỡ nào?

Sự thực tập này đâu có khó? Mình nên lạy thầy, lạy chúng và xin cho phép con thực tập tịnh khẩu hai tuần. Trong hai tuần đó mình làm như vậy, làm mà không đè nén. Chỉ không nói thẳng thôi, và viết hết tất cả những câu mình nghe xốn tai, và cả những câu mình muốn trả lời. Mình sẽ thấy rằng những đau khổ của cuộc đời mình, và những đau khổ của người khác, có thể là do mình tạo ra, do cái không biết nói, không biết thực tập chánh ngữ của mình tạo ra.

Điều này cũng đúng với chánh ngữ. Nếu biết chánh ngữ, biết nghệ thuật nói thì chúng ta tạo hạnh phúc cho không biết bao nhiêu người chung quanh. Người Việt thường nói: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Lời nói có thể làm cho người kia hoan hỷ, người kia phấn chấn, người kia thêm tinh lực. Lời nói có thể giải tỏa những hiểu lầm, những giận hờn, những cái nhỏ nhen trong người kia. Tại sao ta giàu có như vậy mà ta không sử dụng gia tài của ta? Gia tài đó là khả năng chánh ngữ.

Muốn là chánh ngữ, nó phải có chánh kiến, mà muốn có chánh kiến là phải có quán chiếu. Chúng ta biết điều đó.

Ngoài ra, tất cả mọi người trong tăng thân đều được yêu cầu thực tập pháp môn gọi là Bẻ gãy thế tam giác. Đây là một phương pháp thực tập của Làng Mai, và chúng ta phải nắm cho được.

Chúng ta thường ưa liệt người đó vào một phe, phe tà hay phe chánh. Đây là một điều rất nguy hiểm! Quý vị nếu có đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ thì biết cái triết lý của bộ tiểu thuyết trường thiên đó: Trong người gọi là phe chánh, luôn luôn có chất tà, và trong người phe tà luôn luôn có chất chánh. Tiếu Ngạo Giang Hồ là chuyện tình giữa hai người bạn trai. Họ đến với nhau là vì âm nhạc. Khi hai người tới với nhau để chơi nhạc, một người thổi sáo, một người đánh đàn, thì hạnh phúc của họ lớn như là không có hạnh phúc nào lớn hơn nữa. Bài nhạc đó tên là Tiếu Ngạo Giang Hồ. Họ là hai người bạn, nhưng oái ăm là một người thuộc chánh phái, còn người kia thuộc về phía gọi là tà phái. Theo nguyên tắc thì chánh không được chơi với tà, vì vậy cho nên khi hai người muốn hòa nhạc với nhau, họ phải rủ nhau đi đến một nơi tận cùng hiểm trở, không ai bén mảng tới. Nhìn quanh nhìn quất để biết chắc là không có người nhòm ngó, thì hai người mới hòa nhạc với nhau.

Tại vì theo miệng lưỡi của thế gian thì chánh mà chơi với tà thì cũng là tà rồi. Anh là Cộng sản mà anh chơi với Tư bản thì không được! Đó là tấm bi kịch của Việt Nam. Chúng ta là anh em cùng một mẹ, nhưng chúng ta chém giết nhau, chúng ta không dám ngồi với nhau, không nói chuyện với nhau là tại vì tôi mang bảng hiệu chống Cộng, còn anh mang bản hiệu thân Cộâng.

Câu chuyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung không phải là chuyện trong tiểu thuyết, mà chuyện của sự thật. Gà một nhà bôi mặt đá nhau! Nếu sinh ra trong nhà đó, thì lớn lên mình sẽ thành như vậy. Nếu sinh ra trong một gia đình chống Cộng thì lớn lên mình thành thanh niên chống Cộng. Nếu sinh ra từ một gia đình Cộng sản, lớn lên mình thành Cộng sản, dù mình thích hay không thích! Vì vậy cho nên anh em mở mắt ra để nhìn nhận nhau là chuyện quan trọng. Cái chánh và cái tà nó không phải là thực chất của mình, tại vì trong chánh nó có tà, trong tà nó có chánh. Cái đó gọi là tương tức.

Vì vậy chúng ta phải tập để đừng suy tư theo chiều hướng của thiện, ác, đúng, sai và chánh, tà. Chúng ta nên làm ngược lại điều đó. Chúng ta tập suy tư trên cơ bản khéo hay không khéo. Có nghệ thuật nhiều hay có nghệ thuật ít. Đây là một bình diện (dimension) mới mà tôi đưa ra để cho quý vị thực tập. Tại vì thật tình ta không muốn cho người kia đau khổ. Ai trong đại chúng này mà lại muốn làm cho sư anh hay sư chị, sư em của mình đau khổ? Không có ai cả! Nhưng vì chúng ta vụng về mà thôi. Vụng khi nói, khi cười, khi hành sử nên làm cho người kia đau khổ.

Vì vậy cho nên tu là một vấn đề nghệ thuật hơn là một vấn đề chính tà, và chánh niệm là chất liệu của nghệ thuật. Tại vì khi có chánh niệm thì mình sẽ khéo hơn. Chắc chắn là khi có chánh niệm thì mình sẽ có ý tứ hơn. Một bà mẹ khi dạy con gái, bà thường dặn: Con ơi, con đi, đứng, nằm ngồi cho có ý tứ. Mà có ý tứ thì con đẹp thêm nhiều lắm. Ý tứ đây là chánh niệm. Khi có ý tứ thì mình không để cho món trứng chiên của mình cháy. Khi có ý tứ thì bát canh của mình sẽ không mặn quá. Tại vì ý tứ cho mình biết cái gì mình đang làm, và mình có làm đúng hay không. Khi mình nói năng có ý tứ thì mình không gây những lầm lỡ, những vụng dại, gây đau khổ cho người, cho mình.

Không ai trong chúng ta lại dám công nhận mình là một nghệ sĩ cao nhất! Chúng ta đều đang học hỏi, chính tôi cũng vậy. Học hỏi thì càng ngày chúng ta càng có chánh niệm hơn lên, và khéo léo hơn lên. Tu là một nghệ thuật, và thầy tu là một nghệ sĩ, đó là đề tài của bài tôi viết năm tôi mới 20 tuổi.

Xin lỗi em, chị không có ý làm khổ em đâu, chỉ vì chị vụng về thôi. Chị xin lỗi em! Đó là câu mà chúng ta phải học thuộc từng chữ, và có thể nói bất cứ lúc nào. Khi thấy người kia khổ là ta có thể nói được. Tôi đã từng xin lỗi học trò của tôi. Tôi đã từng nói: Thầy xin lỗi con!

Chúng ta thực tập để đừng tạo thế tam giác ở trong tăng thân. Tại vì có một thế tam giác rồi, nó sẽ tạo thế tam giác thứ hai, thứ ba, và mọi người sẽ đi vào một mê lộ. Chúng ta đừng để Xóm Thượng của chúng ta đi vào mê lộ đó. Chúng ta đừng để Xóm Mới, Xóm Hạ của chúng ta đi vào cái mê lộ đó. Hạnh phúc của chúng ta là do chính chúng ta làm ra, chúng ta phải khéo léo, chúng ta phải ngồi lại với nhau, phải định đoạt chiến thuật, cái Strategy, để chúng ta sống có hạnh phúc. Tại vì chúng ta là chỗ nương tựa cho không biết bao nhiêu người ở trên thế giới. Nếu chúng ta không có hạnh phúc thì tội nghiệp cho nhiều người lắm.

Chúng ta bắt buộc phải có hạnh phúc, và chúng ta đã có những phương pháp để thực tập hạnh phúc, trong đó phương pháp nghe và phương pháp nói là hai phương pháp mà chúng ta có thể thực tập full-time mỗi ngày.

Chúng ta thường nói rằng cách nói còn quan trọng hơn là điều mình nói. Tại vì khi không hiểu được người nghe, mình không có chánh kiến và chánh tư duy, thì điều mình nói, nó như là nước đổ lá khoai, không ích lợi gì, không mang lại sự chuyển hóa nào cho người nghe cả.

Ngày xưa trong những buổi pháp thoại của đức Thế Tôn, thỉnh thoảng có những người phát ra sự đại ngộ ngay trong khi nghe giảng, là vì trong buổi nghe giảng đó, những hạt giống của những người đó được đức Thế Tôn tưới tẩm, và chúng nở hoa lập tức. Tại sao đức Thế Tôn lại đạt được kết quả đó? Tại vì ngài nhìn thấu vào trong tim người nghe. Ngài biết rằng người đó cần đám mưa đó, người đó cần phải có cái búa đó. Có nhiều khi ngài đã không ngại dùng những cái búa rất lớn để đập xuống. Cái đó gọi là chánh ngữ.

Chánh ngữ còn có một tác dụng khác nữa là gỡ bom. Trong mỗi chúng ta đều có một trái bom nho nhỏ và nó có thể nổ bất cứ lúc nào. Dù mình đã xuất gia, trái bom đó cũng vẫn còn. Nếu không cẩn thận, nó nổ một cái là mình tan xác.

Có một phương pháp để gỡ bom. Nhiều người vì đau khổ quá cho nên đã trở thành những trái bom. Nhìn vào, mình thấy người đó giống hệt như trái bom, rất nguy hiểm. Đụng tới người đó thì bom sẽ nổ và mình sẽ tan xác. Cho nên mình sợ, mình tránh xa, làm người đó tưởng là mình tẩy chay, ai dè mình đâu có tẩy chay, mình thương nhưng mình sợ quá!

Chánh ngữ là một phương pháp mầu nhiệm mà chúng ta có thể sử dụng để gỡ trái bom ở trong người đó. Gỡ giùm bom để chúng ta có an ninh, và để người đó cũng có an ninh, cũng có hạnh phúc hơn. Tháo bom là một pháp môn mà tất cả các cô, các chú, các thầy đều phải học. Tại vì nhờ đó mà mình đem lại an ninh và hạnh phúc cho mình và cho mọi người.


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][]