TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai
HÌNH THÀNH CỦA BỐN GIAI ĐOẠN TRONG ĐỜI NGƯỜI
BUÔNG BỎ THEO TINH THẦN CỦA ẤN GIÁO
TU HỌC THEO MAI THÔN ĐẠO TRÀNG
Hôm trước chúng ta có nói về sự buông bỏ. Sự buông bỏ này được thực hiện khi chúng ta bắt đầu có tuệ giác về giá trị của những cái mà ta đang chạy theo. Khi thấy được giá trị chân thật của đối tượng mà chúng ta từng chạy theo để nắm bắt, thì tự nhiên chúng ta có thể buông bỏ được. Trước đó chúng ta có nghe nói đến sự buông bỏ, đến sự cần thiết của việc buông bỏ, nhưng chúng ta chưa buông bỏ được, tại vì chúng ta vẫn thấy sự hấp dẫn của đối tượng đó. Chỉ khi nào có tuệ giác vững chãi và thâm sâu về đối tượng đó thì sự buông bỏ mới có thể trở thành sự thật.
Buông bỏ ở đây là buông bỏ cái gì? Buông bỏ đối tượng của dục, mà mình có thể gọi là sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp. Chúng ta bị những đối tượng đó kéo theo.
Phần lớn khi có mặt trên cuộc đời, chúng ta thường nghĩ rằng hạnh phúc của là phải chạy theo những đối tượng như vậy. Trong con người của chúng ta có khuynh hướng muốn chạy theo, muốn nắm bắt những sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp.
Sở dĩ chúng ta chạy theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp là tại chúng ta có một tri giác sai lầm về bản chất của sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp, chứ không phải tại sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp chịu trách nhiệm về sự chạy theo của chúng ta. Đối tượng của dục ở đây, theo ngũ dục, là tài, sắc, danh, thực, và thụy. Tài là tiền bạc. Sắc là sex. Danh tức là Fame. Thực là thức ăn ngon, Thụy là mê ngủ, điều mà người tu thường mắc phải hơn là người ngoài đời.
Trong cơ thể, chúng ta đã viết sẵn rằng ta cần những thức này để có hạnh phúc. Chúng ta có niềm tin là nếu không nắm được năm cái này thì không có hạnh phúc, không có chúng thì đời không đáng để sống!
Có những cuốn phim họ làm về đời sống của những người tu ở Tây phương. Khi đi tu có nghĩa là phải buông hết năm đối tượng này. Khi vào tu viện để thực tập trở thành một vị linh mục trong dòng tu kín, thì mình được dạy rằng tất cả những cái này đều phải buông bỏ. Chỉ có sự theo đuổi con đường của Chúa, của Thượng Đế, mới xứng đáng là đối tượng của người tu. Có những chú bé 15, 17 tuổi đi theo con đường đó với tất cả sự hào hứng, với tất cả sự trong trắng. Nhưng lớn lên, sau khi đã thực tập hai, ba hay bốn năm, có thể có cơ hội để tiếp xúc với một vài người ở ngoài đời, thì nghe người ta nói rằng ở trong tu viện không có sự sống, ở ngoài mới có sự sống, tại vì sự sống là phải có ngũ dục.
Nhớ ngày xưa tôi có coi một cuốn phim nói về một cậu bé đang được huấn luyện để tu thành một ông cha. Một hôm cậu bé đó ra kiếm củi ở ngoài núi, thì gặp một cô thiếu nữ, và lần đầu tiên trong đời, hai người thương nhau. Cô bé rủ rê cậu ta ra đời. Cậu ta cũng thích, nhưng cậu bị xâu xé giữa hai hoàn cảnh, một bên là mình đã làm nguyện ước muốn trở thành thầy tu, một bên là có một cô thiếu nữ rất tươi mát, rất xinh đẹp muốn kéo mình ra. Cô ta nói: Ở ngoài này mới có sự sống. It's real life here! Tức là trong tu viện không có sự sống! Sự sống thật chỉ có khi có năm điều trên. Đó là lý luận vững chắc nhất của cô bé. Cuối cùng thì cậu bé trốn tu viện, đi theo cô bé!
Cố nhiên là chạy theo tài, sắc, danh, và thực, có một lúc nào đó ta sẽ khám phá ra những cái đó đem tới cho mình nhiều đau khổ ê chề!
Ở Đài Loan, khi vào những tu viện, chúng ta có thể thấy rất nhiều chú bé, cô bé 7, 8 tuổi, mặc áo tràng, mặc áo nhật bình rất xinh. Có khi cha mẹ của các bé, sống ngoài đời thấy chán, không có hạnh phúc, nên nghĩ rằng tại sao mình không đi tu? Nhưng nếu đi tu thì con để cho ai nuôi? Thành ra xin thầy cho 4, 5 đứa con trở thành sư chú, sư cô hết! Vì vậy khi tới thăm, chúng ta thấy nhiều chùa có rất nhiều sư chú, sư cô nhỏ xíu, rất dễ thương. Tiếp xúc với những cảnh ấy, chúng ta mới trọn vẹn thưởng thức được những hình tượng người ta thường bày bán: Một sư chú nhỏ xíu nằm ngủ bên cái mõ, một sư cô nhỏ xíu đang quét lá sân chùa!
Khi những sư cô, sư chú nhỏ xíu đó lớn lên, thì bắt đầu tiếp xúc với câu nói "Ở ngoài kia mới có sự sống"! Ở trong này phải giữ giới, phải uy nghi, phải ăn chay, phải khổ hạnh, thành ra không có sự sống. Trong khi đó thì luật ở Đài Loan là khi lên 18 tuổi là anh phải đi quân dịch. Vì vậy các sư chú bắt buộc phải cởi áo nhà tu, ra đời và đi vào quân ngũ.
Các chàng lần đầu tiên được sống một cuộc đời tự do. Ra khỏi cửa thiền, gặp những chàng thanh niên khác, thấy họ nói, họ cười, họ la, họ chạy, không có uy nghi gì hết. Và mình thấy sao họ tự do quá chừng, rất là thích. Họ ăn thịt, họ uống rượu, họ làm bạn với các cô thiếu nữ. Lần đầu tiên các chú thấy cuộc sống phóng khoáng như vậy thì rất thích. Vì vậy phần lớn các chú đều bắt chước theo nếp sống đó. Thấy đây là cuộc sống thật.
Trong khi đó các sư cô lớn lên từ tuổi ấu thơ. Vì con gái khỏi phải đi quân dịch, cho nên được tiếp tục ở tại chùa. Vì vậy trong các chùa ở Đài Loan, số lượng các sư cô đông hơn số lượng các sư chú rất nhiều.
Việc gì đã xảy ra cho các sư chú sau khi đã cởi áo tu và đi vào quân đội? Một số rất lớn các sư chú sau khi làm xong nhiệm vụ công dân, lấy cớ đó để ở luôn ngoài đời, không trở về chùa nữa. Tại vì mấy năm quân dịch, đã nếm đủ ngũ dục của đời sống bên ngoài, cho nên ưa tiếp tục. Sau khi đã nếm đủ tất cả những cay đắng của cuộc đời, có một số người nghĩ lại. Ngày xưa mình ở trong chùa, tuy chỉ ăn chay tịnh, tuy cần giữ giới, tuy phải thực tập uy nghi, tuy đời sống có kỷ luật, có thầy, có sư anh, sư em như vậy, nhưng trong lòng mình có rất nhiều bình an. Còn bây giờ ra đây, sống tự do như vậy, nhưng mình đau khổ vô cùng, và mình mất đi sự bình an ngày xưa.
Cho nên thiểu số đó đã bỏ cuộc sống ngoài đời để về chùa trở lại. Những người đó trở thành những ông thầy tu rất vững chãi, nhất tâm đi trên con đường tu học. Đó là một sự chọn lọc tới nơi tới chốn. Đó là vàng đã thử lửa, và khi đã thử lửa rồi thì vàng trở thành vàng ròng.
Một số khác thì bị kéo theo luôn, là vì phải có những điều kiện tốt thì mới trở lui được. Còn ở đây thì bị những điều kiện xấu lôi kéo, vì vậy mà phiêu lãng suốt đời, chìm đắm trong biển dục lạc, đau khổ vô cùng mà không thể nào trở lại được cái quê hương tâm linh ngày xưa của mình. Tuy rằng nhiều khi nghĩ lại cũng thấy tiếc thời gian an bình, hạnh phúc, ấm áp ở chùa, nhưng không có khả năng trở lại nữa!
Đó là tình trạng của người tu ở Đài Loan. Cũng tại ý niệm rằng đây mới là đời sống thật, real life thì phải có ngũ dục!
Có nhiều người đi tìm hạnh phúc trong tài, sắc, danh, thực và thấy rằng không có ý nghĩa gì cả. Họ muốn đời sống của mình có một ý nghĩa gì hơn, cho nên nghĩ đến sự thành công (success). Thành công có nghĩa là phải có một sự nghiệp giữa đời, tức là mình phải có một địa vị, một chỗ đứng, một danh tiếng. Cũng như Nguyễn Công Trứ đã nói:
Đã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông.
Phải có một sự thành công nào đó! Khi mình muốn có sự thành công thì mình biết rằng suốt ngày chỉ đắm chìm trong ngũ dục này thì làm sao thành công được! Vì vậy trong nếp sống thành công này, người ta cố gắng, người ta bỏ bớt những chuyện ăn chơi, hưởng thụ, và như vậy ước muốn thành công làm cho người ta có khả năng buông bớt những cái ở trong ngũ dục.
Đó là giai đoạn thứ hai của sự sống theo cách thấy của Ấn Độ giáo, Hinduism. Đây là sự nghiệp, tức là cái danh vọng của cá nhân. Mình thấy tuy người đó vẫn ở trong cuộc đời, nhưng người đó đã có khả năng buông bỏ bớt những chuyện thuộc về ngũ dục. Tại vì nếu đắm chìm mãi trong đó, thì không thể thành tựu về danh vọng được. Cố nhiên không phải ai cũng thành công được, và trên bước đường sự nghiệp, người ta va chạm, người ta khổ đau và người ta thấy rằng phục vụ cho cái ngã của mình, cho cá nhân của mình không mang lại hạnh phúc đích thực.
Cho nên người ta mới tiến tới con đường thứ ba là con đường của sự phụng sự, Service. Bây giờ người ta nhập cái ngã riêng của mình với một cái ngã lớn hơn. Cái ngã này có thể là quốc gia, dân tộc, nhân loại, tăng thân, hay trẻ em đói. Lâu nay mình chất chứa, mình tìm kiếm cho cái ngã của riêng mình. Bây giờ buông bỏ cái này, nghĩ rằng hạnh phúc đích thực là khi mình buông bỏ cái ngã của mình để phục vụ cho một đoàn thể. Đoàn thể đó có thể là dân tộc của mình, quốc gia của mình, tăng thân của mình, chủng loại của mình, hay là lý tưởng của mình. Lúc đó thì ý muốn chiếm đoạt cho riêng mình, thu tóm cho riêng mình không còn nữa, mình không thấy nó hấp dẫn nữa. Mình thấy rằng chính đem cuộc đời mình để phục vụ cho một lý tưởng, sẽ làm cho mình có hạnh phúc hơn, Cho nên bây giờ những hành động của mình không hồi hướng cho cái ngã của riêng mình nữa, mà hồi hướng cho đoàn thể, cho tăng thân của mình. Như vậy trong giai đoạn này người ta đi tìm một cái ngã lớn.
Tất cả những việc người ta làm hàng ngày không nhắm tới phụng sự cho cái dục của riêng mình hay sự thành công của riêng mình nữa, mà phụng sự cho một đoàn thể, một chủ thuyết, một lý tưởng nào đó, hay một tôn giáo. Người ta gọi là Yêu đạo, tức là yêu một cái ngã. Cái ngã này không còn là một cái ngã cá nhân, mà của cả một truyền thống. Cái ngã này có thể là Ấn Độ giáo, có thể là Cơ Đốc giáo, hay là Phật giáo. Mình yêu cái đó quá cho nên mình làm suốt ngày. Nhưng có thể trong bước đường phụng sự đó người ta khám phá ra thêm rằng cái đó vẫn không phải là cái ao ước thâm sâu nhất của mình. Ao ước thâm sâu nhất của mình là đi tìm một cái vĩnh cửu, một cái có thể thoát ra khỏi những biến thiên của vô thường.
Tất cả những cái mình đi kiếm đó, dù là ngũ dục, dù là sự thành công của cá nhân, hay là sự thành đạt của một xã hội, nó cũng không đáng cho mình để cuộc đời của mình vào. Vì vậy mình buông bỏ luôn lý tưởng này, mình đi vào con đường thứ tư, con đường của sự buông bỏ.
Chúng ta đã nói rằng con đường phụng sự là bắt đầu đi về hướng thượng. Trước khi đó thì mình tóm thâu, mình chứa chất cho cái ngã. Giờ đây mình không tóm thâu và chứa chất cho cái ngã nữa, mà mình phụng sự, mình cho. Cho nên ngày xưa là The will to take, bây giờ là The will to give. Tất cả những giây phút của đời sống mình là để mà phụng sự, để mà hiến tặng.
Tất cả chúng ta đều đã có kinh nghiệm đó. Khi làm gì cho tăng thân thì ta thấy tăng thân là cái ngã của mình. Tăng thân nhỏ tại địa phương hay tăng thân lớn trên thế giới, hoặc mình sang băng pháp thoại, hoặc mình phiên tả và hiệu đính pháp thoại để thành sách, tất cả những cái đó không phải là để thỏa mãn cái dục của riêng mình, hay là sự thành công của riêng mình, mà để phục vụ cho tăng thân của mình. Tăng thân mình có một lý tưởng, vì vậy mà tất cả những công việc chúng ta làm trong đời sống hàng ngày, nó đã chuyển từ ý thức phục vụ cho cái ngã, sang ý thức phục vụ cho một lý tưởng, một tăng thân. Làm như vậy tức là mình cúng dường cho tăng thân. Cúng dường hồi hướng cho tăng thân đó thì mình bắt đầu thoát khỏi ý thức về ngã.
Nhưng có thể trong khi phục vụ như vậy cũng có sự lên, xuống, nó có những cái vui, buồn. Có những lúc mình đau khổ vì tăng thân của mình, vì giáo hội của mình, vì đoàn thể của mình. Có nhiều người phục vụ cho giáo hội với tất cả trái tim của họ, nhưng rốt cuộc giáo hội vẫn đẩy họ ra như thường.
Ngày xưa tôi có viết một chuyện ngắn tựa là Câu chuyện của người con trai khờ dại, đăng trong cuốn Stone Boy. Cuối chuyện có câu: Truyện này viết ra để tặng những người đã quá yêu mến giáo hội của chính mình. For those who love their Church to much. Vì mình yêu mến giáo hội của mình, đem tất cả cuộc đời của mình để phục vụ cho giáo hội. Mình đem lại ánh sáng, đem những nét đẹp, nhưng giáo hội không chấp nhận được mình. Tại vì mình muốn thay đổi, muốn làm đẹp hơn, trong khi đó, giáo hội rất sợ chuyện thay đổi!
Nhiều khi chính đối tượng thương yêu của mình làm cho mình đau khổ! Thường thường là như vậy. Cho nên trong công trình phục vụ, dù mình đưa hết cuộc đời mình ra, mình hiến tặng hết, nhưng vẫn bị đau khổ như thường. Rốt cuộc người ta cũng buông bỏ, người ta tìm tới một cái gì vượt thoát tất cả những cái đó. Đạo Bụt gọi cái đó là niết bàn, là bản môn. Đây là cái ước muốn tối hậu của con người.
Khi đi sang giai đoạn thứ tư của cuộc đời là giai đoạn buông bỏ, người ta buông bỏ hết tất cả ba cái đầu và đi vào cái thứ tư. Người ta trở thành tu sĩ, suốt ngày sống như thế nào để có thể trở về, để có thể tìm thấy cái mà ta cho là quan trọng nhất: Vĩnh cửu, Thường hằng. Còn tất cả đều là vô thường.
Theo Ấn Độ giáo cái mình đi kiếm đó là Phạm Thiên, Brahmã, tức là cái Đại Ngã. Trong mỗi chúng ta đều có cái tiểu ngã, và cái tiểu ngã đó nó tìm về để hòa nhập vào cái đại ngã. Đó là mục đích tối hậu của sự sống.
Theo cách thấy của Ấn Độ giáo, con người có bốn tầng lớp. Tầng lớp thứ nhất là thân thể của mình. Tầng lớp thứ hai là ý thức của mình. Tầng lớp thứ ba là chiều sâu tâm thức của mình, tương đương với tàng thức bên đạo Bụt. Tầng thứ tư là căn bản, gọi là đại ngã, Brahmã. Brahman là Thượng Đế, là Phạm Thiên (The Ultimate Reality), còn (tman là cái tiểu ngã của mình (The Innermost Self). Phần này là phần thâm sâu, phần bấtbiến. Khi buông bỏ tất cả là để tìm tới việc tiểu ngã trở về hòa nhập với đại ngã.
Nếu tìm hiểu Đại ngã Brahmã là gì, ta được giải thích rằng, trước hết nó là Sat. Sat là sự có mặt, sự hiện hữu, The ultimate Reality. Satta là be, là existence. Đây là sự có mặt đích thực, chứ không phải là sự có mặt bọt bèo của sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp.
Đặc tính thứ hai là Ultimate consciousness, Cit. Citta, có nghĩa là ý thức, là tâm. Có thể dịch là Spirit hay Awareness.
Thứ ba là (nanda, tức là cái hạnh phúc, sự an lạc tuyệt đối, the real happiness. Đó là những từ ngữ, những thuộc tính (attributes) mà người ta sử dụng để mô tả Brahmã, bản thể của tất cả vũ trụ.
Như vậy, trong Ấn Độ giáo người ta nói rằng Brahman (Phạm Thiên) có thể được diễn tả bằng ba đặc tính, ba cái đức. Đức thứ nhất là Hiện hữu, Real be, Ultimate be (Sat). Đức thứ hai là Ý thức, là Tâm, Ultimate awareness (Cit). Đức thứ ba là sự an lạc tuyệt đối, The ultimate bliss ((nanda). Ba đức đó gọi là Guna. Phái chủ trương Phạm Thiên được biểu lộ bằng ba đức đó, gọi Brahman là Saguna Brahman.
Một phái khác có khuynh hướng triết học hơn, nói rằng Brahman (Thượng Đế) không thể nào được diễn tả dù là bằng những danh từ như Ultimate Being, Ultimate Awareness, Ultimate Bliss, hay (nanda. Họ cho rằng chúng ta không thể nói gì về thực tại tối hậu đó cả. Vì vậy cho nên họ chủ trương một thuyết gọi là Nir-Guna-Brahman. Nir là không có, là sự tắt ngấm bất cứ một ý niệm nào, bất cứ một lời nói nào cũng không thể mô tả được thực tại của Brahman. Ý niệm này gần giống ý niệm về Niết bàn, tức là sự chấm dứt những ý niệm và ngôn ngữ.
Những nhà triết học bậc thầy, chủ trương giáo lý Siguna Brahman có những điều khác biệt, nói rằng giáo lý Nir-Guna-Brahman mới đích thực là giáo lý của Ấn Độ giáo. Trong khi đó, những nhà triết học khác, những tác giả như Radha Krishman lại nói rằng cả hai thuyết đều phù hợp với Ấn Độ giáo.
Con đường buông bỏ là con đường của sự thực tập, và có thể có nhiều đường lối, nhưng tựu trung có hai lối chính. Một gọi là J(ãna Yoga, con đường của trí tuệ. Đường thứ hai gọi là Bhakti Yoga, con đường của sự tín ngưỡng. Bhakti có nghĩa là Devotion. J(ãna có nghĩa là wisdom, knowledge.
Nếu đem so sánh với Cơ Đốc giáo thì chúng ta thấy rằng con đường Bhakti này, con đường Devotion này nó rất gần gũi với Cơ Đốc giáo. Trong đạo Bụt cũng có một tông phái rất gần với con đường của Bhakti, đó là phương pháp niệm Bụt để được sinh về thế giới của A Di Đà.
Đứng về phương diện thực tập bằng trí tuệ, bằng quán chiếu, người ta đi gần với chủ thuyết Nir-Guna-Brahman hơn. Tại vì thực tại tối hậu gọi là Brahman đó, không thể được diễn tả dù bằng những danh từ như Cit (nanda. Nó chỉ có thể đi tới chứng nghiệm một cách trực tiếp mà thôi. Vì vậy con đường J(ãna Yoga, là con đường vương đạo.
Còn đối với con đường kia, con đường của sự tín ngưỡng, Devotion, thì thực tại tối hậu đó phải được diễn tả dưới hình thức của những cái mà tâm tư ta có thể hình dung được, có thể tới được. Vì vậy cho nên Brahman ở đây phải được nhận thức qua một hình dáng như là hình dáng của một con người.
Theo chủ thuyết này, theo chuyên phái Siguna Brahman này, thì Brahman là Thượng Đế, Brahman phải được đi tới bằng con đường của sự cầu đảo và phải có một sự phân biệt giữa đối tượng của sự thờ cúng và chủ thể của sự thờ cúng.
Theo sự thực tập này, vốn là sự thực tập của đa số trong Ấn Độ giáo, đối tượng sự tôn thờ của mình là Brahman, và Brahman có thể được biểu hiện bởi những hình ảnh khác nhau. Trước hết là Brahm(, rồi đến Vishnu, rồi đến Shiva, ba vị thần lớn nhất của Ấn Độ giáo. Brahm(là vị thần linh sáng tạo ra vũ trụ, TheCreator; Vishnu là vị thần duy trì vũ trụ, The Sustainer; và Shiva là vị thần Tiêu diệt để vũ trụ có thể tái sinh, The Destroyer.
Ít nhất mình cũng phải có một hình ảnh, mà hình ảnh đó càng gần với con người thì càng tốt, để cho hình ảnh đó trở thành đối tượng của sự thờ cúng, của sự tín thành của mình. Vì vậy con đường này gọi là con đường Bhakti Yoga. Nhưng để cho sự thực tập trở thành dễ dàng, người ta phải phân biệt chủ thể và đối tượng. Có thể trong truyền phái này người ta thấy rằng thực tập theo nguyên tắc trong liên hệ trực tiếp của mình, trong kinh nghiệm trực tiếp của mình đối với thực tại tối hậu gọi là Brahman thì sự phân biệt chủ thể và đối tượng cần phải lấy đi. Đại ngã và Tiểu ngã phải trở thành một, tức là bất nhị.
Nhưng như đã nói, để dễ thực tập, trong truyền phái này người ta cần có sự phân biệt giữa chủ thể và đối tượng. Tôi là người cầu nguyện, và Brahman là đối tượng cầu nguyện của tôi. Vì vậy phải phân biệt rất rõ ràng. Có một vị đạo sư nói rằng: Tôi chỉ muốn ăn mật ong thôi, nhưng tôi không muốn trở thành mật ong! Tại mật ong rất ngọt, mà tôi phải là tôi thì tôi mới thưởng thức được cái ngọt của mật ong! Cũng vậy, tôi không muốn tôi là Thượng Đế! Tôi muốn tôi là tôi thôi, để tôi được yêu Thượng Đế. Nếu thành mật ong rồi thì mình đâu có thú vị gì để ăn mật ong nữa? Vì vậy cho nên phải có một sự phân biệt giữa cái thực tại tối hậu là Brahman và tôi. Mình là người thờ cúng, và Thượng Đế là đối tượng của sự thờ cúng, hai bên không thể trở thành một được.
Học Bụt chúng ta phải biết rằng giữa đạo Bụt và Ấn Độ giáo có những liên hệ rất là xa xưa.
Trong Thánh Kinh có chuyện của một người. Buổi chiều đó ông đào bới một khu đất thì thấy trong khu đất nhỏ đó có chứa rất nhiều châu báu. Người đó khám phá ra một mình, và nghĩ rằng nếu mình mua được miếng đất nhỏ này thì mình sẽ giàu có nhất ở trên đời. Vì vậy người đó lấp đất lại để dấu kho tàng đó đi. Về nhà ông bán hết tất cả ruộng đất, nhà cửa của mình để có số tiền lớn mà đi mua miếng đất nhỏ đó. Tại sao người đó có thể bán hết tất cả ruộng nhà để mua miếng đất đó? Tại vì ông ta thấy đó là cái quí nhất. Ở đây sự buông bỏ cũng như vậy.
Sau khi mình đã khám phá ra rằng cái thực tại tối hậu kia nó là cái duy nhất đáng kể để cho mình theo đuổi, vì vậy cho nên mình buông bỏ được tất cả những cái từ trước đến bây giờ. Những cái danh, cái lợi, những cái tài, cái sắc, những cái thành công, những cái thất bại. Buông bỏ hết để tìm về cái gọi là Ultimate concern. Còn những cái concerns khác, đều là nhất thời, đều là phù du, không đáng để cho mình chạy theo. Đó là cái thấy khiến cho mình có thể buông bỏ được.
Khi trở về với phương pháp thực tập của Đạo tràng Mai thôn thì chúng ta thấy như thế nào? Trong kinh Bảo Tích có đưa ra một ví dụ rất hay: Khi có người lượm một cục đất, liệng vào con chó. Con chó bị đau nên giận quá, chạy theo cục đất để cắn. Nó không biết rằng cái làm cho nó đau không phải là cục đất, mà là anh chàng lượm cục đất và liệng nó.
Đức Thế Tôn có nói tương tự. Anh đau khổ vì tài, vì sắc, rồi anh giận tài, giận sắc, anh buông bỏ nó. Kỳ thực tài, sắc không có lỗi gì hết! Thủ phạm là tri giác sai lầm của anh. Anh tưởng trong tài có cái đó, anh tưởng trong sắc có cái đó, anh theo đuổi. Như vậy cái tội không phải là tài, là sắc, mà cái tội là tri giác sai lầm của anh về tài và về sắc. Đó là cái anh phải bỏ. Tất cả những sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp này đều vô tội. Cũng như cục đất vô tội kia mà con chó chạy theo để trả thù, là vì con chó vô minh. Cũng vì vậy cho nên khi buông bỏ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì mình cũng không thông minh hơn con chó bao nhiêu. Mình phải buông bỏ nhận thức sai lầm của mình về sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì mới được giải thoát.
Khi nói rằng mình đi tới giai đoạn buông bỏ này là mình buông bỏ tất cả cái hay, cái đẹp, cái mầu nhiệm của cuộc đời là sai lầm. Real life is not there, real life is right here. Vì vậy mà ở Làng Mai chúng ta thực tập Hiện Pháp Lạc Trú.
Muốn thực tập Hiện Pháp Lạc Trú, mình phải cần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Khi sư chú thức dậy và nhìn ra phương Đông, thấy những đám mây ửng hồng, hay đi thiền hành trên con đường về cốc của mình, thấy một ngôi sao rất sáng, tất cả những cái đó đều thuộc về phạm vi sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp. Sư chú có đi trốn những cái đó đâu? Những cái đó rất là mầu nhiệm. Chỉ có một cái là nếu sư chú bị dính mắc vào những cái đó, có những nhận thức sai lầm về những cái đó, thì sư chú mới đau khổ mà thôi. Còn với tuệ giác về vô thường, về vô ngã, về tương tức, sư chú nhìn vào trong sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp thì sư chú thấy những mầu nhiệm. Chính những cái mầu nhiệm đó là cửa mở cho sư chú đi vào trong thực tại tối hậu gọi là Niết bàn, mà Ấn Độ giáo gọi là Sat-Cit-(nanda.
Đối tượng mình đi tìm trong sự buông bỏ không phải là một đối tượng xa lìa sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Chính nhờ nhìn vào một tờ lá vàng của mùa Thu cho sâu sắc, mà sư chú có thể tiếp xúc với bản môn, tiếp xúc với thực tại tối hậu gọi là niết bàn, là bản thể. Bỏ những cái đó đi thì không có niết bàn!
Với tuệ giác về vô thường, vô ngã, và tương tức, mình vẫn tiếp xúc với những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà mình không bị ràng buộc vào trong ngũ dục. Và tất cả những thanh, hương, vị, xúc, pháp trong đời sống hàng ngày mà mình tiếp xúc đó, nó trở thành những chất liệu nuôi dưỡng hạnh phúc của mình. Trong khi sống như vậy thì mình vẫn đã có thể thực tập sự buông bỏ. Buông bỏ đây là buông bỏ cái tri giác sai lầm về dục.
Ngày nay khi đi câu, người ta không đào những con trùn để móc vào lưỡi câu như ngày xưa nữa. Họ có những con mồi bằng plastic. Họ móc vào lưỡi câu những con châu chấu bằng plastic rồi liệng xuống sông. Con cá tưởng con châu chấu bằng plastic là con châu chấu thật, đớp vào, cho nên nó bị lưỡi câu móc vào miệng. Nghĩ rằng con châu chấu bằng plastic là con châu chấu thật, đó là một tri giác sai lầm. Người tu cũng đi qua "bốn giai đoạn":
1. Trước hết chúng ta cũng có những tri giác sai lầm về ngũ dục. Nếu nhả được tri giác sai lầm đó ra mà thấy được tính vô thường, vô ngã, và tương tức của thanh, hương, vị, xúc, pháp thì ta không bao giờ bị lưỡi câu của dục móc vào cổ họng, và ta vẫn có thể sống hạnh phúc sung sướng với sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp. Ta là con người tự do. Tự do là nhờ tuệ giác về vô thường, vô ngã, và tương tức. Trong khi sống cuộc đời bình thường của một người có hạnh phúc, nhờ tuệ giác ta cũng đang thực tập sự buông bỏ.
Sở dĩ anh chàng 18, 20 tuổi kia bỏ tu viện mà ra đời, mà chạy theo sự kêu gọi của dục vọng, là vì anh chưa có tuệ giác, chưa thấy được bản chất của dục. Không phải anh không có tâm tốt, muốn đạt tới thực tại tối hậu. Trong ta có đủ thứ hạt giống, trong đó có hạt giống của sự khao khát cái gì vĩnh cửu, cái gì thường tại, cái gì chân thật. Nhưng vì chưa có tuệ giác, cho nên ta bị vướng mắc bởi những thanh, hương, vị, xúc, và pháp mà thôi.
Vậy thì ta có thể nói rằng sự sống có ngay ở đây. Khi thầy Samiddhi bị cô thiên nữ kia hỏi rằng: Sư chú đang còn trẻ mà tại sao sư chú không hưởng thụ những thú vui của cuộc đời, mà sư chú lại đi tu vào lúc tuổi thanh xuân như thế này? Thì thầy Samiddhi trả lời rất hay: Tôi đâu có bỏ tuổi trẻ của tôi đâu, tôi đang tận hưởng tuổi trẻ của tôi đây, và tôi đang thực tập sống an lạc, hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, và Bụt dạy cho chúng tôi phương pháp Hiện Pháp Lạc Trú. Lời của cô thiên nữ cũng tương tự như lời cô gái trong cuốn phim: Ra ngoài này mới là real life. Sư chú trả lời Real life is right here. Đó là điều mà mình phải trông thấy.
2. Thứ hai là sự thành công. Nhờ tuệ giác về vô thường, vô ngã, và tương tức đó cho nên mình có một cái nhìn về sự thành công hơi khác. Sự thành công này không phải là sự thành công của một cá nhân, của một cái ngã riêng biệt, mà là sự thành công của một chí nguyện. Cố nhiên khi đi xuất gia, mình biết rằng sự thực tập của mình không phải là để cho sự thành công của riêng mình. Mình đi tu là tu cho cả gia đình, cả dòng họ, cho cả quê hương, nhân loại mình. Sự thành công này là một sự thành công đáng được theo đuổi. Tu cũng phải thành công. Vì sự thành công này không phải là sự thành công cá nhân, của một cái ngã biệt lập, cho nên trong khi đeo đuổi sự thành công đó, mình không đau khổ. Nếu mình ước ao sự thành công đó trên cơ bản của một cái ngã thì mình sẽ vấp váp, mình sẽ khổ đau. Nhưng vì đây là sự thành công của một lý tưởng, cho nên mình không khổ. Lý tưởng độ đời, lý tưởng giải thoát.
Ví dụ ở Xóm Hạ, chúng ta rất muốn cho Xóm Hạ trở thành một xóm rất đẹp, có rất nhiều thiền sinh tới tu học để có hạnh phúc. Chúng ta để thì giờ ra làm hồ sen, để thì giờ ra xây dựng một nhà bếp, làm những con đường thiền hành. Chúng ta muốn thành công như xóm nào. Sự thành công đó không phải là sự thành công của một cái ngã. Trong trường hợp vì không đủ tiêu chuẩn mà cư xá Đồi Mận chưa được sử dụng, thì chúng ta đâu có đau khổ? Tại vì Xóm Hạ đâu phải là lý tưởng của chúng ta? Nếu không có Xóm Hạ thì chúng ta sử dụng Xóm Thượng. Nếu không có Xóm Thượng thì chúng ta mở Xóm Mới. Chúng ta có mất gì đâu? Cái tâm niệm, cái lý tưởng độ đời, cái lý tưởng hành đạo là chính, mà không phải sự xây dựng một cái ngã là chính. Vì vậy cho nên chúng ta không đau khổ. Sự thành công của chúng ta không được đo bằng sự thành công của một cơ sở, mà bằng cái hạnh phúc ta đạt được, và hạnh phúc mà chúng ta có thể phân phát được cho những người chúng ta phục vụ. Vì vậy những cái thành, bại; những cái lên, xuống ở trong cuộc đời không động tới được cái hạnh phúc của chúng ta, và chúng ta vẫn giữ được an lạc, giữ được phương pháp Hiện Pháp Lạc Trú, là tại chúng ta có tuệ giác về vô thường, về vô ngã, và về tương tức.
Ở ngoài đời người ta đồng nhất họ với sự nghiệp của họ. Họ làm được một căn nhà, một ngôi chùa, một cơ sở. Khi mất cái nhà đó, mất cái cơ sở đó thì họ thấy đời không đáng sống nữa, và họ tự tử! Tại sao mình phải tự tử? Nếu làm công việc hàng ngày và mình tìm thấy niềm vui trong công việc đó thì nếu cái này không đủ duyên, mình sang làm cái khác. Tại sao mình phải đau buồn, phải tự tử? Tại sao mình đồng nhất mình với cái đó?
Sự thành công lớn nhất là sự thành nhân. Cũng như một em bé ngồi trên bãi cát ngoài biển. Em xây dựng những lâu đài bằng cát. Nếu lâu đài đổ xuống, thì em xây dựng một lâu đài khác, mà em không đau khổ, khóc lóc. Tại vì niềm vui là ở chỗ xây dựng những lâu đài bằng cát, còn lâu đài bằng cát đổ xuống thì nó đâu có động tới được cái vui của em bé?
Chúng ta cũng vậy. Chúng ta tìm cái vui trong công việc, trong sự phục vụ. Công việc đó thành hay không thành, cái đó không động tới được niềm vui của chúng ta. Niềm vui của chúng ta không bị mất mát đứng trên phương diện hình thức, trên việc cái đó thành hay không thành. Vì vậy dù ta có đang đi kiếm sự thành công, thì sự thành công này là sự thành công ở trong nếp sống, ở trong thái độ, ở trong tuệ giác về hạnh phúc của chúng ta,chứ không phải là những cái đứng về phương diện hình thức, biểu tượng mà nói.
Vì vậy trong khi chúng ta theo đuổi lý tưởng độ đời, chúng ta làm công việc mà chúng ta thường làm, chúng ta lái xe để đưa đón các bạn thiền sinh đến làng, chúng ta nấu cơm cho các bạn thiền sinh ăn, chúng ta làm những cuốn băng pháp thoại để gởi đi cho các bạn xa gần, tất cả những công việc đó, chúng ta làm với hạnh phúc của chúng ta. Tùy theo điều kiện mà những việc đó thành công nhiều hay thành công ít, có thành công hay không thành công. Nhưng lý tưởng độ đời của chúng ta vẫn liên tục làm cho chúng ta có hạnh phúc. Và nhờ tuệ giác về vô thường và vô ngã, cho nên chúng ta không đau khổ. Vì vậy trong khi thực hiện lý tưởng độ đời, chúng ta cũng đã thực hiện sự buông bỏ. Buông bỏ ngay trong khi làm việc. Ta muốn làm điều đó, làm được thì tốt, không làm được thì ta làm việc khác, tại sao ta phải buồn, phải đau, phải khổ? Đó là sự buông bỏ.
Có khi chúng ta đang làm một việc gì ngon trớn, hay chúng ta đang nói một câu chuyện ngon trớn, thì có tiếng chuông, chúng ta hơi bực. Mình đang làm ngon trớn như vậy mà có tiếng chuông thì rất bực. Hoặc là mình đang nói chuyện gì rất hấp dẫn mà bị tiếng chuông ngưng mình lại, là rất bực! Ta buông bỏ không được. Ta hơi bực tiếng chuông dù trước đó ta có ký kết với Bụt là mỗi khi nghe tiếng chuông thì ta buông hết để trở về với hơi thở.
Có thể sự bực bội đó kéo dài trong một hay hai giây đồng hồ. Nhưng khi đã theo tiếng chuông và đã thở an lạc rồi, thì ta mới mỉm cười nói rằng: Cái ngon trớn kia so với hơi thở và tiếng chuông, nó không đáng giá gì hết, và cái hạnh phúc của sự thực tập tiếng chuông nó lớn lao quá, khiến cho những cái mà trước đó mình tưởng là ngon trớn lắm, nó cũng không ra gì. Cái đó gọi là buông bỏ. Buông bỏ được là nhờ mình thấy cái kia nó có giá trị gấp trăm ngàn lần.
Cũng vậy, những công việc mà chúng ta đang say mê, đang theo đuổi hàng ngày, muốn cho thành công, chúng ta phải làm như thế nào để cho chúng ta đừng bị ràng buộc vào nó. Làm không được cái này, ta làm cái khác. Tại sao chúng ta phải sầu muộn khổ đau vì cái đó? Trong khi làm việc như vậy, chúng ta đã thực tập sự buông bỏ rồi chứ không cần phải bỏ hết thì mới gọi là buông bỏ.
3. Thứ ba là con đường phụng sự lý tưởng. Chúng ta biết rằng tăng thân của chúng ta là một phương tiện rất lớn cho chúng ta thực hiện sự tu tập cũng như sự hành đạo. Chúng ta biết rằng nếu không có tăng thân, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong bước đường tu học. Nếu không có tăng thân, chúng ta sẽ không được nâng đỡ, không được soi sáng, không được yểm trợ, nhất là trong những giai đoạn khó khăn của chúng ta. Nếu không có tăng thân thì chúng ta không thể nào thực hiện được lý tưởng độ đời của chúng ta. Vì vậy tăng thân rất là quan trọng.
Chính đức Thế Tôn, nếu không có tăng thân thì ngài đã không thể nào làm được sự nghiệp của ngài. Vì vậy mà đức Thế Tôn đã để ra rất nhiều thì giờ và năng lượng để xây dựng tăng thân. Vua Ba Tư Nặc có nói rằng: Bạch đức Thế Tôn, khi nhìn thấy tăng thân của ngài thì con có đức tin rất lớn nơi ngài. Điều này cũng hơi lạ, tại sao nhìn đức Thế Tôn, mình không có đức tin liền mà phải đợi nhìn tăng thân của ngài mình mới có đức tin nhiều nơi đức Thế Tôn?
Thật ra nhìn vào con người của đức Thế Tôn cũng có thể có niềm tin lớn rồi. Nhưng nhìn vào tăng thân của đức Thế Tôn thì niềm tin đó nó còn lớn hơn nữa, tại vì khi nhìn đức Thế Tôn, chưa chắc mình đã thấy toàn diện đức Thế Tôn. Khi nhìn tăng thân của ngài, mình thấy đức Thế Tôn rõ hơn nữa, tại vì đức Thế Tôn hiện ra trong tăng thân, được thấy trong tăng thân. Khi nhìn một cái, chưa chắc mình đã thấy hết cái đó. Nhưng khi nhìn một cái khác, dưới ảnh hưởng của cái này thì mình thấy được tầm lớn lao của cái này. Vì vậy tăng thân cũng là đức Thế Tôn. Tôi muốn quý vị chiêm nghiệm về chuyện này để thấy rõ rằng việc xây dựng tăng thân là một sự nghiệp rất lớn của đời tu học của mình.
Hồi Vua A Xà Thế bị bệnh tâm thần, vua bị hối hận vì đã làm những tội lỗi quá lớn lao, vua đã giết cha để cướp ngôi! Các vị đạo sư khác đã được các quan mời tới để chữa trị cho vua. Nhưng không thành công. Rốt cuộc bác sĩ Jivaka nói rằng: Tâu bệ hạ, tại sao bệ hạ không đến khẩn cầu đức Thế Tôn? Ngài hiện đang ở dưới chân núi Linh Thứu. Vua A Xà Thế nói rằng: Ngày xưa trẫm đã đối xử không đẹp với Bụt, cho nên bây giờ trẫm rất ngại, sợ ngài còn giận trẫm. Bác sĩ Jivaka nói rằng: Bụt đâu có giận ai? Ngày xưa Bụt rất thương mến phụ hoàng, và Bụt cũng đã từng nói pháp thoại cho bệ hạ nghe rồi. Bụt với phụ hoàng là hai người bạn rất thân. Bây giờ bệ hạ có hối hận về những hành động cũ thì bệ hạ nên đi đến với Bụt. Đến vớùi Bụt thì cũng như bệ hạ trở về để hòa giải với phụ hoàng. Thế nào Bụt cũng giúp cho bệ hạ lành bệnh.
Đêm hôm đó là một đêm Rằm, trời mát và trăng trong, vua ra lệnh tổ chức một phái đoàn đi thăm Bụt ở chân núi Linh Thứu, trong vườn xoài của bác sĩ Jivaka. Quanh Bụt lúc đó có 1250 vị khất sĩ. Vua đi bằng voi và có một đàn voi chở gia đình hoàng gia đi theo. Phái đoàn gồm cả trăm người. Từ kinh đô đi tới chân núi cũng không xa lắm, chừng một hai tiếng đồng hồ thì tới. Khi xuống voi, bác sĩ Jivaka hướng dẫn vua vào thăm Bụt. Thấy cái không khí quá im lặng, nên nhà vua rùng mình hoảng sợ. Vua nói: Jivaka! ông đưa trẩm đến chỗ nào đây? Có nguy hiểm không? Ông nói có tới 1250 thầy đang ở với Bụt mà sao không nghe một tiếng động nào hết vậy! Jivaka liền thưa: Tâu bệ hạ không sao đâu. Các thầy đông lắm nhưng các thầy rất yên lặng. Bệ hạ nhìn xem, qua cửa sổ hình tròn có ánh sáng chiếu ra, đức Thế Tôn đang ở trong đó, và ngài đang ngồi với các vị khất sĩ. Nhà vua không tin được là 1250 người mà có thể ngồi im lặng như vậy. Sự im lặng đó làm cho vua hoảng sợ, giống như người ta đang đưa vua vào một ổ phục kích. Nhưng nhờ có Jivaka hướng dẫn, cho nên khi mới bước vào thì vua thấy một đại chúng 1250 vị khất sĩ ngồi yên lặng cùng với đức Thế Tôn, không có một tiếng ho, không có một tiếng tằng hắng. Chỉ nội khung cảnh đó thôi đã khiến cho nhà vua hết sức khâm phục. Trời ơi! Con trai của tôi mà được như vậy thì sướng cho tôi biết mấy? Con trai của vua A Xà Thế rất ồn ào, nghịch ngợm, làm vua rất khổ tâm.
Đến đây thì tôi xin nhắc đại chúng rằng giáo đoàn của Bụt hồi ngài còn tại thế, thực tập uy nghi rất vững chãi. Trong những lần họp mặt như pháp thoại hay pháp đàm, tất cả mọi người đều rất im lặng, ngồi rất thẳng, rất đẹp, rất vững, theo dõi hơi thở và không tạo ra một tiếng động nào. Trong khi ăn cơm cũng vậy.
Chúng ta nên biết rằng trong truyền thống của chúng ta, ăn cơm chúng ta phải dùng muỗng bằng gỗ. Tại sao vậy? Tại vì muỗng bằng gỗ khi chạm vào bát thì không tạo ra tiếng ồn. Trưa nay quý vị thử ăn như là giáo đoàn đã ăn cơm trong thời Bụt còn tại thế. Hôm chủ nhật vừa rồi, ngồi ăn cơm, tôi vẫn nghe tiếng động của muỗng nĩa, và thỉnh thoảng lại có tiếng đũa muỗng rơi! Mỗi muỗng cơm, mình phải múc trong chánh niệm, xong mình để xuống cũng trong chánh niệm, và mình tuyệt đối tránh tiếng động. Nếu quý vị về Huế, đi vào những tu viện và đứng ngắm các thầy ăn cơm thì quý vị sẽ thấy nó yên lặng vô cùng. Muỗng không bao giờ đụng vào bát đến độ gây ra tiếng động.
Tại sao phải cố gắng giữ im lặng như vậy? Tại vì cái im lặng đó chứng tỏ mình đang chánh niệm. Trưa nay quý vị hãy đem máy thâu âm vào để thâu mà nghe lại. Mình đang còn yếu lắm! Trưa nay mình có một cơ hội để thực tập, hãy cẩn thận trong việc dùng muỗng đũa của mình. Mình phải biết cái muỗng của mình đi tới đâu, xúc miếng cơm hay miếng cà rốt nào. Đưa lên nhìn kỹ, mỉm cười, đưa vào miệng, nhai và để muỗng xuống như thế nào để tránh dù là một tiếng động nhỏ. Mai mốt có thể sẽ có một vua A Xà Thế mới tới thăm. Nội chỉ sự tĩnh lặng trong bữa ăn, đã khiến cho người đó chuyển đổi tâm trạng. Đó là một phần thực tập của chúng ta. Trong khi quay video, trong khi đổi băng, chúng ta cũng phải làm sao cho thật nghiêm trang, im lặng.
Trở lại với cuộc sống của người tu, trong khi phụng sự cho tăng thân, là chúng ta phụng sự cho lý tưởng của chúng ta. Chúng ta quét nhà, rửa bát, làm những công việc hàng ngày. Những cái đó không phải là những phù phiếm. Những cái đó là những cái ta phục vụ cho lý tưởng tối hậu của chúng ta, Chúng ta không cần phải bỏ những cái đó thì mới đi vào bản môn được.
Vì vậy trong khi sống cuộc đời phụng sự, bất cứ một việc làm hàng ngày nào của chúng ta, không việc nào được coi là quý (noble), không việc làm nào được coi là tiện (dirty work). Chúng ta dọn dẹp Phật đường hay chúng ta chùi cầu tiêu, hai việc đó đều quan trọng bằng nhau. Chúng ta ngồi thiền hay rửa chén, hai việc đó cũng quan trọng như nhau. Phải rửa chén như thế nào để ta có hạnh phúc tương đương với việc ngồi thiền thì mới được. Tại vì cả hai việc đều phải làm trong tinh thần buông bỏ, và cả hai đều có mục đích tiếp xúc cho được với thực tại tối hậu.
4. Vì vậy trong khi sống con đường thứ ba, chúng ta phải sống con đường thứ tư. Cũng như khi sống con đường thứ nhất và con đường thứ hai, chúng ta phải sống con đường thứ tư. Khi cả tăng thân cùng làm thì điều này trở thành một điều có thể làm được và dễ làm. Nếu làm được ba cái trên thì cái thứ tư trở thành một tiếp xúc với bản môn rất tự nhiên.
Việc tiếp xúc với bản môn chúng ta đang làm trong đời sống hàng ngày. Khi đi và đạp lên một tờ lá khô, ta có thể tiếp xúc được với bản môn của tờ lá khô đó. Khi nhìn một sư anh hay một sư em, ta phải nhìn người sư anh hay sư em như thế nào để ta tiếp xúc được với bản môn, chuyện đó là chuyện ta có thể làm được. Nếu không thì nó rất uổng.
Nhiều khi ngồi thiền, tôi nhìn cây nhang đang cháy. Ngồi thiền không hẳn mình phải nhắm mắt lại. Tại Phương Khê tôi hay đốt nhang nằm ngang. Khi cây nhang cháy, khói đi lên và xông thơm cả thiền phòng của mình. Khi nhang cháy gần hết, nếu mình muốn cho nó cháy tiếp thì mình nối thêm một cây. Có khi mình gác lên cây trước, có khi mình để sát vào cây trước. Khi cây nhang cũ cháy hết thì nó bắt sang cây mới. Vấn đề là mình còn nhiên liệu hay không. Hễ còn nhiên liệu tiếp tục thì mùi thơm còn tiếp tục. Rất dễ! Muốn thêm một cây nhang khác thì cứ để nó sát vào cây cũ, nó sẽ cháy tiếp. Nếu không thêm thì tới cuối cây nhang, nó sẽ hết khói, hết mùi thơm, tuy phần than ở chân cây nhang vẫn còn cháy, màu hồng tồn tại một thời gian rồi tắt ngấm, hết mùi thơm.
Nếu mình đi tìm cây nhang thì hơi khó, tại vì khi cháy tới chân nhang, trước mặt mình không còn cây nhang nữa, mà chỉ còn lại tro. Tất cả hương thơm của cây nhang đã bay vào vùng không gian, và hiện giờ mình vẫn ngửi được mùi nhang thơm đó ở trong phòng. Muốn nhang cháy tiếp thì mình phải có một cây nhang khác, Rất rõ ràng.
Tôi nhớ ở trong kinh có nói rằng vấn đề là vấn đề nhiên liệu mà thôi. Khi cây đèn hết dầu, nếu mình đổ thêm dầu vào thì cây đèn tiếp tục cháy. Mỗi khi tôi thấy một sư chú hay một sư cô, thì tôi thấy đó là một cây nhang mà tôi đang đặt sát vào cây nhang của tôi. Tôi biết rằng cây nhang sẽ tiếp tục cháy, tôi thấy tôi ở trong sư cô đó, hay trong sư chú đó. Và tôi thấy sư chú, sư cô hay vị thiền sinh đó đang tiếp nối tôi, và sẽ tiếp nối tôi. Tôi thấy ở trong bản môn, vì vậy mà siêu việt được cái ngã, cái phi ngã, siêu việt được cái còn, cái mất.
Ngày hôm qua sư cô Chân Không có điện thoại cho anh Chân Thiện Căn. Anh đã nhận được lá thơ Làng Mai số 20. Anh đọc và rất thích, nhất là đọc những bài thơ của các sư cô và các sư chú viết. Anh có nói với sư cô Chân Không rằng con thấy có nhiều vị ở làng, mới tu học có một, hai năm thôi mà giỏi quá chừng. Kỳ nầy về làng con sung sướng hết sức, con thấy thầy có sự tiếp nối rất rõ ràng. Con không lo sợ gì hết. Thầy được tiếp nối bởi từng sư cô, từng sư chú, từng vị Phật tử ở đây, thành ra con không ngại ngùng gì hết, con rất sung sướng vì thấy được điều đó. Tôi cũng thấy điều đó và tôi rất hạnh phúc. Tại vì khi nhìn một sư chú thì tôi nhìn bằng con mắt đó. Nhìn bằng con mắt của bản môn và tôi thấy giữa tôi và sư chú đó không phải là hai người, không phải là một người. Vì vậy cho nên ở trong lòng tôi thấy rất khỏe.
Trong những công việc mình làm hàng ngày, trong những gì mình thực tập hàng ngày, như thỉnh một tiếng chuông, nấu một nồi xúp, giặt một cái áo, thì mình phải làm như thế nào để mình tiếp xúc được với bản môn. Nếu không thì uổng cho mình quá. Tại vì tuệ giác đó là tuệ giác của sự buông bỏ, nó làm cho mình có được kho tàng giàu có ngay trong giây phút hiện tại. Đây là điều mình có thể làm được, những gì tôi trao truyền, tôi chỉ dẫn, là đủ cho quý vị sống được những giây phút như vậy trong đời sống hiện tại. Mình đã biết rất rõ niềm vui của mình là niềm vui của tăng thân. Tăng thân tại đây cũng như tăng thân trên thế giới. Mình biết rằng những khổ đau của mình cũng là khổ đau của tăng thân. Khi mình tiếp xúc được với tính chất vô thường, vô ngã, tương tức và niết bàn, thì những động tác hàng ngày của mình, những gì mình tiếp xúc trong đời sống hàng ngày, nó sẽ biểu lộ chiều hướng tâm linh sâu sắc đó. Và đời sống hàng ngày của mình trở nên sâu sắc. Do sống đời sống hàng ngày sâu sắc mà mình có thể siêu việt được sinh tử ngay trong đời sống hàng ngày của mình, tại đây và bây giờ.
Như vậy chúng ta tóm tắt lại rằng, sự thực tập buông bỏ, chúng ta không đợi đến một tuổi nào đó như 50 hay 60 ta mới buông bỏ. Chúng ta thực tập buông bỏ ngay trong khi chúng ta còn ấu thơ. Tại vì chúng ta bắt đầu được trao truyền tuệ giác vô thường, tuệ giác vô ngã, tuệ giác tương tức. Chúng ta thực tập Năm giới để thấy rằng những khổ đau, những vướng mắc của ngũ dục, chúng ta có thể vượt được. Mà vượt được những khổ đau vướng mắc của ngũ dục, ta vẫn có thể sống được một cuộc sống rất có hạnh phúc, với tất cả những sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp đang có mặt.
Chính nhờ chúng ta tiếp xúc một cách sâu sắc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đang có mặt, mà ta tiếp xúc được với thế giới của bản môn, với cái gọi là thực tại tối hậu, Ultimate reality.
Trong khi đeo đuổi sự thành công của chúng ta, theo đuổi sự nghiệp của chúng ta, chúng ta thực tập phụng sự tăng thân, phụng sự nhân loại, phục vụ chúng sanh, phục vụ đạo pháp, thì ta cũng làm như vậy, nghĩa là ta phải thực tập sự buông bỏ và ta phải sống mỗi giây phút của đời sống hàng ngày như thế nào, để chúng ta có thể thực tập được sự buông bỏ trong từng giây phút đó. Kết quả là chúng ta có hạnh phúc, có sự vững chãi, có sự thảnh thơi.
Niết bàn trong đạo Bụt có hai điều kiện của hạnh phúc, là vững chãi, và thảnh thơi.
Nếu Ấn Độ giáo dùng ba đặc tính là Sat, Cit và (nanda, thì đạo Bụt dùng ba cái đức gọi là Pháp thân, Bát nhã, vàGiải thoát, ba đức tính của niết bàn. Đây là ba cái đức của niết bàn nhìn theo cách nhìn của đạo Bụt Đại thừa. Pháp thân, Dharmakaya, tương đương với Sat. Bát nhã, Praj((, tức là trí tuệ lớn, trí tuệ có thể làm cho ta thấy được những mầu nhiệm của hiện hữu, tương đương với Cit, và Giải thoát, Mukti, tức là sự thảnh thơi, là tự do, tương đương với (nanda.
Chúng ta phải sống như thế nào để ba cái này thực sự có mặt trong đời sống hàng ngày mà không phải là những danh từ mà chúng ta hướng đến.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]