TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai
VÔ NIỆM KHÔNG PHẢI LÀ VÔ CHÁNH NIỆM
Tháng trước pháp sư Thanh Nghiêm có viết thư nhờ tôi đề tựa kinh Viên Giác mà pháp sư đã dịch và chú giải bằng tiếng Anh. Trong bài tựa tôi có nói rằng Viên Giác được làm bằng những yếu tố không phải là Viên Giác. Viên Giác dịch tiếng Anh là Perfect Enlightenment hay là Complete Enlightenment.
Trong nguyên văn tôi viết: "Những giác ngộ gọi là viên mãn, được làm bằng những chất liệu gọi là những giác ngộ không viên mãn".
Trong đầu của chúng ta thường nghĩ rằng cái này là Viên giác, còn cái kia là Phần giác, nghĩa là giác ngộ một phần, giác ngộ sơ sơ. Kỳ thực nếu không có những cái gọi là phần giác, nghĩa là những yếu tố giác ngộ lúc ban đầu, thì viên giác không thể nào có được.
Vì thiền viện của pháp sư Thanh Nghiêm nằm ở New York, nên tôi đưa ra một ví dụ về con đường từ New York đi Boston. New York ở miền Nam, Boston ở miền Bắc, và chúng ta đang đứng ở trên con đường New York-Boston.
Nếu chúng ta nghĩ rằng Boston tượng trưng cho giác ngộ, cho Viên giác, cho cái mục đích tối hậu của ta, thì New York sẽ là hướng mà chúng ta không muốn hướng đến. Chúng ta muốn hướng đến Boston. Đạo Bụt gọi đó là hướng thượng.
Chúng ta cũng nên biết rằng ngày xưa người ta gọi chùa là Thượng phương, direction of the above. Chùa tượng trưng cho ý muốn đi lên của chúng ta. Vậy thì trên đường New York-Boston, ví dụ ta đang đứng ở New Heaven, một thành phố nằm trên đường New York và Boston, thì tại điểm đó nó chứa vừa New York, vừa Boston. Tất cả mọi điểm trên con đường đó đều chứa cả hai thành phố New York và Boston. Nhờ điểm đó mà ta có thể đi New York; nhờ điểm đó mà ta có thể đi Boston. Vậy thì khi ta quay lưng lại với Boston, đi về New York, thì ta mất Boston. Ta mất, nhưng Boston vẫn còn đó.
Mỗi khoảnh khắc của tâm chúng ta cũng vậy, nó có chứa đựng Bụt và có chứa đựng ma. Nó chứa đựng thượng phương, nó chứa đựng hạ phương. Nó chứa đựng giác, và chứa đựng bất giác. Vì vậy mà ta thường nói chúng ta trôi nổi trên biển khổ không bờ, không bến, nhưng nếu quay đầu trở lại một cái thì chúng ta thấy bến tức khắc! Khổ hải man man, qui đầu thị ngạn. Biển khổ mênh mông nhưng quay đầu lại thì thấy bến liền.
Thành ra cái gọi là toàn giác hay viên giác, nằm ngay tại điểm mà tâm ta đang đứng, có nghĩa là New Heaven có chứa Boston, không đợi chúng ta phải đến Boston mới có toàn giác. Chúng ta chỉ cần quay mặt lại, hướng về phía Boston thì ta có toàn giác, có ngay bây giờ và tại đây.
Cũng như khi quý vị leo lên tàu TGV ở Libourne để về Paris, thì tại chỗ ngồi của quý vị, nó đã có Paris trong đó rồi. Nhưng nếu quý vị leo lên chiếc tàu đó, và nó đang hướng về Bordeaux, thì tuy cũng chỗ ngồi đó, cũng chiếc ghế màu đó, nhưng càng lúc Paris càng xa vời! Cho nên trong đời sống, vấn đề là vấn đề phương hướng, và tu là hướng thượng.
Khi uống một chén trà mà chúng ta an trú được trong giây phút đó, chúng ta có tự do, có hạnh phúc, có thảnh thơi, có chánh niệm, thì giây phút trong đó chúng ta uống trà, có chứa đựng viên giác, chứa đựng toàn giác, niết bàn. Nếu chúng ta đi tìm cái viên giác ngoài hành động uống trà của ta, thì không bao giờ chúng ta nắm được viên giác cả. Viên giác chỉ là một ý niệm mà thôi.
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta nấu cơm, giặt áo, đi cầu, rửa bát v.v... Chính trong những hành động đó, những giây phút đó mà ta tiếp xúc được với niết bàn, với giải thoát, với giác ngộ.
Trên chặng đường New York-Boston, mỗi bước chân của chúng ta đều chứa đựng Boston hay New York cả. Chúng ta thấy rằng hai cái đó phối hợp với nhau, chúng không rời nhau. Cái giác và cái mê nó làm ra nhau. Mỗi bước chân đi về Boston có New York trong đó, mỗi bước chân đi về New York, có Boston trong đó. Vấn đề là cái hướng mình chọn mà thôi. Quyết chí đi Boston thì ta xa dần New York, mà chọn đi New York thì cả tâm lẫn thân ta xa dần Boston!
Cho nên cái gọi là phép qui y, quay về nương tựa, là phép mà người tu phải thực tập mỗi ngày. Khi thức giấc trong đêm khuya, ta bực bội, ta nhớ nhung; hoặc những lúc ăn cơm, uống nước, quét nhà mà ta giận hờn, thì những lúc đó ta rất là người, ta đúng thật là ta. Những lúc đó nếu có chánh niệm, ta biết rằng ta vừa thức giấc, ta biết rằng ta đang bực bội, ta biết rằng ta đang nhớ nhung, mơ tưởng, thì lúc đó ta đang hướng về chánh giác, ta có Bụt, có pháp, có tăng ôm ấp, nuôi dưỡng, bảo hộ cho ta. Còn cũng những lúc như vậy mà ta không có chánh niệm, thì ta đang trôi về hướng hạ.
Quan trọng là ở chỗ đó. Không phải ta đã tới chỗ đó rồi hay tới chỗ kia rồi mới là quan trọng. Chúng ta tới trong mỗi giây phút của đời sống và chúng ta phải có khả năng tiếp xúc được Bụt, được pháp, được tăng, được viên giác, được niết bàn, được an lạc, ngay trong từng động tác, từng cử chỉ, từng tâm tư của chúng ta, ngay giờ này và tại đây. Chúng ta đang giận, đúng rồi giận là một tâm hành tiêu cực, nhưng giận là một cái gì rất người. Trong khi giận, nếu có chánh niệm, tôi giận và tôi biết tôi đang giận, thì lúc đó tuy cái giận vẫn còn, nhưng mình đang hướng thượng, mình đang được Bụt che chở, được pháp, được tăng che chở, mình đang tiếp xúc được với bản môn. Nếu không có những giây phút như vậy thì ta không có viên giác.
Vì vậy cho nên giờ phút lâm chung, giờ phút mình đang lâm vào một thế hiểm nguy, giờ phút mình đang bực bội, đang đau buồn mà mình có chánh niệm thì tuy rằng cái hiểm nguy đó, cái bực bội đó, cái giận hờn đó nó còn, mà mình vẫn đang hướng về viên giác. Thành ra khi mình bực bội, mình giận hờn hay lo lắng mà mình chống đối lại cái bực bội, cái giận hờn, cái lo lắng đó, mình không bằng lòng vì mình bực bội, giận hờn, lo lắng thì cái bực bội, giận hờn, lo lắng nó được nhân lên làm hai, làm ba, làm bốn và mình lại càng khổ thêm lên!
Cứ than trách rằng: "Tại sao mình đã tu như vậy, đã bốn năm năm rồi mà mình vẫn giận như ngày xưa, mà có khi giận nhiều hơn nữa", thì không ích lợi gì cả, mà nó còn có hại cho cuộc đời tu hành của mình nữa! Nếu lúc đó mình biết mỉm cười, biết nhìn mình bằng con mắt từ bi, thấy mình là con người, mình đang giận, thì tự nhiên có Bụt ôm lấy mình, và chính cái năng lượng chánh niệm đó nó đưa mình hướng về Boston, hướng mình về viên giác.
Mình có đi tới một điểm khác ở trên trục lộ đó thì cũng vậy, tại vì ở điểm này cũng có cả Boston lẫn New York. Mà dù mình đã tới được Boston, thì Boston vẫn ôm lấy New York trong đó như thường! Cũng như Viên giác sẽ có mặt dù lúc đó mình đang ở tại New York. Vấn đề là mình biết hướng thượng, mình có chánh niệm, mình có viên giác.
Thành ra vấn đề không phải là vấn đề thời gian, hay vấn đề không gian mà là vấn đề hướng về. Trong đời sống hàng ngày của người tu, giây phút nào của sự sống, mình cũng phải hướng thượng. Yếu tố để giúp mình hướng thượng là chánh niệm. Tại vì chánh niệm là Bụt, mình được bảo hộ. Khi được bảo hộ thì dù mình có tham, có sân, có si, có mạn, có nghi, thì mình cũng vẫn đang hướng về viên giác như thường. Vì vậy mà mình có thể nói rằng viên giác là được làm bằng yếu tố phần giác.
Sống trong một tăng thân có nhiều người thực tập thì chúng ta có rất nhiều cơ hội. Tại vì khi tiếp xúc với anh, với chị, với em, với những người bạn tu của mình, nhìn thấy họ, nghe họ nói thì chúng ta có rất nhiều cơ hội để xoay về hướng thượng phương. Trong ta có một thói quen, có một tập khí hướng về phương hạ, hướng về thất niệm. Đó là vì trong bao nhiêu đời, trong bao nhiêu kiếp rồi, từ tổ tiên ông bà, cho đến cha mẹ, cái tập khí đó nó đã sâu dày, vì vậy chúng ta thường bị thất niệm lôi kéo. Thất niệm là cái ngược lại với chánh niệm. Thất niệm tức là bị quá khứ, bị tương lai, bị tư tưởng nó lôi kéo và mình không sống sâu sắc được trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Chúng ta thường bị thất niệm lôi kéo, thất niệm là một loài ma. Chúng ta biết được bản chất của con ma này. Con ma này là con ma chính mà chúng ta phải đương đầu. Nó nguy hiểm hơn ma Cà-rồng. Không còn con ma nào nguy hiểm bằng con ma thất niệm.
Khi sống trong một thiền viện, chúng ta có tiếng chuông, và nghe chuông chúng ta nhận ra đó là tiếng gọi của Bụt để gọi ta: "Con ơi! Tại sao con quay về nẻo đó"? Thì ta nhớ lại, ta có chánh niệm lại, và ta quay về hướng thượng. Thấy một sư em đang đi vững chãi và thảnh thơi, thì hình ảnh đó là một tiếng chuông khác. Tất cả những chi tiết của thiền viện như một bức tranh của tổ sư, hay một mái chùa cong, đều có mục đích nhắc ta trở về với hơi thở chánh niệm. Thành ra những nhà kiến trúc, những nhà nghệ sĩ, nhạc sĩ, những người có tu, bằng cái nghệ thuật của họ, họ tạo ra những điều kiện làm cơ duyên nhắc nhở cho chúng ta trở về với hướng thượng.
Những người có trách vụ kiến thiết thiền viện, hay tổ chức thiền viện phải biết điều này. Tất cả những chi tiết về nghệ thuật cũng như về tổ chức thiền viện đều phải nhắm vào mục đích cung cấp cho thiền sinh những cơ hội để họ chấm dứt thất niệm mà hướng về thượng phương. Nếu mình là một vị trụ trì giỏi, một vị tri sự giỏi, một sư anh, sư chị giỏi, thì mình biết làm thế nào để tổ chức thiền viện của mình, để những người tới với mình có cơ hội được nhắc nhở. Khi tiếp xúc được với những điều kiện thuận tiện đó thì mình sẽ có một tâm hành tác ý, giúp cho mình hướng về phía viên giác. Tác ý đó gọi là Như lý tác ý, hay Như Pháp tác ý, tiếng Phạn là Yoniso Ma-naskara. Ma-naskara là tác ý. Như lý tác ý là một tâm hành có thể giúp mình quay về, hướng về nẻo viên giác, nẻo thiện. Bất như lý tác ý hay Phi như lý tác ý, tiếng Phạn là Ayoniso Ma-naskara.
Trong khi ngồi nghe pháp thoại, khung cảnh của pháp đường, tiếng chuông, sự có mặt của các pháp hữu ngồi bên ta, sự có mặt của vị pháp sư và những lời pháp, đều là những điều kiện thuận lợi để chúng ta an trú trong tư thế hướng về viên giác. Vì vậy trong suốt thời gian nghe pháp, chúng ta được bảo vệ bởi những yếu tố đó và chúng ta luôn luôn hướng về Boston, hướng về phía viên giác mà đi tới. Trong lúc ngồi thiền, trong lúc đi thiền hành thì cũng vậy.
Hôm trước chúng ta đã định nghĩa niệm là sự có mặt. Đây là một định nghĩa rất mới. Nhưng cái mới này được làm bằng những chất liệu cũ. Có mặt đây nghĩa là thân, khẩu và ý hợp nhất một nhà, đoàn tụ gia đình, gọi là có mặt đích thực.
Khi thân, khẩu và ý có mặt thì tự nhiên ta có định. Cố nhiên niệm là tên của nó, nhưng hễ có niệm tức là có định. Chữ niệm này chúng ta phải hiểu nghĩa của nó. Tại vì trong thiền môn chúng ta dùng chữ vô niệm, và người ta cho vô niệm là một nguyên tắc tuyệt đối. Nhưng phải biết rằng chữ niệm mà chúng ta nói đây không phải là chữ niệm ở trong vô niệm. Niệm có nghĩa là nhớ. Nhớ đây không phải là nhớ bất cứ một cái gì. Nhớ đây tức là cái tâm của mình chấm dứt sự rong ruổi trong quá khứ, chấm dứt sự phiêu lưu trong tương lai mà trở về với sự sống trong giây phút hiện tại. Trong hiện tại cũng có những yếu tố kéo mình đi, và mình không bị những yếu tố đó kéo đi thì gọi là niệm.
Trong kinh Người Biết Sống Một Mình, có một bài kệ của Bụt nói về phương pháp an trú trong giây phút hiện tại:
Đừng tìm về quá khứ,
Đừng tưởng tới tương lai,
Quá khứ đã không còn,
Tương lai thì chưa tới,
Hãy quán chiếu sự sống,
Trong giờ phút hiện tại.
Giây phút hiện tại là để quán chiếu sự sống chứ không phải để đánh mất mình bởi những yếu tố đang xảy ra trong hiện tại.
Chính trong giờ phút ấy,
Kẻ thức giả an trú,
Vững chãi và thảnh thơi.
Phải tinh tiến hôm nay,
Kẻo ngày mai không kịp.
Cái chết đến bất ngờ,
Không thể nào mặc cả.
Người nào biết an trú,
Đêm ngày trong chánh niệm,
Thì Mâu Ni gọi là người biết sống một mình.
Từng chữ chắc nịch. Chúng ta đã thêm vào câu "Chính trong giờ phút ấy" để cho rõ nghĩa hơn.
Tâm mình thường phiêu lưu trong quá khứ, phiêu lưu trong tương lai, và nó bị những việc đang xảy ra trong hiện tại bó buộc. Mình phải phá vòng vây, trở về làm chủ lấy mình, quán chiếu việc gì đang xảy ra trong hiện tại. Nhờ chánh niệm đó, nhờ quán chiếu đó mà không những quá khứ, tương lai, mà cả hiện tại nữa, đều không vây hãm mình được, không áp dẫn mình đi được, mình có tự do. Đó gọi là niệm.
Nếu mình ngồi đó mà tơ tưởng tới tương lai, hay tiếc nuối quá khứ, thì đó là nhớ. Nhưng nhớ này không phải là chánh niệm mà là tà niệm. Tà niệm là cái nó ngăn cản, không cho mình sống được sâu sắc giờ phút hiện tại, và quán chiếu về những gì phát hiện trong giờ phút hiện tại.
Chúng ta nên biết rằng tà niệm cũng là niệm, nhưng đối tượng của tà niệm là một cái gì ngăn cản, không cho mình an trú trong giây phút hiện tại, và sống sâu sắc với những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại, không cho mình sống sâu sắc với tư cách của một con người tự do. Chính trong giây phút ấy, kẻ thức giả an trú, vững chãi và thảnh thơi. Vững chãi và thảnh thơi là hai đặc tính của niết bàn mà mình có thể tiếp xúc được ngay khi đứng tại một điểm mà thân tâm nhất như.
Làng Mai định nghĩa chánh niệm một cách rất dễ hiểu, đó là sự có mặt đích thực của mình trong giây phút hiện tại, nơi mình đang ở. Một sự có mặt vững chãi và thảnh thơi, có tuệ giác là việc thực tập của mình. Khi mình có mặt như vậy thì Bụt, Pháp và Tăng đang có mặt với mình, đang ôm lấy mình. Giờ phút đó là giờ phút mình hướng thượng. Trong đời sống hàng ngày, mình làm thế nào để mỗi giây phút trong đời sống đó được đặt trong chánh niệm, từ sáng cho đến tối. Vì vậy mà mình cần tăng thân, cần những điều kiện thuận lợi để luôn luôn có Như lý tác ý. Phi như lý tác ý thì nó kéo mình đi theo hướng kia.
Mình cũng đã từng nói rằng sự có mặt của mình là món quà lớn nhất cho mình và cho người mình thương. Khi có mặt rồi thì mình mới có khả năng nhận diện sự có mặt của kẻ kia, hay cái kia.
Công dụng thứ nhất của chánh niệm là có mặt, công dụng thứ hai của chánh niệm là khả năng nhận diện sự có mặt của đối tượng kia. Có mặt rồi ta mới nói được rằng "Trăng tròn ơi, ta biết ngươi có đó và ta rất có hạnh phúc". "Người thương ơi, tôi biết anh có đó và tôi rất có hạnh phúc". Chỉ khi nào có mặt, mình mới có khả năng nhận diện người kia, và mình biết rất rõ là khi mình coi người kia như không có mặt, thì người kia không thể nào tin được là mình đang có tình thương. Vì vậy cho nên yếu tố thiết yếu của sự thương yêu là mình phải có mặt và mình phải công nhận sự có mặt của người kia.
Trước đây chúng ta đã học hai linh chú thứ nhất và thứ hai của Làng Mai. Hai linh chú đó là để thực tập sự có mặt đích thực và nhận diện sự có mặt của người kia, vật kia. Khi thực tập hai điều đó thì mình biết trân quí sự sống, và mình biết nuôi dưỡng mình bằng những mầu nhiệm đang có mặt trong mình, và chung quanh mình. Thiền tập và thực tập chánh niệm, do đó trở thành một cái gì rất đơn giản, rất phổ biến, không những người Phật tử cần thực tập, mà những người không Phật tử cũng nên thực tập, nếu họ muốn đời sống của họ có nhiều hạnh phúc hơn.
Công dụng thứ ba của chánh niệm là nuôi dưỡng và trị liệu. Khi có mặt và mình nhận diện sự có mặt của những yếu tố lành mạnh, tươi mát và có công năng trị liệu chung quanh ta, thì chính ta được nuôi dưỡng và được trị liệu. Ví dụ như thiên nhiên. Thiên nhiên là những yếu tố rất tươi mát, rất có khả năng trị liệu. Nếu mình tự giam mình trong khổ đau, trong sự phiền não, trong niềm thất vọng thì mình không tiếp xúc được với thiên nhiên, do đó mà những vết thương của mình rất khó để được trị liệu. Chung quanh mình biết bao nhiêu người biết thương mình, biết bao nhiêu người có thể giúp mình trị liệu, nhưng tại mình cứ tự giam hãm trong sự cô đơn, sầu khổ, buồn tủi, giận hờn, cho nên mình không tiếp xúc được với những yếu tố trị thương. Vì vậy mình không được nuôi dưỡng và trị liệu bởi những yếu tố đó.
Công dụng thứ tư của chánh niệm là quán chiếu. Nếu mình thực sự có mặt và nhận diện được gì đang có trước mặt mình, thì mình có cơ hội nhìn sâu vào trong đối tượng đó, gọi là quán chiếu, tiếng Anh là looking deeply. Mình thấy rõ ràng rằng trong chánh niệm có năng lượng gọi là định. Khi có chánh niệm, mình nhận diện sự có mặt của cái đó, và mình có cơ hội tiếp xúc với cái đó một cách sâu sắc. Đó là định.
Khi quán chiếu được sâu sắc rồi thì sự hiểu biết của mình sẽ phát sinh. Cái đó gọi là tuệ. Như vậy, nhờ quán chiếu mà mình có tuệ giác, có understanding. Tuệ giác là yếu tố giải phóng cho mình ra khỏi những khối sầu khổ, u mê, làm cho mình đau đớn từ trước cho đến giờ. Sự giải thoát ở trong đạo Bụt không phải được làm bằng chất liệu của ân huệ từ một đấng thần linh, mà được làm bằng yếu tố tuệ giác của chính chúng ta. Chúng ta hết khổ là nhờ chúng ta hiểu, chứ không phải nhờ ân huệ của một đấng thần linh nào cả.
Cho nên chánh niệm là nguồn năng lượng mà mỗi ngày chúng ta phải chăm sóc, vun bón và chế tác. Tại vì nguồn năng lượng đó sẽ sinh ra những nguồn năng lượng khác là định và tuệ. Cái an lạc, hạnh phúc và sự chuyển hóa khổ đau của chúng ta, hoàn toàn được trông cậy vào ba nguồn năng lượng này. Cho nên chúng ta phải sống như thế nào để trong mỗi giây phút, ta có thể chế tác được năng lượng của chánh niệm.
Nói về hiện tại, nếu nói không khéo, người ta có thể hiểu lầm rằng mình cấm không cho người ta quán chiếu về quá khứ, và về tương lai! Có người nói rằng cái mà anh gọi là giây phút hiện tại, anh cũng không nắm bắt được! Anh nói rằng phải an trú trong giây phút hiện tại, nhưng làm sao anh nắm bắt được giây phút hiện tại, vì anh vừa đụng tới nó thì nó đã thành quá khứ! Người ta còn đưa ra những câu kinh để chứng minh một cách rất lý thuyết, như kinh Kim Cương nói rằng: "Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc", vậy thì cái mà anh gọi là hiện tại, nó ở đâu?
Đó là chơi trò đi trốn, đi tìm bằng những khái niệm, không ích lợi gì cho sự tu tập của chúng ta cả! Rõ ràng nếu có thực tập thì chúng ta biết rằng cái gọi là Hiện pháp Lạc trú, là cái có thật. Nghe những câu hỏi như vậy, chúng ta chỉ nên mỉm cười vì người kia muốn chơi chữ. Ta không muốn chơi chữ, ta đã có hiện pháp lạc trú thì tại sao ta phải vướng vào trò chơi vô ích đó làm gì? Chúng ta đâu muốn sống trên đời này để cãi lộn về những ý niệm trừu tượng về giáo lý?
Nhưng chúng ta có thể dùng phương tiện quyền xảo để cắt nghĩa cho họ rằng, cái mà ta gọi là quá khứ, bây giờ ta có thể tiếp xúc với nó ở trong giây phút hiện tại. Nói rằng quá khứ đã không còn, đó chỉ là một cách nói thôi. Cái quá khứ đó nó vẫn còn. Vẫn còn là vì nó đã trở thành hiện tại. Hiện tại được làm bằng một chất liệu gọi là quá khứ. Nếu nhìn sâu vào hiện tại, chúng ta có thấy gì đâu? Chúng ta chỉ thấy quá khứ mà thôi! Quá khứ bây giờ đang có mặt trong hiện tại, và nếu ta tiếp xúc với hiện tại một cách sâu sắc, thì ta tiếp được với quá khứ! Hay như vậy đó.
Ví dụ ông nội chúng ta đã qua đời, hay ba chúng ta đã mất rồi, và chúng ta nói ông nội là một yếu tố của quá khứ, ba là một yếu tố khác của quá khứ. Đó chỉ là cách nói. Nếu ta tiếp xúc với con người của ta trong hiện tại một cách sâu sắc, thì ta tiếp xúc được với ông nội và với cha ta. Ta là sự tiếp nối của ông nội và của cha. Cho nên ông nội hiện đang sống, và ta tiếp xúc được liền. Đó là tuệ giác. Ông nội ta chưa bao giờ chết! Cha ta chưa bao giờ chết, tại vì ta đang thật sự có mặt.
Cũng như khi chúng ta đưa tay sờ vào ngọn lá của một cây bắp, thì ta sờ được luôn hạt bắp ngày xưa đã được gieo xuống đất. Hạt bắp ngày xưa nhỏ xíu mà nay đã bung ra thành ngọn lá đầu tiên. Ta nhìn hạt bắp quá khứ đó như là chuyện quá khứ, nhưng kỳ thật lá bắp xanh tươi mà ta đang cầm trên tay, nó chính là hạt bắp. Nó là sự tiếp tục của hạt bắp. Hạt bắp đang có mặt trong hiện tại. Cái mà ta gọi là quá khứ, đang thật sự có mặt trong hiện tại.
Không có gì đã mất. Vì vậy gạch một đường để chia quá khứ và hiện tại ra làm hai, là cũng không đúng lắm. Đó chỉ là cách nhìn cạn cợt, chưa quán chiếu sâu sắc.
Có khi chúng ta nói rằng ngày xưa ta đã lỡ lầm, ta đã nói một câu tạo ra sự đau nhức, tạo ra sự đổ vỡ. Giờ đây ta không thể nào trở về quá khứ để sữa đổi lại, để hàn gắn những gì đã đổ vỡ trong quá khứ. Có nhiều người bị nhốt vào trong ngục tù của sự hối hận đó, không bao giờ ra khỏi. Tại vì quá khứ đã đi rồi, mà ta lại đã lầm lỡ trong quá khứ, thì bây giờ làm sao trở về quá khứ cho được? Có cách gì trở về quá khứ để hàn gắn lại, để dựng lại những gì ta đã làm đổ vỡ hay không?
Đạo Bụt cho chúng ta một phương pháp rất hay. Đó là sự làm mới. Chỉ có giáo lý này mới cho chúng ta phương pháp để trở về quá khứ và dựng lại những gì ta đã làm tan nát trong quá khứ. Chỉ có đạo Bụt mới làm được điều này, và làm bằng sự khai thị: Cái mà anh gọi là quá khứ, nó không mất đâu, nó đang có mặt trong hiện tại, và anh có thể tiếp xúc với nó, anh có thể chữa nó lại được, dựng nó lại được.
Ví dụ ngày xưa anh đã nói với ngoại anh một câu mà anh nghĩ là không dễ thương. Bây giờ anh rất hối hận, Muốn sửa đổi, anh hãy an trú trong tư thế ngồi, tư thế đi. Anh quán chiếu, anh tiếp xúc với anh một cách sâu sắc, tự nhiên anh tiếp xúc được với ngoại của anh. Anh thấy rằng anh là sự nối tiếp của ngoại. Mỉm cười anh nói "Ngoại ơi, con xin lỗi ngoại, con sẽ không bao giờ làm điều dại dột như vậy nữa". Tức là anh thực tập cái gọilà làm mới, bằng cách tiếp xúc sâu sắc với hiện tại và anh sẽ thấy ngoại trong anh mỉm cười và nói: "Ngoại đang vui đây, tâm của con đã thay đổi thì tất cả đều thay đổi, và ngoại ở trong con cũng đã đổi mới". Tất cả đều nằm trong tầm tay của mình khi mình có bàn tay thần thông của chánh niệm. Ai nói rằng không trở về quá khứ để xây dựng lại được những gì mình đã làm đổ nát? Đạo Bụt nói được! Tiếp xúc với hiện tại, mình có thể hàn gắn được quá khứ, mình có thể làm mới được. Đó là phương pháp sám hối rất hay của đạo Bụt.
Còn tương lai là cái gì và ở đâu? Nếu hiện tại được làm bằng quá khứ, thì vị lai sẽ được làm bằng hiện tại. Biết bao nhiêu người trong chúng ta đang lo lắng, sợ hãi về tương lai? Chúng ta bất an, chúng ta lo sợ, chúng ta hoảng hốt về tương lai của chúng ta!
Đạo Bụt cho chúng ta một cái thấy rất mầu nhiệm. Đó là: Cái mà anh gọi là vị lai chỉ được làm bằng một chất liệu thôi, chất hiện tại. Chính hiện tại nó làm ra tương lai. Vì vậy phương cách hay nhất để lo lắng cho tương lai, là xử lý hiện tại bằng tất cả khả năng hiện có của mình. Take care of the present, that is the best way to take care of the future. Quản lý, xử lý hiện tại với tất cả trái tim, tâm hồn, năng lượng của mình, là phương pháp hay nhất để chuẩn bị cho tương lai.
Vì vậy đang sống trong giây phút hiện tại, đang uống trà, đang ngồi với bạn, đang rửa chén, mà an trú trong chánh niệm, đó tuy gọi là sống an lạc trong giây phút hiện tại, nhưng đó là sự xây dựng tương lai mầu nhiệm và tích cực nhất. Cho nên giáo pháp Hiện pháp Lạc trú là rất thâm sâu, tại vì khi mình xử lý được hiện tại, thì mình chăm sóc được quá khứ, và mình cũng xây dựng được đồng thời tương lai.
Trong cách hiểu của chúng ta về quá khứ, hiện tại, và vị lai, chúng ta thấy có tuệ giác gọi là tương tức, tiếng Anh là Inter-being. Tại vì quá khứ, hiện tại, và vị lai không phải là ba cái, mà nó là một. Tiếp xúc với một cái là mình tiếp xúc với cả ba cái. Khi nói rằng chúng ta sống với hiện tại, không có nghĩa rằng chúng ta không có quyền quán chiếu quá khứ. Quán chiếu quá khứ không có nghĩa là tự đánh mất mình trong quá khứ. Điều Bụt dạy là đừng ngồi đó mà sầu khổ, mà tiếc nuối, mà tự đánh mất mình trong quá khứ. Còn nếu mình an trú trong hiện tại, đem quá khứ về để quán chiếu, thì mình có thể học được rất nhiều từ những điều đã xảy ra, và trong trường hợp đó mình vẫn an trú vững chãi trong giây phút hiện tại.
Cho nên sống trong hiện tại không có nghĩa là không được quyền quán chiếu quá khứ. Chúng ta vẫn có quyền quán chiếu quá khứ với vững chãi và thảnh thơi. Nó cũng không có nghĩa là sống trong hiện tại mình không có quyền thiết kế cho tương lai. Không! Mình có quyền thiết kế cho tương lai, với điều kiện mình an trú vững chãi nơi hiện tại. Điều mình không nên làm là đánh mất mình trong sự lo sợ về tương lai, đánh mất mình trong sự hoảng hốt và mơ tưởng về tương lai. Đó mới là không nên, còn an trú vững chãi trong hiện tại để thiết kế tương lai là chuyện nằm trong phạm vi thực tập của mình. Chúng ta đừng bị kẹt vào những danh từ và ý niệm.
Có người cho rằng chữ niệm ở trong vô niệm cũng giống như chữ niệm ở trong chánh niệm. Không phải vậy!
Chữ niệm ở trong vô niệm có nghĩa là một tư tưởng, một cái tưởng, một tri giác (perception), một ý niệm (idea), một quan niệm (notion). Vô niệm tức là vượt thoát những tư tưởng, những ý niệm, những tri giác đó. Tại vì mình có những tư tưởng, những ý niệm, những tri giác đó, và đôi khi mình đồng nhất nó với sự thật tuyệt đối. Vì vậy mình phải vượt thoát ý niệm đó thì mình mới có thể tiếp xúc được với sự thật.
Ví dụ mình có một ý niệm về Paris. Ý niệm về Paris của mình có thể rất sai lầm, dù cho mình có đi thăm Paris hai ba ngày, thì ý niệm của mình về Paris vẫn còn ngây thơ như thường. Có người ở Paris 10 năm mà cũng chưa nắm vững được cái thực tại của Paris. Vì vậy Paris là một chuyện, mà ý niệm của mình về Paris là một chuyện khác. Ý niệm đó là một cái tưởng, một tri giác mà khi nó sai, nó không đúng sự thật, thì gọi là vọng tưởng. Thành ra mình tuy có đi Paris nhiều lần thì cái tưởng của mình về Paris vẫn là vọng tưởng cho đến một mức độ nào đó. Nếu cái vọng tưởng đó không được lấy đi (tức là vô niệm), thì ta sẽ không có cơ hội tiếp xúc với tự thân, với thực tại của Paris. Cho nên vô niệm là nguyên tắc của tuệ giác. Như vậy chữ vô niệm không có nghĩa là "vô chánh niệm". Có người không hiểu và nói rằng vô niệm là cao nhất, vì chánh niệm thì cũng vẫn còn là niệm. Nói vậy tức là không hiểu chánh niệm là gì.
Niệm còn một nghĩa nữa, đó là một khoảnh khắc ngắn của tâm lý. Khoảng cách của một sát-na, gọi là niệm niệm tấn tốc, khoảnh khắc này tiếp nối khoảnh khắc khác. Nhất niệm tam thiên: Một khoảnh khắc của tâm niệm nó có thể bao gồm được cả ba ngàn tâm niệm khác. Thành ra chữ niệm nó có bản chất thời gian của tâm. Vì vậy chữ chánh niệm chúng ta dùng đây không phải là chữ niệm trong danh từ vô niệm, mà cũng không phải là chữ niệm trong nghĩa một đơn vị thời gian rất ngắn.
Niệm ở đây là một năng lượng, chánh niệm là một năng lượng, có giá trị như dầu xăng hay nguyên tử lực, tại vì chúng ta cần nó để có ánh sáng.
Nó là năng lượng, mà năng lượng đó có ít hay nhiều ở trong ta, thì ta biết. Trong đời sống hàng ngày ta phải chế tác chánh niệm. Ví dụ một trung tâm làm ra một vùng chánh niệm, một bên có một lỗ tai, một trong sáu căn của chúng ta. Khi có năng lượng của chánh niệm thì chúng ta có thể thực tập bi thính, hay từ thính, đế thính. Chúng ta nghe với năng lượng chánh niệm, chúng ta nghe với lòng từ bi. Khi được nghe bởi năng lượng này thì người kia bớt khổ, và đồng thời khi nghe ta hiểu được rất là sâu sắc. Nghe một mà hiểu mười. Sở dĩ vậy là nhờ trong ta có năng lượng của chánh niệm. Ta nghe mà người kia bớt khổ được là vì ta đế thính, ta có năng lượng của chánh niệm. Thành ra có lỗ tai mà không có năng lượng trong đó thì cũng như là quý vị có một bóng đèn 150 Watts, nhưng quý vị không có điện, thì cái bóng đèn đó để làm gì?
Lỗ tai của ta cũng vậy. Mình có lỗ tai, nhưng lỗ tai của Bụt, lỗ tai của Bồ tát Quán Âm khác với lỗ tai của mình, tại vì trong lỗ tai của đức Quán Âm có dồi dào năng lượng của chánh niệm, cho nên ngài nghe rất rõ.
Lời nói của mình mà có chánh niệm thì không làm cho người ta đau khổ. Lời nói có chánh niệm sẽ tạo hạnh phúc và niềm tin cho người ta.
Bàn tay của mình cũng là một loại bóng đèn. Bàn tay này có thể làm hạnh phúc cho rất nhiều người, mà nó cũng có thể gây khổ đau cho nhiều người. Làm hạnh phúc hay gây khổ đau là tùy ở chỗ trong bàn tay đó có chánh niệm hay không, có con mắt hay không. Con mắt mà không có chánh niệm thì nhìn mà không thấy.
Trong Nho học người ta nói rằng: "Tâm bất tại yên", tức là khi mình không có ý tứ, thì "Thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị". Khi cái tâm mình không có đó, thì nhìn mà không thấy, lắng mà không nghe, nếm mà không biết mùi vị. Vì vậy cho nên con mắt của ta mà không có chánh niệm, thì việc sờ sờ ra đó mà ta không thấy, thấy mà ta không hiểu! Người kia đang đau khổ vô cùng mà mình đâu có biết. Nhiều khi mình là nguyên do khổ đau của người ta mà mình cũng không biết, mình nhởn nhơ, mình cho mình là người vô tội, nhưng kỳ thực là do mình không có chánh niệm.
Vì vậy cho nên cắm dây vào trong ổ điện chánh niệm thì lập tức mình thấy được rất rõ ràng. Con mắt của đức Quán Thế Âm Bồ tát, của đức Văn Thù Bồ tát, là những con mắt rất sáng. Lỗ tai của đức Quán Thế Âm Bồ tát là lỗ tai rất thính, đó là nhờ năng lượng chánh niệm hùng hậu ở trong đó. Con mắt nhìn mà thấu suốt được là con mắt thần, con mắt Pháp, con mắt Bụt. Mà sở dĩ nó là mắt Pháp, mắt Bụt là tại sao? Tại vì nó có năng lượng.
Chúng ta cũng có một hệ thống thần kinh cảm giác giống như đức Thế Tôn, chúng ta cũng có hai lỗ tai, hai con mắt như đức Thế Tôn, nhưng chúng ta không có nguồn năng lượng đồi dào của chánh niệm như đức Thế Tôn, cho nên nghe mà chúng ta hiểu rất ít, nhìn mà chúng ta thấy không sâu! Vì vậy mục đích tu hành của chúng ta là chế tác năng lượng chánh niệm. Trong ta có một nhà máy điện, và nhà máy đó phải ngày đêm tạo tác chất liệu chánh niệm. Tất cả những điều chúng ta làm trong đời sống hàng ngày: Đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, nói chuyện, rửa nồi, nấu cơm, đều phải được sử dụng để chế tác năng lượng. Đó là cách tu tập tại Làng Mai.
Bàn tay của chúng ta có thể tạo nên hạnh phúc, nó cũng có thể làm cho tan tác, tùy ta có chánh niệm hay không. Bàn tay có con mắt và lỗ tai trong đó, thì bàn tay đó sẽ làm hạnh phúc cho biết bao nhiêu người. Còn bàn tay mù, bàn tay điếc, thì bàn tay đó sẽ tạo ra rất nhiều đau khổ.
Đừng nói anh làm quần quật suốt ngày. Không! Làm quần quật suốt ngày không đủ để tạo hạnh phúc. Nếu trong bàn tay anh không có con mắt, nếu trong bàn tay anh không có lỗ tai, thì bàn tay đó đụng đến đâu là nó làm hư hại đến đó. Bàn tay này là bàn tay của đức Đại Hạnh Phổ Hiền. Đại hạnh tiếng Anh là Great action. Mà sở dĩ bàn tay đó là bàn tay đại hạnh là vì trong đó có con mắt, có lỗ tai.
Vào chùa chúng ta thấy có tượng đức Quán Thế Âm nghìn tay, đó là cách diễn tả, là cái ngôn ngữ của đạo Bụt. Một con người mà làm sao có nghìn tay? Tại vì trong người đó có nhiều từ bi quá. Mà từ bi nhiều quá thì nó biểu lộ ra bằng hành động. Cho nên có hai cánh tay không đủ, phải có cả ngàn cánh tay mới có thể biểu lộ được hết năng lượng của từ bi ở trong đó. Biết điều đó thì ta mới hiểu được tôn tượng Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn.
Mà Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn là ai? Là chúng ta! Nếu chúng ta có nguồn năng lượng của thương, của yêu ở trong ta, và năng lượng đó dồi dào quá, thì ta sẽ ngồi yên không được. Ta phải hành động, ta phải tạo hạnh phúc cho người chung quanh ta, và tự nhiên ta thấy ta cần tới một nghìn cánh tay.
Ở Xóm Thượng có nhiều sư anh cũng thấy như vậy, thấy rằng mình có thể làm được nhiều hạnh phúc quá, và mình có cảm tưởng hai cánh tay không đủ, cho nên mình muốn có thêm hai cánh, bốn cánh, sáu cánh, tám cánh tay. Ở Xóm Hạ cũng vậy, ở Xóm Mới cũng vậy. Nhiều khi cánh tay chúng ta rất dài, chúng ta nuôi được một em bé ở Cambodia, chúng ta nuôi được một em bé ở Phi châu. Chúng ta có nhiều cánh tay hơn chúng ta tưởng. Nhìn bên ngoài thì thấy như có hai cánh tay, nhưng sự thật nếu tình thương trong ta rộng lớn, thì nhìn kỹ hơn, người ta thấy mình có rất nhiều cánh tay.
Ngày xưa tôi có làm việc với một người phụ nữ ở Hòa Lan. Bà ta người hơi thấp, nước da không trắng trẻo gì mấy. Ấy vậy mà bà ta là một vị đại Bồ tát! Trong thế chiến thứ hai, một mình mà bà cứu được hàng chục ngàn người Do Thái khỏi bị sát hại. Một người thôi mà tại sao làm được bao nhiêu việc như vậy! Người đó hiện đang còn sống ở bên Hòa Lan. Muốn sang nhìn mặt vị Bồ tát đó, đặt tay vào vai vị Bồ tát đó, là chuyện mình có thể làm được, chỉ cần đi vài tiếng đồ hồ bằng xe lửa thôi!
Chung quanh ta có những vị Bồ tát như vậy, và mình nói người đó có hai tay hay nhiều tay? Hai tay mà làm sao làm được nhiều quá vậy? Thành ra đức Bồ tát kia không phải là một cái tượng, không phải là một hình ảnh trừu tượng mà chúng ta tôn thờ. Đó là những người có thật, và chính ta cũng có thể là một vị Bồ tát như vậy. Tại vì tu tập thì năng lượng chánh niệm nó phát hiện, và có chánh niệm thì ta thấy được. Thấy được thì ta thương được, và khi thương thì cánh tay của ta sẽ mọc ra thêm.
Đến đây chúng ta hãy học về phương pháp gọi là đi. Chúng ta đã tập thiền nghe, chúng ta đã tập thiền nói. Bây giờ chúng ta tập thiền đi.
Thiền đi là một pháp môn rất mầu nhiệm, rất dễ làm, và nó có thể đem lại hiệu quả rất lớn. Đi như thế nào để trong mỗi bước chân nó có an lạc, có hạnh phúc, có niệm, có định, và có tuệ. Mỗi bước chân đó có thể giúp ta tiếp xúc được với niết bàn, với tịnh độ, với bản môn. Mỗi người trong ta đều có thể làm được như vậy, đều có thể đi được như vậy. Có khi chúng ta đi được một hai bước rồi ta bỏ, không đi nữa. Nhưng kỳ thực ta có khả năng thiền đi.
Tổ Lâm Tế có nói: "Phép lạ là đi trên mặt đất". Anh không cần phải đi trên mây, đi trên than hồng, hay trên mặt nước mới gọi là phép lạ. Anh đi trên mặt đất này thôi, anh cũng có thể làm phép thần thông rồi. Bốn chữ mà tổ Lâm Tế dùng là "Địa thượng thần thông", có nghĩa là đi trên mặt đất đã là phép thần thông. Tại vì khi đi mà mình hoàn toàn có mặt, thân-khẩu-ý hoàn toàn có mặt, mình tiếp xúc được với cái mầu nhiệm mà mình đang sống, thì cả bước chân lẫn mặt đất mà mình đang đặt chân lên, đều là mầu nhiệm vô cùng. Sự kiện mình đang sống đây, cũng là một phép lạ. Sự kiện trái đất này đang còn đây để cho mình bước từng bước thảnh thơi như vậy, cũng là một phép lạ. Vì vậy mà tổ Lâm Tế đã nói mỗi bước như vậy là thể hiện thần thông.
Làng Mai chúng ta có bài kệ:
Đặt chân trên mặt đất,
Là thể hiện thần thông,
Từng bước chân tỉnh thức,
Làm hiển lộ pháp thân.
Pháp thân, Dharmakaya ở đây có nghĩa là thực tại nhiệm mầu, cái tự thân của thực tại nhiệm mầu, cái thế giới không sinh, không diệt. Đi như thế nào mà mỗi bước chân làm hiển lộ pháp thân, đi như thế nào mà có tịnh độ ngay dưới chân mình, đi như thế nào mà dưới mỗi bước chân có một đóa sen nở, chuyện đó chúng ta phải làm cho được.
Trần Thái Tông cũng là một bó đuốc sáng của thiền tông Việt Nam. Trần Thái Tông, tác giả của Khóa Hư Lục, cũng có nói Bộ bộ đạp trước thật địa. Thật địa tức là mảnh đất của thực tại. Mảnh đất của thực tại tức là pháp thân. Tại vì chúng ta thường đi như là mộng du, đi mà chúng ta đi như đi trong giấc mơ.
Trong khi đó, với người tu thì mỗi bước chân là phải giẫm lên, phải dính vào miếng đất của thực tại. Tu là phải đi như vậy. Cô hồn là những người đi chân không chấm đất. Ngày xưa ở Xóm Thượng tôi có thấy một cô hồn, chân đi không chấm đất, một cô gái người Mỹ mới tới Làng Mai, nhìn cách cô đi là biết ngay đây là một cô hồn sống. Cô đi như một bóng ma. Cô đau khổ quá, cô sống trong thế giới của cô đơn, của giận hờn, rất là tội nghiệp!
Nếu có chánh niệm một chút, nhìn chung quanh, mình thấy có những cô hồn, bước mà không bước trên đất, họ giẫm vào cái đau khổ, cái hư vọng, vào giấc mơ. Có những người sống suốt cuộc đời họ, như sống trong một giấc mơ. Chưa bao giờ đặt được một bước chân tỉnh thức ở trên cõi đời này. Cho nên phải tỉnh dậy và phải bước những bước chân trên đất thật, cái đó gọi là thiền hành. Chúng ta có thiền nói, thiền nghe, thiền trà, thiền ăn, thiền thở, và hôm nay chúng ta thực tập về thiền đi.
Thường thì đi là chúng ta muốn tới. Tới là cái chúng ta muốn, đi là phương tiện, cho nên chúng ta hy sinh chuyện đi, để chúng ta nhắm đến chuyện tới. Nhưng trong phép thiền đi, thì đi chính nó là một cứu cánh, chứ không còn là một phương tiện nữa. Tại vì thiền đi là đi mà không cần tới. Mỗi bước chân nó đưa mình tới, và tới ở đây không có nghĩa là tới New York hay tới Boston, mà tới quê hương, trở về nhà, trở về giây phút hiện tại.
Bụt dạy rằng quá khứ và tương lai đều là ý niệm. Chỉ có một giây phút mà trong đó chúng ta có thể về nhà được thôi, gọi là giây phút hiện tại. Quay về nương tựa, Hải đảo tự thân. Hải đảo tự thân nó nằm ngay trong ta, và chính trong giờ phút hiện tại đó, ta mới tiếp xúc được với sự sống, với Bụt, với tổ, với niết bàn. Cho nên nếu có một nơi đến, thì nơi đến đó là giây phút hiện tại. Mỗi bước chân phải đưa mình tới giây phút hiện tại. Đó gọi là thiền đi.
Như vậy thiền đi nghĩa là đi mà không cần tới. Nếu có tới thì đó là tới giây phút hiện tại. Ta phải học mới đi được. Khi được sinh ra trong giáo pháp của Bụt, ta phải học ăn, học nói, học nghe, học ngồi, và học đi trở lại.
Sống tại Làng Mai có một lợi điểm là tất cả mọi người đều được yêu cầu thực tập thiền đi. Khi cần đi là phải áp dụng thiền đi, dù mình chỉ cần di chuyển có ba bước hay năm bước, đều phải thực tập thiền đi, tức là đi trong chánh niệm. Không có cách đi nào khác được khuyến khích tại Làng Mai. Nếu anh, nếu chị thực tập bảy ngày cho hết lòng, thì đã có sự chuyển hóa trong anh, trong chị rồi.
Mỗi người trong ta đều có khuynh hướng đi như bị ma đuổi. Chúng ta phải chống lại cái khuynh hướng đó. Chúng ta phải phát nguyện từ giờ phút này cho đến khi rời làng, tôi không để cho ma đuổi, ma kéo. Tôi đi với tư cách của một người tự do, của một vị Bụt. của một vị Bồ tát, và bước chân nào cũng được đặt trong chánh niệm hết. Nếu làm được vậy trong bảy ngày thì đã có sự thay đổi rất lớn. Một ngày thôi cũng đã có sự thay đổi. Ăn thua là mình có sự quyết tâm hay không mà thôi.
Đi như thế nào để mỗi bước chân, mình thấy mình không phải đi đến một chốn nào khác, mình không phải tìm một thời gian nào khác. Tại vì trong ta thường có niềm mê tín rằng hạnh phúc nằm ở bên kia, và trong tương lai mới có hạnh phúc, còn giờ đây, ta còn phải cực khổ, còn phải chạy vạy thì mới có được hạnh phúc trong tương lai đó! Ta thường tin rằng hạnh phúc chỉ có ở tương lai, và có ở nơi khác.
Chúng ta tất tả để đi đâu? Chúng ta vội vàng để đi đâu? Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá mà quàng phải dây? Tại vì trong ta có khuynh hướng tin rằng cái ta đi tìm là hạnh phúc, và hạnh phúc đó nó không có mặt tại đây, vào lúc này. Ta chưa bao giờ có hạnh phúc chân thật hết. Hạnh phúc chân thật có ở đâu đó, và ta chạy vạy để đi tới nó. Đó là một niềm mê tín rất lớn! Cũng vì thói quen đó mà chúng ta giẫm đạp lên hạnh phúc đang có trong hiện tại.
Cái kia gọi là chỗ tới, nơi tới, tiếng Anh là destination. Bây giờ chúng ta thử hỏi nơi tới cuối cùng của chúng ta là nơi nào? Nơi tới cuối cùng của chúng ta là nghĩa trang hay là lò thiêu gì đó. Và chúng ta có cần hối hả để đi tới chỗ đó sớm hơn hay không? Hình như là không! Ta đâu có muốn đi về hướng đó, về chỗ đó sớm? Ấy vậy mà ai trong chúng ta cũng tất tả hết, tại chúng ta cứ nghĩ rằng tương lai nó đang chờ ta!
Vậy thì phương hướng đó không phải là phương hướng của sự sống. Phương hướng của sự sống là một phương hướng khác, phương hướng của hiện tại. Chỉ có giây phút hiện tại mới hàm chứa sự sống mà thôi. Đó là tuệ giác của Bụt. Vì vậy cho nên ta phải dừng lại. Dừng chuyện đi như bị ma đuổi. Đó là nghĩa của chữ chữ Chỉ. Thiền quán trước hết là Stop!
Mình nhờ ai stop giùm mình? Mình phải tự ngừng lại. Cùng với thầy, với bạn mình phải biết ngừng lại. Ngừng lại thì mình thấy hình như hạnh phúc nó có ở đây rồi! Khi ngừng lại với chánh niệm thì mình nhận ra rằng hai chân mình còn khỏe, con mắt mình còn sáng, tất cả những điều kiện hạnh phúc nó đã dư thừa, chỉ tại mình không có khả năng thụ hưởng mà thôi.
Quý vị thử để ra một tiếng đồng hồ, với một tờ giấy, một cây bút, viết xuống những điều kiện hạnh phúc mà quý vị đang có sẵn, chỉ nửa tiếng hay một tiếng là cùng thôi, thì quý vị sẽ thấy rằng quý vị có dư những điều kiện để có hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Có nhiều người không có được một phần mười điều kiện hạnh phúc mà quý vị đang có, nhưng quý vị đâu có khả năng có hạnh phúc? Vì vậy mà quý vị vẫn tiếp tục chạy!
Thành ra dừng lại là rất quan trọng. Trong chúng ta có những người có khả năng có hạnh phúc, và cũng có những người chưa có khả năng có hạnh phúc. Chưa có không có nghĩa là những điều kiện hạnh phúc không có. Chúng ta có suýt soát những điều kiện bằng nhau, nhưng người thì đang hạnh phúc, người thì đang than phiền tại sao mà tôi khổ như vầy!
Đây là vấn đề giác ngộ. Giác ngộ ở đây không phải là một danh từ quá lớn. Giác ngộ ở đây là tỉnh dậy để thấy được rằng: Thì ra những điều kiện căn bản của hạnh phúc mình đã có rồi, chỉ có điều mình không có khả năng có hạnh phúc mà thôi!
Nói về việc dừng lại, thì thiền đi rất là mầu nhiệm. Mỗi bước mình đi được trong chánh niệm, mỗi bước mà mình dừng lại được rồi, thì mình có thể học được phương pháp dừng lại và sống sâu sắc trong giờ phút hiện tại của mình. Nói rằng anh ngồi chưa quen, ngồi anh thấy đau lưng, anh nhức chân. Còn đi thì sao? Đi anh có đau lưng và nhức tay không? Ai cũng đi được. Có nhiều người đi thiền hành gần như suốt ngày. Đi mà có niệm, có định, có tuệ thì nó cũng có công dụng lớn như là ngồi thiền vậy.
Thiền đi là một phương pháp thực tập rất thảnh thơi. Mình có thể đi một mình, có thể đi với một người khác, mình có thể đi với tăng thân. Trong khi đi, thân thể của mình được hoạt động, và mình được thở khí trời rất mát, rất trong, và mình tiếp xúc được với màu xanh của trời, của cây lá, mình tiếp xúc được với cái mầu nhiệm của sự sống quanh mình. Niệm và định càng lớn thì hạnh phúc của mình càng lớn. Đi như vậy thì mỗi bước chân nó đem lại sự hoan lạc, đem lại hạnh phúc cho mình. Mỗi bước chân như vậy nó đưa mình trở về với sự sống.
Có khi nào quý vị đi kinh hành mà quý vị để ý tới các tấm gỗ làm sàn của thiền đường chưa? Quý vị nghĩ rằng đi trên mây là một phép lạ, nhưng đi trên sàn gỗ này có phải là một phép lạ không? Những miếng gỗ này là gì? Gỗ này là do cây, nó đã để ra 30 năm hay 50 năm để chế tạo. Nó chế tạo bằng mây, bằng mưa, bằng nước, bằng ánh sáng mặt trời. Những miếng gỗ có những đường vân này chúng đều có phép lạ. Đi trên những tấm gỗ này nó mầu nhiệm không thua gì là đi trên một đám mây, hay đi trên mặt đất. Nếu tiếp xúc được với gỗ và biết gỗ là gì, gỗ này đã được tạo tác ra bằng cái gì, bằng cách nào, thì mình thấy ngay chính những tấm gỗ này đã là tịnh độ, đã là thật địa, đã là pháp thân rồi. Không có gì là không mầu nhiệm hết. Sở dĩ mình coi sàn gỗ không có gì đặc biệt, không có gì mầu nhiệm, là tại mình không có con mắt của chánh niệm. Nếu có con mắt của chánh niệm thì tất cả đều là nhiệm mầu. Không những bông hoa là nhiệm mầu, mà cái bàn, cũng như là không khí mình thở, đều là nhiệm mầu cả.
Khi thở vào như vậy, với tuệ giác, mình biết rằng trong hơi thở vào đã có những phân tử của không khí mà ngày xưa đức Thế Tôn đã thở vào, đã thở ra. Vì vậy chất liệu khiến cho mình có thể đi thiền hành mà có hạnh phúc, là chánh niệm.
Phương pháp đi thiền hành mình có thể học từ người khác, nhưng dần dần, mình có thể đặt ra phương pháp của riêng mình. Ban đầu mình đi một cách tự nhiên, rồi mình để ý rằng trong khi đi như vậy, thở vào mình bước được mấy bước, thở ra mình bước được mấy bước, để thăm dò khả năng lá phổi của mình. Đi như vậy thường thường thở vào mình bước được hai bước, thở ra mình bước được hai bước. Người mới thực tập thường có hơi thở vào ngắn hơn hơi thở ra. Người mới bắt đầu thực tập An Ban Thủ Ý, thì trong khi ngồi thở hay là đi mà thở thì thường nhận ra rằng hơi thở ra dài hơn hơi thở vào một chút. Chúng ta thở mỗi ngày, nhưng chúng ta không thở như là khi thực tập. Khi thở ra chúng ta không đem hết không khí trong lá phổi ra, nó luôn luôn còn một ít, và số ít không khí đó là chất dơ. Thành ra nếu muốn, ta có thể bước thêm một bước nữa để đưa hơi thở còn dư trong phổi ra ngoài. Ban đầu ta có thể thở vào hai bước, thở ra ba bước để làm việc thải hồi đó.
Có rất nhiều phương pháp. Đây chỉ là một đề nghị thôi: Lúc đầu quý vị có thể thở vào và bước hai bước, rồi thở ra, bước ba bước. Nhưng nếu muốn thì quý vị có thể thở vào hai bước, thở ra hai bước; hoặc thở vào ba bước, thở ra ba bước cũng được, điều đó không quan trọng. Cái quan trọng là mình có để ý đến hơi thở của mình hay không. Khi có để ý đến hơi thở thì mới gọi là thực tập, còn không để ý thì đó không phải là thực tập. Hơi thở ngắn thì mình biết là nó ngắn, hơi thở dài mình biết là nó dài. Nó là hai bước thì biết là hai bước, nó là ba bước thì biết là ba bước, chứ không phải ba bước là giỏi hơn hai bước! Giỏi hơn là ở chỗ mình biết nó là ngắn hay dài, nó là hai bước hay ba bước. Nếu quý vị thấy cần đưa hết không khí dơ trong buồng phổi ra ngoài thì quý vị nên dùng "hai bước và ba bước". Nếu thực tập như vậy trong vòng năm mười phút thì cái phổi của mình sẽ nói với mình rằng: Bây giờ thở vào anh cho tôi ba bước! Tự nhiên nó như vậy. Ban đầu thì hai, ba; hai, ba. Một hồi thì lá phổi mình sẽ nói bây giờ tôi muốn ba, ba. Lúc đó mình chiều lá phổi và mình theo nhịp thở ba, ba. Tại vì sau một thời gian thực tập thì hơi thở vào, ra nó cân bằng, và lúc này mình đưa vào được nhiều không khí trong lành hơn. Trước đó mình đưa vào được ít, tại vì mình còn không khí dơ ở trong phổi. Bây giờ nhờ mình đưa không khí dơ ra ngoài, cho nên nó đòi thêm.
Trong khi bước, mình cũng có thể dùng phép đếm như lúc ngồi thiền. Nhưng có khi thấy dùng con số một hồi thì mình chán, không thích nữa. Lúc đó mình có thể thay con số bằng một chữ khác, ví dụ: Vào, vào; Ra, ra, ra. thì nó đúng với kinh hơn: Thở vào, biết là thở vào; thở ra, biết là thở ra. Thành ra những chữ vào, ra đó nó giúp cho mình nuôi dưỡng chánh niệm: Đây là hơi thở vào, đây là hơi thở ra.
Bài tập đầu tiên của Bụt dạy về hơi thở là:
Thở vào tôi biết tôi đang thở vào.
Thở ra tôi biết tôi đang thở ra.
Khi hơi thở vào là sâu, là chậm, thì mình cũng có thể dùng những danh từ đó để ý thức được rằng hơi thở vào đã sâu, hơi thở ra đã chậm. Lúc đó cùng với nhịp bước, ta có thể nói: Sâu, sâu, sâu; Chậm, chậm, chậm.
Khi hơi thở đã sâu thêm và chậm thêm thì phẩm chất của nó đã cao hơn, và sự an lạc tăng tiến trong con người mình, mình nuôi dưỡng thân mình bằng lạc thọ. Nếu thở và đi mà không có an lạc, tức là mình đang lao động không tốt. Thực tập mà thấy có tịnh lạc, có lạc thọ thì mới đúng, còn thực tập mà thấy phải cố gắng, phải mệt nhọc như là khổ sai, thì không đúng.
Ngồi thiền cũng vậy, mà đi thiền cũng vậy. Mình có thể dùng danh từ vào, ra một thời gian, rồi mình dùng danh từ sâu, chậm. Điều quan trọng là mình đừng dùng như con vẹt. Mình thấy hơi thở vào sâu hơn và mình thật sự cảm thấy có an lạc nhiều hơn. Khi thở ra mình thấy nó chậm, nó nhẹ thì mình cũng thấy an lạc nhiều hơn. Đó không phải là tự kỷ ám thị. Đó là sự nhận diện. Tại vì hơi thở vào sâu thì mình nói nó sâu, hơi thở ra chậm thì mình nói nó chậm. Mình không ép buộc hơi thở.
Làng Mai chúng ta có những bài tập như:
Vào, ra, sâu, chậm.
Khỏe, nhẹ, lặng, cười.
Hiện tại, tuyệt vời.
Đây là một bài tập rất là phổ biến. "Vào, ra" nguyên văn của nó là:
Thở vào biết thở vào,
Thở ra biết thở ra.
Nhưng ta không cần nói hết những chữ đó. Đem hết tất cả ý của mình đặt vào hơi thở, thở sao cho có hạnh phúc, đó mới là quan trọng. Biết đây là hơi thở vào, biết đây là hơi thở ra, nhưng thở phải có hạnh phúc, phải cho khỏe, cho nhẹ, không phải lao động mệt nhọc.
Thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra. Sau đó chừng mấy phút thì mình cảm thấy hơi thở vào đã sâu, hơi thở ra đã chậm, và phẩm chất của hơi thở đã tăng tiến và lạc thọ đã sâu đậm hơn. Cho nên ta đi xa hơn:
Thở vào biết thở vào. Thở ra biết thở ra,
Hơi thở vào đã sâu. Hơi thở ra đã chậm.
Thở vào tâm tĩnh lặng. Thở ra miệng mỉm cười.
Thở vào an trú trong hiện tại. Thở ra tôi thấy giây phút hiện tại là tuyệt vời.
Bài kệ này có thể thực tập trong khi đi, cũng như trong khi ngồi, hay trong khi làm việc. Mỗi câu là một bài thực tập riêng. Nếu mình muốn thực tập mỗi câu hai phút thì mình thực tập hai phút, nếu muốn thực tập năm phút thì mình thực tập năm phút. Đến khi thấy đủ rồi thì mình mới đi qua câu kế. Thường thì khi nắm vững hơi thở vào ra và có lạc pháp rồi thì lúc đó mình mới nên đi tới bài thừ hai là sâu và chậm. Tại vì sâu chậm nó có nghĩa là phẩm chất của hơi thở đã tăng tiến.
Trong thời gian ở tại Làng Mai, quý vị nên tiếp thu những bài thi kệ thông dụng để thực tập, như bài Vào ra sâu chậm, hay bài Quay về nương tựa hải đảo tự thân, hoặc bài Đã về đã tới. Những bài này rất là quí giá, vì chúng đem lại an lạc cho chúng ta, nuôi dưỡng chánh niệm cho chúng ta trong suốt thời gian thực tập.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]