TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

MỤC LỤC

TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai

1. Những phương pháp tu tập Làng Mai (Phần 1)

LƯỢC QUA SINH ĐỘNG THIỀN TẬP

HAI THÁI CỰC CỦA TÂM

NƯƠNG TỰA BỤT LÀ TIẾP XÚC VỚI NHỮNG HẠT GIỐNG TỐT TRONG TA

TAM QUY LÀ NGŨ GIỚI

CÁC YẾU TỐ LÀM HẠI ĐỜI NGƯỜI TU

PHẬT PHÁP LÀ MỘT THỰC TẠI LINH ĐỘNG

CĂN CƠ VÀ DIỄN BIẾN CỦA CÁC THỰC TẬP LÀNG MAI

LỢI ĐIỂM THẾ KỶ 20

PHẬT GIÁO THỐNG NHẤT

ĐẠO BỤT NHẬP THẾ

MỘT CÁCH THỰC TẬP TAM QUY: NƯƠNG TỰA HẢI ĐẢO TỰ THÂN

KINH HẢI ĐẢO TỰ THÂN


Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai

1. Những phương pháp tu tập Làng Mai (Phần 1)

LƯỢC QUA SINH ĐỘNG THIỀN TẬP

Trong hai mùa An cư kiết Đông vừa qua, chúng ta đã tu học với đề tài Truyền thống Sinh động của Thiền tập Phật giáo. Đây là mùa Đông thứ ba chúng ta học về đề tài này.

Năm nay chúng ta sẽ để rất nhiều thì giờ quán chiếu về phương pháp thiền tập tại Làng Mai mà hiện nay rất nhiều thiền sinh trên thế giới đang học và thực tập theo.

Trước hết, ta nói về phương pháp thực tập Quy Y Tam Bảo.

Có thể có những người trong chúng ta nghĩ rằng Tam quy và Ngũ giới là những giáo lý sơ đẳng, dành cho những người cư sĩ. Kỳ thực Tam quy và Ngũ giới là giáo lý rất căn bản cho mọi người. Dù chúng ta đã tu học hai, ba hay năm mươi năm, chúng ta vẫn phải tiếp tục quán chiếu về Tam Bảo, và thực tập Quy Y Tam Bảo.

Quy Y Tam Bảo không phải chỉ là vấn đề tín ngưỡng mà còn là vấn đề thực tập. Khi chắp tay lại và tuyên bố rằng chúng ta quay về nương tựa Bụt, thì đó mới chỉ là một lời tuyên bố. Con về nương tựa Bụt, nhưng con phải làm thế nào để về, làm thế nào để nương tựa, và Bụt là ai để cho con nương tựa? Tất cả những câu hỏi đó cần được đặt ra, cần quán chiếu, và cần đi sâu vào để chúng ta thực sự có thể thực tập được điều chúng ta vừa tuyên bố: Con về nương tựa Bụt.

Làm được như vậy thì khi chúng ta về nương tựa Bụt, tự nhiên trong thâm tâm ta có sự an lạc, vững chãi và thảnh thơi liền lập tức. Nếu chúng ta chỉ tuyên bố "Con về nương tựa Bụt" mà không thực tập thì những cái vững chãi và thảnh thơi đó, ta không đạt được. Do đó chúng ta nên tự nhắc rằng Quy Y Tam Bảo là một vấn đề thực tập hơn là một vấn đề tín ngưỡng.

HAI THÁI CỰC CỦA TÂM

Trong ta có hai cực, một cực hướng thượng và một cực hướng hạ. Cực tiếng Anh là Pole. Khi chúng ta quay về nương tựa Tam Bảo thì chúng ta đang đi về phía hướng thượng. Khi chúng ta sống trong quên lảng, chúng ta chìm đắm trong sân hận, u mê, ganh ghét, thù hằn thì lúc đó chúng ta đang không thực tập Quy Y Tam Bảo, chúng ta đang đi về cực âm, nghĩa là phía hướng hạ.

Có một điều rất mầu nhiệm là hai cực đó, cùng một lúc chúng có mặt trong ta, và cực này giúp làm thành cực kia. Nếu không có cực hướng hạ thì sẽ không có cực hướng thượng, và không có cực hướng thượng thì sẽ không có cực hướng hạ. Điều quan trọng là phải biết rằng nếu chúng ta đang không hướng thượng thì chúng ta đang hướng hạ. Tu tập chánh niệm là làm thế nào để suốt trong đời sống hàng ngày, chúng ta biết mình đang đi về cực nào. Đang đi về cực hướng thượng thì chất liệu của an lạc, của thảnh thơi, của giải thoát có trong ta như những năng lượng. Đó gọi là Quy Y Tam Bảo.

Khi quy Y Tam Bảo đúng cách là có hiệu lực liền lập tức. Giờ phút mà chúng ta thực tập Quy Y Tam Bảo là giờ phút chúng ta có hạnh phúc, có vững chãi, có thảnh thơi. Cho nên dù quý vị đã tu ba mươi năm hay năm mươi năm, thì quý vị cũng vẫn phải thực tập Quy Y Tam Bảo như thường.

Chúng ta hãy nhớ lại ví dụ hoa và rác. Hoa là một cực, rác là một cực khác. Nếu chúng ta đang không đi về hướng của hoa, thì chúng ta đang hướng theo rác. Tuy vậy, rác không phải là kẻ thù của hoa, và hoa không phải là kẻ thù của rác. Khi nhìn sâu thì chúng ta phát kiến ra rằng rác được làm bằng hoa, và hoa được làm bằng rác. Một đóa hoa không được săn sóc, sẽ biến thành rác. Nếu biết cách, với một cọng rác chúng ta có thể biến nó thành hoa. Hoa cần rác, đó là cái nhìn bất nhị, non duality.

Vì vậy, dù biết trong ta có hai cực, ta vẫn không bày ra một thế trận tranh chấp trong con người của ta. Nhìn hoa trong ta, chúng ta mỉm cười, nhìn rác trong ta, ta cũng mỉm cười, không sợ hãi, tại vì chúng ta biết rằng hai cực đó nương vào nhau mà tồn tại. Đó là thuyết tương đối trong đạo Bụt, gọi là tuệ giác bất nhị. Thuyết này khác với thuyết tương đối của nhà bác học Einstein. Khi nhìn và nhận diện được hai cực đó ở trong ta, ta ôm lấy cả hai. Tuệ giác của chúng chỉ cho chúng ta thế nào để đi lên. Đi lên mà vẫn không ruồng bõ, đập phá, vẫn không chạy trốn cực hướng hạ. Tại vì nếu biết cách thì chúng ta có thể sử dụng nó làm năng lượng để đi về phía hướng thượng. Cũng như người trồng rau mà biết cách sử dụng phân bón, phân xanh thì biết rằng những rác rưới trong vườn, những võ cà chua, võ cà rốt, những tờ lá mục, đều có thể được sử dụng để làm ra những trái cà chua mới, những trái dưa chuột mới, và những hoa hướng dương mới.

Do đó chúng ta không nên có thái độ trốn chạy, mà nên có thái độ chấp nhận. Nhờ có thái độ chấp nhận mà tự nhiên ta có sự bình an, ta có thể an trú được với rác, nghĩa là dù biết rằng trong mình có rác, mình vẫn hạnh phúc như thường. Dù biết trong mình có khổ đau, có giận hờn, có si mê, nhưng mình vẫn mỉm cười. Tại vì mình biết rằng trong mình vẫn có khả năng thương yêu, khả năng hiểu biết, khả năng chấp nhận, và nếu mình học được phương pháp của Bụt thì mình có thể sử dụng phần rác trong mình để làm lớn lên phần hoa trong mình.

Vậy thì quay về nương tựa Bụt là khả năng và sự thực tập nhận diện cực hướng thượng trong mình luôn luôn có đó. Mình có một đức tin, rằng trong con người mình có một cực hướng thượng, mình có khả năng chánh niệm, khả năng hiểu biết, khả năng tha thứ, khả năng thương yêu, khả năng có hạnh phúc. Điều này không phải là một sự mê tín, một đức tin mù quáng. Điều này cũng không phải là một ý niệm. Nó là một sự thật mà chúng ta có thể kiểm chứng được bằng sự sống hàng ngày của chúng ta.

Có thể cái khả năng tỉnh thức, hiểu biết và thương yêu trong ta đang còn yếu kém, nhưng nó có đó. Vì vậy sự thực tập hàng ngày là để chạm tới, để xúc tiếp với những khả năng đó, và làm cho những khả năng đó càng ngày càng lớn lên. Cũng như bây giờ chúng ta có một số hạt giống của hoa, của trái. Chúng đang nhỏ bé, đang còn yếu ớt, nhưng chúng đích thực là những hạt giống. Nếu gửi gắm những hạt giống đó vào trong lòng đất, và mỗi ngày chúng ta làm công việc tưới tẩm, vun bón thì những hạt giống đó sẽ nẩy sinh thành cây, thành lá, thành hoa, thành trái, và chúng ta sẽ được thừa hưởng hoa trái của sự vun bồi và tưới tẩm của chúng ta.

NƯƠNG TỰA BỤT LÀ TIẾP XÚC VỚI NHỮNG HẠT GIỐNG TỐT TRONG TA

Bụt ở trong ta là sự có mặt của những hạt giống tốt, vì vậy Bụt không phải là một ý niệm mà là những hạt giống có thật ở trong ta. Mỗi khi ta nghĩ tới, ta tiếp xúc với, ta tư tưởng vào những hạt giống đó tức là ta đang quay về nương tựa nơi Bụt.

Quay về nương tựa như vậy thì ta làm cho những hạt giống đó lớn lên và ta được năng lượng của niềm tin đó bảo vệ. Những khi chúng ta sầu khổ, bực bội, nếu chúng ta biết theo dõi hơi thở, mỉm cười và tiếp xúc với những hạt giống của tình thương, của sự tha thứ ở trong ta, thì tự nhiên năng lượng của Bụt phát sinh và chúng ta thấy mình đang đi về cực hướng thượng. Đi về cực hướng thượng là ta có hạnh phúc. Nếu không làm vậy thì chúng ta buông thả thân tâm và chúng ta tuột dốc về phía hướng hạ, và trong thời gian đó chúng ta đau khổ. Do đó, khi nhận ra rằng ta đang tuột dốc, đang trôi lăn về phía hướng hạ, thì chúng ta hãy lập tức thực tập nắm lấy hơi thở. Hãy thở vào, hãy thở ra, hãy mỉm cười và tiếp xúc với những hạt giống của Bụt ở trong ta, thì tự nhiên ta chận đứng được đà tuột dốc, và bắt đầu đi về cực hướng thượng.

Đây là cách thực tập của chúng ta trong đời sống hàng ngày. Tại vì những hạt giống của buồn rầu, của ganh tị, của giận hờn, của chán nản, của sợ hãi luôn luôn có đó, như là những đống rác, và chúng luôn luôn có khuynh hướng muốn phát hiện. Nếu không tu tập thì chúng ta trở thành nạn nhân của những năng lượng đó, và những năng lượng đó sẽ bít lấp những năng lượng hướng thượng ở trong ta. Vì vậy mà thực tập hơi thở, thực tập bước chân là những phương pháp rất mầu nhiệm để chúng ta ngăn chận đà tuột dốc về cực hướng hạ, và để chúng ta có thể chuyển năng lực của ta đi về phía hướng thượng, hướng của hạnh phúc.

Khi chúng ta đang đi trên đường, hay chúng ta đang nấu cơm, đang quét nhà mà năng lượng trong ta đang hướng thượng, thì có nghĩa là trong giờ phút đó chúng ta đang được sự che chở của Tam Bảo. Chúng ta đang ở trong tình trạng an ninh, vững chãi và thảnh thơi. Khi người khác nhìn thấy chúng ta quét nhà, rửa chén, đi thiền hành, làm điểm tâm cho đại chúng trong chánh niệm, thì người đó có thể thừa hưởng được sự có mặt của ta, tại vì người đó thấy ta có an lạc, có vững chãi và có thảnh thơi. Có thể rằng người đó đang tuột dốc, đang đi về cực hướng hạ, nhưng khi thấy được ta, tiếp xúc được với ta, người đó có thể ngưng lại đà tuột dốc của mình, trèo lên và đi về phía hướng thượng trở lại.

Do đó sự có mặt của một sư anh, một sư chị, một sư em, một người bạn tu có chánh niệm, là rất quan trọng cho ta. Đó cũng là sự thực tập quay về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người biết quy y Bụt trong đời sống hàng ngày. Nhờ anh thực tập quy y Bụt cho nên tôi được thừa hưởng. Vì vậy cho nên trong đời sống hàng ngày tôi cũng thực tập quay về nương tựa Bụt để không phải chỉ một mình tôi được hưởng cái năng lượng của sự tự do, vững chãi và hạnh phúc, mà những người khác tiếp xúc với tôi, sống quanh tôi cũng được thừa hưởng sự thực tập đó của tôi.

Khi chúng ta thực tập quay về nương tựa Bụt, thì đồng thời chúng ta cũng đang thực tập quay về nương tựa Pháp, tại vì nếu chúng ta đang hướng về cực hướng thượng thì Pháp đang ở với chúng ta, và chúng ta trở thành một thành phần tốt của tăng thân. Nếu cần định nghĩa thế nào là một thành phần tốt của Tăng thân thì chúng ta có thể nói ngay rằng: Một thành phần tốt của tăng thân là một thành phần biết thực tập Quy Y Tam Bảo trong đời sống hàng ngày. Nếu mình muốn phục vụ tăng thân, muốn tạo hạnh phúc cho tăng thân, muốn có ích cho tăng thân thì mình thực tập Quy Y Tam Bảo trong đời sống hàng ngày.

Khi thấy một người đang khổ đau, đang tuột dốc, mình biết người đó đang không được Tam Bảo che chở, đang không có năng lượng của Bụt, Pháp, và Tăng hộ trì, mình nên đến với người đó, ngồi cạnh người đó với tư cách của một người đang được Tam Bảo che chở mà hỗ trợ, cầm lấy tay người đó, hay nhìn người đó. Tuy không làm gì hết, không khuyên nhủ gì hết, nhưng thực sự là mình đang đem đến cho người đó cái quý nhất của mình: Tình trạng vững chãi, thảnh thơi và hạnh phúc của mình. Khi người kia tiếp xúc được với những điều đó thì người kia có thể dừng lại sự tuột dốc mà quay về nương tựa vào Bụt, vào Pháp và vào Tăng.

Khi chúng ta biết nương tựa Tăng tức là biết thừa hưởng sự có mặt của những phần tử vững chãi thảnh thơi và hạnh phúc, thì đồng thời chúng ta cũng đang nương tựa vào Bụt, vào Pháp, và cả vào Tăng, tức là vào ba viên ngọc quý. Cho nên chúng ta thấy rằng Tam Bảo cũng có tính tương tức, nghĩa là nhìn vào Phật bảo, chúng ta thấy Pháp bảo và Tăng bảo. Nhìn vào Pháp bảo, chúng ta thấy Phật bảo và Tăng bảo. Tiếp xúc với Tăng bảo, chúng ta đồng thời tiếp xúc được với Phật bảo và Pháp bảo. Quay về nương tựa một viên ngọc quý cho sâu sắc là đồng thời ta quay về nương tựa với cả ba viên ngọc quý. Chúng ta không cần thực tập, học hỏi gì nhiều, chúng ta chỉ cần học hỏi về phương pháp quy y Tam Bảo là chúng ta có thể tạo ra an lạc, thảnh thơi cho ta và cho những người chung quanh ta.

TAM QUY LÀ NGŨ GIỚI

Sau tam quy là ngũ giới. Khi nói đến năm giới, chúng ta biết rằng năm giới là những phương pháp thực tập cụ thể thuộc về Pháp. Khi sống đúng theo tinh thần của năm giới, tự rèn luyện chúng ta bằng khuôn phép của năm giới, thì chúng ta an trú trong Pháp, và khi chúng ta an trú trong Pháp thì cố nhiên chúng ta cũng đang an trú trong Bụt và trong Tăng. Như vậy thực tập năm giới cũng là Quy Y Tam Bảo. Tam quy là Ngũ giới, Ngũ giới là Tam quy. Ngũ giới là một phương pháp diễn bày Tam quy một cách rất cụ thể.

Chúng ta thường dùng danh từ giới cấm, nhưng danh từ "cấm" không được hay lắm, nó có nghĩa là ngăn chận, cấm đoán. Danh từ "giới" hay hơn nhiều. Giới có nghĩa là báo trước cho biết, là cảnh cáo, nói rõ ra cho biết rằng nếu làm điều này thì ta sẽ bị quả kia, nếu không làm điều này thì ta sẽ không bao giờ bị quả kia. Nếu làm điều kia thì ta sẽ được quả này, nếu không làm điều kia thì ta sẽ không bao giờ được quả này. Đó là ý nghĩa của chữ giới. Vì vậy giới có nghĩa là chánh niệm.

Giới ở đây không phải là sự cấm cản, giới ở đây là sự rèn luyện, cho nên "giới" dịch ra tiếng Anh là training thì rất hay. Giới đích thực là sự rèn luyện. Người tu là người tự mình rèn luyện bằng phương pháp chánh niệm, được diễn bày một cách rất cụ thể ở trong giới và trong uy nghi.

Uy nghi và giới luật là những sinh hoạt biểu lộ ra khi chúng ta sống có chánh niệm. Khi uống một ly nước mà có chánh niệm thì nhìn vào cách uống nước của chúng ta, người ta thấy đẹp. Khi chúng ta đi đứng nằm ngồi có chánh niệm thì tự nhiên người ta nhìn thấy cái đẹp của sự đi đứng nằm ngồi của chúng ta, và cái đẹp này được làm bằng chất liệu của chánh niệm. Giới tu hành gọi cái đẹp này là uy nghi. Đây là cái đẹp chân thật, vì nó phát xuất từ bản chất có thật là uy nghi và giới. Còn nếu chúng ta giả bộ thì cái đẹp đó là một cái đẹp giả dối, không phải là cái đẹp chân thật. Ta gọi là giả trang thiền tướng, không phải là uy nghi.

Vì vậy trong đời sống hàng ngày, khi chúng ta sửa soạn điểm tâm, chúng ta nấu cơm, quét nhà, dọn dẹp, lái xe; chúng ta đi, ngồi; chúng ta ăn, uống mà chúng ta có chánh niệm thì uy nghi của chúng ta có mặt, giới luật của chúng ta có mặt. Vì vậy cho nên Bụt có mặt, Pháp có mặt, và Tăng có mặt. Bụt, Pháp và Tăng nâng đỡ, che chở, bảo hộ cho chúng ta 24 giờ một ngày, và như vậy là ta an trú trong phép quay về nương tựa Tam Bảo. Vì vậy quay về nương tựa Tam Bảo là một giáo lý rất thâm sâu dành cho tất cả mọi người chứ không phải dành cho người mới tu học.

Người xuất gia là những người có cơ hội được sống trong một tăng thân, có thể tu tập 24 giờ đồng hồ mỗi ngày, và người xuất gia phải thấy được sự may mắn đó của mình, tại vì có những người ao ước được có thì giờ tu tập và sống với tăng thân nhưng rất ít người được thỏa mãn ao ước đó. Còn khi mình đã được xuất gia, mình đã được ở trong một tăng thân, trong đó mọi người đều thực tập quay về nương tựa Bụt, Pháp và Tăng trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày, thì mình có cơ hội lớn. Nếu mình không nắm được cơ hội này để đi tới, thì đó là sự uổng phí rất lớn cho mình.

CÁC YẾU TỐ LÀM HẠI ĐỜI NGƯỜI TU

Có những người xuất gia không tự biết mình là giàu có, là may mắn mà lại đi tìm hạnh phúc và sự giàu có ở một phương hướng khác. Họ đi tìm hạnh phúc ở những chỗ lợi dưỡng và cung kính. Lợi dưỡng và cung kính là hai cái bã dục vọng có thể làm hư đời của một người xuất gia.

Lợi dưỡng tức là tiền bạc, của cải, những phẩm vật cúng dường, làm cho đời sống của mình có vẻ xa hoa, có vẻ sung túc. Chính cái đó làm cho đời sống của người xuất gia hư hỏng. Bụt dạy rằng người xuất gia thì cái tâm và cái hình phải khác người thế tục, và việc ăn uống, ăn mặc, và ăn ở đều phải đơn giản, và luôn luôn phải hơi thiếu một chút. Hơi thiếu một chút về ba điều trên, chữ Hán gọi là Tam thường bất túc, nghĩa là ba cái mình sử dụng hàng ngày là cái ăn, cái mặc và cái ở, đừng khi nào đầy đủ, dư dật quá. Nếu sung túc dư dật quá, sẽ có hại cho đời sống xuất gia của mình. Vì vậy người tu phải nằm lòng bốn chữ Tam thường bất túc. Nếu để thì giờ và công sức để lo cho có nhiều lợi dưỡng, nghĩa là lo cho ba thứ đó càng ngày càng nhiều, thì mình làm hại đời xuất gia của mình.

Yếu tố thứ hai cũng làm hại đời người xuất gia là sự cung kính của người tại gia đối với mình. Khi mặc áo của người xuất gia vào thì mình trở nên biểu tượng của Tăng Bảo. Vì vậy mà người ta nghiêng mình hành lễ. Nếu mình ngu si, mình sẽ tưởng người ta cung kính cái ngã của mình. Sự thật là người ta đang cung kính cái chất liệu Bụt, Pháp và Tăng mà mình đang đại diện.

Hãy tưởng tượng có một lá cờ. Lá cờ đó có thể có nhiều màu sắc, nhưng nó chỉ là một lá cờ thôi. Sở dĩ người ta chào cờ là vì người ta muốn chào một cái gì to lớn hơn lá cờ, đó là một tổ quốc, một bà mẹ của một đất nước. Nếu lá cờ đó dương dương tự đắc thì rất là buồn cười. Tại vì thực sự người ta đang không chào miếng vải đó mà người ta đang chào một thực tại to lớn và quan trọng hơn, chào một đất nước, một dân tộc, mà lá cờ là biểu tượng.

Cũng vậy, nếu người xuất gia mặc áo thầy tu vào, được cung kính mà tưởng là oai lắm, tưởng là tất cả những sự cung kính đó là hướng vào cái ngã của mình, thì mình sai lầm hoàn toàn. Người ta hướng về mình là tại mình là biểu trưng cho Tam Bảo. Khi Phật tử xá mình là lúc họ tiếp xúc với cực hướng thượng trong người của họ. Vì vậy, những lúc Phật tử xá mình thì mình phải biết thực tập như thế nào để lúc đó mình cũng hướng về cực hướng thượng trong mình. Nếu mình chỉ ngồi đó, nhận những lễ lạy của Phật tử và dương dương tự đắc thì lúc đó mình đang hướng hạ. Người đang lạy mình thì đang hướng thượng, mình là người bị lạy lại đang hướng hạ. Đó là một điều rất chua chát, rất trái ngược, rất là buồn cười.

Trong truyền thống Nam tông cũng như Bắc tông, ở đâu cũng có sự cung kính đối với người xuất gia. Những vị xuất gia phải biết rằng sự cung kính đó rất tốt, tại vì khi người ta nghiêng mình trước Tam Bảo thì người ta tự động được đi về cực hướng thượng. Rất tốt cho họ. Nếu mình không thực tập đàng hoàng thì mình đi ngược lại, mình phụ ân Tam Bảo và mình cũng phụ những người đang yểm trợ cho mình trong sự tu học. Cho nên mỗi khi có một sư cô hay sư chú mới xuất gia, tôi thường căn dặn liền lập tức là khi con đã xuống tóc, con đã mặc chiếc áo của người tu rồi thì tự nhiên con trở thành biểu tượng của Tam Bảo. Khi người ta lạy con, thì con bắt buộc phải để cho họ lạy, con không thể chạy trốn được tại vì con là biểu tượng của Tam Bảo. Vì vậy con phải thực tập ngay ngày đầu tiên con trở thành một vị xuất gia, con phải ngồi đó, con phải thực tập đi về cực hướng thượng ở trong con. Con nên làm điều tối đa mà con có thể làm được. Con ngồi cho thật trang nghiêm, con tiếp xúc với Tam Bảo, con nuôi dưỡng ý thức rằng người ta lạy đây là đang lạy Tam Bảo qua hình tướng xuất gia của con, và người ta không lạy con đâu. Nhờ vậy cái tự hào ở trong con nó sẽ không khởi ra, cho nên dù người ta có lạy mình đến ba ngàn lạy, mình vẫn không tốn một chút phước đức nào hết. Tại vì tất cả những cái lạy mà người ta đang lạy đó, đi qua mình và đi lên Tam Bảo, không vướng bận vào thân tâm ta. Các con phải thực tập điều đó ngay từ khi mới xuất gia thì cuộc đời xuất gia của các con mới không bị hư hỏng. Còn nếu ngay lúc ban đầu mà mình đã vướng vào chuyện lợi dưỡng và cung kính, thì đời tu của mình sẽ hư hỏng liền.

Sự thật là trong giới xuất gia có những người đã trở thành đối tượng của sự kiêu căng, ngã mạn, là tại họ không thực tập chánh niệm, cho nên ngỡ rằng người ta đang quỳ lạy cái ngã của mình. Nghĩ như vậy là sai lầm vô cùng. Đó là một cái bẫy mà người tu phải cẩn thận, rất dễ bị kẹt vào.

Phương pháp để giữ thân, để đừng kẹt vào bẫy lợi dưỡng và bẫy cung kính vẫn là pháp Quy Y Tam Bảo. Có những lúc tôi ngồi truyền giới, có hàng ngàn người thọ giới một lượt, trong đó có những người tai mắt ở trong xã hội, ấy vậy mà tất cả những điều đó không động được đến tôi, tại tôi quán chiếu rằng tất cả những người đang quỳ dưới đó, là đang tỏ lộ sự cung kính đối với Tam Bảo. Mình chỉ là biểu tượng, mình đang giúp họ thực tập sự quay về nương tựa Tam Bảo, và mình phải làm cho tròn bổn phận của mình. Vì vậy mà đối với phương diện cả hình thức lẫn nội dung, mình phải xứng đáng để cho họ có cơ hội tu tạo công đức và tiếp nhận giới Pháp. Như vậy dù có cả mười ngàn người lạy, tôi vẫn thấy an nhiên, bất động.

Sự cung kính của người cư sĩ có thể tưới tẩm hạt giống ngã mạn nơi người xuất gia. Đó là một sự thật, vì vậy người xuất gia phải cẩn thận lắm. Người xuất gia, theo nguyên tắc là phải khiêm nhường hơn các người cư sĩ, tại vì người xuất gia là người anh ở trong đạo Pháp, là người thầy ở trong đạo Pháp, vì vậy những đức tính tốt của mình phải lớn hơn của những người học trò. Nếu người học trò của mình có sự khiêm nhường mà mình không có sự khiêm nhường thì mình đâu có thể là thầy của họ được? Do đó đức khiêm nhường của người xuất gia phải lớn hơn đức khiêm nhường của những người tại gia. Đó mới thật là đúng nguyên tắc.

Trong thực tập hàng ngày, mình phải dùng chánh niệm để quán chiếu, để thấy những hạt giống của rác ở trong mình có càng ngày càng lớn lên không? Chúng có đang càng ngày càng được chuyển hóa để tiêu diệt hay không? Điều này rất là quan trọng. Đồng thời chúng ta cũng phải quán chiếu để xem những chất liệu của vững chãi, của thảnh thơi, của hạnh phúc, có đang càng ngày càng phát triển trong chúng ta hay không.

PHẬT PHÁP LÀ MỘT THỰC TẠI LINH ĐỘNG

Theo lời Bụt dạy thì tất cả mọi sự, mọi vật đều là vô thường. Điều này đúng với tất cả mọi hiẹân tượng, trong đó có cả hiện tượng gọi là đạo Bụt. Nếu tất cả đều là vô thường thì đạo Bụt cũng vô thường.

Thế nào gọi là đạo Bụt vô thường? Đạo Bụt vô thường có nghĩa là đạo Bụt cũng chuyển biến từng giây từng phút như tất cả những hiện tượng khác trong cuộc đời. Trong thời gian Bụt còn tại thế và giảng dạy cho nhân loại, chúng ta đã nhận thấy rằng đạo Bụt vô thường rồi. Tại vì trong 45 năm giảng dạy, Bụt đã thay đổi cách giảng dạy để cho sự giảng dạy của Ngài càng ngày càng thích hợp với căn cơ của người theo ngài tu học. Cùng một đề tài như là Nhân duyên, hay Ngũ căn, Ngũ lực, hay Quán niệm Hơi thở, mà Bụt có thể giảng khác nhau cho những nhóm người khác nhau. Cùng một giáo lý đó, nhưng khi giảng cho người cư sĩ thì Bụt giảng khác, và khi giảng cho người xuất gia thì Bụt lại giảng khác. Khi giảng cho người sơ cơ thì Bụt giảng khác, mà khi giảng cho người căn cơ thâm hậu thì Bụt giảng khác. Chính giáo lý của Bụt cũng cần phải được thay đổi, tại vì giáo lý cũng là vô thường. Chính nhờ vô thường mà giáo lý đó mới còn là cái giáo lý đó!

Phật Pháp là một thực tại linh động, một cái gì sống chứ không phải là một xác ướp để ở trong bảo tàng viện. Nhìn quanh, chúng ta thấy có những sinh vật, tức là những vật sống. Ví dụ như cây tùng ở bên tay phải của chúng ta đây. Vì nó là một sinh vật, một thực tại sống động cho nên nó phải biến chuyển. Mỗi ngày nó ra thêm lá, thêm cành, nó khác với ngày hôm qua, và đó là dấu hiệu của sự sống. Đạo Bụt cũng vậy, phải thay đổi, phải biến chuyển để vẫn còn là đạo Bụt. Nếu cây tùng này không thay đổi, không chịu khác với ngày hôm qua, thì có nghĩa là cây tùng này bắt đầu chết. Khi không có sự lớn lên, không có sự thay đổi, không có sự chuyển biến thì vật đó bắt đầu chết. Vì vậy cho nên muốn cho Phật pháp được trường tồn, được lớn lên, được vững mạnh thì Phật pháp cũng phải thay đổi. Cho nên chúng ta có thể nói rằng từ ngày đức Thế Tôn chuyển pháp luân ở vườn Lộc Uyển cho đến bây giờ, Phật pháp chưa bao giờ từng đứng yên một chỗ. Phật pháp luôn luôn thay đổi, luôn luôn lớn lên để có thể đáp ứng lại được với những nhu cầu khác nhau của từng lớp người đến tu học.

Vì vậy truyền thống thiền tập là một truyền thống sinh động. Cho nên cái chủ đề của ba khóa tu mùa Đông liên tiếp của chúng ta là Truyền Thống Sinh Động Của Thiền Tập Phật giáo.

Chúng ta thấy rằng có những xã hội khác nhau, những căn cơ khác nhau, những nền văn hóa khác nhau, những nhu yếu khác nhau, những đau khổ khác nhau, cho nên Phật pháp phải cống hiến những phương pháp tu tập khác nhau để có thể đáp ứng được những nhu cầu khác nhau của con người ở những thời đại khác nhau. Do đó danh từ Truyền thống Sinh động là rất thích hợp.

CĂN CƠ VÀ DIỄN BIẾN CỦA CÁC THỰC TẬP LÀNG MAI

Nhìn cho sâu vào những phương pháp thực tập ở Làng Mai, chúng ta có thể thấy được những vết tích, những diễn biến, những hoàn cảnh đã đưa tới sự thực tập của chúng ta ngày hôm nay. Tại sao chúng ta thực tập thiền hành như thế, tại sao chúng ta thực tập ăn cơm im lặng như thế, tại sao chúng ta thực tập hơi thở như thế, tại sao chúng ta thực tập lạy như thế, tại sao chúng ta thực tập làm mới như thế, tại sao chúng ta tổ chức tăng thân như thế? Tất cả những việc đó đều có lý do, đều có nguồn gốc. Trong khóa tu này chúng ta sẽ tìm hiểu nguồn gốc, cũng như những phương pháp thực tập ở Làng Mai, nhờ vậy chúng ta sẽ có cơ hội để nắm vững thêm những phương pháp đó.

Các vị thiền sinh đến Làng Mai tu tập trong vòng 15 năm qua, chắc chắn đã nhận thấy điều đó. Nếu mình không về làng một năm, đến khi về làng thì mình thấy những phương pháp thực tập của Làng Mai đã có thay đổi. Tại vì Làng Mai là một cộng đồng tu học, trong đó có nhiều người đang tu và đang học hàng ngày. Mỗi ngày, nhờ công phu tu học, cho nên mình khám phá ra những điều mới, mình có những kinh nghiệm mới, và mình có thể cống hiến được những phương pháp mới.

Ban đầu chúng ta có Năm cái lạy. Năm cái lạy là một đóa hoa nở ra trên kinh nghiệm thực tập của chúng ta trong nhiều năm. Nhưng sau đó không lâu thì chúng ta có Ba cái lạy. Tại sao đã có Năm cái lạy rồi mà còn Ba cái lạy nữa? Tại vì ba cái lạy là sự sinh sôi nẩy nở không thể tránh được của năm cái lạy.

Thành ra chúng ta không thể nói rằng tôi đã về Làng Mai rồi, tôi đã học hết những phương pháp thực tập của Làng Mai rồi! Nói vậy là không đúng, tại vì sang năm trở lại Làng Mai thì mình thấy những phương pháp thực tập không còn giống như trước nữa. Nó đã được bồi đắp, đã được thay đổi để có thể giúp ta một cách hữu hiệu hơn. Làng Mai cũng giống như một phòng thí nghiệm và bào chế dược phẩm. Trong đó tất cả chúng ta mỗi ngày đều nghiên cứu, đều thí nghiệm, đều tìm tòi, đều bào chế. Và mỗi khi chúng ta phát kiến ra được một phương pháp tu tập mới, thì chúng ta đem ra thí nghiệm. Có hiệu quả rồi thì chúng ta bắt đầu chia sẻ cho tăng thân lớn ở chung quanh chúng ta.

LỢI ĐIỂM THẾ KỶ 20

Vào cuối thế kỷ thứ 20 và đầu thế kỷ thứ 21, chúng ta có một lợi điểm lớn là được tiếp xúc với những truyền thống tu tập khắp nơi. Ngày xưa khi ở trong quốc gia của chúng ta, chúng ta chỉ biết được những pháp môn tu tập trong nước mà thôi. Cho đến những kinh điển của các tông phái khác, của các truyền thống khác, chúng ta cũng không có cơ hội để học hỏi. Ngày nay, nhờ sự mở tung của các biên giới, nhờ có những phương tiện thông tin tân tiến mà chúng ta có cơ hội để tiếp xúc với các lịch sử thực tập, với các giáo lý, và các truyền thống của nhiều địa phương khác nhau.

Chúng ta biết rằng truyền thống Nam tông của Phật giáo Nam tông ở Sri Lanka mà bây giờ chúng ta gọi là truyền thống Thượng tọa Bộ, Therav(da đã tồn tại 2000 năm. Chúng ta cũng biết rằng truyền thống Hữu bộ, Sarv(stiv(da đã đóng đô ở Kashmir, miền Bắc Ấn Độ, trên 1000 năm. Chính từ căn cứ đó mà các kinh điển của Hữu bộ đã được phiên dịch ra chữ Hán và truyền vào Trung Quốc. Trong thời gian 1000 năm và 2000 năm đó, đã không có sự thông thương, tiếp xúc giữa hai truyền thống, một ở miền cực Bắc, một ở miền cực Nam. Vậy mà bây giờ chúng ta lại có cơ hội để nghiên cứu kinh điển của cả hai truyền thống đó.

Chúng ta có cơ hội học hỏi, nghiên cứu 4 bộ kinh A Hàm dịch ra chữ Hán từ truyền thống Hữu bộ, và chúng ta có dịp so sánh nội dung của những kinh điển đó với những kinh điển viết bằng tiếng Pali ở miền cực Nam Ấn Độ. Công việc đối chiếu, nghiên cứu đó, có thể là một công việc rất thích thú, tại vì hai truyền thống xa cách nhau cả đến 2000 năm mà bây giờ tới lại được với nhau. Khi nghiên cứu những văn bản giáo lý của hai truyền thống, chúng ta tìm thấy những điểm đồng và những điểm dị. Mỗi khi tìm thấy những điểm đồng thì chúng ta biết rằng điểm này đã được chấp nhận trước khi hai phái chia lìa nhau.

Hiện nay ở Âu châu và ở Mỹ châu, chúng ta có thể nói rằng hầu hết các truyền thống Phật giáo trên thế giới đều đang có mặt. Nếu chúng ta muốn biết về truyền thống Tây Tạng, truyền thống Tích Lan, truyền thống Nhật Bản, hay truyền thống Miến Điện, chúng ta có thể tiếp xúc với các truyền thống đó liền lập tức. Ngày xưa, không dễ gì có được cơ hội đó! Sự tiếp xúc với những truyền thống Phật giáo khác nhau, cho chúng ta một cơ hội học hỏi và nuôi dưỡng truyền thống của chính chúng ta. Chúng ta có thể khám phá được một cách sâu sắc những gì đã có sẵn nhưng giấu kín trong truyền thống của chính chúng ta. Nhờ sự tiếp xúc với một truyền thống khác mà chúng ta có thể trở về với truyền thống của chúng ta và khám phá được những điều mà nhiều khi chúng ta không để ý tới.

Vì vậy cho nên cuối thế kỷ thứ 20 và đầu thế kỷ thứ 21, sự học Phật trở thành ra một niềm vui rất lớn. Trong niềm vui đó, nếu chúng ta biết giữ và đừng để cho khuynh hướng chỉ muốn làm học giả nó chiếm cứ, nếu chúng ta biết rằng sự thực tập là quan trọng vô cùng, thì chúng ta có thể tận hưởng được những phương pháp thực tập đã được trao truyền lại trong các truyền thống. Nhờ đó chúng ta có thể học hỏi và thực tập một cách thông minh hơn, để những chuyển hóa trong thân tâm có thể xảy ra một cách dễ dàng và mau chóng hơn, thì chúng ta có thể thừa hưởng được sự có mặt của các truyền thống quanh ta một cách rất đầy đủ.

Ở Việt Nam, ngày xưa từ thế kỷ đầu của kỷ nguyên, chúng ta đã có đạo Bụt, và trung tâm Luy Lâu ở nước ta là một trung tâm Phật giáo phồn thịnh vào đời Hán. Chính từ trung tâm Luy Lâu đó mà Phật giáo được truyền sang miền Nam Trung Quốc. Chúng ta còn biết rằng thiền sư Tăng Hội của chúng ta đã sống vào đầu thế kỷ thứ 3 và đã hành đạo trong đầu thế kỷ thứ 3 tại đất Giao Châu. Sau đó ngài được mời và đi qua miền Nam Trung Quốc, hồi đó do nhà Ngô trị vì, để truyền bá thiền học. Trong sách sử, người ta ghi nhận ngôi chùa đầu tiên ở miền Giang Tả, gọi là chùa Kiến Sơ, được lập nên cho thiền sư Tăng Hội tới từ Giao Châu để hành đạo.

Chúng ta biết rằng, thiền tập hồi đó đã là thiền tập có tinh thần Đại thừa. Chúng ta cũng biết rằng những văn bản của sự thực tập thiền là những kinh căn bản mà tất cả các truyền thống Phật giáo đều trân quý, như là kinh Quán Niệm Hơi Thở, kinh Niệm Xứ, kinh Người Biết Sống Một Mình, hay là kinh Tư Lượng. Những kinh đó hiện nay đã được phiên dịch, đã được chú giải và hiện bây giờ chúng ta được tiếp xúc và học hỏi những phương pháp thiền tập đã được giảng dạy và đã được thực tập trong thế kỷ thứ hai và thứ ba ở tại Giao Châu. Chúng ta cũng đã được thừa hưởng sự thực tập của thiền tông truyền xuống từ Trung Quốc với những phương pháp thực tập Thoại đầu và Công án.

PHẬT GIÁO THỐNG NHẤT

Tại Việt Nam chúng ta cũng may mắn có sự có mặt của Nam tông ở miền Nam Việt Nam. Vì vậy trong thế kỷ thứ 20 chúng ta mới có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Thống nhất ở đây có nghĩa là có sự có mặt của Bắc tông và Nam tông. Một tổ chức Phật giáo trong đó có mặt của Bắc tông và Nam tông cùng làm việc chung với nhau, trong một hình thức giáo hội, là một hiện tượng duy nhất, chỉ xảy ra ở Việt Nam mà thôi. Khi chúng ta nghe danh từ Phật giáo Thống nhất thì chúng ta nghĩ rằng các tổ chức Phật giáo ngồi chung lại với nhau. Nhưng chữ thống nhất ở đây nó còn có nghĩa đẹp đẽ hơn, sâu sắc hơn. Đó là sự có mặt của cả hai truyền thống Bắc tông và Nam tông trong cùng một tổ chức giáo hội. Khi đọc lại lịch sử Phật giáo Việt Nam, chúng ta thấy tinh thần Phật giáo thống nhất đã có sẵn từ đời Lý và đời Trần. Đời Trần chúng ta có một vị Quốc sư tên là Quốc sư Nhất Tông. Nhất Tông tức là một tông phái.

ĐẠO BỤT NHẬP THẾ

Trong khóa tu mùa Đông năm nay thế nào chúng ta cũng được học về cái gọi là Đạo Bụt Nhập Thế, tiếng Anh gọi là Engaged Buddhism. Nói dài dòng hơn là Đạo Bụt đi vào cuộc đời.

Ngày xưa, vào khoảng năm 1930-1935, các vị học giả, các nhà Phật học trong xứ ta đã dùng danh từ Nhân gian Phật giáo. Nhân gian Phật giáo là danh từ mà bây giờ chúng ta diễn dịch là Đạo Bụt Nhập Thế, đạo Bụt đi vào cuộc đời. Cái từ Engaged Buddhism đã trở thành một từ quen thuộc trong giới Phật tử Tây phương. Danh từ đó đã được sáng tạo ở Việt Nam, và nó có thể nói được khuynh hướng hiện thời của đạo Bụt Việt Nam, tức là đạo Bụt được thực tập ngay trong đời sống của xã hội, được thực tập ngay trong đời sống hàng ngày, được thực tập bởi cả những người cư sĩ chứ không phải chỉ được thực tập trong tu viện, do những người xuất gia chủ trì mà thôi.

Ta có thể nói rằng đề tài của khóa tu mùa Đông năm nay là Đạo Bụt thực tập ngay trong đời sống hàng ngày, Engaged Buddhism.

Chúng ta sẽ tổ chức những buổi pháp đàm, và chúng ta phải để ý, để những buổi pháp đàm đó đừng đi quá xa, quá sâu về phương diện nghiên cứu lịch sử. Chúng ta phải tổ chức pháp đàm như thế nào để cho mọi người trong khóa tu nắm càng ngày càng vững những pháp môn được giảng dạy tại Làng Mai, và để cho sự thực tập của chúng ta càng ngày càng vững chãi hơn. Tại vì chính sự thực tập vững chãi nó đưa đến sự chuyển hóa, và giúp cho chúng ta trở nên chỗ nương tựa cho biết bao nhiêu người, đang tìm kiếm những pháp môn và những phương pháp thực tập, để có thể chuyển hóa những khổ đau của họ.

Thực tập chánh niệm, chúng ta phải biết áp dụng vào đời sống hàng ngày của chúng ta, bắt đầu từ những việc rất thường. Ví dụ như việc các sư cô đã được yêu cầu may những túi bằng vải để đi chợ. Bắt đầu từ ngày hôm nay chúng ta sẽ không tiếp nhận những túi Nylon tại các chợ nữa. Xin tất cả các xóm ở tại Làng Mai thực tập nghiêm chỉnh nguyên tắc này. Chúng ta ráng sử dụng càng ít vật dụng bằng Nylon chừng nào quý chừng đó, tại vì mỗi bao Nylon như vậy người ta chỉ cần một giây đồng hồ để làm ra, nhưng muốn bao đó trở thành đất, thì phải cần đến 200 năm!

MỘT CÁCH THỰC TẬP TAM QUY: NƯƠNG TỰA HẢI ĐẢO TỰ THÂN

Đến đây, chúng ta hãy bổ túc thêm về phương pháp Quy y Tam Bảo.

Chúng ta biết rằng trong ta có hạt giống của cái đẹp, cái hiền, và hạt giống của cái thật. Mỗi khi tiếp xúc được với hạt giống đó là chúng ta đang đi về cực hướng thượng. Theo kinh nghiệm, chúng ta biết rằng quả thực có cái đẹp, cái lành, và cái tốt ở trong ta. Khi thấy ta làm được hạnh phúc cho người kia, thấy người kia nở được nụ cười, thoát ra khỏi sự đau khổ, thì ta biết rằng câu nói đó, hành động của ta vừa làm đó đã có thể hiến dâng, làm nở được nụ cười nơi người đó. Ta biết rằng đó là một cái đẹp, và ta biết rằng ta có khả năng tạo tác ra cái đẹp. Đó không phải là một sự giả dối, đó là một điều có thật, tại vì giây phút hạnh phúc ở trong đời sống nó có thể có thật. Nó có thật trong ta, và nó có thật trong người anh em của ta.

Khi ta cứu một con nhện, cứu một con sâu hoặc giúp được một em bé nghèo khổ khỏi chết đói, thì ta biết rằng cái lành nó cũng có thật, và ta phải nuôi dưỡng ta bằng cái lành của ta. Ta phải nuôi dưỡng sinh vật chung quanh ta bằng cái lành của ta, và cái đó chúng ta gọi là Phật tánh, Buddhat.

Trong đạo Bụt chúng ta nói tới hiểu, nói tới thương, nói tới thảnh thơi. Những điều này chúng ta biết chúng có trong ta dưới hình thức của những hạt giống. Sống cái giây phút trong đời sống hàng ngày như thế nào để ta có thể tiếp xúc được với những hạt giống đó, làm cho những hạt giống đó biểu hiện, đó là làm cho cái đẹp, cái hiền và cái thật có mặt. Hạnh phúc là do chuyện đó. Nó không phải là một chủ thuyết, một ý thức hệ, một lời hứa hẹn, một đấng thần linh, nó là cái năng lượng có thật ở trong ta. Đó là đối tượng của sự quy y của chúng ta.

Tại Làng Mai chúng ta có một bài kệ thực tập Quy Y Tam Bảo rất hay. Chính tôi đã thực tập nhiều lần, tại vì những lúc khó khăn nhất trong cuộc đời, đem ra thực tập là đều có kết quả tốt đẹp. Đó là bài Quay về Nương tựa Hải đảo Tự thân. Nếu trong đời sống hàng ngày mà mình chưa có vấn đề, chưa có khó khăn, thì mình nên lợi dụng thời gian đó để thực tập bài này cho thuần thục. Tại vì bài đó cho mình rất nhiều hạnh phúc, và giữ cho mình tiếp tục hướng về cực hướng thượng.

KINH HẢI ĐẢO TỰ THÂN

Kinh Hải Đảo Tự Thân có trong Tạp A Hàm. Đối với những người bơ vơ, những người không có chỗ nương tựa, chúng ta phải dạy họ kinh này, tại vì kinh này cho chúng ta một nơi nương tựa, cho chúng ta một niềm tin:

Đây là những điều tôi được nghe hồi Bụt đang ở trong khu vườn xoài, có nhiều bóng mát trên bờ sông Bạt Đà La ở nước Ma Kiệt Đà. Hồi đó hai vị tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên vừa nhập diệt không lâu. Hôm ấy là ngày Rằm, có lễ tụng giới bố tát. Bụt trải tọa cụ, ngồi trước đại chúng. Sau khi đưa mắt quan sát, Người cất tiếng:

-Nhìn đại chúng hôm nay, tôi thấy có một khoảng trống lớn, đó là tại vì hai thầy Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã nhập Niết bàn. Trong giáo đoàn thanh văn của chúng ta, hai thầy Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là những người có tài năng đầy đủ nhất về các phương diện thuyết pháp, khuyên bảo, dạy dỗ và biện thuyết. Này quí vị, trên đời có hai thứ tài sản mà người ta thường ưa tìm cầu, đó là tiền tài và pháp tài. Tiền tài là thứ người ta chạy theo người đời để tìm cầu. Pháp tài là những thứ người ta có thể đi tìm cầu từ hai thầy Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Như Lai là người không còn đi tìm cầu gì nữa, dù là tiền tài hay Pháp tài. Các vị đừng có vì sự kiện hai thầy Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên nhập diệt rồi mà ưu sầu và khổ não. Một cây đại thọ thì có đủ rể, thân, lá, cành, hoa và trái sum suê và tươi tốt, nhưng ta biết những nhánh lớn sẽ bị tàn lụi và gãy đổ trước những nhánh nhỏ. Cũng như trên dãy núi châu báu kia, đỉnh cao nhất là đỉnh sẽ sụp đổ trước. Trong đoàn thể đại chúng tu học của Như Lai, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là hai vị học giả lớn, vì vậy nếu hai vị có nhập Niết Bàn trước, đó cũng là chuyện đương nhiên. Cho nên tôi mới khuyên quý vị là chớ nên sinh tâm ưu sầu và khổ não. Tất cả các hiện tượng nào có sinh khởi, có tồn tại, có tác dụng trên các hiện tượng khác, nói khác hơn là tất cả các pháp hữu vi, đều phải theo luật vô thường để đi đến hoại diệt. Muốn cho chúng còn mãi còn hoài mà không hoại diệt, đó là một chuyện không thể xảy ra. Tôi đã từng nhắc nhở quý vị nhiều lần rằng tất cả những gì ta trân quý hôm nay, ngày mai thế nào ta cũng phải buông bỏ và xa lìa. Chính tôi chẳng bao lâu nữa cũng sẽ ra đi. Vì vậy quý vị phải thực tập làm hải đảo tự thân, biết nương tựa nơi chính mình mà đừng nương tựa vào một kẻ nào khác, phải thực tập nương tựa vào hải đảo chánh pháp, biết nương tựa vào hải đảo chánh pháp, biết nương tựa nơi chánh pháp chứ đừng nương tựa vào một hải đảo nào khác hay một ai khác. Điều này có nghĩa là phải thực tập an trú trong phép quán niệm nội thân trong nội thân, sử dụng các bài tập một cách chuyên cần để nuôi dưỡng chánh trí và chánh niệm, để điều phục và chuyển hóa những đam mê và âu lo trên đời, và cũng có nghĩa là thực tập an trú trong phép quán chiếu ngoại thân trong ngoại thân, sử dụng các bài tập một cách chuyên cần để nuôi dưỡng chánh trí và chánh niệm, để điều phục và chuyển hóa những đam mê và âu lo trên đời.

Đó gọi là phép quay về nương tựa hải đảo tự thân để nương tựa nơi hải đảo tự thân, quay về nương tựa nơi hải đảo chánh pháp để nương tựa nơi hải đảo chánh pháp mà không nương tựa vào một hải đảo nào khác hay một nơi, một vật nào khác.

Nghe Bụt dạy kinh này, các vị khất sĩ đều vui mừng làm theo.

Bài thực tập "Quay về nương tựa" của chúng ta được tạo tác trên căn bản của kinh này. Nếu quý vị đã từng thực tập bài này trong trường hợp thập tử nhất sinh, trong trường hợp nguy biến nhất, thì quý vị mới biết nó có hiệu quả lớn.

Kinh này Bụt dạy sau khi thầy Xá Lợi Phất và thầy Mục Kiền Liên đã tịch, và đại chúng có cảm giác bơ vơ, tại vì hai sư anh rất là quan trọng. Hai sư anh đã dạy dỗ, dìu dắt và hướng dẫn cả một giáo đoàn 1200 người không những về phương diện giáo huấn mà còn về phương diện tổ chức nữa. Hai sư anh là cái xương sống của giáo đoàn, mà tự nhiên hai sư anh đều theo nhau nhập diệt! Chính Bụt cũng thấy cái lỗ hổng đó, cho nên trong ngày bố tát đó, Bụt nhìn tăng đoàn và Bụt nói lên được cái tâm tư của mọi người: Đại chúng! Nhìn vào đại chúng tôi thấy một lỗ hổng lớn, đó là sự vắng mặt của hai thầy Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, nhưng xin quý vị đừng u sầu và khổ não quá. Chúng ta có cách. Bụt cũng biết rằng nội trong vài tháng nữa Bụt cũng ra đi, cho nên với lòng từ bi, thương tưởng, Bụt đã dạy bài kinh này để cho tất cả mọi học trò của Bụt có được một chỗ nương tựa.

Bài kinh này đã được nói ra sau mùa An cư cuối cùng của Bụt ở trên cõi ta bà này. Năm đó Bụt an cư ở ngoại ô thành phố VaiíªlÌ và trong mùa an cư năm đó, Bụt đã bệnh rất nặng. Thầy A Nan nghĩ là Bụt sẽ không qua được, và thầy đã khóc! Nhưng Bụt đã qua được cơn đau đó, và Bụt muốn trở về quê hương Ca-Tỳ La-Vệ. Nhưng trước khi đi về miền Bắc thì ngài muốn gặp các đệ tử để căn dặn. Điều ngài căn dặn đã được diễn tả trong kinh này:Các vị đừng thấy hai sư anh không có mặt nữa mà ưu sầu, khổ não. Mai mốt nếu quý vị thấy tôi, thầy của quý vị nhập diệt thì quý vị cũng đừng ưu sầu, khổ não, quý vị phải trở về nương tựa ở nơi hải đảo tự thân, nương tựa nơi chánh pháp. Bài thuyết pháp này Bụt lặp lại nhiều lần ở trong nhiều kinh. Tại vì sau mùa an cư năm đó Bụt đã đi thăm các trung tâm, các tu viện chung quanh thành phố trước khi Bụt đi lên miền Bắc với thầy A Nan.

Nương tựa tiếng Phạn là (arana. Hải đảo là Dipam. Tự thân là Atta. Chữ Dipam cũng có nghĩa là ngọn đuốc. Atta-Dipam Ÿarana là quay về nương tựa hải đảo tự thân.

Tự thân đây không phải là cái ngã. Tự thân đây là cái vùng có định, có giới và có tuệ mà trong đó ta gặp được Bụt, được Pháp, được Tăng; ta có cảm giác an ninh, ta không sợ hãi, không lo lắng, không hận thù. Vì vậy cho nên khi cảm thấy có sự lo âu, có sự sợ hãi, có sự giận hờn, có sự không vững chãi, thì ta phải trở về ẩn náu ở nơi có an ninh đó, gọi là hải đảo tự thân. Hải đảo tự thân này được làm bằng giới, bằng định, bằng tuệ, và hơi thở có ý thức, hơi thở chánh niệm là phương tiện đưa ta về, và đưa về rất nhanh. Chỉ cần một hơi thở thôi là ta về được.

Giả dụ đang ở trên máy bay, và mình biết rằng máy bay hỏng, có thể nổ bất cứ giây phút nào. Lúc đó mình bị sự sợ hãi tràn ngập, và nếu vậy thì mình sẽ chết trong sự sợ hãi đó. Mà chết trong sự sợ hãi đó thì không hay chút nào cả! Sự sợ hãi nó chứng tỏ không có giới, không có định và không có tuệ. Chết trong sự sợ hãi là một điều rất dở, chết trong sự hận thù cũng rất dở, tại vì sự tiếp nối của mình nó sẽ không đẹp. Vì vậy, giờ phút lâmchung là giờ phút quan trọng nhất.

Giờ phút đó phải là giờ phút thanh thản, có nơi nương tựa. Vì vậy quay về nương tựa Bụt, Pháp và Tăng trong giờ phút hiểm nguy đó là rất quan trọng. Khi mình đối diện với một tai nạn lớn, đối diện với một sự bấp bênh lớn, một sự nghi ngờ lớn, một sự tuyệt vọng lớn, mình phải biết quay về nương tựa ở nơi an ninh nhất của mình, tức là Tam Bảo. Tam Bảo không phải là những ý niệm, những ý thức hệ, mà là cái năng lượng có trong người của mình, nó thuộc về cực hướng thượng. Nếu mình ở với cực hướng thượng, thì mình không còn gì sợ hãi nữa hết, và mình sẽ được tiếp nối một cách đẹp đẽ. Bài thực tập của ta là:

Quay về nương tựa,

Hải đảo tự thân,

Chánh niệm là Bụt,

Soi sáng xa gần.

Bụt ở đây được định nghĩa là chánh niệm. Chất liệu làm ra một vị Bụt là chánh niệm, tại vì trong chánh niệm có mang theo định và tuệ. Mình biết rằng Bụt ở đây là năng lượng chánh niệm ở trong ta. An trú trong chánh niệm, quy y vào chánh niệm của mình tức là quy y Bụt. Khi có chánh niệm thì mình biết mình nên làm gì, hay không nên làm gì. Mình không cuống lên, làm những điều bậy bạ.

Ở trên một chiếc thuyền chồng chềnh, bão tố, nếu có chánh niệm thì mình biết mình không nên làm điều gì để có thể làm cho thuyền bị lật, và mình nên làm điều gì để tạo sự thăng bằng, sự vững chãi cho con thuyền. Đó là chánh niệm. Vì vậy cho nên chánh niệm là một thứ ánh sáng.

Hơi thở là Pháp. Pháp đây không phải là một bài thuyết pháp, không phải là một bài pháp thoại, một cuốn kinh. Mà chính khi mình thực tập hơi thở có chánh niệm thì hơi thở đó là living Dharma. Chánh pháp đích thực là chánh pháp linh động, không phải là một bài thuyết pháp hay là một băng pháp thoại.

Bảo hộ thân tâm. Mình chỉ có thân và tâm thôi. Chính hơi thở đó bảo hộ thân và tâm của mình, giúp cho mình đừng đánh mất thân và tâm.

Năm uẩn là tăng, phối hợp tinh cần. Khi mình an trú trong chánh niệm và mình thực tập hơi có ý thức thì tất cả các yếu tố trong người của mình: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chúng không bị xáo trộn, không còn chiến tranh nữa. Chúng đi với nhau trong hòa điệu, và đó là tăng. Trong con người của mình, dầu cho thân này có tan nát đi nữa, thì vẫn có sự hòa hợp, vẫn có nơi nương tựa. Vì vậy tất cả năm yếu tố trong con người chúng ta, năm uẩn, chúng phối hợp một cách tinh cần trong hơi thở chánh niệm.

Giờ phút hấp hối, giờ phút đối diện với cái chết, giờ phút mà mình thấy bấp bênh nhất, thì bài này là bài thực tập hay nhất. Chúng ta phải thực tập trong đời sống hàng ngày, trong khi đi thiền hành, trong khi ngồi thiền tọa, và chúng ta cũng phải dạy cho người khác thực tập. Khi thực tập như vậy, chúng ta biết rằng trong con người của chúng ta có năng lượng của Tín. Tín tức là yếu tố đầu trong năm yếu tố gọi là Ngũ căn hay là Ngũ lực.

Khi không đối diện với những trường hợp nguy biến hay sợ hãi, giận hờn, hoặc tuyệt vọng, mà chúng ta thực tập bài này thì chúng ta rất có hạnh phúc. Chúng ta thấy rất rõ là ta có một hướng đi, có một niềm tin, và trong khi thực tập ta làm lớn lên cái năng lượng của giới, của định, và của tuệ ở trong ta. Năng lượng đó khi lớn lên, nó tiếp tục bảo vệ cho mình, giữ gìn mình trong hải đảo an lành đó, và những người khác thấy mình, thấy được cái an lành của mình, thấy được cái hạnh phúc của mình, thì họ sẽ được thừa hưởng.


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][]