TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai
ĐIỀU PHỤC THÂN TÂM BẰNG THIỀN ĐI
TỈNH THỨC MIÊN MẬT 24 TIẾNG MỖI NGÀY
THIỀN ĐI VÀ THIỀN LẠY: HAI PHÁP MÔN QUÍ BÁU ĐỂ DIỆT KHỔ
Thiền đi cũng quan trọng như thiền ngồi, và nhiều khi còn quan trọng hơn. Có người thích thiền ngồi, nhưng có người lại thích thiền đi vì dễ thực tập hơn. Đi có thể mỏi chân, nhưng nếu mình đi chậm và ít hơn một tiếng đồng hồ thì sự mỏi chân sẽ không xảy ra. Trong khi đi thì máu huyết lưu thông, không bị tê chân hay đau lưng, mình lại được thừa hưởng không khí trong lành ở ngoài trời và tiếp xúc được với sự tươi mát của thiên nhiên. Cho nên thiền đi rất dễ tạo hạnh phúc, rất dễ an lạc, rất dễ thành công.
Tại Làng Mai chúng ta có thiền nghe, thiền nói, thiền lạy, thiền thở, thiền đi, thiền ăn, thiền trà v.v... Thiền đi là một trong những đặc sản của Làng Mai. Tất cả các bạn của chúng ta khi về Làng Mai đều được mời thực tập thiền đi. Không phải mỗi ngày một lần, mà hễ khi nào có nhu yếu muốn đi từ chỗ này đến chỗ khác, thì phải áp dụng thiền đi. Không có bước chân nào của mình lọt ra ngoài sự thực tập thiền đi. Như vậy chỉ nội trong vài ngày là trong người mình có sự đổi khác.
Điều quan trọng là mình phải có quyết tâm. Nếu mình chỉ thực tập sơ sơ thì khó thành công lắm. Ví dụ một ngày mình đi một ngàn bước, mà mình chỉ thực tập một trăm hay hai trăm bước thiền đi thôi, còn tám trăm bước kia, mình bước không chánh niệm, không phối hợp với hơi thở thì hiệu quả của hai trăm bước này không lớn.
Quyết tâm thực tập tức là mỗi khi di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, dù chỉ cần đi ba bước hay năm bước, thì cũng phải thực tập thiền đi, nghĩa là phải bước những bước có chánh niệm và phối hợp với hơi thở. Như vậy mới có hiệu quả. Mình phát nguyện rằng mỗi bước chân của mình trong thời gian ở đây 7 ngày, 14 ngày hay 21 ngày, bước chân nào mình cũng đặt trong chánh niệm cả. Có vậy thì mới thành công được. Những người tu ở Làng Mai lâu ngày mà trồi lên sụp xuống, không thành công là tại không quyết tâm. Nếu cột tất cả những bước chân của mình vào chánh niệm thì chỉ nội trong mấy ngày là có sự thay đổi.
Ngoài đời, khi người ta bắt được những con ngựa rừng hay voi rừng, thì họ phải điều phục chúng. Sau một thời gian điều phục thì con voi, con ngựa đó thành một con gọi là thuần. Ngựa đã thuần rồi, mời ngài lên, là tên một cuốn tiểu thuyết của Lê Văn Trương.
Trong chúng ta ai cũng có một con ngựa, con ngựa chưa thuần thục. Nếu chỉ tu sơ sơ thì không thể nào điều phục được con ngựa của mình. Mỗi bước chân mình phải buộc vào chánh niệm. Có thể trong những ngày đầu thì hơi khó, nhưng sau đó, nó trở thành một thói quen rất tốt, và con ngựa của mình bắt đầu thấy được cái hoan lạc, cái hạnh phúc của sự thực tập.
Tại sao vậy? Tại vì sống ngoài đời mình có thói quen, có tập khí đi như ngựa hoang. Mình đi nhưng trong tâm tưởng mình là một con ngựa hoang. Tâm mình chưa được điều phục, tâm kéo mình đi vạn nẻo:
Ý về muôn vạn lối,
Thiền lộ tâm an nhiên.
Khi đặt chân đi bước thiền hành là mình đã có một chủ đích, mình không để cho ý của mình kéo mình đi muôn lối, và thiền lộ tâm an nhiên, tức là mình nắm cái tâm lại.
Cố nhiên việc nắm lại không phải dễ. Ban đầu nắm lấy thì nó hơi vùng vẫy, giống như con khỉ. Con ngựa cũng vậy mà con khỉ cũng vậy. Trong kinh, Bụt thường dùng hai con thú đó để nói về tâm của con người, gọi là Tâm viên, Ý mã. Tâm viên tức là tâm con khỉ, con vượn; ý mã là ý con ngựa. Nhưng con khỉ và con ngựa đều có thể điều phục được hết.
Tại trường võ bị Saint-Cyr ở Pháp, người ta luyện ngựa rất hay. Chúng đi từng bước theo âm nhạc rất đẹp. Mình cũng vậy. Khi thực tập, mình cũng điều phục được con ngựa của mình như vậy. Nếu mình nắm vững được nghề luyện ngựa, thì con ngựa của mình sẽ chịu phép, nó sẽ đi từng bước thảnh thơi cho mình, và lúc đó mình sẽ có nhiều an lạc.
Chúng ta không nên tu khơi khơi. Nếu tu lâu ngày mà thấy chưa chuyển hóa, là tại chúng ta không quyết tâm điều mã. Dù thầy có nhắc, dù có thấy bạn đi thiền hành, nhưng mình không cố tâm, không quyết chí, thì cũng chẳng đi đến đâu, không ai giúp được gì cả.
Ý về muôn vạn nẻo.
Thiền lộ tâm an nhiên.
Từng bước gió mát dậy.
Từng bước nở hoa sen.
Đó là bài kệ mình viết và dựng ở đầu đường thiền hành để cho mình nhớ. Đi như thế nào để mỗi bước nó làm cho gió mát dậy trong tâm mình. Mình có thể đi được như vậy, đi một bước thấy mát mẻ trong lòng. Đi một bước khác thì thấy mát mẻ thêm trong lòng. Bước chân như là bước chân trên đất tịnh độ. Bộ bộ liên hoa khai, nghĩa là bước từng bước và mình làm cho hoa sen nở dưới chân mình. Đi như vậy mới đẹp, mới có hạnh phúc, có an lạc. Đi như vậy mới tạo được niềm tin của người chung quanh, nhất là khi mình là thầy tu.
Thầy tu mà không đi thiền mà chỉ đi như ma đuổi thì đó là niềm thất vọng lớn cho thế gian. Họ có thể nghĩ rằng thầy tu mà còn không đi được thì làm sao mình đi được! Cho nên các sư chú, sư cô, sư thầy nên biết vai trò của mình. Mình phải có khả năng đi. Trong khi đi mình tạo an lạc, tạo hạnh phúc, mình nắm được tâm mình, chuyển hóa mình, đồng thời mình cũng tạo ra niềm tin cho những người chung quanh, cho những người đến tu học với mình.
Trong khi thực tập thiền đi chúng ta phải rũ bỏ tất cả những dự tính, những suy tư, chúng ta chỉ đi mà thôi. Trong khi đi thì thân, khẩu, và ý của chúng ta phải hợp lại làm một. Khi thân, ý hợp nhất thì lúc đó mình mới có thể đầu tư hết 100% tâm và thân của mình vào bước chân. Nhờ vậy mà bước chân đó mới làm cho gió mát trổi dậy, làm cho hoa sen nở được. Chứ không phải chỉ đi khơi khơi mà làm cho gió mát trổi dậy, cho hoa sen nở được. Mình phải có mặt hoàn toàn, thân và tâm một khối, không suy nghĩ về quá khứ, không lo lắng về tương lai, bước một bước chân là tạo ra một phép lạ.
Cũng như khi mình cắm một cây nhang vào bát nhang thì tay phải cầm cây nhang và tay trái đặt lên tay phải, nó chứng tỏ rằng "Anh tay phải ơi, tôi cũng đang cùng với anh làm chuyện này!" Tất cả những tế bào trong thân đều hướng về phía tay phải, và cái tâm ý của mình dồn vào tay phải, mấy ngón tay cầm nhang này nó có tất cả thân, tâm đứng sau lưng nó để cầm cây nhang mà cắm, thì lúc đó là thiền thắp nhang, và như vậy thì động tới mười phương các vị Bụt, các vị Bố tát. Cúng hương như vậy thì mới là cúng hương, mới là cúng bằng hương giới, hương định và hương tuệ.
Tuy nó là hương trầm, nhưng với năng lượng của chánh niệm, mình làm cho nó trở thành hương giới, hương định và hương tuệ. Đó là lúc mình tiếp xúc với Bụt và Bồ tát. Còn nếu khi tay phải cắm hương mà mình tự hỏi không biết hồi nãy mình để cây chổi ở đâu rồi, lát nữa lấy ra để quét thiền đường, thì hành động cắm nhang đó nó có nghĩa lý gì đâu? Nó không phải là sự tu tập.
Tụng kinh cũng vậy. Tụng kinh, cắm nhang, thỉnh chuông, tất cả những điều đó nếu không được làm với thân tâm nhất như thì đều không phải là sự tu tập. Tu tập là khi nào mình đầu tư được hết 100% tâm, thân và ý vào giây phút hiện tại thì hành động đó mới là hành động tu tập.
Mình đã nghe một vị thiền sư nói rằng: Quý vị bị 24 giờ hàng ngày sai sử, còn tôi, tôi sai sử 24 giờ một ngày. Nó khác nhau ở chỗ đó. Tôi làm chủ, tôi không làm nô lệ cho nó. Mà làm thế nào để làm chủ? Làm chủ là đưa thân và tâm về một mối. Trong trạng thái thân tâm nhất như đó, tất cả những gì mình nói, mình suy tư, đều là Phật Pháp, tại vì nó được làm bằng giới, định và tuệ.
Khi bước một bước và mình đầu tư hết tất cả tâm và thân vào bước chân đó, thì tự nhiên mình có mặt một cách đích thực trong giây phút đó, mình không phiêu lưu trong sinh tử, không phiêu lưu trong quá khứ, trong tương lai, không bị những dự án, những lo âu, những phiền muộn áp đảo, và mình đi được như một con người tự do.
Đi thiền là đi như một con người tự do. Tự do này là tự do đối với tâm ý của mình. Tâm ý không kéo mình đi về muôn vạn nẻo, tâm ý của mình phải đi theo mình. Một bước chân như vậy là đáng giá một bài kinh. Một bước chân như vậy có thể làm trỗi dậy gió mát, một bước chân như vậy có thể làm nở một bông sen.
Muốn duy trì định lực trong lúc đi, mình có thể thực tập chánh niệm về hơi thở. Thở vào một hơi, mình có thể đi hai bước, hay ba bước và mình nói: Thở vào, thở vào, thở vào. Khi thở ra mình đi ba bước, mình nói: Thở ra, thở ra, thở ra. Đó là khi mình để ý tới hơi thở vào và hơi thở ra. Nhưng đồng thời mình cũng để ý đến bước chân. Tại sao? Tại vì số hai hay số ba đó là số của bước chân, và hơi thở chánh niệm có thể chuyên chở một lần cả bước chân lẫn hơi thở. Vì vậy mỗi khi đi thiền hành là mình để tâm của mình ở nơi gan bàn chân. Tiếp xúc tới đâu, mình biết tới đó. Một bước, hai bước, ba bước, hoàn toàn mình chuyên chú tới sự tiếp xúc giữa bàn chân và mặt đất, và mình biết rằng đây là bước thứ nhất, đây là bước thứ hai, đây là bước thứ ba. Đó là hơi thở vào. Rồi đây là bước thứ nhất, đây là bước thứ hai, đây là bước thứ ba. Đó là hơi thở ra. Vào, vào, vào-Ra, ra, ra. Hay là một, hai, ba...
Trong khi đi, mình có thể bị một tư tưởng kéo mình về chỗ khác. mình đánh mất chánh niệm, đánh mất bước chân, mình bị bắt cóc, bị ma thất niệm kéo về Paris, về Hà Nội. Lúc đó nhờ nương vào hơi thở mà mình trở lại được. Cũng có thể nhờ có một người sư anh, một sư em đi trước hay đi sau mình, thấy họ đang đi vững chãi và thảnh thơi, cho nên mình tự thoát khỏi con ma thất niệm mà trở về Làng Mai để có mặt thật sự, và đi thiền hành thật sự với đại chúng.
Những người mới tập, thường bị ma thất niệm bắt, và luôn luôn phải tìm cách tháo gỡ để trở về. Cứ như vậy một hồi thì mình có thể khôi phục lại được chủ quyền của mình. Không tập thì làm sao làm được? Không quyết tâm thì làm sao làm được? Mình nói rằng mình chỉ ở đây có 7 ngày, mình ráng học lý thuyết để khi về nhà mình sẽ làm một mình. Chuyện đó không thực tế, it ai về nhà mà tự làm một mình được lắm. Tuy có, nhưng rất ít. Sống trong tăng thân đầy năng lượng như vầy mà làm còn khó, huống hồ đơn thương độc mã một mình!
Chúng ta phải tập đi thiền bất cứ lúc nào chúng ta có cơ hội để đi. Mười lăm phút là đã có thể thực tập được rồi chứ không cần phải có một tiếng mới thực tập đi thiền được. Đó là thực tập đi thiền riêng. Còn từ phòng mình mà đi sang phòng tắm, thì thay vì đi như mình đã đi ở ngoài đời, mình cũng đi thiền, từng bước chân thảnh thơi.
Đi ở trong siêu thị, giữa những hàng tủ trưng bày vật dụng, mình cũng có thể đi thiền được. Mình đâu phải là con cháu của thất niệm? Mình là con cháu của chánh niệm, thành ra giữa những dãy hàng, mình cũng có thể đi như một con tượng vương, một con sư tử. Khi ra nhà ga Libourne hay Ste. Foy-la-Grande thì cũng vậy. Mình là con của đức Thế Tôn, mình là sư tử con, thì ở nhà ga mình cũng phải đi như là sư tử con. Tại phi trường cũng vậy. Đi ở phi trường, mình phải đi rất thảnh thơi. Nhất định không để cho bất kỳ một bước chân nào lọt ra khỏi sự thực tập. Như vậy mới có thể thành công được.
Tưởng tượng rằng con ngựa cần được điều phục và mình chỉ điều phục nó một tiếng đồng hồ mỗi ngày, còn mấy mươi giờ kia thì để nó muốn đi đâu thì đi, thì làm sao mình điều phục nó được? Phải điều phục cả ngày, cả đêm mới thành công được. Chúng ta có biết bao nhiêu phương pháp để thực tập thiền đi, chúng ta có biết bao nhiêu bài thi kệ để thực tập. Chúng ta phải thực tập theo những phương pháp mà người bạn tu đã đi qua, và đề nghị cho mình. Rồi từ đó mình mới khám phá ra những phương pháp của riêng mình, mình gia giảm các phương pháp đã được dạy để tìm ra một phương pháp hợp với cơ thể, với tâm hồn của mình nhất, mà áp dụng.
Thiền đi bổ túc cho thiền ngồi rất nhiều. Những lúc mình bất an, mình giận hờn, mình thất vọng, mình bị tổn thương lòng tự ái của mình, là những lúc mình có thể dùng thiền hành để giải tỏa những năng lượng tiêu cực đó. Bắt đầu, mình thấy đi không có an lạc gì cả, tại vì tâm trạng kia cứ bám sát theo mình, nó không chịu buông mình ra. Vì vậy mà mình bước những bước chân không thảnh thơi, không an lạc, không có từng bước gió mát dậy, không có từng bước nở hoa sen! Cái tâm trạng kia nó kềm kẹp mình như một càng cua, làm mình rất đau, đến độ mình nghĩ thiền hành không công hiệu!
Nhưng nên nhớ rằng phương pháp của mình không phải là phương pháp gạt bỏ hay đánh phá cái tâm niệm đó. Nó không phải là một gánh nặng mà mình có thể liệng xuống để mình thảnh thơi. Không thể như vậy được, tại vì nó là mình! Tâm hành đau khổ đó, giận hờn đó, thất vọng đó chính là mình. Vì vậy mình phải theo phương pháp ôm lấy nó. Ôm lấy bằng tất cả thương yêu, ôm lấy bằng tất cả chánh niệm. Chỉ có phương pháp ôm ấp đó thôi.Đừng hy vọng để nó ở nhà và mình đi thiền một mình!
Ví dụ chúng ta là một người mẹ có một đứa con đang khóc. Đứa con đó là ta, nên ta phải ôm lấy nó, ôm lấy bằng tất cả sự trìu mến, sự quan tâm, sự dịu dàng, ưu ái của chúng ta, tại chúng ta biết nó là con của ta.
Ở đây cũng vậy, trong khi đi thiền hành, chúng ta ôm niềm đau của chúng ta một cách rất ưu ái, và năng lượng của chánh niệm, của sự chăm sóc đó từ từ thấm vào niềm đau nỗi khổ của chúng ta, làm chúng dịu xuống, và chúng ta đỡ khổ rất nhiều. Được bà mẹ ôm ấp thì đứa con hết khóc, nằm im. Được chăm sóc, vỗ về thì nỗi khổ niềm đau của chúng ta cũng sẽ dịu xuống, sẽ nằm im. Tâm hành của mình là một em bé, mình phải ôm lấy nó.
Nhưng đâu là hai cánh tay để ôm lấy tâm hành đó? Đó là hai cánh tay của chánh niệm. Chúng ta đã biết rằng trong năng lượng chánh niệm, có năng lượng của sự hiểu biết, của sự thương yêu. Thương yêu ai? Thương yêu niềm đau tức là thương yêu chính mình. Nếu quả thật mình có niệm và có định, thì đi chừng 15 phút là mình đã thấy có sự thay đổi. Có thể một hai phút đầu, thấy đi rất khó, nhưng nếu quyết tâm và biết cách, thì 15 phút sau là đã thấy khác. Sau thời thiền hành 45 phút là mình có thể trở về trạng thái bình thường được, mình sống nổi. Tuy chưa hoàn toàn có hạnh phúc nhưng mình thấy mình sống sót được, mình vượt qua cơn mê được.
Nếu hôm nay là ngày làm biếng và mình có quyền đi thiền hành lâu hơn, thì mình nên đi thêm nữa. Mình có thể đi suốt ngày. Ngày làm biếng là để làm mấy việc đó.
Có khi mình may mắn có người bạn thấy được niềm đau khổ của mình, thấy được nguồn cơn của mình, nên người bạn đó cùng đi thiền với mình. Đi một bên mình mà không nói năng gì cả. Người bạn dùng hết năng lượng chánh niệm, đi từng bước thảnh thơi, an trú, thì bước bên cạnh người đó, mình có một sự nâng đỡ. Mình không cần làm gì hết, chỉ cần đi thật đàng hoàng bên cạnh người kia để biết rằng mình đang có mặt ở đây, thì năng lượng chánh niệm của mình sẽ được năng lượng chánh niệm của người kia phụ vào rất nhiều. Đi một mình thì cũng được, nhưng có khi mình hơi yếu, thành ra với niềm đau có cường độ lớn, nó sẽ tràn ra, lấn áp chánh niệm của mình. Cho nên khi có người bạn đi một bên, mình sẽ được hộ niệm, và mình sẽ được đỡ khổ rất nhiều. Hộ niệm tức là dùng chánh niệm để nâng đỡ người khác, truyền cho người khác một ít chánh niệm của mình, để người đó có đủ năng lượng mà ôm lấy niềm đau, nỗi khổ của họ. Đi thiền như vậy chừng 45 phút là mình thấy niềm đau dịu xuống, và nếu tiếp tục đi thì mình có thể chuyển hóa nó được. Chuyển hóa là khi mình thấy niềm đau nỗi khổ đó phát xuất từ hạt giống đau khổ của mình, và hạt giống đó có thể đã được tưới tẩm bởi mình hay bởi người khác.
Nhờ thực tập thiền đi như vậy, ta bắt đầu thấy rõ hoàn cảnh hơn, thấy rằng sự đau khổ này là do hạt giống đau khổ, giận hờn, tự ái của chính mình mà có. Vậy mà mấy hôm nay mình cứ đổ tội cho người kia làm mình đau khổ. Khi đau khổ, mình thường đổ tội cho một người khác, vì vậy cái đau khổ của mình không bao giờ ngừng được!
Cái khuynh hướng trong mình là đổ tội cho người kia. Mình cứ nghĩ rằng nếu người kia thay đổi, người kia làm cái này, người kia đừng làm cái này, đừng làm cái kia, thì tất cả sẽ được tốt hơn và mình sẽ hết đau khổ. Mình cứ nghĩ rằng tất cả đều tùy thuộc vào người kia, còn mình thì không là gì cả, mình không có một quyền hạn tối thiểu nào đối với niềm đau khổ của mình. Thiền hành cho mình một cơ hội để thấy. Tại vì chánh niệm là ánh sáng, nó cho mình thấy được bản chất của niềm đau, nỗi khổ của mình. Thấy được bản chất của nó, là mình có cơ hội để chuyển hóa nó.
Vì vậy nếu tới Làng Mai và mình có một niềm đau nỗi khổ, thì mình có thể chăm sóc, ôm ấp niềm đau, nỗi khổ đó trong giờ thiền ngồi, và trong giờ thiền đi. Thay vì để thì giờ ra để tâm sự, để tưới tẩm đau khổ của mình, thì mình nên dùng thì giờ đó để thực tập thiền ngồi và thiền đi cho vững. Trong khi đi và ngồi thì hơi thở rất là quan trọng. Hơi thở giữ chánh niệm lại và không để cho mình bị ma bắt. Ma đây là ma thất niệm, ma tán loạn, nó bủa vây chung quanh chúng ta, chỗ nào cũng có hết.
Trong ta còn có một niềm mê tín khác, đó là khi đau khổ thì ta cứ tin rằng nếu thổ lộ được cho một người thì ta sẽ nhẹ cái đau khổ đó đi. Vì vậy mà ta thường đi tìm người để tâm sự. Không có người để tâm sự thì ta thấy khổ thêm ra! Rủi ro là nếu người ta tìm đến, đôi khi cũng có những niềm đau nỗi khổ mà chưa chuyển hóa được, giờ ta trút thêm cho người đó một mớ khổ đau của ta nữa, thì tội nghiệp cho người đó quá! Người đó đến Làng Mai, đâu phải để làm thùng rác cho ta bỏ rác của ta vào!
Sự thật cho chúng ta biết rằng, càng nói thì niềm đau của ta càng được tưới tẩm, cho nên ta càng đau khổ thêm. Cũng như khi tụng kinh, càng tụng những bài đó thì ta càng thấm, cho nên bây giờ càng nói về những nỗi khổ, thì nó lại càng đau thêm. Vì vậy chúng ta đừng tin như vậy nữa, đừng tin rằng tâm sự về cái đó thì mình sẽ bớt khổ. Không! Càng nói thì chúng ta càng thực tập tưới tẩm và nuôi lớn cái khổ của chúng ta mà chúng ta không biết. Than thở có nhiều cái hại. Hại thứ nhất là mình tưới tẩm, mình vun xới cái đau khổ của mình, cho nên cái đau khổ đó sẽ lớn lên. Thứ hai là mình bắt người kia phải làm thùng rác cho mình, rất tội cho họ.
Những lúc ta có sự thăng bằng, nghĩa là không bị những niềm đau nỗi khổ trấn ngự, thực tập thiền đi sẽ rất bổ dưỡng. Tại vì đi ra ngoài, tiếp xúc với thiên nhiên, thở được không khí trong lành, hai chân có cơ hội vận động. Đi như vậy nó có tác dụng nuôi dưỡng và trị liệu rất hay. Hạnh phúc mà ta đạt được trong thời thiền đi đó, sẽ được sử dụng để chuyển hóa những đau khổ của chúng ta, những đau khổ đang nằm trong chiều sâu của tâm thức, và tuy chưa phát hiện, nhưng một ngày kia nó sẽ phát hiện.
Cũng như vào cuối Thu, chúng ta đi cưa củi. Củi đã khô và cưa ra rồi, chúng ta đem vào chất trong kho. Đến khi Đông tới, chúng ta có một số lượng củi khô để cho vào lò sưởi, làm ấm áp mùa Đông của chúng ta.
Cũng vậy, trong cuộc đời của chúng ta có những mùa Đông, những mùa Đông hơi khắt khe, cho nên chúng ta phải dành một ít củi cho những mùa Đông đó. Vì vậy cho nên khi không có vấn đề, khi thở được, mỉm cười được, thì phải cố gắng đầu tư thực tập, bòn vét công đức. Phải đi thiền hành, phải thực tập mỉm cười, phải thở, phải làm lớn lên cái vốn liếng hạnh phúc của mình. Khi đưa những hạnh phúc đó vào trong con người của mình, thì chúng sẽ được cất chứa trong đáy tâm thức, và chúng bắt đầu thực tập, bắt đầu hành động để chuyển hóa những hạt giống đau khổ của mình. Đến khi những hạt giống đau khổ đó cựa quậy thì mình có đủ năng lượng để chăm sóc chúng.
Chúng ta ai cũng có những mùa Đông, cho nên phải biết để dành củi, lo cho mùa Đông của chúng ta. Đừng thấy rằng mình đang sống nổi mà cứ phây phây, không hạ thủ công phu thì rất uổng. Nếu mình sống một cách hời hợt, thì khi những đau khổ kéo tới dồn dập, mình sẽ không có tư lương, không có vốn liếng để đối trị và sống qua được thời gian khó khăn, qua được những mùa Đông buốt giá của cuộc đời mình.
Trong bài hô canh thiền tập buổi sáng, chúng ta có câu: Ngày mới nguyện đi trong tỉnh thức, tức là chúng ta có một ngày mới, 24 giờ đồng hồ, và suốt chặn đường 24 giờ đồng hồ đó, chúng ta nuôi dưỡng sự tỉnh thức. Chúng ta nguyện đi ngang qua 24 giờ đồng hồ của chúng ta như một đức Bụt, mà không đi ngang qua 24 giờ đó với tư cách của một con ma.
Có những người sống âm thầm, cô đơn, thất niệm như là những con ma đi ngang qua 24 giờ đồng hồ đó trong ngày. Rất uổng, tại vì 24 giờ mà ta có mỗi khi mới thức dậy, là một tặng phẩm rất lớn của sự sống. Trong chúng ta ai cũng được bình đẳng về tặng phẩm này hết. Dù ta có quốc tịch nào thì khi thức dậy mỗi buổi sáng, chúng ta đều được hiến tặng 24 giờ tinh khôi. Và 24 giờ đó chúng ta có thể sử dụng một cách khôn ngoan hay dại dột, chúng ta có thể làm hư 24 tiếng đồng hồ đó hay biến nó thành 24 viên ngọc quí. Chúng ta bị 24 giờ sai sử, chúng ta làm nô lệ cho phiền não, hay chúng ta sai sử 24 giờ đồng hồ, làm cho 24 giờ đó là một chuỗi dài châu báu, cái đó đều tùy chúng ta.
Buổi sáng khi ngồi xuống tọa cụ thì quý vị nên nhớ rằng mình là con của đức Thế Tôn, mình phải sống theo hạnh của một bậc toàn giác. Ngồi như thế nào để thấy rõ ràng mình có một quyết tâm sử dụng 24 giờ đồng hồ này một cách rất khéo léo để cho sự sống có mặt, để cho hạnh phúc có mặt, để cho trí tuệ và từ bi có mặt. Khi mình thở một hơi vào, một hơi ra, thì mình biết mình đang làm gì, chứ không phải mình ngồi là để cho thì giờ trôi qua, rồi mình đi ăn sáng. Như vậy thì uổng phí quá! Thì giờ ngồi thiền sáng là để chờ ăn sáng, còn khi ăn sáng, mình lại nói rằng ăn sáng cho xong để còn đi làm cái này cái nọ! Vậy thì ngồi thiền cũng thành ra một sự uổng phí, mà ăn sáng cũng thành ra uổng phí! Rốt cuộc thì 24 giờ, không có giờ nào ở trong ngày là có hạnh phúc cả. Đó là lối sống của một người khổ sai chung thân. Tại vì ngày nào cũng phải ngồi thiền hết, ngày nào cũng phải ăn sáng hết, ngày nào cũng phải nghe pháp thoại hết, ngày nào cũng phải pháp đàm hết, ngày nào cũng phải thiền trà hết, ngày nào cũng phải ăn cơm trưa, cơm tối hết. Như vậy là khổ sai chung thân chứ gì nữa? Nếu có chánh niệm, chúng ta đi qua 24 giờ với ánh đuốc của tỉnh thức, của chánh niệm thì 24 giờ đó là một tặng phẩm rất lớn lao của đất trời.
Đi thiền hành có phải là đi vòng quanh hay không? Đi ở Xóm Mới, Xóm Thượng, hay Xóm Hạ có phải là đi vòng quanh không? Có một bài thơ tựa là "Đi vòng quanh":
Này người đang đi vòng quanh, hãy dừng lại. Anh đi như thế để làm gì? Ai là người đang đi vòng quanh vậy? Có phải là mình hay không? Ai trong chúng ta là người đang đi vòng quanh? Rất là buồn cười, nhưng có thể là mình đang đi vòng quanh! Mình đang đi tìm cái gì đó mà mình không tìm ra. Mình không đứng được một chổ. Sư chị có đang đi vòng quanh không? Sư anh có đang đi vòng quanh không? Sư em có đang đi vòng quanh không? Đi làm gì vậy? Ngừng lại được không?
Tôi không thể không đi, và vì tôi không biết đi đâu cho nên tôi đi vòng quanh! Đó là câu trả lời! Rất là tội nghiệp. Mà chúng ta tội nghiệp ai? Hay là chúng ta tội nghiệp chính chúng ta, tại vì ai trong chúng ta mà đã không là người đi vòng quanh?
Này người đang đi vòng quanh, anh hãy chấm dứt việc đi quanh. Người kia nói: Nhưng nếu tôi chấm dứt việc đi, thì tôi cũng chấm dứt tôi! Tôi có chuyện gì để làm đâu? Tôi chỉ đi vòng vòng vậy thôi. Nếu không cho tôi đi vòng vòng, chắc tôi chết mất! If I stop going, I'll stop being! Tại mình không biết phải làm gì cho nên mình đi vòng vòng. Bây giờ bắt mình ngừng đi vòng vòng thì mình phải chết. Tại vì đi vòng vòng là cách duy nhất để tôi có thể sống sót được, cho nên nếu không cho tôi đi thì làm sao tôi sống cho được? Đi từ Mỹ sang Paris, rồi từ Paris đi về Mỹ. Sang đó lại sống không yên, cho nên trở lại Paris! Cũng vậy, có người đang ở Hà Nội, phải vào Saigon, nhưng vào được Saigon thì lại muốn về Hà Nội. Không cho đi, chắc mình chết, vì mình bất an tại chỗ!
Này người đang đi vòng quanh, anh không phải là sự đi quanh. Anh có thể đi nhưng không cần đi quanh. Đó là lời khai thị. Tức là chấp nhận cho anh ta đi. Đi thì cũng được, nhưng đi như thế nào chứ đừng đi vòng quanh. Tức là nói anh có thể đi thiền hành, vì đi thiền hành không phải là đi vòng vòng. Đi thiền hành là đi mà có an lạc trong từng bước chân, có hạnh phúc trong mỗi bước chân.
Ở Xóm Thượng chúng ta có một đường thiền hành, và chúng ta cũng đi nhiều vòng, nhưng trong khi đi như vậy, chúng ta không đi vòng vòng! Chúng ta tập đi, chúng ta tìm thấy sự an lạc, hạnh phúc trong từng bước chân của chúng ta. Bề ngoài thì thấy giống như chúng ta đi vòng, nhưng bên trong thì chấm dứt chuyện đi vòng rồi!
Cũng như hồi Bụt gặp anh chàng A(gulim(la. Anh ta đang đi vòng vòng tìm cái gì đó, và trong khi đi vòng vòng như vậy, anh tạo ra không biết bao nhiêu là đau khổ cho người chung quanh. Đụng tới đâu là làm đổ vỡ tới đó. Tới với ai cũng không mang hạnh phúc và niềm tin lại cho người đó, rất là tội nghiệp.
Sáng hôm đó Bụt đi khất thực, thấy thành phố Savatthi vắng quá, ngài mới hỏi tại sao, thì có người trả lời là hôm nay không ai dám mở cửa hết, tại vì có tin tướng cướp A(gulim(la mới xuất hiện trong thành phố. Anh chàng này ghê lắm, đụng tới người nào thì người đó tiêu diêu luôn. Bụt nói: Vậy thì tội nghiệp quá!
Người ta còn khuyên Bụt: Bạch đức Thế Tôn, ngài đừng ra ngoài đó nguy hiểm lắm. Ngài ở đây chúng con xin cúng dường cơm trưa và ngài nghĩ trưa ở đây luôn cho an toàn. Bụt trả lời: Đi khất thực là một pháp môn thực tập mà ai lại ở trong nhà? Cho nên Bụt nâng bình bát đi ra.
Đi được một lúc thì nghe có tiếng chân theo sau. Bụt biết là A(gulim(la. Anh ta đang kiếm một nạn nhân chót để giết, vì anh tin rằng nếu giết đủ 100 người thì mới thực hiện được mộng ước của anh. Nghe nói khi giết người, anh ta cắt một ngón tay, xâu lại thành chuỗi để mang, và anh tin rằng nếu có một tràng hạt làm bằng 100 ngón tay của những người mình đã giết để mang, thì phép lạ nó bắt đầu hiển hiện. Hôm đó anh chàng chỉ cần một ngón tay chót, và gặp ông thầy tu này, coi bộ dễ làm ăn quá! A(gulim(la dữ giống như cọp nên ai thấy anh chàng cũng không chạy thoát nổi, vì sợ quá!
Nhưng hôm đó, tuy nghe tiếng bước chân theo sau, Bụt vẫn thanh thản đi từng bước thiền hành. A(gulim(la đuổi theo và nói:
-Ông thầy tu, dừng lại!
Bụt vẫn tự nhiên bước tới, làm anh chàng giận quá, vì chưa bao giờ chàng gặp một người không sợ mình như hôm nay. Anh chạy theo, và khi đến ngang hàng với Bụt, anh nói:
-Ông thầy kia, tôi kêu ông dừng lại, tại sao ông không dừng?
Trước khi giết, A(gulim(la nghĩ, ta phải trừng phạt ông thầy này đã! Bụt vẫn đi thong thả và nói:
-A(gulim(la đó hả, dừng lại hả? Tôi đã dừng lại từ lâu rồi, chỉ có anh mới chưa dừng lại thôi!
Câu nói đó làm cho anh ta thất điên bát đảo. Bụt đã nói câu đó trong trạng thái thân tâm nhất như, rất mạnh, nên làm cho A(gulim(la thức dậy. Ngạc nhiên anh chàng hỏi:
-Ông nói gì? Ông đang đi rõ ràng mà ông lại nói ông đã dừng lại!
Bụt mới nói rằng:
-Trong chuyện đi vòng quanh thì tôi đã dừng lại rồi, còn anh mới chưa dừng lại. Vì vậy anh đã tạo ra biết bao nhiêu tội ác, gây ra biết bao nhiêu đau khổ cho anh và cho những người mà anh đụng tới.
Lúc đó A(gulim(la mới rúng động, mới hiểu được. Anh liệng cây thanh đao, quỳ xuống và Bụt dùng cái hình ảnh của người dừng lại để làm một hiệu lệnh mà giúp A(gulim(la. Sau đó AÔgulimªla mới hỏi rằng:
-Trễ quá không bạch Thế Tôn? Con còn có cơ hội dừng lại không? Hay dù con có muốn dừng lại, không biết người ta có cho con dừng lại không?
Rất là tội nghiệp, tại vì A(gulim(la biết mình đã tạo ra biết bao nhiêu là tội ác. Bụt từ bi nói:
-Không sao đâu, nếu con thực sự muốn dừng lại thì ta sẽ che chở cho con.
Tại vì nếu A(gulim(la mà bị triều đình bắt, thì thế nào chàng cũng mất mạng. Nhưng Bụt đã hứa che chở cho, nên ngài kêu A(gulim(la quỳ xuống, cho chàng xuất gia và được giáo đoàn che chở.
Này người đang đi vòng quanh, anh không phải là sự đi quanh, anh có thể đi nhưng anh không cần đi quanh! Người kia mới hỏi câu chót: Tôi có thể đi đâu? Câu trả lời là: Anh hãy đi tìm người anh thương, anh hãy đi tìm anh. Ở trong anh có một sự thao thức, ước mơ rất sâu sắc. Ước mơ một cái gì đẹp, một cái gì lành, một cái gì có ý nghĩa, và nếu anh chạm tới được hạt giống của sự ước mơ lớn đó, thì anh sẽ biết anh cần đi đâu. Đi tìm người thương của anh tức là đi tìm anh, đi tìm bản thân của mình.
Trong thực tập đi tìm đó, tôi có làm bài thơ Tìm Nhau, đã đăng trong cuốn Thơ từng ôm, và mặt trời từng hạt. Tôi ghi lại đây để quý vị đọc:
Con đã đi tìm Thế Tôn
Từ hồi còn ấu thơ
Con đã nghe tiếng gọi của Thế Tôn
Từ khi mới bắt đầu biết thở.
Con đã ruổi rong
Vạn nẻo đời hiểm trở
Đã từng đau khắc khoải
Với trăm thương ngàn nhớ
Trên bước đường hành hương.
Con đã đi tìm Thế Tôn
Trong tận cùng hoang dã
Ngoài mênh mông biển lạ
Trên tuyệt mù cao sơn
Con đã từng nằm chết quạnh hiu
Trên cánh sa mạc già
Con đã từng cố dấu lại vào tim
Những dòng lệ đá
Con đã từng mơ uống những giọt sương
Lấp lánh hành tinh xa.
Con đã từng ghi dấu chân
Trên non Bồng diễm ảo
Con đã từng cất tiếng kêu gào
Dưới ngục A-tỳ mòn mỏi hư hao
Bởi vì con đói lạnh
Bởi vì con khát khao
Bởi vì con muốn tìm được cho ra
Bóng hình ai muôn đời tuyệt hảo
Đó là chuyện ao ước đi tìm người mình thương. Chúng ta mỗi người đều đang đi tìm hết, nhưng nhiều khi chúng ta không biết mà thôi. Khi chúng ta biết được đích xác chúng ta đang đi tìm gì, thì tự nhiên chúng ta sẽ dừng lại chuyện đi vòng quanh.
Con biết nằm trong trái tim con
Là niềm tin diệu kỳ
Thâm sâu và uyên áo
Là Thế Tôn có mặt đó
Dù con chưa biết đích xác Thế Tôn đâu
Con linh cảm rằng từ muôn kiếp xa xưa
Thế Tôn với con đã từng là một
Rằng khoảng cách giữa hai ta
Không thể dài hơn quá một nhịp tâm đầu.
Chiều hôm qua bước đi một mình
Con thấy lá Thu rơi đầy lối cũ
Và vầng trăng treo trước ngõ
Đã xuất hiện bất thần
Như bóng hình người cũ
Rồi tinh đẩu xôn xao báo tin
Là Thế Tôn đã có mặt nơi này.
Suốt đêm qua trời giáng mưa cam lộ
Chớp lòe qua cửa sổ
Trời lên cơn bão tố
Đất trời như giận dữ
Nhưng cuối cùng trong con
Mưa cũng tạnh, mây cũng tan
Nhìn qua cửa sổ
Con thấy vầng trăng khuya đã hiện
Và đất trời đã thực sự bình an
Tự soi mình trong gương nguyệt
Con thấy con
Và con bỗng thấy Thế Tôn.
Thế Tôn đang mỉm cười
Ô hay!
Vầng trăng thảnh thơi vừa trả lại cho con
Tất cả những gì con ngỡ rằng đã mất
Từ khoảnh khắc ấy
Từng phút giây miên mật
Con thấy không có gì đã qua
Không có gì cần hồi phục
Bông hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng nhìn con, nhận mặt
Nhìn đâu con cũng thấy nụ cười Thế Tôn
Nụ cười của không sinh, không diệt
Mà con đã nhận được từ gương Nga.
Con đã nhìn thấy Thế Tôn
Thế Tôn ngồi đó
Vững như núi Tu Di
Bình an như hơi thở
Thế Tôn ngồi đó
Như chưa bao giờ từng vắng mặt
Như chưa bao giờ trên thế gian
Đã từng có cơn bão lửa
Thế Tôn ngồi đó
Yên lặng và thảnh thơi.
Con đã tìm ra Thế Tôn
Con đã tìm ra con
Nước mắt con không cầm nổi
Con ngồi đó
Im lặng trời xanh cao
Núi tuyết in nền trời
Và nắng reo phơi phới.
Thế Tôn là tình yêu đầu
Thế Tôn là tình yêu tinh khôi
Nghĩa là không bao giờ
Sẽ cần tình yêu cuối
Người là dòng sông tâm linh
Tuy đã từng chảy qua
Hàng triệu kiếp luân hồi
Nhưng luôn luôn còn mới.
Con đã đi tìm Thế Tôn
Từ hồi còn ấu thơ
Con đã nghe tiếng gọi của Thế Tôn
Từ khi mới bắt đầu biết thở
Thế Tôn là Bình An
Thế Tôn là Vững Chãi
Thế Tôn là Thảnh Thơi
Người là Bụt Như Lai.
Con nguyện một lòng nuôi dưỡng
Chất liệu thảnh thơi
Chất liệu vững chãi
Và truyền đạt tới mọi loài
Hôm nay và ngày mai.
Bài thơ đó cũng là một chuyện tình, mình đi tìm người thương của mình, tìm cái gì mà mình cho là đối tượng đẹp nhất của mình. Cuộc đời là để thực hiện tình yêu đó. Khi biết được mình đang đi tìm gì thì mình tự khắc chấm dứt được sự đi vòng quanh. Và khi chấm dứt được sự đi vòng quanh thì an lạc, thảnh thơi, và hạnh phúc bắt đầu có mặt trong mình.
Giả dụ chúng ta được một hãng thông tấn báo tin rằng đức Thế Tôn hiện bây giờ đang có mặt tại tu viện Trúc Lâm, và ai muốn được đi thiền hành với đức Thế Tôn từ tu viện đó về núi Thứu, thì có thể ghi tên.
Chúng ta có thể tưởng tượng rằng nghe vậy thì có biết bao nhiêu người mong được du lịch qua Ấn Độ! Vì nếu mình được đi thiền hành với đức Thế Tôn từ tu viện Trúc Lâm đến chân núi Linh Thứu, rồi cùng với đức Thế Tôn leo lên núi Linh Thứu thì hạnh phúc sẽ lớn biết bao nhiêu! Cho nên biết bao nhiêu người sẽ ghi tên và các hãng du lịch sẽ có cơ hội làm giàu, Có lẽ những người ở Paris hay Bordeaux sẽ không có cơ hội để giữ một chỗ trên máy bay, vì có quá nhiều người ghi tên! Nhất là những người có thế, có thần, tuy đến trễ nhưng họ vẫn kiếm được một chỗ trên máy bay.
Được đi thiền hành với đức Thế Tôn ai mà lại không ưa, ai mà không mong đợi?
Giữ được chỗ trên máy bay rồi thì điều thứ hai mình muốn là đi mua một máy chụp hình, một máy quay video. Qua bên đó thế nào mình cũng nhờ người quay cảnh mình đang đi bên cạnh đức Thế Tôn, hay ít nhất cũng chụp một tấm hình của mình đứng cạnh đức Thế Tôn.
Nhưng họ lại rất lo lắng, vì có hàng trăm ngàn người, không biết mình có chen lọt chân vào đó được không! Đọc trong kinh thì thấy chung quanh đức Thế Tôn có biết bao nhiêu chư thiên và các thầy lớn, làm sao mình chen chân vào được! Thành ra bây giờ tuy đã có vé máy bay, nhưng cũng không chắc ăn mấy!
Cho nên có biết bao nhiêu người cuống cuồng lên, không biết làm thế nào để có thể sang bên đó, để chụp được một tấm hình, về đưa cho bạn bè, thân thuộc coi: Thấy không! Tôi đã đi sang núi Thứu, tôi đã được đi bên cạnh đức Thế Tôn! Đây là tấm hình chứng minh. Và đó là cái ước mơ lớn nhất của họ. Còn chuyện bước từng bước vững chãi, thảnh thơi, an lạc là chuyện thứ yếu!
Đó là vấn đề của tất cả chúng ta. Chúng ta chỉ muốn những cái nho nhỏ như vậy thôi. Chúng ta nghĩ rằng núi Thứu nó phải nằm ở bên đó, và đức Thế Tôn xuất hiện cũng chỉ xuất hiện bên đó! Những người có suy nghĩ sâu sắc hơn thì họ đặt ra hàng trăm câu hỏi khác, ví dụ như: Người ta quảng cáo như vậy mà có phải đức Thế Tôn thật hay không? Hay là một Thế Tôn giả hiệu để làm tiền mình! Rắc rối như vậy đó!
Cho nên chắc ăn hơn hết là mình đừng mơ tưởng đi qua bên đó. Mình cứ đi thiền hành ngay ở Xóm Mới, mình cứ đi thiền hành ngay ở Xóm Thượng. Tại vì những con đường ở Xóm Thượng, ở Xóm Mới cũng đẹp không thua gì những con đường ở chân núi Linh Thứu. Nó có thể còn đẹp hơn những con đường ở tu viện Trúc Lâm. Mình biết Bụt không phải là một hình ảnh, một ý niệm. Ở Làng Mai mình biết Bụt là một chất liệu làm nên bằng sự vững chãi, sự thảnh thơi. Đó là chất liệu chánh niệm, mà trong ta ai cũng có.
Sự thật thì nếu ta muốn nắm tay Bụt mà đi thiền hành, thì ta có thể nắm tay Bụt để đi thiền hành liền lập tức trong bất cứ giờ phút nào.
Đi chơi trong bản môn,
Tay ta nắm tay Người.
Ngàn xưa và ngàn sau,
Cùng về chung một mối.
Tại sao lại phải chen chân để giữ được một chỗ ở trên máy bay rồi để có bao nhiêu sự lo lắng khác tràn tới? Tại sao sau buổi pháp thoại sáng nay, mình không nắm tay nhau đi thiền hành như là mình đang đi trên núi Linh Thứu với Bụt? Bụt đây không phải là ý niệm, Bụt đây không phải là một cái tướng. Bụt đây là chất liệu của chánh niệm mà trong ta ai cũng có.
Đi chơi trong bản môn,
Xin đi bằng hai chân,
Xin đừng đi bằng đầu,
Đi bằng đầu sẽ lạc.
Tại khi mình đi bằng đầu thì mình suy nghĩ chỗ này chỗ khác, tư tưởng sẽ đưa mình đi khắp nẻo, trừ ra nẻo thiền hành! Cho nên bài kệ của mình là:
Ý về muôn vạn nẻo,
Thiền lộ tâm an nhiên.
Nhờ vậy cho nên:
Từng bước gió mát dậy,
Từng bước nở hoa sen.
Đi chơi trong bản môn phải đi bằng hai chân, chân phải chấm đất, phải tiếp xúc được với cái mầu nhiệm của sự sống, đừng đi bằng sự suy tư của mình. Tại vì đi bằng suy tư thì sẽ bị ma dẫn đi.
Cái phép lạ đi với Bụt, nắm tay Bụt, và tạo ra sự an lạc hạnh phúc trong giây phút hiện tại, là chuyện mà tất cả chúng ta đều có thể làm được, dù đã 70 tuổi hay mới có 16, chúng ta đều có thể làm được. Tại sao phải chờ đợi? Đi thiền hành là một pháp môn hết sức mầu nhiệm, đừng chần chờ, hãy thực tập ngay đi!
Thiền lạy ở Làng Mai cũng là một pháp môn rất đặc biệt. Nó là đặc sản của Làng Mai. Làng Mai có một số đặc sản trong đó có thiền đi, thiền lạy. Thiền lạy cũng rất quan trọng. Nếu có quá nhiều khổ đau trong lòng thì chúng ta phải để thì giờ để thực tập hai pháp môn này.
Chúng ta đã tạo ra những lầm lỡ trong quá khứ, những lầm lỡ đó đã gây đau khổ cho những người ta thương, và nó cũng gây đau khổ ngay trong trái tim của chúng ta. Chúng ta không thể nào thoát ra khỏi cái khổ đau đó nếu chúng ta không thực tập hai pháp môn thiền đi và thiền lạy.
Vì vậy hễ có được giờ nào trống, là nên vào thiền phòng để làm lễ bái sám. Lạy cho sói đầu đi, lạy cho rơi rụng đi tất cả những bụi bặm ở trong tâm của mình. Cũng như hãy thực tập thiền hành đi! Đi cho rơi rụng tất cả những phiền não, những khổ đau của mình, phải hạ thủ công phu để thực tập.
Ở Á Đông có những người thực tập nhất bộ nhất bái, hay tam bộ nhất bái, hoặc thất bộ nhất bái. Nghĩa là mình đi tới ngôi chùa đó, hay đi tới một danh lam, một thánh địa nào đó như núi Ngũ Đài Sơn, hay về núi Phổ Đà, thì trên đường đi, khi bước một bước là mình lạy xuống một lạy. Trán của mình phải chấm đất, và mỗi lần trán mình chấm bụi, tay chân mình mọp xuống, năm vóc sát đất thì mình buông bỏ tất cả những đau khổ, những giận hờn, những tội lỗi của mình. Vì vậy cho nên sự thực tập một bước một lạy, hay ba bước một lạy, không phải là sự thực tập mê tín. Đó không phải là chuyện bòn công đức để nhờ Bụt chứng giám, Bụt thấy rằng mình cực khổ như vậy nên Bụt ban cho mình một chút hạnh phúc! Không phải như vậy,
Nhìn bên ngoài thì tưởng những người thực tập ba bước một lạy là để chứng minh rằng con là người rất hiếu đạo. Nhưng thật ra sự thực tập tam bộ nhất bái nó có thể rất thâm sâu. Mỗi khi đi một bước hay ba bước mà lạy xuống một lạy là mình làm cho rơi rụng những nghiệp chướng của mình. Những nghiệp chướng có thể từ cha ông truyền lại lâu đời, và khi mình tới được ngôi chùa đó, thì mình đã trở thành một con người mới, chứ không phải là do sự ban ơn của Bụt mà mình được chuyển hóa. Đó là do sự thực tập mà có chuyển hóa.
Vì vậy cho nên ai là người quyết tâm thực tập, ai là người quyết tâm chuyển hóa thì đừng sống khơi khơi. Chúng ta có cơ hội, chúng ta phải sử dụng thì giờ của chúng ta để thực tập bái sám thì chúng ta mới hy vọng sinh trở lại một con người mới.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]